Dân ca Quan họ
2009.10.11
UNESCO vinh danh
Thưa quý vị thính giả, hai thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể: đó là Quan họ và Ca Trù.
Ủy ban Liên Chính phủ Công Ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trong kỳ họp lần thứ tư, nhóm mới đây tại Abu Dhabi, đã đúc kết cuộc thẩm định 111 hồ sơ từ 34 quốc gia gởi đến.
Quan họ của Việt Nam được đánh giá cao về giá trị văn hóa, đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ, và cả về trang phục.
Quan họ của Việt Nam được đánh giá cao về giá trị văn hóa, đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ, và cả về trang phục.
Và tối hôm 30 tháng Chín, Ủy ban công bố đưa Quan họ của Việt Nam vào hạng mục “Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại” cùng với 76 di sản khác trên thế giới.
“Lênh đênh ba bốn chiếc dồng dềnh”
(Quan họ cổ, hát hội)
Như vậy là sau 4 năm kể từ khi Việt Nam đệ trình hồ sơ lên UNESCO cộng với sự đóng góp bài nghiên cứu của các giáo sư nhạc dân tộc như nhạc sư Trần Văn Khê, Trần Quang Hải, ... điều mong đợi đã thành hiện thực.
Quan họ nguyên thủy
Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng tìm về nguyên bản Quan họ, tìm về những giá trị ban đầu, nghĩa là Quan họ truyền thống, không phải như đã biến dạng, bị thương-mại-hóa thành một thứ dịch vụ thời nay.
Theo các tài liệu thì Quan họ là một thể loại dân ca xuất phát từ vùng Kinh Bắc gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói rằng Quan họ, thực chất là thú chơi nghệ thuật dựa trên cơ sở những nhóm liền anh, liền chị kết nghĩa giữa làng này với làng khác. Nếu không phải là làng Quan họ kết nghĩa thì họ không bao giờ hát đối đáp, và chỉ các cặp liền anh liền chị đồng niên mới hát đối đáp với nhau.
Giọng hát Quan họ đúng chuẩn mực thì trong cả vùng Kinh Bắc còn lại chỉ mấy người.
Quan họ không có nhạc đệm trong khi có nhiều làn điệu.
(Đến đây, Thy Nga xin thưa cùng quý thính giả là vì không còn âm thanh của thời xưa đó, thành ra trong chương trình này, Thy Nga phải sử dụng các bài Quan họ phục dựng lại).
“Đường đi những suối cùng khe”
(Quan họ cổ, hát canh, giọng lề lối)
Quan họ là một thú chơi nghệ thuật nên người dân Kinh Bắc “chơi Quan họ” không phải là “hát Quan họ”.
Trong các lễ hội, nhất là hội Xuân, nhóm liền anh cất tiếng, như trong bài
“Chơi cho hòn đá nẩy mầm” ...
(Quan họ cổ, giọng vặt)
Nhóm liền chị cũng chơi cho khỏi uổng cái xuân thì
“Chơi cho nước Hán sang Hồ”
(Quan họ cổ, giọng vặt)
Trang phục truyền thống của liền anh, liền chị không có màu sắc biến đổi sai lệch như thời nay. Nên nhớ là trong các lễ hội Quan họ, có cả những cuộc thi trang phục.
Trên các chiếc thuyền ngày hội, nhóm liền anh mở đầu câu hát giao duyên:
“Lênh đênh ba bốn chiếc dồng dềnh”
(Quan họ cổ, hát hội)
và nhóm liền chị đáp:
“Lênh đênh đôi ba chiếc thuyền kề” …
(Quan họ cổ, hát hội)
Bảo tồn, phát huy
Sau khi nhận tin vui từ UNESCO, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phát biểu rằng trân trọng sự vinh danh này, chúng ta nên tìm hiểu rõ hơn về thực trạng di sản mình đang có. Theo ông thì việc cấp thiết là làm sao bảo tồn lối hát cổ với hệ thống kỹ thuật thanh nhạc ở cấp độ cao. Cũng nên khoanh vùng 5, 6 làng kết nghĩa quan họ như thuở xưa, trả lương cho người dân vùng ấy để họ xúc tiến việc phục hồi di sản. Và điều quan trọng nữa của giới hữu trách là làm sao nâng cao ý thức nơi dân chúng trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bằng cách đẩy mạnh việc khai thác các thế hệ nghệ nhân để truyền lại cho thế hệ sau, nhất là thanh thiếu niên.
“Bây giờ còn sớm người ơi”
(Quan họ cổ, giọng giã bạn)
Kỳ tới, Thy Nga sẽ trình bày cùng quý thính giả về việc Ca Trù vừa được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo vệ khẩn cấp”.
“Nhác trông thấy bóng đôi người” ...