Ngày thế giới phòng chống bệnh sốt rét 2011
2011.05.02
Người ta ước tính hàng năm bệnh sốt rét có thể lây truyền cho khoảng 500 triệu người và cướp đi hơn một triệu nhân mạng ở khắp nơi. Bệnh sốt rét là gánh nặng cho các quốc gia thuộc Tiểu vùng Sahara ở Châu Phi, nhưng căn bệnh này cũng hoành hành ở một số nước Châu Á, Châu Mỹ La tinh, khu vực Trung Đông và kể cả ở một vài nơi tại Châu Âu. Bệnh Sốt rét không chỉ là vấn đề thuộc lĩnh vực y tế sức khoẻ cộng đồng, mà còn là một trở ngại cho công cuộc phát triển kinh tế ở những nước nghèo đói. Do vậy, tại cuộc họp đại hội đồng lần thứ 60 của Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng 5 năm 2007, World Health Organization đã chọn ngày 25 tháng 4 hàng năm là Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Sốt rét.
Trong chương trình Sức khoẻ và Đời sống hôm nay, Quỳnh Như mời quý vị cùng tìm hiểu về những nỗ lực và quyết tâm của các nước, các tổ chức y tế nhằm đẩy lùi căn bệnh này.
Mục tiêu Thiên niên kỷ
Bệnh sốt rét đã cướp đi sinh mạng của cả triệu người trong năm, và hầu như tất cả những cái chết này đều có thể được ngăn ngừa với những phương tiện hiện có sẵn.
Ô. Thomas R. Frieden
Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Sốt rét năm nay tập trung vào những tiến bộ đạt được trong công tác ngăn chận bệnh sốt rét và tác động tích cực do các thành tựu mang lại cho đời sống xã hội, đồng thời tăng cường những nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh. Hướng đến mục tiêu đề ra cho Thiên niên kỷ là từ nay đến trước năm 2015 sẽ không còn bệnh nhân tử vong vì bệnh sốt rét.
Nhân Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Sốt rét, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh sốt rét; các tổ chức khoa học và y tế đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; các nhà tài trợ mới sẽ cùng tham gia với các đối tác quốc tế trong những chương trình hợp tác toàn cầu. Tất cả đều tập trung nhằm đẩy mạnh việc bài trừ bệnh sốt rét trên toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban ki-moon cũng đưa ra lời kêu gọi mọi người tiếp tục nỗ lực trong việc phòng chống và chữa trị bệnh sốt rét, đồng thời tìm biện pháp để giải quyết những thách thức còn tồn tại liên quan đến vấn đề này trong mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ 2010.
Bác sĩ Richard W. Steketee, người đứng đầu nhóm nghiên cứu dịch tễ học về Bệnh Sốt rét của Tổ chức Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của Hoa kỳ (Chief of the Malaria Epidemiology Branch, CDC) cho biết về các tổ chức hợp tác quốc tế hỗ trợ cho Chương trình Phòng Chống Sốt rét trên phạm vi toàn cầu như sau:
“Năm 2007 Sáng Hội Bill and Melinda Gates đã thực hiện một bước đáng kể, đặt công tác bài trừ bệnh sốt rét ở vị trí trung tâm của chương trình hành động của Quỹ từ thiện này.
Ngoài ra, còn có các tổ chức quốc tế khác cũng mạnh mẻ ủng hộ chương trình bài trừ bệnh sốt rét trên toàn cầu. Trong đó có WHO, UNICEF, World Bank, UNDP, Chương trình Sáng kiến Phòng chống Bệnh Sốt rét của Tổng thống Hoa kỳ (US President’s Malaria Initiative, US-PMI).”
Sốt rét là một căn bệnh tồn tại từ lâu. Từ cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học Charles Alphonse Laveran, Ronald Ross, Giovanni Batista Grassi đã phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh sốt rét từ ký sinh trùng do muỗi Anophele hút máu người và truyền đi. Sau đó các nhà khoa học cũng nghiên cứu các loại thuốc để chữa trị bệnh sốt rét, nhưng căn bệnh này vẫn tiếp tục lây truyền và có nơi chúng đã trở nên đề kháng với thuốc đặc hiệu. Đặc biệt ở những nơi có khí hậu và điều kiện ưu đãi cho loài muỗi phát triển mạnh như vùng nhiệt đới. Bệnh nhân mắc bệnh sốt rét ở đủ mọi lứa tuổi.
Bà Ashley Judd là Đại sứ Toàn cầu và là thành viên Ban lãnh đạo của Tổ chức Population Services and International cho biết, năm 2009 tại các nước đang phát triển tình trạng trẻ em chết vì bị sốt rét còn tương đối cao, trung bình cứ mỗi năm phút có một bà mẹ mất con vì căn bệnh quái ác này. Tại Rwanda, bệnh sốt rét là nguyên nhân chính đưa đến tử vong, với hơn 1 triệu ca bệnh mới mỗi năm. Nhưng bà Ashley Judd cũng nhấn mạnh, sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này có thể chận đứng được thông qua sự nhận thức, và nhiệt tình hành động của tất cả mọi người.
Chống đề kháng thuốc
Cuối năm 2010, Tổ chức Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của Hoa kỳ (Centers for Disease Control and Prevention, gọi tắt là CDC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình ngăn ngừa bệnh sốt rét. Giám đốc CDC, ông Thomas R. Frieden cho hay:
Tổ chức Y tế Thế giới đã phát động một cuộc vận động bài trừ bệnh sốt rét trên toàn cầu với sách lược chính là sử dụng chất DDT diệt muỗi, và hy vọng sẽ cắt nguồn lây lan.
BS Larry Slutsker
“Bệnh sốt rét đã cướp đi sinh mạng của cả triệu người trong năm, và hầu như tất cả những cái chết này đều có thể được ngăn ngừa với những phương tiện hiện có sẵn mà cũng không đắt tiền. Để đạt được những tiến bộ trong công tác phòng chống bệnh sốt rét cần áp dụng triệt để những biện pháp hiện có để phòng chống sự lây lan của bệnh này, như: tận dụng việc sử dụng mùng chống muỗi trong nhà, xung quanh nhà thì xịt thuốc diệt muỗi. Nếu phát hiện trường hợp bệnh nhân có triệu chứng của bệnh sốt rét nên nhanh chóng đưa đi xét nghiệm và điều trị. Đồng thời nghiên cứu, tìm tòi thêm những biện pháp diệt trừ muỗi và ký sinh trùng bệnh sốt rét hữu hiệu trong tương lai, cũng như chống lại việc đề kháng với thuốc.”
Đề cập đến chiến lược bài trừ bệnh sốt rét, Bác sĩ Larry Slutsker, Trưởng Bộ phận nghiên cứu về bệnh sốt rét và ký sinh trùng của CDC (Malaria Branch Chief Division of Parasitic Diseases and Malaria, CDC) phân tích:
“Năm 1955, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát động một cuộc vận động bài trừ bệnh sốt rét trên toàn cầu với sách lược chính là sử dụng chất DDT diệt muỗi, và hy vọng sẽ cắt nguồn lây lan. Ngoài ra còn những hoạt động khác như cung cấp thuốc chống sốt rét cho bệnh nhân hay phát hiện những nơi chứa nước quanh nhà có thể là chỗ cho muỗi sinh sản."
Ông Slutsker nói thêm:
Đối với bệnh sốt rét, trong gần 10 năm nay tình hình đã giảm đi rất nhiều, giảm 90% so với 10, 15 năm trước.
BS Trần Tịnh Hiền
“Mặc dù sau đó cuộc vận động bài trừ bệnh sốt rét lần đầu tiên trên toàn cầu này không hoàn toàn thành công, nhưng nó cũng mang lại một số kết quả khả quan 37 nước trong tổng số 143 quốc gia trên thế giới từng có dịch sốt rét hoành hành trong những năm 1950 đến năm 1978 không còn dịch sốt rét, và tại nhiều nước thì tỉ lệ tử vong của bệnh sốt rét có giảm.
Tại Hoa kỳ, những biện pháp phòng chống bệnh sốt rét đã được xây dựng từ đầu những năm 1940, thông qua chương trình kiểm soát sốt rét, và đến năm 1951 bệnh sốt rét xem như đã được loại trừ khỏi cộng đồng. Hiện nay, các chương trình hợp tác phòng chống bệnh sốt rét trên toàn cầu đã được thành lập, và có nguồn ngân sách chi tiêu cho công tác này. Đồng thời lãnh đạo của nhiều quốc gia cũng đặt ưu tiên và cam kết đẩy mạnh chương trình phòng chống bệnh sốt rét tại nước họ.”
Đề cập đến công tác phòng chống sự lây nhiễm bệnh sốt rét, không thể không nhắc đến vấn đề kháng với thuốc Artemisinin. Artemisinin là dược phẩm có tác dụng phòng chống ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Tuy nhiên, các nghiên cứu một vài năm gần đây cho thấy có hiện tượng kháng thuốc Artemisinin ở khu vực biên giới Thái Lan và Cambodia.
Chống sốt rét tại VN
Về tình hình bệnh sốt rét ở Việt Nam, Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Đối với bệnh sốt rét, trong gần 10 năm nay tình hình đã giảm đi rất nhiều, giảm 90% so với 10, 15 năm trước. Hiện nay ở Việt Nam sử dụng hai kỹ thuật mới để phòng chống bệnh sốt rét. Thứ nhất là thuốc, thuốc sốt rét thì hiện nay đang sử dụng artemisinin, tức là một dẫn chất được trích từ cây Artemisia annua, tức là một loại thảo dược được phát hiện bên Trung Quốc cách đây khoảng ba chục năm. Hiện nay Việt nam sản xuất và sử dụng loại thuốc đó trong sự phối hợp thuốc, gồm hai loại thuốc là artemisinin với một loại thuốc nửa. Thứ hai, áp dụng các biện pháp phòng tránh bằng mùng (màn) tẩm thuốc diệt trừ muỗi. Đó là hai biện pháp chính áp dụng trong thời gian qua của Chương trình Phòng Chống Sốt rét.”
Đối với trường hợp kháng thuốc Artemisinin Bác sĩ Trần Tịnh Hiền nêu ý kiến:
“Chúng tôi cũng được thông tin từ vùng Pailin ở Cambodia có một hiện tượng ký sinh trùng bắt đầu giảm nhạy cảm đối với thuốc Artemisinin. Tổ chức Y tế thế giới cũng tổ chức một số buổi họp để bàn về những biện pháp để bao vây và đối phó với tình hình này. Trong khi đó ở Việt Nam thì hiện nay vẫn trong giai đoạn theo dõi bởi vì số lượng bệnh nhân không nhiều, chỉ khu trú ở một vài tỉnh, một vài vùng gần với biên giới Cambodia mà thôi. Thậm chí chúng tôi, cũng như Chương trình phòng chống quốc gia còn đang theo dõi, hiện nay thì chưa có xác nhận là có trường hợp nào kháng artemisinin ở tại Việt Nam.”
Giảm thiểu đến mức tối đa, và tiến tới việc xoá bỏ căn bệnh do loài muỗi truyền đi này là một trong những chìa khóa đưa đến những thành quả của Mục tiêu Phát Triển Thiên niên kỷ đã đề ra để tăng cường sức khoẻ cộng đồng và phát triển con người. Vấn đề không chỉ là việc đẩy lùi bệnh tật, mà còn hướng đến việc chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em được phát triển. Đồng thời sẽ giúp cho các nước xoá đói giảm nghèo vì giảm được gánh nặng phát sinh do các chi phí y tế.
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị đã theo dõi. Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.