Còn đâu Chùa Trăm Gian!

Chương trình VHNT tuần này mời quý vị theo dõi câu chuyện về một ngôi chùa cổ thuộc hàng di tích quốc gia bị trùng tu mà không qua bất cứ một cơ quan trách nhiệm nào khiến cho nét cổ kính được gìn giữ gần 1.000 năm biến dạng. Ngôi chùa mang tên Trăm Gian mà người Hà Nội nào cũng biết tới.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012.09.09
Ngôi chùa Trăm Gian lúc trước khi được phục chế.
Photo courtesy of anvien.vn

Chùa Trăm Gian nằm tại thôn Tiên Lữ xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trụ trì ngôi chùa là sư Thích Đàm Khoa được dư luận biết tới như một người có tấm lòng với ngôi chùa đã đi vào lịch sử này, ông lại chính là người tiếp tay làm hỏng nét cổ kính của ngôi chùa mà ông hết lòng gìn giữ.

Từ cổ kính ...

Chùa Trăm Gian được xây dựng năm 1185 từ đời Lý Cao Tông, với số tuổi đã gần 1.000 năm mang trên mình không biết bao nhiêu hình ảnh biến thiên của lịch sử. Ngôi chùa chứng kiến hai cuộc chiến tranh cũng như những biến cố chính trị lớn lao của đất nước.

Với kiến trúc sắc sảo của một thời kỳ vàng son của dân tộc, chùa Trăm Gian là biểu hiện của hình ảnh Thăng Long ẩn dấu dưới những phù điêu tinh tế qua tài năng điêu khắc của người xưa. Đáng tiếc cho tới lúc này chưa có một công trình có tầm cỡ quốc gia nào phân tích và ghi nhận những họa tiết của chùa Trăm Gian để người dân ngày nay muốn tìm hiểu có thể tiếp thu và nghiên cứu thêm về một nền mỹ thuật cổ của Việt Nam của gần 10 thế kỷ về trước.

Chùa Trăm Gian là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao và nó đã được xếp hạng là di tích quốc gia từ nhiều chục năm nay. Người dân tứ xứ khi đổ về Hà Nội vào những dịp lễ Tết thì ngôi chùa này là một trong những danh thắng cần phải tới thăm. Có lẽ số lượng khách thập phương lớn lao đã phần nào làm cho ngôi chùa trở nên xấu xí bởi thói quen tự trọng, gìn giữ di tích của người dân chưa bao giờ được chú ý trong xã hội. Chính nguyên nhân đầu tiên này đã làm ngôi chùa cổ kính trở thành gần như hoang phế giữa lòng Hà Nội.

Báo chí đã ghi lại những hình ảnh đáng buồn trước ngôi chùa với hàng quán vô trật tự, với khung cảnh nhơ bẩn của người sống ký sinh vào sự nổi tiếng của ngôi chùa. Tấm bảng chỉ đường vào nhà vệ sinh được treo ngay trước cổng như một con dao chặt vào mắt khách du lịch và biến hình ảnh ngôi chùa thành một bến xe khách không hơn không kém.

Sư trụ trì Thích Đàm Khoa mặc dù là người trách nhiệm trùng tu ngôi chùa này nhưng dưới cái nhìn của giới khoa học thì cơ quan bảo quản di tích mới là nơi trách nhiệm chính. Cơ quan này đã từng bị chỉ trích nhiều lần vì thiếu trách nhiệm và nhất là kiến thức về bảo tồn văn hóa không đầy đủ của những người trách nhiệm là nguyên nhân dẫn đến sai phạm hàng loạt di tích chứ không riêng chùa Trăm Gian.

Phục chế hay phá hoại?

Toàn bộ gác Khánh và nhà Tổ cổ kính bị đập bỏ, thay bằng những công trình mới. Photo courtesy of VietNamNet.
Toàn bộ gác Khánh và nhà Tổ cổ kính bị đập bỏ, thay bằng những công trình mới. Photo courtesy of VietNamNet.
KTS Trần Huy Ánh, một trong những người chú ý và gắn bó tới hình ảnh Chùa Trăm Gian nhiều chục năm qua, trả lời báo Dân Trí cho biết ngay từ hồi tháng 6 năm 2009, khi ông đến thăm thì cổng chùa đã được xây dựng lại mới hoàn toàn. Với cái nhìn của một kiến trúc sư ông thật sự sốc khi người ta không hề tính tới sự cấu kết từ vật liệu tới chi tiết mà ngôi chùa vốn có.

KTS Trần Thanh Vân cho biết nguyên tắc cần phải gìn giữ khi phục chế một kiến trúc cổ như Chùa Trăm Gian:

“Đã gọi là phục chế thì phải làm được y như cũ, không thể cách tân được. Nhưng ở đây thì người ta lại không thích phục chế mà người ta thích làm mới, người ta thích tính toán làm sao cho tiền được nhiều lên để có một kinh phí lớn, như là một hãng thầu có công trình, chứ còn phục chế thì vất vả lắm. Bởi vì công trình gỗ mà ở Việt Nam thì khí hậu nóng ẩm cho nên quả thật không phải công trình nào cũng giữ được đâu, cho nên là phải có sửa chữa, phải có phục chế. Khi đã phục chế là phải đúng nguyên xi, tất cả mọi thứ đều phải để nguyên xi, không được làm mới, không được cải tiến sửa sang. Thế mà bây giờ cái này người ta làm sai nguyên tắc hoàn toàn!”

Giáo sư Lê Văn Lan cho biết nhận xét của ông về tình trạng quản lý các di tích mang đẳng cấp quốc gia đã phần nào góp sức cho sự vô nguyên tắc trong hệ thống quản lý cấp nhà nước.

Đã gọi là phục chế thì phải làm được y như cũ, không thể cách tân được. Nhưng ở đây thì người ta lại không thích phục chế mà người ta thích làm mới.

KTS Trần Thanh Vân

“Cụ thể như ở Trăm Gian đấy thì đã xếp hạng di tích quốc gia rồi. Theo như vị thế đấy thì di tích quốc gia này phải được quản lý bởi Bộ Văn Hóa cũng là cơ quan cấp quốc gia để lo việc này, nhưng mà Bộ Văn Hóa lại giao việc quản lý cho TP Hà Nội, mà TP Hà Nội này thì cuối cùng lại giao nó xuống cho huyện Chương Mỹ, và huyện Chương Mỹ lại giao nó xuống cho xã Tiên Phương, thế tức là việc tổ chức quản lý đã làm việc một cách rất lộn xộn, tức là giao cho một cấp xã quản lý di tích quốc gia. Đấy là lộn xộn thứ nhất.

Lộn xộn thứ hai là trong việc quản lý như thế thì đã tổ chức ra được những đơn vị gọi là “ban quản lý di tích nhưng những “ban quản lý di tích” như thế này, đặc biệt là ban quản lý cấp xã, cấp huyện thì lại gồm những người rất ít hoặc chưa hề được huấn luyện, được đào tạo, do đó họ quản lý theo kiểu phổ thông phổ biến. Trong tình hình xã hội bây giờ chỉ là quản lý hành chính thôi, chứ không phải là quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.”

Theo sự giải thích của KTS Trần Huy Ánh thì Chùa Trăm Gian được xây dựng theo mô típ cứ 4 cột tạo thành một gian, tả vu hữu vu, Tam bảo, hậu cung, lầu chuông, gác khánh, nhà tổ, nhà trai... ngôi chùa nhỏ xây trước, chùa lớn xây sau, mỗi lần sửa lớn, các kèo cột tận dụng làm các hạng mục nhỏ hơn. Cũng theo ông cho báo Dân Trí biết thì lần sửa gần nhất cũng chỉ khoảng những năm 1930-1950.
Trước tình trạng sấn sổ vào các di tích văn hóa của người quản lý hoặc quan chức địa phương đã và đang xảy ra khắp nước, KTS Trần Thanh Vân nhận xét:

“Không phải riêng gì Chùa Trăm Gian mà khắp mọi nơi, thậm chí ở kinh thành Huế cũng vậy, các công trình người ta để trong tình trạng đổ nát còn dễ coi hơn là khi làm lại thì không còn khuôn vào nữa. Tâm lý của những người đến xem là người ta muốn xem cái kiến trúc lúc ban đầu, những vết tích cũ, như là “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (thơ Bà Huyện Thanh Quan). Người ta muốn thấy lại cái thật cũ cơ, chứ đàng này nó lại là được làm mới hoàn toàn. Ví dụ ở kinh thành Huế thậm chí người ta vẽ các thứ, ngày xưa thì ngưới ta làm rất công phu chứ bây giờ anh mà để tay lên di tích thì phẩm màu dính vào tay anh hết, người ta làm dối, làm cẩu thả.”

Ngành văn hóa vô văn hóa?

GS Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn Văn hóa học thuộc Đại Học Quốc Gia TP.HCM - Khoa Xã Hội Nhân Văn, cho rằng nhận thức của người quản lý cấp cơ sở cần phải được xem xét lại nhằm tránh những lỗi lầm khác trong việc đánh giá tầm quan trọng của di tích văn hóa. Ông nói:

“Vấn đề ở đây tức là làm sao mà giáo dục, làm sao mà truyền được cái hiểu biết về giá trị của các di sản, di tích, di vật cổ đến những người ở những cấp thấp hơn, chứ không phải nó nằm ở đâu đó bên trên. Trách nhiệm ở đâu đó bên trên là tổ chức làm sao để mà quản lý trong hệ thống ngành dọc của mình cũng như là phổ biến những cái đó, bởi vì cũng phải xã hội hóa sự hiểu biết đó thì mới bảo quản được, chứ không có cách gì để mà các ngành chức năng cũng như những người bảo quản người ta xuống tận nơi.”

Tuy nhiên KTS TrầnThanh Vân bi quan hơn, bà không tin rằng nhận thức của cán bộ văn hóa lại có thể thay đổi:

Tôi phải dùng từ “ngu xuẩn”. Chứ còn ngành văn hóa thì bây giờ không biết phải nói làm sao nhỉ! Ngành văn hóa rất là vô văn hóa cho nên họ cũng chẳng hiểu cái đó là cái sai.

KTS Trần Thanh Vân

“Chùa Trăm Gian là một sự kiện quá lớn, tiếc ở chỗ thế này nó hiện nay là của Hà Nội đấy chứ có phải là của Hà Tây khi xưa đâu. Tất nhiên việc này nó manh nha từ lâu và nó liên quan cho đến Hội Phật Giáo và những chính quyền địa phương. Nhưng dầu sao thì đây cũng là công trình của Hà Nội, mà Hà Nội vừa qua lo những chuyện gì ở đâu chứ không lo những việc đó.

Nếu tôi được nói thì tôi sẽ yêu cầu là nếu làm thì phải làm từ từ, làm từng ít một, điều đó là khẳng định. Nhắc lại là lúc sắp kỷ niệm Một Nghìn Năm Thăng Long thì Ô Quan Chưởng là một cổng thành cổ rất quý thì người ta cũng tô màu lên, sau đó bị phản đối thì người ta phải sửa lại.

Hay là cái tháp nước ở chỗ bót Hàng Đậu. Ngày có nhà máy nước người ta làm đá trông nó màu xam xám, thậm chí có chỗ hơi mốc mốc, nó rất là đẹp, sau đó người ta lại quét một lớp sơn màu xanh lên, bị phản đối ầm ầm lên thì người ta phải dừng lại. Rất là mệt!

Những người làm điều đó phải nói thật hết sức là ngu xuẩn. Tôi phải dùng từ “ngu xuẩn”. Chứ còn ngành văn hóa thì bây giờ không biết phải nói làm sao nhỉ! Ngành văn hóa rất là vô văn hóa cho nên họ cũng chẳng hiểu cái đó là cái sai, bởi vì thế này, công trình đó là do Sở Văn Hóa quản lý thế mà họ chẳng biết cái gì là văn hóa cả. Thành ra thật tình mà nói tôi mệt mỏi lắm rồi, tôi không còn muốn quan tâm đến nữa. Họ quá lỳ lợm lắm rồi.”

Khi đồng tiền làm văn hóa

Các bức phù điêu La Hán này bị sơn vẽ lại. Photo courtesy of VietNamNet.
Các bức phù điêu La Hán này bị sơn vẽ lại. Photo courtesy of VietNamNet.
Tình trạng nhà nước không đủ kinh phí trùng tu các di tích dẫn đến quyết định xã hội hóa đã mở cửa cho các con buôn kinh doanh văn hóa mà đồng tiền của họ đã tiếp sức với quan chức địa phương khiến các di tích trở thành tụ điểm kiếm tiền. GS Lê văn Lan cho rằng vấn đề xã hội đang lấn sâu vào di tích văn hóa và đồng tiền mà người ta bỏ ra trùng tu phục chế đều có mục đích. Ông nói:

“Ở đây lại có một vấn đề “xã hội”, tức là bây giờ những kẻ có tiền và đã dùng đồng tiền ấy để thao túng nhiều mặt kinh tế xã hội, thậm chí cả chính trị nữa. Bây giờ thì có thể những người có tiền ấy lại nhân danh đồng tiền để thao túng các phương diện hoạt động văn hóa, đặc biệt là văn hóa của việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích lịch sử. Văn hóa như di tích Chùa Trăm Gian này.

Bây giờ những kẻ có tiền thì đang dùng đồng tiền ấy thao túng theo thị hiếu mà rất thiếu trí tuệ, rất thích làm to, làm huy hoàng, lộng lẫy nhưng lại nhố nhăng đối với lại những giá trị văn hóa cổ kính và linh thiêng.

GS Lê văn Lan

Những người có tiền mà lại có mưu đồ bất chính thì dùng đồng tiền ấy để thao túng rất nhiều phương diện của xã hội. Bây giờ những kẻ có tiền thì đang dùng đồng tiền ấy thao túng theo thị hiếu mà rất thiếu trí tuệ, rất thích làm to, làm huy hoàng, lộng lẫy nhưng lại nhố nhăng đối với lại những giá trị văn hóa cổ kính và linh thiêng.”

Chùa Trăm Gian là nạn nhân của nhận thức sai lầm về cái đẹp, cái cổ kính lịch sử cần được trân trọng có lẽ phát xuất từ quan niệm ấu trĩ như giáo sư Lê Văn Lan vừa đề cập. Quan niệm này rất tiếc lại đang ngự trị trong tư duy của hầu hết quan chức nhà nước khi đồng tiền luôn là thước đo cho mọi giá trị kể cả giá trị tinh thần của cả một nền văn hóa.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.