Tác phẩm "Chuyện kể dưới ngọn đèn đường" của Trang Hạ
2010.07.19
Ngay lập tức tiểu thuyết này đã tạo nên một hiện tượng hiếm thấy trong cộng đồng cư dân mạng: hơn một triệu người truy cập trang blog Trang Hạ trong vòng vài tháng.
Hiện tượng này xảy ra vào lúc nền thi ca Việt Nam gần như khủng hoảng vì khá lâu, ít ra là gần ba mươi năm, văn học Việt không có tác phẩm nào dành cho giới trẻ, nhất là những tác phẩm đối diện với những vấn đề thiết thân của cuộc sống đương đại.
Lúc dịch tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” Trang Hạ có cơ hội làm việc và học cao học tại Đài Loan. Nhà văn theo dõi tình trạng phụ nữ Việt Nam lấy chồng và sang Đài Loan sinh sống, trong đó nhiều mảnh đời bi đát, tan vỡ đã giục Trang Hạ hoàn thành một tác phẩm do chính mình viết từ những bối cảnh trong cuộc sống thật.
Là tác phẩm đầu tay
Tác phẩm “Chuyện kể dưới ngọn đèn đường” là tác phẩm
đầu tay của nhà văn Trang Hạ. Sách dày 181 trang, được chia thành 11 phần chính
và hai phần phụ lục. Phần phụ lục thứ nhất ghi lại hoàn cảnh mà Trang Hạ ghi nhận
là những nhân vật có thật hiện nay. Phần phụ lục thứ hai in 26 tấm ảnh của nhiếp
ảnh gia Lưu Càn Kỳ của Đài Loan, chụp từ bên trong khung cửa tiếp nhận hồ sơ của
các đôi vợ Việt - chồng Đài tới làm thủ tục kết hôn tại Văn phòng Đài Bắc tại
TPHCM. Phần hai của bộ ảnh chụp tại điểm môi giới cô dâu tư nhân tại TPHCM.
Tiểu thuyết “Chuyện kể dưới ánh đèn đường” là tác phẩm đầu tay của tôi. Nó không phải là tiểu thuyết hư cấu thông thường nhưng là dạng phi hư cấu, tức là nó gần với đời sống nhất.
Nhà văn Trang Hạ
Trang Hạ cho biết về sự ra đời của tác phẩm như sau:
Tiểu thuyết “Chuyện kể dưới ánh đèn đường” là tác phẩm đầu tay của tôi. Nó không phải là tiểu thuyết hư cấu thông thường nhưng là dạng phi hư cấu, tức là nó gần với đời sống nhất. Thật ra nó bắt nguồn từ những bài báo tôi viết trong quá trình thực tế tại Đài Loan từ 2003 tới 2008. Tôi viết vào cuối năm 2007 và sau một năm rưỡi thỉ hoàn thành với 56 phần. Tiểu thuyết “Chuyện kể dưới ánh đèn đường” đã được nhà xuất bản Văn Học cấp giấy phép và xuất bản vào tháng 3 năm nay.
Những nhân vật trong tác phẩm được Trang Hạ xem là phi hư cấu này là những con người bằng xương bằng thịt trứơc mặt nhà văn. Họ kể lại cuộc đời mình như những bản dạo khúc buồn thảm đầy nước mắt. Trang Hạ nhặt nhạnh từng mảng đời, từng số phận để ghép lại bức tranh toàn cảnh của một xứ sở mà các cô gái tội nghiệp từng lầm lẫn gọi là thiên đường.
Thực sự đó là những nhân vật có thật mà Trang Hạ đã gặp tại Đài Loan, thậm chí có một người Trang Hạ chưa được gặp mặt mà họ chỉ giao tiếp qua điện thoại qua thư từ họăc qua những truyền đạt gián tiếp khác mà Trang Hạ đã ghi rõ trong tác phẩm. Bởi vì mỗi câu chuyện thật này nó đều ẩn chứa một câu chuyện hiện đại. Nó là sự dằng co giữa hôn nhân và gia đình. Những mong muốn của cá nhân và nhu cầu xã hội.
Nhiều khi bi kịch xảy ra không ở một cá nhân nào cả nó chỉ tại anh nghèo hay tại anh xa xứ. Nó là tâm thế của một con người khi anh ra ngoài xã hội, hoặc ra ngoài thế giới mà anh buộc phải chấp nhận mọi chuyện xảy ra trong đời sống. Tôi nghĩ là không có một bi kịch hay thách thức nào lớn bằng thách thức, bi kịch của người di dân. Nếu anh nhìn góc độ di dân người châu Phi khi người ta sang châu Mỹ hoặc châu Âu thì họ thường di dân trong một gia đình, nhưng người di dân Việt Nam thì đi một mình đơn độc bằng cách kết hôn chẳng hạn.
Trang Hạ cho rằng số phận của những cô dâu Đài Loan ở đâu cũng có. Họ là kết quả của những cuộc di dân đơn độc. Họ như những con chim dễ bị bắn rơi trong các xã hội xa lạ. Số phận của họ trong tiểu thuyết và ngoài đời không khác gì nhiều. Bảy cô gái trong tác phẩm của Trang Hạ định hình gần như tất cả nhân vật trong những bi kịch lấy chồng ngoại quốc.
Thân phận dâu Việt là nhược điểm lớn nhất khi đi xin việc tại đây. Ông chủ không sợ dân Việt, mà sợ ông chồng Đài. Tôi cũng thế, tôi không sợ chủ bằng sợ chồng.
Nhà văn Trang Hạ
Tiểu thuyết “Chuyện kể dưới ánh đèn đường” nói về số phận của 7 cô dâu Việt Nam sang Đài Loan tìm kiếm hạnh phúc và họ đã gặp hạnh phúc mong muốn nhưng cũng gặp lắm bi kịch mà họ không mong chờ. Nó phản ảnh cái tâm thế của người phụ nữ Việt Nam hoặc là cách ứng xử hoặc là cách tiếp nhận của người phụ nữ Việt Nam trước đời sống mới, hơn là vấn đề bản sắc địa lý hoặc là bản sắc vùng miền.
Vì thế nên có thể nhìn thấy được bóng dáng của những cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài, những quốc tịch khác như Mỹ, như Hàn quốc, Trung Quốc trong tiểu thuyết “Chuyện kể dưới ngọn đèn đường”. Nó không nói riêng cuộc sống của những người phụ nữ tại Đài Loan.
Thân phận những cô dâu Việt
Ngay từ phần đầu, Trang Hạ hóa thân thành nhân vật kể lại hoàn cảnh của một cô gái, mà hình ảnh của cô phản chiếu một cách trung thực hầu hết những cô dâu người Việt trên đất Đài:
Ở Việt Nam tôi chỉ biết học, sang Đài Loan tôi tập làm người vợ, Thán tận tình chỉ dạy cho tôi mọi điều, từ bếp núc tới chợ búa, thu dọn nhà cửa. Việt Nam là một xã hội đàn bà xoay quay cuồng quanh đàn ông, lúc nào cũng sợ mình chạy không kịp với đòi hỏi của nam giới. Cả đời tôi mới lần đầu tiên nhìn thấy có một người đàn ông như Thán lau nhà, đổ rác, đi chợ, nấu cơm, ủi đồ. Ở Đài Loan tôi mới thấy đàn ông đi mua băng vệ sinh cho đàn bà. Nhưng Thán lại không thích đi mua băng vệ sinh cho tôi, không phải vì ngại, mà bởi ông luôn giục, có bầu đi, có bầu đi em.
Ngay cách nhận xét ngôn ngữ và vùng miền tuy cùng một hoàn cảnh xa quê cũng khác, nó đẩy người xa xứ xa nhau hơn thay vì phải xích lại bên nhau tìm sự che chở của đồng hương, Trang Hạ viết:
Những buổi chợ đêm làm tôi nhớ nhà da diết. Ở đó tôi gặp nhiều đồng hương, đứng nấp sau những quầy hàng lúc lỉu đồ ăn khô, những bình trà lớn bằng thép ứa ra lớp mồ hôi đá lạnh buốt. Cô dâu Việt Nam quanh khu chung cư Quế Viên tôi chỉ gặp mặt khi đi đổ rác. Bốn giờ chiều xe rác chạy qua, những người đi đổ rác nếu nói giọng Nam chắc chắn là cô dâu Việt, nói giọng bắc là ô sin.
Không phải giọng nói ngăn cách chúng tôi, mà là thân phận đã làm chúng tôi ngại ngần. Họ thường tụm lại nói xấu chủ. Chúng tôi nói xấu chồng. Và nói xấu nhau. Trong mắt những bà ô sin thường gọi nhau oang oang trước đầu xe rác, cô dâu Việt là những cô bòn tiền chồng, không chịu lao động nặng nhọc. Trong mắt những cô dâu miền Nam, sự kiêu hãnh và tự trọng của những bà ô sin thật rỗng tuếch và giả dối. Chẳng phải đều cần tiền như nhau, sao còn chia đẳng cấp!
Trang Hạ ghi lại những khác biệt về văn hóa đã khiến người đàn ông Đài Loan cảm thấy người phụ nữ Việt là môt người vợ lý tưởng, cho dù niềm tin tưởng ấy chỉ đúng một cách khập khiễng khi so sánh với các giá trị mà người đàn bà Đài Loan đòi hỏi nơi ông chồng của mình.
Người chồng Đài Loan thường khen, cô dâu Việt Nam ân cần chu đáo và tình cảm. Chờ cơm, nấu ăn, ít đòi hỏi. Chín mươi chín phần trăm người Đài Loan ăn ba bữa ở ngoài đường. Tất cả những gia đình vợ chồng Đài tôi quen, suốt cả năm chỉ nấu cơm vài bữa. Vì vậy những bữa cơm chiều nóng hổi chờ chồng thường làm người Đài Loan xúc động. Trong một xã hội lạnh lùng, con người đang cần thêm nước mắt.
Sự thật mặn chát xảy ra ngay khi người vợ cảm thấy cần đi làm việc. Lúc này bộ mặt dữ dằn của ông chồng Đài mới thật sự lộ ra:
Trước đây tôi vẫn nghĩ, mình hiểu biết, chủ động đời sống, biết ăn ở, mình sẽ phải hạnh phúc hơn rất nhiều cô dâu Việt Nam khác nếu sang Đài Loan. Đó là những ý nghĩ rất ngây thơ của những người Việt thuần chất.
Nhà văn Trang Hạ
Khi Dương Lý Huy dẫn tôi tới xin việc, ai cũng nghĩ đấy là chồng tôi. Vì thế, tôi không cần phải viết giấy đảm bảo. Rất nhiều xí nghiệp ở Đài Loan đã buộc cô dâu Việt phải đảm bảo có sự đồng ý của chồng mới nhận vào làm. Thân phận dâu Việt là nhược điểm lớn nhất khi đi xin việc tại đây. Ông chủ không sợ dân Việt, mà sợ ông chồng Đài. Tôi cũng thế, tôi không sợ chủ bằng sợ chồng.
Cô gái ấy, sau khi chung sống với người chồng từng ao ước được lấy mình, một hôm chợt nhận ra nỗi cô đơn khủng khiếp cùng các khoảng trống vô nghĩa đến lạnh người. Cô gái ấy ngồi lẻ loi ngoài công viên, nhìn máy bay bay ngang bầu trời mà không cầm được nước mắt.
Tôi nhìn những chiếc máy bay đang bay qua trên không trung. Tôi không biết chúng có bay về Việt Nam không. Nước mắt tôi rưng rưng khi nghĩ về điều đó. Trước đây tôi vẫn nghĩ, mình hiểu biết, chủ động đời sống, biết ăn ở, mình sẽ phải hạnh phúc hơn rất nhiều cô dâu Việt Nam khác nếu sang Đài Loan. Đó là những ý nghĩ rất ngây thơ của những người Việt thuần chất. Khi bản chất của cuộc hôn nhân chỉ là, người ta tìm kiếm những thứ người ta cần. Tình yêu, chức phận và nghĩa người chỉ là những giá trị phụ gia không đáng giá.
Những mảnh vỡ tan hoang của nhiều cuộc đời mà Trang Hạ chứng kiến không phải ai cũng may mắn có được những việc làm tận cùng xã hội, như đứng bán trầu cau hay hành nghề mát-xa. Không hiếm hoàn cảnh nhiều cô phải rơi vào ổ chứa.
Có sáu cô dâu Việt Nam, thêm tôi là bảy. Bảy người ở chen với nhau trong một phòng ngách nhỏ hơn vốn là bếp của căn hộ được nới ra ban công. Phòng ngủ của chúng tôi chất bừa bãi quần áo và tách trà uống dở, thỉnh thoảng vẫn bị các chị “mượn tạm” để đón một “anh bạn” cũ nào đó. Tôi trẻ nhất và còn nhút nhát nhất. Những ngày tháng bán trầu cau dù có làm tôi dạn dĩ, nhưng cũng khó có thể một sớm một chiều thoát xác từ một phụ nữ trong gia đình thành một cô gái phong sương giang hồ.
Những vụ hành hung các cô gái Việt đã trở thành bình thường nơi xứ sở này. Báo chí và xã hội lên tiếng đến mấy cũng không cải tạo được bản chất vũ phu của những gã đàn ông thất học, bệnh hoạn và hoang tưởng.
Tôi tỉnh dậy khi Trương kéo tóc tôi lôi vào buồng tắm, đổ một chậu nước lên mặt. Quần áo tôi rách bươm, áo rách toạc từ lưng xuống tận nửa người, mặt mũi húp híp. Tôi khóc và nói, em xin anh, anh để cho em đi. Đôi mắt Văn Huy vằn lên, anh nói, anh không để em đi đâu hết, em muốn đi thì em sẽ chết luôn ở đây! Huy ra xe, mở cốp xe lôi con dao dài, con dao vẫn còn dính máu. Chắc chắn đây là máu của người đã dính lên áo quần anh ta lúc nãy. Trời ơi, sao tôi lại kết thúc cuộc đời ở đây trong tay một kẻ điên loạn như thế này?
Xót xa ở chỗ những cô gái sau khi trở thành cây, thành cỏ vẫn cảm thấy mình không thể trở về nhà, về quê hương tít tắp. Trang Hạ phân tích tận gốc rễ những tâm hồn rách nát ấy.
Tôi là cái cây đã bị bốc lên khỏi gốc rễ, giờ phiêu bạt bốn phương trời cũng là số mệnh. Tôi hiểu ra vì sao có những chị em bị bán ra nước ngoài, bị ép làm vợ những người Trung Quốc, sống trong nghèo đói, đau khổ tăm tối, những tưởng sau khi họ tìm cách về được Việt Nam thăm lại gia đình, họ sẽ ở lại luôn. Thế mà không, họ ở lại Việt Nam vài ngày, rồi quày quả quay lại nơi tăm tối mà họ đã bao năm, bao chục năm, mong thoát ra ấy. Đó là cảm giác của một cái cây đã bị bứng khỏi đất mẹ, phải đi nốt chặng đường số mệnh.
Tác phẩm “Chuyện kể dưới ngọn đèn đường” của nhà văn Trang Hạ tuy viết từ ba năm về trước nhưng các sự kiện trong sách chừng như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Các cô dâu Đài Loan, Hàn quốc vẫn tiếp tục có khi lén lút, có khi chính thức bay sang xứ người, tình nguyện đưa thân vào những hoàn cảnh tối tăm đầy nước mắt....