Sau Hà Nội vừa tưng bừng lễ hội và Huế cùng miền Trung ngập đắm giữa thiên tai, hôm nay, mời quý vị hãy cùng nhau đến nơi từng là thủ đô của xứ sở miền Nam, nước Việt Nam Cộng Hòa, trong hai thập niên của thế kỷ 20.
Cùng đến Sài Gòn ... Bạn ơi hãy cùng nhau đến Sài Gòn tươi sáng muôn màu với 8 bông hoa khoe sắc thắm tươi trong nền ca nhạc Việt Nam: Như Quỳnh, Bảo Hân, Loan Châu, Minh Tuyết, Tâm Đoan, Hương Thủy, Hồ Lệ Thu và Như Loan.

Hai nhạc phẩm quý vị vừa nghe, Sài Gòn của Y Vân và Ghé bến Sài Gòn của Văn Phụng, đã vẽ nên những nét say sưa náo nức của những người đất Bắc vừa giã từ Hà Nội mới tan khói lửa chiến tranh để vào tới thủ đô của xứ miền Nam nắng ấm thanh bình với tình người rộn rã nơi nơi.
Và lạ thay, người nghệ sĩ như có tài tiên tri, sức sống của Sài Gòn với người Sài Gòn vẫn mãi tươi vui rộn rã sau bao cuộc bể dâu. Ta cùng lắng xem hình ảnh Sài Gòn trong mắt những người trẻ hơn một vài thế hệ, khi nước Nam trở lại thanh bình sau hai mươi năm binh đao tiếp nối.
Tam ca Áo Trắng đang vẽ nên hình ảnh Nắng Sài Gòn như trong mắt nhìn của nhạc sĩ Xuân Hồng...
Nhắc đến Nắng Sài Gòn... Nắng Sài Gòn… thì chúng ta nhớ đến điều gì nhỉ? À, mọi người Việt từng cầm sách đến trường, tuổi từ 15, 17 cho đến tám chín mươi, không ai chẳng biết đến câu thơ Nguyên Sa “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.
Tuấn Ngọc hát nhạc phẩm phổ thơ Nguyên Sa của Ngô thuỵ Miên.

Vâng. Trời chợt mưa chợt nắng như những cơn hờn dỗi của người yêu nũng nịu chẳng vì đâu, chẳng vì đâu cả vì chỉ là hờn mát của tình yêu... Nhưng người yêu bé bỏng kia hay ngồi trong vạt nắng Sài Gòn mùa thu rải chung quanh, vẫn chợt vui chợt buồn, nhưng rồi chợt bỏ ra đi chẳng bảo gì nhau... khiến người tình xót xa nhớ về những ngày mưa chợt nắng...
Quang Dũng đang hát Nhớ mưa Sài Gòn của Vĩnh Tâm.
Người ở lại lang thang giữa Sài Gòn thương nhớ những ngày mưa kỷ niệm, thì người ra đi nơi phương trời tuyết giá cũng hằng ngồi một mình nhớ về khung trời Sài Gòn ăm ắp những kỷ niệm thân yêu.

Diễm Liên trong nhạc phẩm Trái tim Sài Gòn của Minh Khang.
Rồi cũng có người trở lại Sài Gòn, mà vẫn thương về quá khứ, lúc đởi reo vui trên từng góc phố lề đường... và Quang Tuấn đang kể chuyện Sài Gòn nhớ Sài Gòn thương của Thanh Trang, khi người lữ khách trên quê hương xưa ước mơ về một gọi tên như lòng người mơ ước...
Nhưng dường như thương nhớ nhớ thương chỉ dành cho những người đi kẻ ở của những cuộc tình chia xa. Còn những tuổi trẻ Sài Gòn thỉ chỉ thấy toàn những niềm vui trong thành phố khi tình yêu tới cùng nhau. Với thế hệ 8X, 9X thì Sài Gòn là một bài nhạc rap nồng nhiệt tươi trẻ như tuổi teens hừng hực sức sống, tay trong tay như mãi mãi có nhau với tình yêu kết trái, bên hồ Con Rùa, bên xe bò bía, xe nước mía, bên bờ sông ... Sài Gòn đẹp vui mãi mãi, phải không em...
Theo dòng thời sự:
- Hà Nội trong âm nhạc
- Cố đô Huế, sầu thương, chìm ngập…
- Đoàn Phượng ca Dân ca Quốc nhạc
- Làng ca nhạc Việt sau 35 năm tại hải ngoại (Phần 1)
- Làng ca nhạc Việt sau 35 năm tại hải ngoại (Phần 2)
- Làng ca nhạc Việt sau 35 năm tại hải ngoại (Phần 3)
- Giã biệt ca sĩ Minh Trang
- Nghệ thuật "song âm": Chiếc cầu âm nhạc Á Âu