“Trăng Nghẹn” bị nghẹn giải thưởng

Chương trình VHNT tuần này mời quý vị theo dõi câu chuyện của một bài thơ chiếm giải cuộc thi thơ Đồng Bằng Sông Cửu Long lần thứ IV nhưng cuối cùng bị từ chối với lý do không thỏa mãn được yêu cầu của ban tổ chức.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010.03.14
moon-2-305.jpg (Ảnh minh họa)
Photo courtesy of Wikipedia

Bài thơ mang tên Trăng Nghẹn của tác giả Hoài Tường Phong sẽ được Mặc Lâm trình bày với quý thính giả dưới đây.

Một cuộc thi thơ cấp khu vực ĐBSCL lần IV, có thời hạn trong vòng 10 tháng, kéo dài từ đầu tháng 2/2009 đến cuối tháng 10/2009, được mở ra do Liên Hiệp các Hội VHNT-TP Cần Thơ đăng cai tổ chức. Khi kết quả được công bố, Giải nhất thuộc về Hoài Tường Phong với bài thơ Trăng Nghẹn.

Bài thơ này tuy được ban giám khảo chấm giải nhất nhưng lại có số phận hẩm hiu như tựa đề của bài thơ, tức là bị nghẹn lại không được ra mắt bạn đọc một cách vinh dự của một tác phẩm đoạt giải.

Giới hiểu chuyện lập tức tung lên mạng những bài viết phản đối cũng như đặt những câu hỏi về số phận bài thơ mà họ cho rằng có sức lôi cuốn người đọc hơn nhiều bài thơ từng đoạt giải khác trong những năm qua.

Ban giám khảo nói gì?

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, trưởng ban giám khảo cuộc thi nói rằng lý do mà bài thơ bị ngưng không trao giải vì nhận thức của một số cơ quan ‘có thẩm quyền’ ở thành phố Cần Thơ đã yêu cầu ban giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất, vì bài nầy u ám quá.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, trưởng ban giám khảo cuộc thi nói rằng lý do mà bài thơ bị ngưng không trao giải vì nhận thức của một số cơ quan ‘có thẩm quyền’ ở thành phố Cần Thơ đã yêu cầu ban giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất, vì bài nầy u ám quá.

Theo ông Ông Phạm Sỹ Sáu thì Bài thơ này hoàn toàn xứng đáng và ông thấy quá trình của nó dẫn người đọc đi từ cảm xúc nhẹ nhàng đến cảm xúc nhân lên từng bước và đến độ dồn dập cần thiết tạo sự chú ý của người đọc.

Ông Sáu kể rằng người ta không chấp nhận nỗi buồn của tác giả khi không thể hiện cái hiện thực của đồng bằng sông Cửu Long. Người ta không chấp nhận tại sao mấy mươi năm rồi mà vẫn chưa viên mãn như vậy?

Trong khi đó, lập luận mà ban tổ chức đưa ra là ‘Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được’.

Theo ông Phan Huy, chủ tịch hội Văn Nghệ CầnThơ cũng là trưởng ban tổ chức cuộc thi này thì ban tổ chức chưa quyết định dứt khoát có phát giải cho bài thơ hay không, ông cho biết chưa hề nói trao hay không trao giải cho bài thơ này.

Tuy nhiên theo nhà thơ Hoàng Tường Phong thì do không thuyết phục được ban giám khảo chấm lại, những người trong ban tổ chức giải quay sang tác giả bài thơ nhằm thuyết phục ông rút tên ra khỏi cuộc thi.

Ban tổ chức:..rút lại bài thơ đi!

Nhà thơ kể, mới đầu vận động Phạm Sỹ Sáu không được nên vận động ông. Bảo ông tuyên bố là không có dự thi, ông nói không được rồi sau đó họ tiếp tục kêu ông viết vài chữ lý do không hợp với đề tài cho nên xin rút lui giải thưởng! Ông cũng không chịu!

Bải thơ Trăng Nghẹn dáng dấp ra sao, và có thật đáng được hâm mộ như bạn đọc nhiều nơi xì xào hay không? Mời quý vị đọc tác phẩm Trăng Nghẹn dưới đây:

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

hoai-tuong-phong-250.jpg
Nhà thơ Hoài Tường Phong - Ảnh Sáu Nghệ. Photo courtesy of vongoctho.vnweblogs.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.

Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Trăng Nghẹn, một nốt nhạc trầm buồn bã

Bài thơ như một nốt nhạc trầm, lơ lửng trong không gian khiến người nghe khó thể cầm lòng.

Điều lệ và mục đích cuộc thi ghi rõ là “Viết về vùng đất và con người ĐBSCL, Cần Thơ hình thành và phát triển qua các thời kỳ: mở đất phương Nam, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập.”

Trăng Nghẹn không sử dụng kỹ thuật hào nhoáng nào của thi ca để đánh bóng ý tưởng hay gọt dũa nhân vật trong câu chuyện, hầu nâng chúng lên cao hơn ngoài đời thường.

Nhà thơ hình như đang kể lại một cách lặng lẽ, kể lại trong tư thế hết sức bình thường, như người ta kể một mảnh đời lưu lạc nào đó đầy dẫy trong xã hội.

Giọng kể không có chút ý thức nào muốn gây sự đồng cảm, Chỉ kể, như nhu cầu cần nói về những gì đang xảy ra tại khắp các làng quê đồng bằng sông Cửu hiện nay của ông.

Hình ảnh gây ngậm ngùi nhất trong bài thơ khiến nó trở thành ám ảnh là hai câu: “Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu, Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.” thật xót xa, cay đắng.

Kể cả khi nói về một hình ảnh như vậy, ngôn ngữ và tốc độ trong bài thơ không hề thay đổi. Vẫn đằm đằm, đều đặn như chuyến xe ngựa thồ trên đường quê khúc khuỷu.

Bản thân chuyến xe, bản thân câu chuyện không cho thấy niềm đau nào. Mà chính hành khách, những người đang nghe câu chuyện lại lặng lẽ đau niềm đau nghèo khổ.

Bài thơ, dù nhìn cách nào thì cũng chỉ là một phác thảo khác của đời thường đang xảy ra hàng ngày tại miền quê Nam bộ.

Cái khác và làm nên gần gũi giữa Trăng Nghẹn và người đọc là những bộc bạch gần như thật thà của giọng thơ hết sức Nam bộ này.

Thúy Kiều: những cô gái miền quê

Nhà thơ đi qua từng nhịp thở cuộc sống, rồi ngồi xuống nhặt nhạnh mỗi một hình ảnh, ghép lại trên trang giấy với thái độ hết sức dửng dưng của một người yên phận.

Cô dâu Việt và chú rể Đài Loan
Cô dâu Việt và chú rể Đài Loan
AFP Photo
Không yên phận cũng không được khi cuộc sống chung quanh trở thành khốc liệt đến nỗi:

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Thúy Kiều và số phận của những cô gái đồng hương với nhà thơ có gì khác nhau không khi cả hai đều bán mình, một bên để chuộc cha còn một bên thì chuộc cho một vùng quê nghèo, và cho cả một chính sách mà người ta gọi là khởi sắc.

Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến bài thơ bị soi rọi một cách tỉ mỉ. Ban tổ chức giải nhìn bài thơ không đủ tiêu chuẩn trúng giải là đúng vì theo như điều lệ và mục đích cuộc thi ghi rõ là “Viết về vùng đất và con người ĐBSCL, Cần Thơ hình thành và phát triển qua các thời kỳ: mở đất phương Nam, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập.”

Thương nhớ đồng bằng, bài thơ tròn như ý ban tổ chức

Bài thơ Trăng Nghẹn hoàn toàn không thỏa mãn yêu cầu này, một yêu cầu xem ra rất tương phản với thi ca vì nghệ thuật không thể phản ánh lại những gì không có thật.

Một bài thơ khác có tên “Thương nhớ đồng bằng” đoạt giải 3 trong cuộc thi của nhà thơ Trúc Linh Lan, vốn cũng là một cô giáo dạy văn nhiều năm.

Bài thơ có hơi hướm của sách giáo khoa trong nhà trường xã hội chủ nghĩa và hoàn toàn có thể thỏa mãn đối với yêu cầu của ban tổ chức.

Những câu thơ trong bài này cho người đọc cảm giác rất êm, rất đều đều và cũng rất hiền lành. Cảm giác này giống như ta gặp người quen ngoài chợ, giữa đám đông và ngay lập tức có cảm tình.

Nhưng cảm tình này hình như không thích hợp lắm đối với người làm thơ. Nếu được nhận ra ngay là quen thuộc thì rõ ràng bài thơ đã có vấn đề:

"Nơi có những con người dạ thẳng ngay như cây đước trên rừng
Chặt sấu dưới sông
Đuổi cọp trên ngàn
Dựng xóm, dựng làng
Dựng những cù lao cư dân đông đúc
“Bẹo” của cải làm ra giữa thanh thiên bạch nhật"..

"Hạt muối chia đôi, nắm cơm bẻ nửa
Một tiếng đờn kìm, xót kiếp ly hương"..

Vấn đề là người đọc sẽ nhận những câu thoạt nghe sao giống với câu nào đó trong bài học của trẻ con trong chương trình phổ thông cấp một:

"Cha mẹ lang thang kiếp tá điền nghèo khổ
Câu hát ru con bềnh bồng cùng lũ
Hạt lúa cựa mình tách vỏ để thành thơ".

Thì ra rất giống với câu: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của Hoàng Trung Thông” dạo nào.

800px-Canh_dong.jpg
Một cánh đồng lúa ở Việt Nam
Photo courtesy of Wikipedia

Cô giáo Trúc Linh Lan còn đáp ứng yêu cầu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập” trong tiêu chí cuộc thi khi cô viết những câu mà khi đọc lên không một người nông dân nào lại có thể nhịn được cười:

"Cửu Long! Cửu Long ngọt đỏ phù sa
Con cá con tôm làm nên kì tích
Người nông dân biết mở cho mình trang web
Đưa thương hiệu đồng bằng đi khắp năm châu"..

Lại Nguyễn Ngọc Tư?

Câu chuyện về bài thơ Trăng Nghẹn nghe ra không khác mấy với trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư cùng tác phẩm Cánh đồng bất tận trước đây.

Tuy nhiên trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư thì được tờ báo Tuổi Trẻ đỡ đầu nên kết quả có khác với Hoàng Tường Phong, một người tự nhận mình là lính ngụy hiện đang sống trong một làng quê xao xác tiếng người.

Mỗi ngày nhà thơ trăn trở với sự thay da đổi thịt của làng quê mình và đến khi trăng về, lại âm thầm nhìn trăng trên ruộng đồng héo hắt với ánh sáng ảm đạm xanh xao mà giờ đây lại bệnh tật thêm khi bị kết án: tại sao trăng lại buồn như vậy?

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.