Huyết áp cao

Cao huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất hiện nay.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010.12.23
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
043_dpa_8433618-305.jpg Ảnh minh họa đo huyết áp
AFP/Klaus Rose

Chứng bệnh này thường diễn biến rất âm thầm, nên ít khi được phát hiện sớm. Phần lớn, bệnh được phát hiện khi đã có một hay nhiều biến chứng. Do vậy huyết áp cao còn được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng.”  

Dịp này, Bác sĩ Trần Văn Sáng sẽ trở lại với chúng ta để giải thích về các triệu chứng và một số vấn đề liên quan đến tình trạng huyết áp cao.  

Khái niệm huyết áp

Vậy huyết áp là gì? Đó chính là áp lực máu ở trong lòng động mạch. Huyết áp được tạo ra bởi lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Khi tim co bóp, máu sẽ được bơm ra ngoài và ép vào thành động mạch làm mạch máu căng lên. Số đo huyết áp ở thời điểm này gọi là huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa. Sau khi co bóp tim sẽ giãn ra và thành động mạch sẽ co lại về trạng thái ban đầu. Số đo huyết áp tại thời điểm này gọi là huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu. Huyết áp bình thường đo ở cánh tay là nhỏ hơn hoặc bằng 120/80mmHg.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay, tăng huyết áp được xem là một trong 10 bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ nhân loại có thể làm giảm thọ từ 10 đến 20 tuổi. Thực tế cũng đã cho thấy hậu quả của việc điều trị không đúng bệnh cao huyết áp sẽ dẫn đến tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột có thể đưa đến các biến chứng nguy hiểm tính mạng hoặc không thể hồi phục trở lại bình thường.

Tuy nhiên, trong thực tế việc điều trị tốt bệnh cao huyết áp để tránh các tai biến nguy hiểm này là điều không dễ dàng thực hiện được. Tại nhiều nước trên thế giới tỷ lệ kiểm soát được bệnh cao huyết áp vẫn ở một mức tương đối, ví dụ như bệnh nhân tăng huyết áp được kiểm soát tốt huyết áp dưới mức 140/90mmHg tại Mỹ, Pháp là 24%, Canada là 16%, Anh quốc là 6% và tại nhiều nước đang phát triển con số này cũng chỉ khoảng từ 1 đến 2%.

Trong khi đó số người mắc chứng huyết áp cao tăng lên. Ở Mỹ trong tổng số hơn 280 triệu dân thì có hơn 60 triệu người mắc chứng bệnh này. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, thống kê của ngành Y tế cho thấy tỉ lệ người bị cao huyết áp không ngừng tăng, nhất là tại các thành phố và đô thị lớn. Các bệnh lý như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, và suy tim, chiếm tỉ lệ cao nhất về bệnh suất và tử suất của các bệnh tim mạch. Và huyết áp cao là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Chứng huyết áp cao là một loại bệnh do tăng áp suất trong mạch máu, mà thường là do mạch máu bị cứng hay do độ đàn hồi bị suy giảm.

BS Trần Văn Sáng

Bác sĩ Trần Văn Sáng ở tiểu bang Virginia, Hoa kỳ cho biết một số biểu hiện của chứng huyết áp cao như sau:

“Chứng huyết áp cao là một loại bệnh do tăng áp suất trong mạch máu, mà thường là do mạch máu bị cứng hay do độ đàn hồi bị suy giảm. Nói về triệu chứng thì ở giai đoạn đầu tiên, phần lớn ở các trường hợp cao huyết áp, gần như những người bị cao huyết áp không thấy triệu chứng gì trong giai đoạn đầu tiên.
Khi họ bắt đầu nhận thấy triệu chứng thì những triệu chứng thường xuyên nhất là những cơn nhức đầu vào buổi sáng. Rồi mới tới những giai đoạn giống như chóng mặt, hay cảm thấy đầu lâng lâng, phừng phừng. Họ cảm thấy như nặng đầu.

Còn đến những giai đoạn sau – giai đoạn huyết áp lên nhiều và cao thì người bệnh sẽ nhức đầu ói mữa, và có những trường hợp bị khó thở. Lúc bấy giờ thì huyết áp đã ảnh hưởng lên tim rồi.”

Theo các chuyên gia Y tế, tình trạng huyết áp cao xảy ra khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Huyết áp có đặc điểm là thay đổi theo thời gian, trạng thái tâm sinh lý và nhiều yếu tố khác.

Biến chứng

Đề cập đến các biến chứng của huyết áp cao Bác sĩ Sáng giải thích:

000_Mvd1424018-250.jpg
Bác sĩ đang đo huyết áp cho bệnh nhân ở Havana hôm 20/12/2010. AFP
Bác sĩ đang đo huyết áp cho bệnh nhân ở Havana hôm 20/12/2010. AFP
“Thực sự những biến chứng của huyết áp cao là ngấm ngầm, nhưng diễn tiến từ nhiều năm để đưa tới những biến chứng hết sức quan trọng ảnh hưởng tới đời sống.

Thứ nhất là vấn đề tai biến mạch máu não; một khi mạch máu đã già, và với những áp suất cao thì nó dễ bị vỡ ra, nhất là đối với những mạch máu rất nhỏ như sợi tóc, thì gây ra tai biến mạch máu não có thể là do nghẹt, hay do bị xuất huyết trong não thì gây ra những chứng bệnh như: nói không được, bị liệt nữa người, hay đôi khi bị hôn mê, nếu chảy máu nhiều.

Biến chứng thứ hai cũng rất quan trọng, mà người ta không để ý là, huyết áp cao sẽ ảnh hưởng đến sức bóp của trái tim. Và lâu ngày tim phải bóp trong tình trạng áp suất cao thì tim sẽ làm việc yếu đi, và đưa đến tình trạng suy tim. Lúc bấy giờ người bệnh lúc nào cũng thấy khó thở, nằm ngủ phải kê gối cho đầu cao lên, hay bị khó thở về đêm. Thì đó là những triệu chứng của tai biến do biến chứng.

Một biến chứng khác cũng rất nguy hiểm là tình trạng suy thận, vì khi áp suất cao đến những mạch máu ở thận thì nó cũng làm thay đổi áp suất trong các mạch máu nhỏ ở thận. Dần dà sẽ đưa đến tình trạng suy thận do cao huyết áp. Suy thận có nhiều nguyên nhân như: tiểu đường, cao huyết áp và có những loại bệnh khác cũng đưa đến suy thận. Nhưng huyết áp là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến vấn đề suy thận kinh niên, có khi đưa đến trường hợp phải lọc máu thận (kidney dialysis).

Những biến chứng của huyết áp cao là ngấm ngầm, nhưng diễn tiến từ nhiều năm để đưa tới những biến chứng hết sức quan trọng ảnh hưởng tới đời sống.

BS Trần Văn Sáng

Cuối cùng, có một biến chứng mà tôi nghĩ mọi người nên biết để có thể đi khám bệnh sớm, đó là khi huyết áp tăng lên thì bệnh nhân sẽ bị cơn khủng hoảng về tăng huyết áp, tức là khi huyết áp tăng lên quá 200 thì người bệnh sẽ bị một cảm giác rất khó chịu, nhức đầu, ói mửa. Trong trường hợp đó, nếu có điều kiện phải đo huyết áp ngay, và nên đưa người bệnh vào bệnh viện để có thể làm hạ huyết áp tạm thời để tránh những tai biến rất trầm trọng ở não hay tim.

Nói chung có 4 biến chứng chính là, những tai biến mạch máu não, đưa đến suy tim, suy thận, và những biến chứng quan trọng là những cơn tăng huyết áp đột ngột gọi là crisis về mạch máu.”              

Chữa trị

Đối với việc chữa trị và phòng tránh bệnh cao huyết áp, Bác sĩ chuyên về Nội khoa và gia đình này cho biết:

“Hiện nay chúng ta có nhiều loại thuốc để chữa trị cao huyết áp. Đây là một điều rất đáng mừng, nhất là đối với những người lớn tuổi bị chứng cao huyết áp. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải kiêng bớt mặn. Thứ hai là tập thể dục thường xuyên, đi bộ, hoạt động, ăn nhiều rau cải trái cây. Những thống kê cho thấy, nếu chúng ta làm như vậy thì huyết áp có thể giảm xuống được khoảng 10 đơn vị.

Đó là cách mà chúng ta đối phó, còn nếu thể dục và kiêng ăn mà không được thì bắt buộc phải sử dụng thuốc. Hiện nay thuốc có rất nhiều loại thuốc tác động trên các mạch máu, thuốc tác động trên thận, thuốc tác động trên hệ thống thần kinh trung ương để làm giảm huyết áp.

Thực sự thuốc hiện nay rất tốt và rất hữu hiệu để kiểm soát chứng cao huyết áp, miễn là người bệnh phải uống thuốc thường xuyên, đừng bỏ thuốc thình lình và sử dụng đúng theo lời khuyên của các bác sĩ. Đó là những điều mà những người bị bệnh cao huyết áp nên tuân theo.”         

Vưà qua Đài Á Châu Tự do có nhận đuợc email cuả một vị thính  giả với  thắc mắc là có phải do bị cao huyết áp mà móng tay và móng chân của vị này không được trắng mà ngã màu vàng, đen hay không.

000_Hkg3569332-250.jpg
Người già tập thể dục trong một công viên ở Trung Quốc hôm 13/5/2010. AFP
Người già tập thể dục trong một công viên ở Trung Quốc hôm 13/5/2010. AFP
Chúng tôi nêu thắc mắc này ra với Bác sĩ Trần Văn Sáng, và được ông giải thích:

"Thực sự thì Bác sĩ không biết có những bệnh cao huyết áp nào làm thay đổi màu của ngón tay, ngón chân. Nhưng sự thay đổi màu của móng tay, móng chân thường có nhiều nguyên nhân.

Có thể tóm tắt như sau: đó là những trường hợp bị viêm dưới móng do tình trạng nhiễm trùng, kể cả đối với móng tay, móng chân. Sau một thời gian chỗ bị nhiễm trùng sẽ thành sẹo và sẽ đổi màu, thành ra móng tay móng chân sẽ có màu khác, hơi vàng hay hơi đen.

Trường hợp thứ hai là bị nấm ăn móng tay, móng chân, thì trong trường hợp này người bệnh thường hay bị tiểu đường hay mắc những bệnh khác, và bị nấm phát sinh và sinh sôi nẩy nở ở dưới móng và ăn vào trong móng, thường làm móng của người bệnh có đủ màu và rất xấu và bề mặt lồi lõm, có thể có màu hơi đen, hơi xậm, hay ngã màu vàng.

Trường hợp thứ ba, ở những người bị cao huyết áp mà móng tay, móng chân bị đổi màu là do họ sử dụng các loại thuốc khác nhau. Những loại thuốc có thể làm cho màu của móng tay móng chân thay đổi. Thứ nhất là Tetracycline, loại thuốc này có thể làm thay đổi màu của móng tay, móng chân, và màu của cả răng nữa, sẽ có màu hơi vàng. Thứ hai là các loại thuốc trụ sinh khác ... nếu sử dụng thường xuyên cũng có thể làm thay đổi màu của móng tay, móng chân, kể cả những loại thuốc động kinh cũng vậy.

Thực sự thuốc hiện nay rất tốt và rất hữu hiệu để kiểm soát chứng cao huyết áp, miễn là người bệnh phải uống thuốc thường xuyên, đừng bỏ thuốc thình lình và sử dụng đúng theo lời khuyên của các bác sĩ.

BS Trần Văn Sáng

Một trong những loại thuốc về cao máu có thể làm thay đổi màu ở móng tay, móng chân đó là Captopril, thuốc này được sử dụng lâu đời gần mười lăm, mười sáu năm nay, rất có hiệu quả nhưng dùng thuốc lâu ngày cũng có thể làm thay đổi màu. Và phần lớn các thuốc chữa về ung thư (chemotherapy)  khi sử dụng sẽ làm móng tay thay đổi màu, và phần lớn là đổi thành màu đen. Thành ra những người móng tay có những lằn sậm đen là do sử dụng các loại thuốc như vậy.

Và một lời khuyên là những người có triệu chứng về móng tay, móng chân đổi màu cũng nên tham khảo các bác sĩ chuyên khoa, như thầy thuốc về da để tìm hiểu nguyên nhân như thế nào để có hướng chữa trị đúng đắn. Nếu bị nấm thì phải chữa bằng các loại thuốc chống nấm, còn nếu đang uống các loại thuốc thì phải ngưng sử dụng các loại thuốc có thể làm thay đổi màu của móng tay, móng chân.” 

Quỳnh Như hy vọng trình bày vừa rồi cuả Bác sĩ Trần Văn Sáng giải đáp được phần nào thắc mắc cuả vị thính giả đã email câu hỏi đến Đài về vấn đề vừa nêu.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.