Thương về Hà Tiên

Như đã hẹn, lần này tiếng hát mượt mà của Mỹ Huyền trong nhạc phẩm Hà Tiên của Lê Dinh đang mời các bạn về thăm thị trấn xa xôi nhưng mang nhiều huyền thoại từ thuở tiền nhân mang gươm đi mở nước.

0:00 / 0:00

Hà Tiên

Nằm ở tận cùng tây nam nước Việt, Hà Tiên nhìn ra vịnh đảo Phú Quốc rộng đẹp, trên đất liền thì giáp giới Kampot, Krong Kep của Cambodia, sau lưng là An Giang dựa sát Takeo, chỉ cách thủ đô Phnom Penh của nước bạn hơn 130 km.

Từ Châu Đốc đến Hà Tiên chỉ khoảng 100 km, nhưng từ Sài Gòn khởi hành thì phải gần 350 km đường bay mới đến được Hà Tiên.

Hà Tiên làm mốc tây nam, cùng với Cà Mau làm mốc cực nam đất nước kéo nên bờ biển cực nam, cái chấm dưới cùng của chữ S Việt Nam, với đảo Phú Quốc chưa đầy 40 km ngoài khơi như dải bờ thành chắn bớt gió bão cho vùng bờ biển.

Khai phá công thần họ Mạc

Người có công đầu khai phá và xây dựng Hà Tiên là Mạc Cửu, một thương gia trẻ trung thành với nhà Minh, không khuất phục nhà Thanh, năm 1679 đã đem hết dòng họ từ Quảng Đông vượt biển xuống tận Nam Vang.

Ông mua chức Ốc Nha làm quan tại đây, nhưng nước Chân Lạp chính sự rối ren, Mạc Cửu chạy sang Xiêm năm 1688. Ông được vua Xiêm cho ra bãi Vạn Tuế Sơn ở khoảng mười năm, đến năm 1699, Mạc Cửu mới về Lũng Kỳ, mở ra 7 xã thôn ở Hà Tiên. Qua năm 1708, Mạc Cửu dâng biểu quy phục chúa Minh Nguyễn Phúc Chu, được phong chức Tổng Binh.

Em gái Hà Tiên của Y Vân do Lê Tuấn trình bày.

Cùng thời với Hội An ở miền Trung, Hà Tiên là một trong hai thương cảng quốc tế khai thác thị trường tự do đầu tiên của nước Việt, ở tận cùng phía nam xứ sở. Suốt thế kỷ 18 dưới thời hai vị quan Tổng binh Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tích, hay Mạc Thiên Tứ, tàu buôn ngoại quốc được phép buôn bán tự do ở Hà Tiên.

Thương thuyền từ Mã Lai, Nam Dương, Xiêm La, Ấn Độ, Miến Điện, Trung Hoa, gồm cả Phúc Kiến lẫn Quảng Đông, ... tấp nập ra vào, được miễn thuế, trao đổi các hàng hóa quý hiếm phương xa lấy những đặc sản địa phương mà nước ngoài vô cùng yêu thích.

Hai vị tổng binh họ Mạc có công khai phá và phát triển Hà Tiên vượt bực, lại tuyệt đối trung thành với chúa Nguyễn, chống giữ Hà Tiên bằng quân sự và ngoại giao tinh tế với người Xiêm, nên khi Mạc Cửu qua đời, chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú thương tiếc, sắc phong ông làm Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ nghị Công. Lăng mộ hai vị tướng quân họ Mạc đến nay vẫn còn khói hương nghi ngút trên mảnh đất họ dày công xây đắp.

Nếu Đại tướng quân Mạc Cửu là người có tài lược thao, đối ngoại, thì Tổng Binh Mạc Thiên Tích, hay Mạc Thiên Tứ, là người giỏi văn chương và nội trị. Ông tập hợp các hiền tài về Tao Đàn Chiêu Anh Các, tức lầu thơ Tao Đàn chiêu mộ anh tài.

Hà Tiên thập vịnh

Nhóm thi nhân này, hay chính Mạc Thiên Tích, vào khoảng năm Bính Thìn 1736, đã làm nên Hà Tiên thập vịnh, để tả những nét nên thơ tuyệt vời không đâu có của mười thắng cảnh tại vùng đất mà tương truyền đẹp xinh đến nỗi các nàng tiên trên trời bay xuống tắm, khiến người đời sau đặt tên là đất Hà Tiên.

Trong mười thắng cảnh ấy, được biết đến nhiều nhất là những nơi mang tên trong thơ là Bình San Điệp Thuý, Thạch Động Thôn Vân, Đông Hồ ẩn Nguyệt, thêm vào đó còn có chùa Phù Dung ở chân núi Bình San, là ngôi bảo tự được Mạc Thiên Tích xây cho nàng thứ thiếp Phù Cừ ra đó tu hành.

Thương về Hà Tiên - Lâm Huy Lĩnh trình bày, có lẽ là bản nhạc mới nhất cho Hà Tiên.

Nha Trang là miền quê hương cát trắng nhờ biển xanh núi biếc, thì nước biển ở Hòn Chông cũng trong xanh không kém giữa cảnh bên trời bên nước, trước đây đã làm nổi bật hòn Phụ Tử trên làn sóng xanh biêng biếc in bóng trời xanh mây trắng.

Nhưng khoảng 3g45 ngày 9/8/2006, hòn Phụ đã đột ngột ngã chìm xuống biển, để lại hòn Tử nghiêng mình ngơ ngác nhìn xuống những làn sóng vô tình, mãi không hiểu vì sao núi cha ngàn tấn sừng sững cả triệu năm lại đành gục ngã, làm hẫng đi khuôn mặt lẫy lừng từng được coi là biểu tượng danh thắng Hà Tiên.

Yêu dấu Hà Tiên của Thanh Sơn do Mai Thiên Vân trong giọng hát dân ca miền Nam ngọt như mía lùi.đang chấm dứt chương trình hình ảnh trong âm nhạc của Hà Tiên. Tuần sau có lẽ sẽ mời quý vị và các bạn thăm miền phố Hội.

Theo dòng thời sự: