Gặp khi thị trường bất ổn, giá lúa xuống thấp, không ít ý kiến cho rằng thương lái ép giá nông dân, như thể họ là những người trục lợi bất chính. Trong một nền kinh tế thị trường, không thể phủ nhận vai trò của những thành phần mà thiếu họ hàng hóa không thể lưu thông. Lắng nghe tiếng nói từ chính người nông dân làm ra hạt lúa:
“Mình chỉ có thương lượng bán cho thương lái thôi, chứ đâu có trực tiếp bán cho các ông xuất khẩu gạo được đâu, tụi tui ở đây chỉ bán cho thương lái thôi.”
Một bộ phận doanh nhân
“Thương Lái: Một bộ phận của giới doanh nhân”, tựa bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc trên trang mạng Báo Doanh Nhân Saigon. Dẫn nhập bài viết như muốn phá bỏ những định kiến hẹp hòi để lại từ thời bao cấp: “Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận công bằng đối với thương lái - những người đã và đang tạo nên sự lưu thông cũng như góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Họ chính là một bộ phận của giới doanh nhân.”
Thương lái là người trực tiếp mua và tập hợp nông sản lại.
TS Phạm Văn Dư
Theo ông Dương Trung Quốc, từ “thương lái” khá phổ biến ở miền Nam, trong khi miền Bắc gọi là “dân buôn”. Có thể nói, cách gọi đó cho thấy cái nhìn còn tiêu cực về bộ phận người làm lưu thông hàng hóa trên thị trường Việt Nam từ xưa đến nay, với quan niệm nghiêng về phía đánh giá “chuẩn mực đạo đức không phù hợp”. Tác giả cho rằng, tập quán xã hội cũng như nhận thức của không ít người dân đều có sự rẻ rúng đối với những người làm nghề này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc mô tả, thương lái đã trở thành người kết dính xã hội tiểu nông trong lịch sử, tập trung nhiều hơn ở phía Nam và ít hơn ở miền Trung, miền Bắc. Có thời kỳ, vai trò thương lái rơi vào tay người Hoa - một dân tộc vốn có truyền thống và kinh nghiệm về giao thương hàng hóa. Theo tác giả, miền Nam do đặc điểm địa kinh tế, địa dân cư, đã có một tầng lớp không phải tiểu nông, sống bằng nghề thu gom, bao tiêu nông sản, đặc biệt là lúa gạo, khiến vùng này sớm trở thành nơi xuất khẩu gạo và nông sản đầu tiên trong cả nước. Vai trò thương lái ở đây thấy rõ hơn, nổi trội hơn, và rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa.
Đáp câu hỏi của chúng tôi về sự nhìn nhận lại vai trò của giới thương lái, hàng xáo, trong tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, TS Phạm Văn Dư Cục Phó Cục Trồng Trọt nhận định:
“Tôi nhất trí rằng lực lượng thương lái của chúng ta hiện nay rất quan trọng, và nếu như thiếu họ thì không thể được. Ví dụ người nông dân sản xuất 3 công, 5 công, thì làm sao nhà xuất khẩu làm được. Do vậy, thương lái là người trực tiếp mua và tập hợp nông sản lại.”

Trở lại tờ báo mạng Doanh Nhân Saigon, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định rằng, thương lái là một tầng lớp có lý do để tồn tại theo sự phân công xã hội. Không nên nói về “công hay tội” của họ, mà phải thấy rằng khi xã hội chưa xuất hiện những thương nhân, doanh nghiệp lớn, thì thương lái chính là người đảm đương công việc mua và lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của đời sống, từ tư liệu sản xuất đến hàng hóa tiêu dùng. Họ chính là một bộ phận của doanh nhân Việt Nam.
Những thí dụ về vai trò của thương lái, hàng xáo điển hình nhất là tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói nếu không có những người đưa ghe tới sát bờ kênh, mua lúa tận ruộng, tận nhà nông dân, thì Việt Nam không có cách nào xuất khẩu 5-6 triệu tấn gạo mỗi năm. Thương lái hàng xáo là khâu thứ nhất trong chuỗi lưu thông, biến những hạt lúa từ đồng ruộng trở thành món hàng hóa xuất khẩu.
Họ là thành phần rất năng động, nhạy bén, vô vùng sâu vùng xa ngõ ngách nào cũng đều tới mua.
TS Lê Văn Bảnh
TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long nhìn nhận hạt lúa qua tay thương lái có nhiều trung gian, khả năng ép giá cũng là có. Nhưng với hình thức sản xuất như ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu không có thương lái thì nông sản khó đến được kho các công ty xuất khẩu. TS Lê Văn Bảnh phân tích:
“Họ là thành phần rất năng động, nhạy bén, vô vùng sâu vùng xa ngõ ngách nào cũng đều tới mua. Vai trò của thương lái rất quan trọng và trong vòng năm, mười năm nữa chuyện này sẽ vẫn còn.”
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, những vấn đề đặt ra với thương lái cũng là những vấn đề đặt ra với thương nhân Việt nói chung. Một xã hội tiểu nông sẽ tạo ra những căn tính, tập tính của đội ngũ thương nhân không quen nhìn xa trông rộng, không hướng tới lợi ích lâu dài, chủ yếu là ứng biến cơ hội. Sự ứng biến đó của thương lái có thể gây ra thiệt hại về lợi ích cho một bộ phận người dân, khi mà họ chưa tạo được ra một hệ thống ứng xử trên nền tảng luật pháp. Đây cũng chính là vấn đề đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nhân mà xã hội Việt Nam hiện đại đang tiếp tục phải đặt ra.
Giúp đổi mới thương lái
Ông Dương Trung Quốc nhận định trong bài viết trên Doanh Nhân Saigon, trong xã hội hiện đại, thương lái vẫn còn điều kiện đóng góp tích cực cho xã hội, họ phải tự mình thay đổi để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới trong bối cảnh mở rộng giao lưu kinh tế, tăng cường giao thông hàng hóa với nhiều thị trường lớn trên thế giới. Chỉ điều đó mới giúp họ tồn tại và mang lại lợi ích cho chính họ.
Trong một ví dụ liên quan tới thương lái hàng xáo, những người trực tiếp mua lúa cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long, TS Phạm Văn Dư, Cục Phó Cục Trồng Trọt nhận định:
“Trước đây chưa có qui cũ nhưng hiện nay dần dần sẽ thay đổi, anh có điều kiện thế nào đó để thực hiện, thí dụ doanh nghiệp nói mua lúa đạt một độ ẩm nào đó, thì anh phải yêu cầu nông dân sấy đạt ẩm độ, hoặc tự động anh phải sấy lại cho tốt hơn, để khi tôi xát ra hạt gạo tốt hơn, lấy ví dụ như vậy. Đấy là những điều kiện mà mình đặt ra để hệ thống thương lái dần dần có qui cũ hơn và có tính kỹ thuật hơn, đảm bảo yêu cầu phẩm chất hàng hóa ngày càng phát triển ngày càng tốt hơn.”

Trong tất cả báo mạng mà chúng tôi xem được, có lẽ Doanh Nhân Saigon là tờ báo đầu tiên đặt vấn đề nhìn nhận vai trò tích cực của thương lái hàng xáo, sau hơn hai thập niên Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Ngoài bài viết của ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư Ký Hội Sử Học Việt Nam, Doanh Nhân Saigon còn mở cuộc thi viết và chụp ảnh với chủ đề “ Vai trò thương lái trong nền kinh tế thị trường”. Bài viết “ Nỗi niềm hàng xáo miền Tây” của Cao Tâm cho thấy làm nghề hàng xáo không phải chuyện đơn giản, tiền vốn cũng bạc tỷ, để sắm ghe chở lúa. Người ta nói chuyện thương lái ép giá nông dân, trong khi “Nỗi niềm hàng xáo” nói ngược lại: Khi vào vụ “đông ken” nhiều thương lái cùng mua lúa xay gạo để bán cho doanh nghiệp, khi thấy nhiều hàng là doanh nghiệp bắt đầu ép giá. Một thí dụ nữa được nêu ra: đầu vụ đông xuân trúng mùa, Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) tự ấn định giá thành sản xuất 2.200đ/kg lúa và định giá mua tại kho doanh nghiệp 4.000đ/kg, tác giả cho rằng như vậy VFA định giá cho hàng xáo mua lúa của nông dân 3.800đ/kg. Lập tức, giá gạo rớt từ 6.200đ/kg xuống 5.600đ/kg, kéo giá lúa từ 4.700đ xuống 3.900đ/kg. Nghề hàng xáo, khi vào vụ thu hoạch, giá gạo không ổn định, nếu trở tay không kịp sẽ bị lỗ nặng.
Tác giả Cao Tâm viết trong bài của mình, doanh nghiệp chỉ mua gạo tại kho, còn nông dân muốn bán lúa tại ruộng. Nông dân không có phương tiện vận chuyển, doanh nghiệp không có khả năng thu mua nhỏ lẻ, còn đội ngũ hàng xáo có cả ba. Họ đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp về độ ẩm và tạp chất trong lúa gạo. Giới hàng xáo chuyên nghiệp bốc nắm lúa cắn mấy hạt là biết chính xác độ ẩm và tỷ lệ gạo. Vì vậy cần tổ chức sắp xếp đội ngũ hàng xáo để họ hoạt động hiệu quả hơn.
Theo dòng thời sự:
- Bình Đẳng giữa nông dân và doanh nghiệp: Bao giờ?
- Vận động nông dân bán lúa theo thời giá
- Làm sao giảm trung gian trong nông nghiệp
- Lúa gạo ế, giá xuất khẩu rớt mạnh
- Xuất khẩu gạo: Thực trạng và Giải pháp
- Xuầt khẩu gạo phải có điều kiện
- Câu chuyện giá thành nông sản
- Nông dân vội vã bán lúa
- Được mùa, nông dân vẫn phải lo
- Phía sau sự kiện lúa gạo tăng giá