Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Giải Nobel Hoà Bình, chiếc ghế của nhân vật được giải lại bỏ trống cho dù trước đây, Đức Quốc Xã từng ngăn cản ký giả chủ trương hoà bình Carl von Ossietzky nhận giải Nobel hồi năm 1935, rồi Liên Xô ngăn chận nhà vật Lý học Andrej Sakharov năm 1975, xứ Ba Lan cộng sản gây trở ngại cho lãnh tụ Công đoàn Đoàn Kết Lech Walesa vào năm 1983 và nhà cầm quyền quân phiệt Miến không cho lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi đến nhận giải Nobel Hòa Bình hồi năm 1991.
Thông điệp nhân quyền
Thứ Sáu tuần rồi, ghế dành cho Khôi nguyên Nobel Hoà Bình Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi, bị bỏ trống vì ông đang thọ án tù 11 năm về tội mà Bắc Kinh cho là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân", trong khi vợ ông, bà Lưu Hà, cũng không được phép sang Na-Uy nhận giải thay chồng vì bà đang bị quản thúc chặt chẽ.
Lên tiếng tại buổi lễ, Chủ tịch Uỷ ban Nobel, ông Thorbjorn Jagland, nhấn mạnh rằng giải thưởng Nobel này không hề muốn xúc phạm bất kỳ ai, và Uỷ Ban chỉ muốn chuyển thông điệp liên quan nhân quyền, dân chủ và hoà bình mà thôi. Theo ông Jagland thì Khôi nguyên Nobel Hoà bình Lưu Hiểu Ba hoàn toàn vô tội, không phạm luật lệ gì ở TQ, mà ông Lưu thực ra chỉ sử dụng quyền công dân của mình trong khi chính Bắc Kinh đi ngược những gì họ cam kết.
Qua bài viết “Tôi Không Có Kẻ Thù”, ông Lưu Hiểu Ba nhấn mạnh: "Quyền tự do phát biểu là cơ sở của nhân quyền, là nguyên uỷ của nhân tính và là mẹ của sự thật. Cấm đoán tự do ngôn luận là giày xéo lên quyền con người, bóp nghẹt nhân tính, và trấn áp sự thật. Tôi không thấy mình có tội gì khi sử dụng quyền tự do phát biểu hiến định để làm tròn trách vị công dân của mình. Dẫu có bị kết tội vì đã làm thế, tôi cũng chẳng than phiền điều gì cả”.
Blog Yêu Việt Nam nhân dịp này phổ biến bài của Nhật Khuê tựa đề “Nobel Hòa Bình 2010 nhìn từ Việt Nam”, lưu ý đến việc VN dường như muốn làm vừa lòng nước đàn anh khổng lồ phương Bắc:
Quyền tự do phát biểu là cơ sở của nhân quyền, là nguyên uỷ của nhân tính và là mẹ của sự thật.
Ông Lưu Hiểu Ba
“Lần đầu tiên sự kiện trao giải Nobel làm xôn xao cư dân mạng ở Việt Nam. Các kênh truyền hình cáp ở Việt Nam không có truyền hình trực tiếp sự kiện này. Ai muốn xem thì lên mạng theo dõi. Sáng nay, thấy báo Dân Trí có đưa tin, các báo khác thì im re. Dường như là Việt Nam muốn làm vừa lòng anh hàng xóm càng ngày càng lấn lướt mình.”
Theo blogger Lê Diễn Đức, thì sở dĩ “VN muốn làm vừa lòng anh hàng xóm ngày càng lấn lướt mình” như vậy vì “không còn con đường nào khác, vì đó là chỗ dựa duy nhất hiện nay để VN được tồn tại":
“Trước đây còn cả khối CS, còn bây giờ chỉ còn một nước lớn duy nhất có cùng ý thức hệ , cùng thể chế chính trị độc đảng với Hà Nội. Nếu không bám TQ thì họ không còn con đường nào khác. Tình trạng này dẫn tới thái độ nhu nhược của nhà cầm quyền Hà Nội… Bây giờ người VN, nếu nói đến việc xâm lấn của TQ, đều bất bình, phẫn nộ. Nhưng bây giờ Hà Nội khó có động thái nào mạnh với TQ, vì đó chính là chỗ dựa để họ tồn tại.”
Sự kiện "chiếc ghế trống"
Blog Dân Làm Báo cũng đề cập tới bài “Những Kẻ Vắng Mặt Bị chỉ Trích” của nhà báo Bùi Tín, lưu ý rằng thực ra chỉ có một thiểu số nước độc tài, kể cả VN, mới không nhận lời mời tới Oslo.

Ông Bùi Tín mô tả cụ thể rằng chỉ có 16 nước từ chối, mà ông “điểm mặt” thì “phần lớn là những nước độc đoán, dị ứng nặng với nhân quyền, nhẵn mặt với thế giới”, trong đó có Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua blog Dân Làm Báo, nhà báo Bùi Tín cho biết tiếp:
“Bộ mặt của chính quyền độc đảng Việt Nam trong sự kiện quốc tế nổi bật này cũng thật đáng buồn... Vẫn là cái trò bịt tai, bịt mắt nhân dân trong thời buổi truyền thông nhanh nhậy. Thế mà gọi là quyền được thông tin của người dân! Sự kiện Lưu Hiểu Ba cũng vậy. Vẫn phải theo lệnh Bắc Kinh. Thật khốn khổ… cho Ban Tuyên huấn và Bộ thông tin truyền thông. Mà giải thích ra sao ? Vì ông Lưu là một tội phạm hình sự, âm mưu lật đổ chính quyền! Thì cũng như anh Điếu Cày, như chị Lê Thị Công Nhân …âm mưu lật đổ chính quyền, dù cho họ chẳng có tấc sắt.”
Nguyệt Minh, trên blog Phạm Viết Đào, mô tả tình cảnh của những nhà dân chủ vì khao khát tự do và tương lai tốt đẹp cho quê hương mà phải lâm cảnh lao lý, và tác giả hy vọng, một ngày nào đó, chiếc ghế trống Nobel Hoa bình sẽ được dành cho một trong những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN:
“Khán phòng thưa dần nhưng chiếc ghế trống vẫn giữ bước chân tôi ở lại. Tôi đến gần hơn và tự hỏi cả thế giới sẽ nghĩ gì khi nhìn vào chiếc ghế trống ấy? Riêng tôi, trong lúc nhìn vào chiếc ghế trống, tôi cảm thấy rất đau lòng. Đau lòng khi nghĩ đến ông Lưu Hiểu Ba và những người đã hy sinh hay vẫn trong vòng tù tội chỉ vì họ nói lên niềm khao khát tự do và một tương lai tốt đẹp hơn, chỉ vì họ hy sinh quên bản thân mình để mong muốn mang lại một sự thay đổi tốt hơn cho đất nước cho dân tộc mình, chỉ vì họ muốn quyền làm người phải thực sự được tôn trọng….
Nhưng chiếc ghế trống cũng mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc. Đó là tôi biết rằng những hy sinh lớn lao của những người không mệt mỏi đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ không bị mai một hay quên lãng. Những hy sinh đó vẫn được cả thế giới quan tâm. Bốn bức tường của nhà tù không đủ để ngăn cản sự đồng cảm và chia sẻ giữa những người đang hiện diện nơi này với những người đang mòn mõi trong chốn lao tù.
Chiếc ghế trống còn cho tôi hy vọng. Hy vọng về những điều tốt đẹp mà bao người đang hy sinh rất nhiều để đạt đến. Hy vọng rằng một ngày nào đó một trong những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam cũng sẽ có được vinh dự ngồi vào chiếc ghế trống ấy.”
Khán phòng thưa dần nhưng chiếc ghế trống vẫn giữ bước chân tôi ở lại. Tôi đến gần hơn và tự hỏi cả thế giới sẽ nghĩ gì khi nhìn vào chiếc ghế trống ấy?
Blog Phạm Viết Đào
Sự kiện “chiếc ghế trống” ấy trùng hợp với Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 giữa lúc các tổ chức nhân quyền, các chính phủ tự do dân chủ, người dân khát khao và đấu tranh cho lý tưởng này, nhất là những người đang sống dưới chế độ độc tài, quân phiệt, đang ra sức báo động về tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước, và đồng thời tranh thủ, kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ của thế giới.
Đó là lý do tại sao mới đây, nhà dân chủ Nguyễn Đan Quế mạnh mẽ kêu gọi mọi người ký tên vào “Bản Lên Tiếng Chung Của Những Người Việt Yêu Nước” nhân thời điểm đánh dấu Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Nhân dịp này, đại diện cho một trong những xứ tự do dân chủ, Đại sứ Mỹ Michael Michalak cũng không quên cáo giác VN gia tăng đàn áp phương tiện thông tin, trù dập, tù đày hàng loạt nhà bất đồng chính kiến chỉ vì họ bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà.
Sự thật vẫn là sự thật

Theo blogger Song Chi thì dù VN như thường lệ sẽ bác bỏ sự thật ấy, nhưng “sự thật thì vẫn là sự thật”. Rồi Blogger Song Chi đề nghị rằng để biết sự thật, hãy hỏi hàng trăm ngàn dân oan thấp cổ bé miệng từ khắp nơi trong nước đang khiếu kiện tuyệt vọng vì đất đai họ bị cưỡng chiếm; hãy hỏi hàng triệu công nhân trong nước bị “vắt kiệt sức” với đồng lương rẻ mạt, hàng trăm ngàn công nhân theo diện xuất khẩu lao động bị lâm tình trạng “đem con bỏ chợ”; hãy hỏi những giáo dân, tín đồ, từ Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Cồn Dầu cho tới Tu viện Bát Nhã về những vụ đàn áp đẫm máu; rồi linh hồn hàng chục nạn nhân bị chết oan ức về tay công an. Chưa hết, theo blogger Song Chi, muốn biết sự thật, hãy hỏi tiếp:
...hãy hỏi và hãy hỏi…rằng trên đất nước Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay, những quyền căn bản của con người đã thực sự được tôn trọng hay chưa?
Blogger Song Chi
“Hàng triệu nhà báo đang làm việc cho các tờ báo chính thức của nhà nước hay hàng triệu blogger và những người viết lách tự do cho các trang báo “lề trái”; đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ cho đến các nhà khoa học đã từng lên tiếng phản biện trong rất nhiều dự án, chính sách sai lầm của nhà nước; những con người vì tình yêu và nỗi lo âu cho thực trạng xã hội VN cũng như tương lai, vận mệnh của đất nước, dân tộc…đã lên tiếng phát biểu chính kiến một cách ôn hòa và bị xách nhiễu, bị bắt bớ, cầm tù và hàng trăm tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị khác trong đó có những người đã bị giam đến mười, hai mươi năm và hơn nữa…hãy hỏi và hãy hỏi…rằng trên đất nước Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay, những quyền căn bản của con người đã thực sự được tôn trọng hay chưa?”
Và, theo blogger Song Chi, thì câu hỏi được nêu lên là bao giờ người dân Việt Nam được hưởng những quyền làm người đầy đủ như trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 10 tháng 12, 1948 - nghĩa là cách nay 62 năm ?
Theo dòng thời sự:
- LHQ yêu cầu trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba
- Chiếc ghế trống dành cho Nobel Hòa bình
- Nhân quyền Việt Nam nhìn từ bên ngoài
- Cuộc vận động cho nhân quyền VN
- Viết blog phản biện nghĩa là không an toàn
- Cần đặt lại khuôn khổ cho tự do
- Giới trẻ với blog và mạng xã hội
- Vinashin chỉ là chuyện nhỏ?
- Giải Nobel hòa bình không nhằm chống lại TQ