OneVietnam Network - mạng xã hội mới ở VN

Trên thế giới này, có lẽ không ở đâu mà không có người Việt nam định cư, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, cho đến cả xứ xở châu Phi xa xôi.

0:00 / 0:00

Chỉ tính riêng trong nước, dân số Việt nam cũng đã vào cỡ 85 triệu, chưa kể khoảng hơn 3 triệu người ở các nước khác. Xa cách địa lý ngăn trở những người Việt ở năm châu tìm đến nhau, nhưng sự phát triển của công nghệ thông tin những năm gần đây đã khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Mặc dù vậy, những khác biệt về chính kiến do lịch sử để lại vẫn là một rào cản giữa những người Việt trong và ngoài nước. Mới đây, một nhóm các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt đã nảy ra ý tưởng thiết lập một mạng lưới có tên gọi OneVietnam Network với mong muốn kết nối người Việt khắp nơi không phân biệt tuổi tác hay chính kiến.

Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này sẽ giới thiệu về mạng xã hội mới này của người Việt.

Mạng văn hóa Việt

Một ngày cách đây khoảng 1 năm rưỡi, có 4 bạn trẻ người Mỹ gốc Việt ngồi nói chuyện với nhau. Họ hỏi nhau về kỷ niệm của mỗi người lần đầu tiên về Việt nam. Các bạn nói nhiều về những em nhỏ lang thang trên đường phố ở Việt nam và nói về mong muốn được đóng góp, giúp đỡ các em, giúp những người không may mắn ở Việt nam. Từ những mong muốn đó, ý tưởng thiết lập một mạng xã hội cho người Việt khắp nơi đã thành hình. James Bảo, giám đốc điều hành mạng OneVietnam Network, một trong những thành viên ban đầu của mạng nhớ lại:

OneVietnam Network được bắt đầu cách đây 1 năm rưỡi từ ý tưởng của tôi và một số người bạn. Chúng tôi ngồi lại với nhau và nói về kỷ niệm lần chúng tôi về Việt nam gần đây nhất, điều gì chúng tôi thích và điều gì chúng tôi không thích, chúng tôi đã đi những đâu. Chúng tôi nói về cách mà chúng tôi có thể giúp Việt nam. Nhưng điều quan trọng là bắt đầu từ đâu, làm sao giúp các em nhỏ bên đó đạt được những điều mà các em muốn.

Điều tôi muốn tạo dựng là một nơi trao đổi văn hoá, người Việt sống trên khoảng 30 quốc gia có thể tìm đến để tìm hiểu. Tôi muốn có một nơi người Việt khắp nơi gặp nhau nói với nhau về nơi mình sinh ra, lớn lên và cảm nhận của họ.

James Bảo, GĐĐH OneVietnam Network

Rồi chúng tôi nhận thấy là chúng tôi không có điểm để bắt đầu điều mình định làm, không có một nơi mà chúng tôi có thể sử dụng google để tìm kiếm và nói rằng đây là nơi chúng tôi muốn đến, và kết nối với những người ở bên đó, hay thậm chí cả những người trong cộng đồng của chúng tôi ở đây. Thế là chúng tôi nói với nhau sẽ tạo một trang mạng như vậy.

Lúc đầu, những thành viên của mạng OneVietnam nghĩ rằng sẽ chỉ mất vài tháng để xây dựng mạng. Nhưng cuối cùng dự án đã vượt quá những dự định ban đầu. Và thế là lần lượt các thành viên sáng lập ban đầu của mạng đã gắn kết với dự án hơn. Họ thậm chí từ bỏ công việc chính của mình trước đó, những công việc ở các công ty lớn với thu nhập ổn định, để có thể đầu tư toàn bộ thời gian và công sức cho dự án.

James Bảo nói những người sáng lập mạng muốn OneVietnam có thể kết nối càng nhiều người Việt ở khắp nơi càng tốt:

Tôi muốn nhắm đến càng nhiều người càng tốt. Chúng ta biết là có khoảng 2 triệu người Mỹ gốc Việt tại Mỹ, 3 triệu người Việt ở các nước khác trên thế giới, và khoảng 85 triệu người tại Việt nam. Và đó là một thị trường tổng thể. Điều tôi muốn tạo dựng là một nơi trao đổi văn hoá, người Việt sống trên khoảng 30 quốc gia có thể tìm đến để tìm hiểu. Tôi muốn có một nơi người Việt khắp nơi gặp nhau nói với nhau về nơi mình sinh ra, lớn lên và cảm nhận của họ. Tôi muốn thấy mọi người ít nhất cũng tham gia vào mạng và chia sẻ về cuộc sống của họ, suy nghĩ của họ.

jamesbao.info-200.jpg
James Bảo, giám đốc điều hành mạng OneVietnam Network, một trong những thành viên ban đầu của mạng. Photo courtesy of jamesbao.info (James Bảo, giám đốc điều hành mạng OneVietnam Network, một trong những thành viên ban đầu của mạng. Photo courtesy of jamesbao.info)

Mong muốn của James và những người bạn khác dựa trên những cơ sở nhất định. Theo một thống kê gần đây, hiện Việt nam có gần 25 triệu người sử dụng internet, chiếm gần 25% dân số, và là một trong 20 quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên những người sáng lập mạng cũng rất thực tế và nói rằng nếu chỉ có 300,000 người tham gia mạng thì đó cũng đã là một thành công lớn.

OneVietnam ra đời đúng vào lúc các mạng xã hội khác đang nở rộ và thu hút không ít người Việt nam tham gia. Đặc biệt Facebook có đến gần 1 triệu tài khoản sử dụng tại Việt nam.

James Bảo cho rằng mạng OneVietnam khác hẳn với Facebook hay Twitter bởi mạng cung cấp cho người sử dụng những chức năng, thông tin mà các mạng khác không thể cạnh tranh nổi:

Chúng tôi có một khác biệt cơ bản, đó là chúng tôi có mục đích đầy ý nghĩa cho mạng lưới của mình. Nó không chỉ là việc cập nhật thông tin như bạn làm gì hôm nay, bạn ăn gì. Khi bạn tham gia OneVietnam, bạn mang vào một văn hoá riêng, rồi bạn tham gia vào các thảo luận như về chất độc màu da cam, trẻ lang thang, xây dựng đường xá, đâu là vấn đề, giải pháp là gì. Tóm lại chúng tôi xây dựng một văn hoá, một cộng đồng, và cố gắng tìm ra các giải pháp dựa vào các thảo luận. Đó là điều khiến chúng tôi cơ bản khác với Facebook và Twitter.

Sau hơn một năm lao động miệt mài, cuối cùng, ngày 18 tháng 7 vừa qua, mạng OneVietnam Network đã chính thức ra mắt. Và ngay ngày hôm sau, số lượng người truy cập mạng đã nhiều đến nỗi, mạng bị chậm lại và ngay lập tức những người điều hành phải tăng công suất máy chủ lên 5 lần để đáp ứng nhu cầu.

James Bảo cho biết trước khi mạng ra mắt, OneVietnam đã có khoảng 6,000 người ủng hộ trên Facebook, và được coi là mạng lưới người Việt lớn nhất trên Facebook.

OneVietnam là một tổ chức phi chính phủ, toàn bộ kinh phí để vận hành mạng là từ các nguồn tài trợ. James Bảo cho biết, nếu Facebook cần khoảng 100 triệu đô la một tháng để vận hành máy chủ thì OneVietnam chỉ mất 250,000 đô la một năm. Nhiều nhân viên của mạng làm việc tình nguyện không nhận lương.

Tôi nghĩ mạng sẽ đưa mọi người lại gần nhau hơn và nói rằng chúng ta chỉ là một, không quan trọng việc chúng ta sống ở đâu.

James Bảo, GĐĐH OneVietnam Network

Tổng giám đốc quỹ Đông Tây hội ngộ, John Anner, quỹ tài trợ cho hoạt động của OneVietnam, cho biết nguyên nhân quỹ quyết định tài trợ cho mạng như sau:

Tôi nghĩ họ là một nhóm những bạn trẻ có lòng nhiệt tình, tài năng và rất thông minh. Nhưng điều quan trọng hơn cả mà tôi thấy được đó là làm sao với tới được thế hệ người Mỹ gốc Việt tiếp theo. Tôi có nhiều người bạn Mỹ gốc Việt nhưng họ nhiều tuổi rồi, cỡ tôi hoặc lớn hơn, và không có sẵn nhiều thứ ngoài kia để kết nối với thế hệ trẻ hơn ở độ tuổi 30. Theo tôi đây là cách tốt nhất để vươn tới họ.

Đã gần một tháng đi vào hoạt động, mạng OneVietnam mỗi ngày vẫn tiếp nhận thêm các thành viên mới. James Bảo cho biết khó khăn lớn nhất lúc này của mạng là thu hút người đăng ký tham gia. OneVietnam không có nhiều tiền để quảng cáo khắp nơi, nên chỉ chủ yếu dựa vào quảng cáo truyền miệng.

Trao đổi văn hóa

Hiện tại, phần lớn những người tham gia mạng là những bạn trẻ ở Mỹ, và một số tại Việt nam. Họ kết bạn trên OneVietnam và thậm chí có người còn tìm lại được những người bạn đã xa cách lâu năm.

Những bạn trẻ từ nhỏ đến lớn vốn quen nói tiếng Anh, giờ qua mạng có cơ hội được nói chuyện bằng tiếng Việt, dù còn nhiều khó khăn. Và ngược lại, những bạn trẻ trong nước cũng có cơ hội được trau dồi vốn tiếng Anh của mình. Bạn Chu Văn Tài, một thành viên của mạng từ Việt nam cho biết:

Ở trên đó có nhiều người trao đổi qua lại bằng tiếng Anh. Tài là người Việt và tiếng Anh không được học nhiều thì trên đó là nơi để trau dồi vốn tiếng Anh của Tài.

000_HKG2004091210587-250.jpg
Lướt web bằng laptop tại các quán cà phê Wifi là thói quen của thanh niên VN hiện nay. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM (Lướt web bằng laptop tại các quán cà phê Wifi là thói quen của thanh niên VN hiện nay. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM)

James Bảo chia sẻ cùng quan điểm:

Chúng tôi là người Việt nhưng lại không tiếp xúc nhiều với người Việt ở Việt nam. Chúng tôi lớn lên và nói tiếng Anh. Đó là ngôn ngữ chính của chúng tôi. Nhưng điều đang xảy ra trên OneVietnam bây giờ là tôi bắt buộc phải nói tiếng Việt với những người bạn trên đó theo một cách nào đó. Họ nói với tôi bằng tiếng Việt và tôi trả lời bằng tiếng Anh. Cho nên có một sự trao đổi văn hóa rất lớn ở trên mạng.

Nhưng theo James Bảo, điều lớn nhất mà những người sáng lập mạng kỳ vọng khi thiết lập OneVietnam và giờ đang trở thành hiện thực, đó là sự chia cách giữa Việt kiều và người Việt trong nước dường như nhỏ lại.

Mạng đã làm một điều đáng kể là giúp mọi người hiểu nhau hơn. Điều mà tôi nhìn thấy trên thực tế đó là sự chia rẽ giữa người Việt và Việt kiều theo kiểu là Việt kiều thì không hiểu gì về văn hoá Việt, và có những cái thiếu tôn trọng lẫn nhau. Tôi nghĩ mạng sẽ đưa mọi người lại gần nhau hơn và nói rằng chúng ta chỉ là một, không quan trọng việc chúng ta sống ở đâu.

Chính đây cũng là cảm nhận của một số bạn trẻ trong nước khi gia nhập mạng OneVietnam. Bích Vân, một bạn trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh nói bạn đã gia nhập mạng ngay từ ngày đầu tiên và luôn ủng hộ vì đây là mạng của người Việt và bạn muốn được kết nối với những người bạn Việt ở khắp nơi.

Còn Chu Văn Tài thì nhận xét:

Ở trên đó Tài thấy có nhiều hình ảnh của mấy anh chị Việt kiều đăng về Việt nam rất là đẹp. Tài là người Việt nam nhưng không được đi nhiều và khi Tài nhìn thấy những hình đó thì Tài thấy là những người Việt nam như mấy anh chị Việt kiều rất hiểu Việt nam và Tài rất quý những người bên đó.

Chúng tôi là người Việt nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ chính của chúng tôi. Nhưng điều đang xảy ra trên OneVietnam bây giờ là tôi bắt buộc phải nói tiếng Việt, cho nên có một sự trao đổi văn hóa rất lớn ở trên mạng.

James Bảo, GĐĐH OneVietnam Network

Vào mạng OneVietnam hàng ngày, người ta có thể thấy rất nhiều trao đổi thảo luận diễn ra liên tục trên mạng về nhiều chủ đề về đời sống xã hội ở Việt nam. Ngoài ra cũng có những ý kiến đóng góp để cải tiến mạng. Một số người sử dụng cho rằng OneVietnam còn chậm nên đôi lúc không tiện cho người truy cập. Ngoài ra phần lớn những người tham gia mạng OneVietnam đều có sử dụng Facebook và Twitter, nên cũng có ý kiến đề nghị có những kết nối trực tiếp giữa OneVietnam với Facebook và Twitter để người dùng có thể cùng lúc cập nhật thông tin nhiều nơi.

Một điều nữa cũng không thể không nói tới đó là khả năng mà OneVietnam cũng có thể bị chặn ở Việt nam giống như Facebook, nếu như chính phủ Việt nam không thích các nội dùng thảo luận trên mạng. James Bảo cho biết mạng không cấm người tham gia thảo luận nói lên chính kiến của mình miễn là không có xúc phạm lẫn nhau, hoặc phá hoại mạng. Tuy thế, James cho rằng khả năng mạng có thể bị chặn tại Việt nam trong tương lai là rất thấp:

Mặc dù mạng mới ra mắt hôm 18 tháng 7 nhưng chúng tôi đã có 6,000 fan ở Facebook từ hơn một năm qua. Điều mà tôi nhận thấy là đa số họ không muốn nói đến chính trị này khác, mà chỉ muốn tìm một nơi để nói về các vấn đề khác như văn hoá, hay làm thế nào để giúp đỡ người khác. Từ thực tế đó, tôi không cảm thấy quá lo lắng.

Hiện ngay trong Việt nam cũng đã xuất hiện nhiều mạng xã hội nội địa, tuy nhiên những mạng này cũng không thu hút được nhiều người truy cập như Facebook. Theo nhận xét của các thành viên mạng từ Việt nam thì những mạng trong nước phần nhiều vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Mạng đông người đăng ký nhất là Zingme thì chủ yếu dùng cho giới trẻ thích chơi game. Còn mạng govn của chính phủ thì có nội dung tuyên truyền do chính phủ quản lý chặt chẽ. Vì thế, các ý kiến cho rằng mạng OneVietnam, với hướng tiếp cận mới, có nhiều khả năng sẽ thu hút được các bạn trẻ Việt nam trong nước tham gia trong thời gian tới.

Theo dòng thời sự: