Cung cầu lúa gạo xuất khẩu bất ổn

Trong vòng 7 tháng các doanh nghiệp đã ký được số lượng hợp đồng để xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có nhích lên nhưng toàn cảnh thị trường tiêu thụ vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.08.07
vietnamese-rice-in-philippines-305.jpg Công nhân đang vô bao gạo nhập khẩu từ Việt Nam hôm 01/04/2008 ở Manila, Philippines.
AFP Photo/Jay Directo

Ngày 5/8 trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA loan báo đã thực hiện mua tạm trữ ở đồng bằng sông Cửu Long được 400 ngàn tấn gạo vụ hè thu. Theo lời Phó chủ tịch Phạm Văn Bảy, các doanh nghiệp thành viên VFA đã đẩy mạnh mua tạm trữ trong hai tuần lễ vừa qua, thực hiện chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa của vụ hè thu.

Người đại diện VFA cho rằng, nhờ đẩy mạnh mua tạm trữ mà giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang tăng lên. Cụ thể lúa chất lượng thấp 50404 đã phơi sấy khô đạt mức giá 3.950đ-4.000đ/kg. Tờ Thời Báo Kinh Tế Saigon ghi nhận giá lúa loại thường tăng từ 400đ tới 500đ/kg, nhưng lúa hạt dài lại chỉ tăng 150đ tới 200đ đạt mức giá 4.200đ-4.300đ/kg.

Trên thực tế giá lúa ở vùng sâu vùng xa thấp hơn, do thương lái tốn chi phí vận chuyển nhiều hơn. Một nông dân vùng sông nước Cửu Long cập nhật giá lúa ngày 5/8 cho chúng tôi:

“Giá có nhích lên khoảng 300-400đ/kg. Giá vẫn bấp bênh lắm, Thí dụ 50404 mọi năm thương lái mua từ 4.000đ/kg trở lên nhưng năm nay chỉ mua 3.600đ-3.700đ/kg. Lúa dài 2517 mua 4.000đ-4.100đ.”

Mùa gặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Mùa gặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.AFP photo
AFP photo
Tính đến đầu tháng 8, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 50% diện tích lúa hè thu. Như vậy trong 60 ngày sắp tới, các cánh đồng lúa sẽ cung cấp thêm khoảng 4 triệu tấn lúa, chưa kể đến cuối năm vụ thu đông sẽ cho thêm hơn hai triệu tấn lúa nữa. Giá lúa hiện nay đã nhích lên, nhưng sau khi các doanh nghiệp mua đủ 1 triệu tấn gạo tạm trữ thì tình hình sẽ như thế nào, đây là câu hỏi khó trả lời.

Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề căn bản là Việt Nam lệ thuộc thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải có đầu ra:

“Chính sách mua tạm trữ của chính phủ giúp cho giá lúa ổn định, nó không xuống nữa nhưng cũng không lên nhiều. Hiện nay kho tàng của các doanh nghiệp tương đối ít mà còn trữ lúa cũ, do đó tạm trữ lúa mới gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Khách hàng trì hoãn

Nếu kể về khối lượng, kế hoạch xuất khẩu gạo của VFA hàng năm luôn vượt chỉ tiêu nhưng năm nào cũng vậy, nông dân chưa trọn niềm vui được mùa thì đã lo sốt vó về vấn đề rớt giá và khó tiêu thụ.

Theo SGTT Online, VFA loan báo đã ký hợp đồng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong 7 tháng vừa qua tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo đã giao cho khách hàng khoảng 4 triệu tấn trị giá 1 tỷ 700 triệu USD theo điều kiện FOB, vận chuyển bằng tàu biển khách hàng tự trả cước tàu và phí bảo hiểm. Như vậy trong 5 tháng còn lại của năm 2010, nếu không ký thêm hợp đồng thì chỉ còn khoảng 2 triệu tấn gạo nữa được xuất khẩu. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA quan ngại về tiến độ giao hàng, vì khách hàng chậm trễ trong việc đưa tàu vào cảng bốc gạo, hoặc kéo giãn thời gian nhận hàng.

Philippines loan báo sẽ không đấu thầu mua thêm gạo cho đến cuối năm, đồng thời đề nghị phía Việt Nam hoãn giao số gạo còn lại trong số 1,6 triệu tấn mà Philippines đã ký mua.

Cùng lúc, truyền thông báo chí Philippines đưa nhiều thông tin về việc các kho gạo dự trữ đang đầy ắp, tồn trữ lâu gạo bị hư hỏng xuống cấp. Theo đó, chính phủ tiền nhiệm ở nước này mua quá nhiều gạo so với nhu cầu thực tế. Philippines loan báo sẽ không đấu thầu mua thêm gạo cho đến cuối năm, đồng thời đề nghị phía Việt Nam hoãn giao số gạo còn lại trong số 1,6 triệu tấn mà Philippines đã ký mua.

Cùng về vấn đề này trang mạng Anh ngữ VietnamNet Bridge đưa tin ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA xác nhận vụ trì hoãn. Tuy vậy việc này không ảnh hưởng mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay. Ông Huệ cho báo chí biết, Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam đã giao gần hết các hợp đồng bán gạo cho Philippines, trong tổng số 1,6 triệu tấn chỉ còn khoảng 200.000 tấn chưa giao hàng.

Xây dựng vùng lúa chất lượng cao

Người nông dân ĐBSCL bên cánh đồng lúa trĩu hạt của Anh. RFA PHOTO.
Người nông dân ĐBSCL bên cánh đồng lúa trĩu hạt của Anh. RFA PHOTO.
Cũng vẫn chuyện lúa gạo, Saigon Times Online đưa tin 6 trong số 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đồng thuận xây dựng ở địa phương mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích từ 500 tới 1.000 ha. Đó là các tỉnh An Giang, Trà Vinh,Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và Bạc Liêu. Theo đó Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam Vinafood 2 và các công ty thành viên sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa hàng hóa sản xuất ra với giá cao hơn giá thị trường bảo đảm nông dân có lãi. Vinafood 2 sẽ phối hợp với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung cấp cho nông dân các loại vật tư nông nghiệp có chất lượng bảo đảm, giá rẻ hơn thị trường nhằm giúp nông dân giảm giá thành sản xuất.

6 tỉnh đồng thuận ý kiến xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao, về phần mình mỗi tỉnh sẽ xác định từ một đến hai giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sau đó tiếp tục hoàn chỉnh qui trình canh tác phù hợp. Mục tiêu xa hơn là sản xuất lúa theo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Theo lời ông Phạm Văn Dư Cục phó Cục Trồng Trọt, đây là mô hình sản xuất khoa học, nếu làm được sẽ tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo, có khả năng truy nguyên nguồn gốc hạt gạo xuất khẩu tới tận cánh đồng.

Thí dụ về lúa gạo, nếu tôi có các vùng nguyên liệu của từng tỉnh một, tỉnh này sản xuất ba giống tôi biết được nguồn gốc sản xuất ba giống đó từ đâu; tỉnh kia làm 5 giống, tỉnh nọ 2 giống v.v... tôi sẽ cân đối được sản lượng, biết được chất lượng và kiểm soát được.”

Thí dụ về lúa gạo, nếu tôi có các vùng nguyên liệu của từng tỉnh một, tỉnh này sản xuất ba giống tôi biết được nguồn gốc sản xuất ba giống đó từ đâu; tỉnh kia làm 5 giống, tỉnh nọ 2 giống v.v... tôi sẽ cân đối được sản lượng, biết được chất lượng và kiểm soát được.

Ông Phạm Văn Dư

Câu chuyện khá lý tưởng, được làm lại từ đầu kể từ vụ đông xuân 2010-2011 và với diện tích giới hạn. Cách đây 10 năm, Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn đã có dự án xây dựng 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, dự án phá sản vì không thể liên kết nông dân vào các tổ chức hợp tác xã kiểu mới. Ngoài ra trong nhiều trường hợp, khi có biến động thị trường vì lợi nhuận của mình doanh nghiệp hoặc nông dân không ngn ngại phá vỡ hợp đồng.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội đưa ra nhận định:

“Tôi nghĩ hợp tác xã là một mô hình rất tốt, thế nhưng hiện nay mô hình hợp tác xã ở Việt Nam chưa chuyển đổi phù hợp kinh tế thị trường. Ngoài ra số nông dân được đào tạo để quản lý hợp tác xã qui mô lớn thì không phải là nhiều, cho nên số hợp tác xã thành công cho đến bây giờ vẫn còn hạn chế. Còn một số hợp tác xã thực chất họ làm việc cung ứng nguyên liệu vật tư hay một số dịch vụ nào đó thôi.”

Việt Nam đề ra khá nhiều chương trình để nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là người trồng lúa. Nhưng trở ngại tiếp nối trở ngại do điều kiện cơ bản chưa thể thay đổi, đó là người đông đất chật, quá nhiều người trồng lúa, mỗi người một mảnh ruộng nhỏ bé. Khi không thể tập trung sản xuất lớn, mọi giải pháp đều trở nên vô nghĩa. Trong hiện tại nông dân chỉ có thể dễ thở hơn nếu bộ máy xuất khẩu chạy đều để thị trường khai thông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.