Cô gái vượt lên số phận
2012.04.23
Mê học từ bé
Vừa ra trường với học lực khá, tấm bằng tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn khoa Ngữ văn của cô gái trẻ Lê Thị Bích Liễu có thể thu hút sự chú ý của nhiều trường học hay cơ quan, công ty. Tuy nhiên, trước khi tiếp xúc với Liễu, có lẽ đó là một kết luận vội vàng đối với nhiều người vì với họ, hình dáng của Liễu lại không ấn tượng như kết quả học tập của cô. Liễu cho biết:
“Chị không tưởng tượng được cảnh em đi xin việc, nhiều lúc người ta nói nhiều câu làm em tự ái lắm, muốn khóc ngay lúc đó nhưng phải nén lại. Khi ra khỏi nơi đó là em khóc. Chỉ vì em bị như thế này mà đi xin việc rất khó vì người ta còn tuyển cả hình thức nữa. Nhiều khi em cũng thấy nản vì những cố gắng của mình không được đền đáp xứng đáng”.
Liễu bị teo một chân phải, đi đứng lúc nào cũng có nạng bên mình. Từ năm một tuổi, một cơn sốt cao đã làm Liễu gần như thập tử nhất sinh. Nếu không có sự chữa chạy kịp thời của gia đình, có lẽ cơn sốt ấy còn lấy đi của Liễu nhiều thứ khác. Mẹ của Liễu, bà Ngô Thị Lân cho biết:
“Hồi đó mới giáp thôi nôi. Sau một đêm thức dậy Liễu bỗng nóng ran và mềm nhũn, không ngồi được. Sau đó tôi đưa Liễu đi bệnh viện. Sau một thời gian châm cứu Liễu cử động được tay, chân và hơn một năm sau là nó ngồi được”.
Cơ thể Liễu bắt đầu dần trở lại bình thường sau hơn một năm điều trị, chỉ chân phải của cô thì ngày càng teo tóp, làm hy vọng chữa trị cho cô cũng mất dần theo năm tháng. Liễu kể lại, đến năm bảy tuổi, gia đình mới bắt đầu chấp nhận khiếm khuyết bên chân phải của cô và ngừng chữa trị. Những tưởng mặc cảm sẽ lấy đi tất cả sự tự tin của cô gái trẻ và từ bỏ hy vọng đến trường nhưng đó chỉ là những gì người ta nghĩ. Liễu nhớ lại thời gian lúc cô hơn bảy tuổi:
Nhưng khi anh trai bắt đầu đi học thì em rất thích. Em cứ nhìn sách vở là hỏi chữ này chữ kia đọc như thế nào. Mẹ em thấy thế mới cho em đi học.
Cô Lê Thị Bích Liễu
“Nhưng khi anh trai bắt đầu đi học thì em rất thích. Em cứ nhìn sách vở là hỏi chữ này chữ kia đọc như thế nào. Mẹ em thấy thế mới cho em đi học”.
Liễu bắt đầu vào lớp một khi gần tám tuổi đầu, không với sự tự tin nhưng với một lòng đam mê tột độ dành cho cái chữ. Thấy con say mê học hành, cha mẹ Liễu cũng vừa mừng lại vừa lo:
“Những đứa bé khác là học từ mẫu giáo, còn Liễu học từ lớp một. Từ nhỏ là em đã giỏi rồi.Thật tình thì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà con học được như thế tôi cũng mừng. Vừa mừng, vừa lo cho nó”.
Những ngày đầu đi học, gia đình phải thay phiên chở Liễu trên xe đạp đến trường. Đường làng đất đỏ tỉnh miền núi Gia Lai mùa nắng như hắt lửa vào mặt, mùa mưa thì trơn như quết mỡ. Có những ngày mưa to, đoạn dốc cao, Liễu cũng ngã mà người nhà cũng ngã:
“Lúc đi học thì gia đình em rất vất vả. Trường thì xa, trời mưa trời gió là gia đình thay phiên đạp xe đưa đón. Đường thì lên dốc xuống đèo, lúc thì nắng chang chang. Nhưng em sợ nhất là trời mưa vì lúc đó vất vả lắm. Nhiều khi trời mưa, đường trơn, em bị té hoài. Khi đến lớp là quần áo ướt sũng lại dính đất. Lúc ấy vào lớp là chỉ muốn đi về nhưng em cứ suy nghĩ nếu về thì lại bị mất kiến thức của ngày hôm đó”, cô nói thêm.
Bà Lân tiếp lời:
“Nhiều lúc không biết nó sẽ học được đến đâu. Thân thì bệnh họan yếu đuối, lại sợ nó bị bạn bè trêu chọc. Đường xá đi học lại trơn trợt, té lên té xuống. Mỗi khi nó đi học về là lem luốc. Thương lắm”.
Cứ như thế mười sáu năm trôi qua, Liễu vẫn hàng ngày đến trường với những ngày mưa như thế nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc. Những lúc các cơn đau nhức khắp người có thể làm cô gái trẻ mệt mỏi và đau yếu, đặc biệt vào những mùa thi căng thẳng; nhưng không làm chết đi động lực vượt lên số phận của cô gái:
“Em thương mẹ nhiều nhất. Mẹ lúc nào cũng thủ thỉ là mong em có một cuộc sống tốt và tự lo được cho mình. Mẹ không thể nào sống cả đời để nuôi em được. Trong lớp thì có những người học giỏi những người học yếu nhưng em cứ nhìn vào những người học giỏi mà cố gắng. Em tự đặt câu hỏi là mình cũng có cái đầu như người khác, chẳng qua là mình chỉ thiếu một cái chân; mà học thì bằng cái đầu nên em quyết tâm là không được học thua kém người khác. Chính vì những điều ấy mà em càng cố gắng học, bạn bè có chân thì học chơi, còn mình không chơi thì mình học”.
Không đầu hàng số phận
Trong suốt bậc tiểu học và phổ thông, Liễu đều là học sinh khá giỏi. Các năm đại học, Liễu luôn được học bổng nhà trường. Đối với Liễu, con đường duy nhất chỉ có thể là “học và học” vì cô hiểu rằng mình không thể nào cuốc đất trồng khoai như người khác được.
Là một cô gái có tâm hồn nhạy cảm và giàu tình thương, Liễu gắn bó với mọi người và yêu trẻ nhỏ. Liễu tâm sự, từ nhỏ, ước mơ của cô là trở thành cô giáo:
“Từ nhỏ, nhìn thầy cô đứng trên bục giảng em chỉ ao ước một ngày nào đó mình cũng được làm như thế để truyền những kiến thức mà mình học được. Em thấy trong tất cả các môn thì môn văn truyền đạt được nhiều tư tưởng và tình cảm nhất. Em học văn thì tôi đã cảm nhận được ngày xưa ông bà ta sống như thế nào. Văn học cũng làm cho con người phong phú và giàu tình cảm hơn nên em muốn truyền đạt những kiến thức ấy vì con người sống thì cần có tình cảm thật của mình", cô nói thêm.
Ước mơ của Liễu chưa thành hiện thực vì sự khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng không vì như thế mà cô gái trẻ đánh mất sự lạc quan của mình:
“Sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm thì em định đi dạy nhưng khi xin việc thì có nhiều việc xảy ra, mà hình thức là một trong những vấn đề. Hiện tại em đang làm cho một công ty tư nhân về xuất bản sách. Em thấy như thế là cũng ổn vì dù sao nhiều người ta trường mà còn không có việc làm”.
Với khuôn mặt tròn bầu bĩnh ưa nhìn, Liễu có ánh mắt thông minh và nhanh nhẹn của một cô gái năng động. Tiếp xúc với Liễu, sự tự tin và sâu sắc của cô gái trẻ làm người ta quên mất cái chân khiếm khuyết của cô. Và có lẽ ít ai ngờ rằng hiện tại Liễu là một trong hai lao động chính trong nhà.
Liễu kể lại, cũng vì lo chữa trị cho cô mà của cải trong nhà lần lượt ra đi. Khi cô chưa vào lớp một, cha mẹ cũng bán nhà và dời về Gia Lai sinh sống. Vì không có đất canh tác, cha mẹ Liễu chỉ làm thuê, buôn bán nhỏ qua ngày. Năm 2007 và 2008, khi Liễu đang là cô tân sinh viên, cha mẹ cô lần lượt bị tai nạn giao thông phải mất sức lao động. Đồng lương giáo viên của người anh cả và đồng lương của Liễu vất vả lắm mới nuôi nỗi cả gia đình. Chính vì thế, hàng ngày sau khi tan sở, Liễu chỉ kịp bắt xe buýt về nhà ăn vội bát cơm là đi làm thu ngân đến khuya tại một quán cà phê:
“Bây giờ lao động chính trong nhà là em và anh trai, nhưng lương cũng “ba cọc ba đồng” lắm. Mẹ em bây giờ chỉ nuôi gà thôi nhưng cũng vất vả lắm. Hàng tháng em và anh trai vừa lo cho gia đình và lo cho đứa em đang học. Cho nên nói thời gian rảnh chắc là không có. Nhiều lúc em chỉ ước là mình được bình thường như người khác. Lúc đó em sẽ được đi lại thoải mái, được làm những gì mình thích và sẽ học được tốt hơn, rồi sẽ có một công việc tốt hơn”.
Hiện tại em đang làm cho một công ty tư nhân về xuất bản sách. Em thấy như thế là cũng ổn vì dù sao nhiều người ta trường mà còn không có việc làm.
Cô Lê Thị Bích Liễu
Tuy nhiên, điều làm Liễu luôn tự hào là không phải cô đã nuôi được em trai mình ăn học mà chính là cô đã làm cho em mình chăm chỉ đến trường:
“Nhờ em đi học ĐH mà mẹ khuyên em của em. Có lúc em nó ham chơi, mẹ chỉ khuyên em ấy là nhìn tấm gương của chị. Cho nên em ấy cũng cố gắng học và hiện tại đang học đại học ở Sài Gòn. Phương châm sống của em là trong cuộc sống chẳng có gì khó khăn cả nếu như mình biết vượt qua. Tốt nhất là mình nên tìm một điểm tựa. Đó có thể là người thân, bạn bè để nhìn vào đó mà cố gắng”.
Trở thành cô giáo là ước mơ của Liễu nhưng nó chưa là ước mơ lớn nhất. Liễu tâm sự, cô chỉ mong sau này sẽ tìm được một người hiểu mình và có thể đi cùng hết cuộc đời để cha mẹ khỏi phải lo lắng cho cô. Lúc đó, Liễu mới thật sự trở thành một người phụ nữ hạnh phúc nhất và là đứa con hiếu thảo nhất. Nhìn Liễu lạc quan kể về ước mơ của một mái nhà nhỏ với một hạnh phúc bình thường, mới thấy trái tim cô như mang một tình yêu xanh thẳm như màu xanh cao nguyên. Đó là trái tim luôn biết tìm đến niềm vui trong cuộc sống.
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org