Cuộc thi của Cambridge
Từ thành phố Hồ Chí Minh, chị Hoàng Uyên, chuyên trách tiếp thị vùng Đông Nam Á của chương trình Cambridge Esol, cho biết cô giáo Lê Xuân Hằng là một trong năm người trên thế giới thắng giải này. Bốn người khác gồm một giáo viên Đài Loan, một giáo viên Argentina, một giáo viên Ba Lan và một giáo viên Kazhakstan:
Chương trình này là của Hội Đồng Khảo Thí tiếng Anh đại học Cambridge. Tức là trong đại học Cambridge có một bộ phận gọi là bộ phận khảo thí, thì cái bộ phận mà Uyên đang làm việc là tổ chức khảo thí tiếng Anh của đại học Cambridge gọi tắt là Cambridge Eso.
Cambridge Esol tổ chức một competition (cuộc thi) dành cho các giáo viên trên toàn thế giới. Yêu cầu giáo viên viết một bài luận văn nói về tầm quan trọng của việc phát triển nghề nghiệp về teacher development cho bản thân của giáo viên. Và mối quan hệ giữa việc đấy với việc xây dựng những lợi ích dành cho học sinh. Thì cô Lê Xuân Hằng là một trong năm người đoạt giải.
Là một cô giáo ở làng quê với khát vọng dạy dỗ và nâng cao trình độ tiếng Anh cho các em học sinh ở quê nhà của mình, Lê Xuân Hằng cho biết "Chi phí toàn bộ là bên UK họ sẽ tài trợ, về vé máy bay và ăn ở trong quá trình học tập. Cambridge bên Anh đã xác nhận tất cả rồi."
Đến với cuộc thi

Cô Lê Xuân Hằng, giáo viên Anh văn tại trung học cơ sở Tân Hào ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cô ra trường đã mười năm nay, hiện là chủ nhiệm lớp Chín và hai lớp Sáu tại trung học cơ sở Tân Hào:
Em đến với cuộc thi là do hội đồng của nhà trường. Hôm cuộc họp hồi đầu tháng 12 thì ban giám hiệu trường có phổ biến cái công văn của Sở Giáo Dục về hội thi giáo viên với thế giới của Cambridge.
Chi tiết khiến cô giáo Lê Xuân Hằng chú ý là cuộc thi có một trăm giải khuyến khích mà mỗi giải là một bộ tài liệu giảng dạy. Ngoài ra còn có năm giải đặc biết là hai suất đi học tại trường Cambridge của Anh. Cô chia sẻ :
Lúc đó nói chung em chỉ nghĩ rằng ở nông thôn của mình rất là thiếu tài liệu giảng dạy, em ước gì có được bộ tài liệu đó. Người ta nói một trăm bài mà gởi về sớm nhất thì sẽ được nên em cứ thế mà em viết với hy vọng được bộ tài liệu giảng dạy đó. Và rất là may là em lọt vào top năm giải được đi học hai tuần ở Anh.
Lúc đó nói chung em chỉ nghĩ rằng ở nông thôn của mình rất là thiếu tài liệu giảng dạy. Người ta nói một trăm bài mà gởi về sớm nhất thì sẽ được nên em cứ thế mà em viết với hy vọng được bộ tài liệu giảng dạy đó.
Cô Hằng
Nội dung cuộc thi dành cho giáo viên cấp Một, cấp Hai, cấp Ba của những quốc gia mà dạy tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Đề tài đưa ra là yêu cầu mình viết một bài văn khoảng một trăm năm mươi từ, trong đó mình trả lời câu hỏi là cái khoa học kỹ năng dành cho giáo viên sẽ mang lại ích lợi gì cho bản thân giáo viên và học sinh.
Và trong bài đó thì em cũng nói thật thôi. Em nói là bởi vì em là một giáo viên ở một vùng mà điều kiện học không tốt như ở thành thị, rồi em cũng chưa có cơ hội để giao tiếp với người nước ngoài, em chỉ giảng dạy cho học sinh mình dựa trên những lý thuyết mà mình được học từ trường cao đẳng đại học.
Cho nên em nghĩ khóa học này sẽ mang lại rất nhiều ích lợi và em cảm thấy rất vui khi nghe tin về cuộc thi, không những cho em mà cho toàn bộ những giáo viên trên thế giới và chắc chắn cuộc thì này sẽ mang lại lợi ích nhiều cho bản thân giáo viên và học sinh.
Nếu được đến Anh thì tụi em sẽ được học về phương pháp truyền thụ cho học sinh như thế nào cho nó hay nhất, hiệu quả nhất và tụi em cũng sẽ được chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy ở nơi mà mình đang thực hiện. Nội dung bài viết em gởi cho họ là như vậy.
Chinh phục ban giám khảo

Những điều đó có đủ sức chinh phục Hội Đồng Khảo Thí của chương trình Cambridge Esol hay chưa? Theo cô giáo Lê Xuân Hằng thì bấy nhiêu đó chưa đủ, điểm thuyết phục nằm ở chỗ khác, khiêm tốn nhưng cần thiết như giấc mơ thoạt đầu của cô là một bộ tài liệu giảng dạy mà cô đang thiếu:
Ở đây thì chủ yếu em dạy là sách giáo khoa và sách giáo viên. Có cho học sinh nghe, song những thiết bị nghe chỉ là những nội dung từ trong sách giáo khoa mà có băng sẵn chứ không có cơ hội cho học sinh trực tiếp được.
Em nghĩ chắc là cái khát khao của em, khát khao được đi học để mang về những điều mới để dạy học sinh mình một cách hiệu quả hơn. Chứ trên thực tế giảng dạy mà cái điều kiện về tài liệu mình không có. Em nghĩ là do em trình bày cảm nghĩ thật của mình.
Em viết thật là cái điều kiện của mình không được bằng thành thị vậy thôi, chứ câu từ thì cũng không có hay ho gì hơn ai. Khi ban giám hiệu thông báo về nội dung thì về em có mở lên xem và bắt đầu gõ trực tiếp vô trong bài và em gởi luôn. Buổi tối soạn bài xong là em làm luôn.
Em nghĩ chắc là cái khát khao của em, khát khao được đi học để mang về những điều mới để dạy học sinh mình một cách hiệu quả hơn. Em nghĩ là do em trình bày cảm nghĩ thật của mình.
Cô Hằng
Là một cô giáo yêu thích cái nghề gõ đầu trẻ của mình, cô Lê Xuân Hằng không thể không nói về những lớp học trò ở huyện Giồng Trôm mà cô gần gũi và giảng dạy bao năm qua:
Đa số học sinh ở đây nếu học hết cấp 2, cấp 3 rồi thi lên Đại Học thì đa số các em về các em nói là tiếng Anh mình biết ít, lại ở trên thành phố, vậy đó. Cho nên em cảm thấy rất là tội nghiệp cho nó, không phải là nó không ham học, nhưng mà tại điều kiện nó không có.
Trong khi đó trên thành phố thì học sinh có thể đi học những lớp ban đêm, học luyện nói hay bất cứ cái gì. Em thấy nếu mình có thể giúp được thì đó là hạnh phúc. Mình cố gắng từ từ giảm bớt cái khoảng cách về trình độ của học sinh vùng nông thôn với vùng thành thị. Chỉ đơn giản đến trường học rồi về thôi.
Ở đây nói chung là Internet cũng không phải là có phủ đều. Trong trường học em cũng mới có một phòng vi tính hai ba năm nay. Ngoài bưu điện cũng có một địa điểm Internet nhưng mà chủ yếu mấy em vô đó chơi game chứ nói chung là không khai thác gì về bên tài liệu hết. Một số em thì cũng hăng say nhưng mà nhiều em thì cũng ngán ngại lắm, cứ cái tâm lý là tiếng Việt còn chưa rành thì làm sao tiếng Anh mà rành nổi?.
Tấm lòng với quê hương

Trở về với chuyến đi qua Anh trong tháng Bảy tới, cô giáo Xuân Hằng nói cô rất vui nhưng cũng không giấu được sự lo lắng, bởi từ hồi nào tới giờ cô ít khi ra khỏi thị xã:
Lo thì cũng lo rất là nhiều. Từ đó tới giờ em cũng chưa từng đi đâu. Thời gian còn lại từ đây tới đó thì em nghĩ em cũng phải trau đồi thêm về ngoại ngữ để hy vọng qua đó mình có thể đáp ứng được, có thể nghe và giao tiếp lưu loát. Cũng còn nhiều khoản lo lắm.
Chẳng khi nào cô giáo đi xa rồi không về Giồng Trôm nữa mà ở lại trên thành phố để làm việc, bỏ lại sau lưng đám học sinh quê mùa của mình thì sao? Đó là câu hỏi nửa đùa nửa thật mà Thanh Trúc nêu ra với Lê Xuân Hằng. Cô giáo hồn nhiên của miền quê Nam Bộ, của xứ dừa Bến Tre, quả quyết là cô muốn nhắn nhủ với học sinh rằng hãy hy vọng cô đi thì cô sẽ mang về những điều mới, những điều hữu ích cho các em. Cô hy vọng các em cố gắng học tập để phát huy hơn nữa. Nếu mà cái gì mà cô không làm được thì các em học sinh của cô sẽ làm được cho tương lai sau này:
Học sinh ở đây rất dễ thương, những người chung quanh đây cũng vậy. Hai ba ngày nay là báo đài xuống phỏng vấn em rồi có ghi hình em để đưa lên đài của Bến Tre, rồi mấy người trong xóm lại chúc mừng. Họ rất là dễ thương, em nghĩ chắc là không bỏ nổi quá, thấy họ tình cảm lắm, em cũng gắn bó với họ mười năm rồi.
Câu chuyện về cô giáo Lê Xuân Hằng đến đây tạm ngưng, chúc cô thành công như mơ ước.
Học sinh ở đây rất dễ thương, những người chung quanh đây cũng vậy. Em nghĩ chắc là không bỏ nổi quá, thấy họ tình cảm lắm, em cũng gắn bó với họ mười năm rồi.
Cô Hằng
Còn câu chuyện về đại học Cambridge của Anh và Việt Nam vẫn tiếp tục trong chiều hướng tích cực. Đó là điều cô Hoàng Uyên, làm việc cho chương trình Cambridge Việt Nam, kể lại:
Hiện tại Cambridge ở Việt Nam đã phối hợp rất nhiều với Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo và các Sở Giáo Dục để đưa những chương trình thi quốc tế của Cambridge đến với nhiều người hơn. Ví dụ vừa rồi Cambridge ký một bản ghi nhớ với Sở Giáo Dục Đào Tạo thành phố Hồ Chí Minh, để triển khai những dự án giới thiệu những chương trình chuẩn quốc tế đại trà cho học sinh Cấp 1, Cấp 2 và Cấp 3, và những chương trình phối hợp với Bộ Giáo Dục Đào Tạo để tổ chức tập huấn cho giáo viên tiểu học và giáo viên trung học.
Quí thính giả muốn tìm hiểu và muốn tham dự những chương trình thi tuyển Anh văn của đại học Cambridge như cô giáo Lê Xuân Hằng, xin truy cập vào địa chỉ www.CambridgeESOL.org.vn
Lưu ý, Cambridge viết hoa chữ đầu; ESOL viết hoa cả bốn chữ.