Quan ngại nước nhiễm thạch tín

Nước nhiễm asen, hay thạch tín, là vấn đề mà Việt Nam cũng như một số nước khác gặp phải lâu nay do điều kiện tự nhiên sinh ra.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.07.12
Người dân Cà Mau đang bơm nước từ giếng ngầm. Người dân Cà Mau đang bơm nước từ giếng ngầm.
Photo courtesy of ĐatMuiOnline

Cơ quan chức năng Việt Nam sắp cho công bố một công trình nghiên cứu về thực trạng nguồn nước nhiễm asen tại khu vực Đồng bằng Sông Hồng, nơi có nguồn nước nhiễm asen nhiều nhất Việt Nam.

Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này mời quí vị theo dõi một số thông tin liên quan vấn đề này.

Ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng

Chừng một tháng nữa Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường, thuộc Bộ Y tế Việt Nam sẽ chính thức công khai kết quả nghiên cứu ‘ảnh hưởng của ô nhiễm asen trong nguồn nước gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư đồng bằng Sông Hồng’. Nghiên cứu này được cho hay được tiến hành từ năm 2007 cho đến năm 2009.

Ở Việt Nam, nhiễm asen nặng nhất là tỉnh Hà Nam, và một phần Hà Tây nay sát nhập vào Hà Nội.

GS Lê Văn Cát

Tuy nhiên lâu nay các cơ quan chức năng cũng lên tiếng cho hay có những biện pháp giúp ngươì dân xử lý để tránh bệnh tật do nước nhiễm asen gây nên cho họ.

Vậy chất asen nhiễm vào nguồn nước ra sao, gây hại thế nào tại những vùng được phát hiện có lượng asen lớn?

GS- Ts Lê Văn Cát thuộc Phòng Hóa Môi trường, Viện Hóa Học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giải đáp về những điểm đó như sau:

Asen là tên nguyên tố hóa học, còn ‘thạch tín’ là từ đã có cả nghìn đời nay tại Việt Nam và Trung Quốc. Đến bây giờ thế giới vẫn chưa biết hết được tác hại của nguyên tố hóa học đó; tuy nhiên điển hình nhất là asen gây nên ung thư da. Có ý kiến còn cho rằng asen gây nên bệnh thần kinh, tuy vậy điều này chưa có bằng chứng gì xác đáng lắm.

“Ở Việt Nam, nhiễm asen nặng nhất là tỉnh Hà Nam, và một phần Hà Tây nay sát nhập vào Hà Nội. Trong phạm vi một tỉnh, tình trạng nhiễm asen cũng chỉ tập trung vào một số vùng, như ở tỉnh Hà Nam tập trung tại huyện Lĩnh Nhân, và tại Lĩnh Nhân cũng tập trung vào một số nơi như xã Hòa Hậu.

Một máy bơm nước từ giếng ở Bình Định. Photo courtesy of vfej.vn
Một máy bơm nước từ giếng ở Bình Định. Photo courtesy of vfej.vn
Ngay cả những nơi như thế, ngươì dân cũng không mắc những bệnh do asen gây nên nhiều, vì thói quen của cư dân tại Vùng đồng  bằng ( Sông Hồng) là dùng nước mưa nhiều hơn. Đối với những người sử dụng nước ngầm, do nước nhiễm sắt dễ nhận biết nên khi bơm lên, người ta để thoáng khí, xong lọc qua. Khi làm như thế cũng loại được 70-80% asen trong nước ngầm rồi.”

Tiến sĩ Nghiêm Đức Long, chuyên nghiên cứu về nguồn nước, đang giảng dạy tại Đại học Wollongon, bang New South Wales, Australia  cũng có những trình bày liên quan:

“Khi nước ngầm thấm qua tầng địa chất có asen thì chất này đi vào nước ngầm. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các nước đông nam Á, nam Á như Việt Nam, Bangladesh, Kampuchia… Mức độ khác nhau có chỗ cao, chỗ tương đối cao. Việt Nam ở mức cao hơn chuẩn một chút chứ  không nặng như Bangladesh .

Tại Việt Nam ngươì ta sử dụng nước mặt nhiều hơn nước ngầm, cho nên biết là bị nhiễm thạch tín (asen) nhưng biểu hiện ra bên ngoài gần như chưa có, chưa có những biểu hiện lâm sàng giống như Bangladesh.

Đây là hiện tượng tự nhiên nên phải xử lý. Một là tại những vùng nhiễm asen không sử dụng nước ngầm, dùng nước mặt.

TS Nghiêm Đức Long

Mức asen có thể chấp nhận cho nước sinh hoạt thật ra rất thấp: dung sai trong khoảng từ 2 microgram/lít đến khoảng 10 microgram/ lít. Mỹ hiện đưa ra chuẩn là 10 microgram/lít và Australia là 7 microgram/lít. Theo một số nghiên cứu cần có chuẩn 2 microgram/ lít mới an toàn. Tuy vậy mức an toàn đó chỉ tương đối thôi, vì tính theo tỷ lệ người có thể bị mắc bệnh ung thư trên một triệu dân, do vậy đó là con số ‘tương đối’.”

Biện pháp xử lý

Những biện pháp giúp xử lý nguồn nước bị nhiễm asen được thực hiện ra sao? Giáo sư Lê Văn Cát cho biết:

“Thông thường ngươì ta áp dụng biện pháp lọc: lọc bằng một số vật liệu có thể dễ kiếm ở trong nước. Vật liệu lọc hiệu quả cao lại đắt so với túi tiền trong nước.”

Tiến sĩ Nghiêm Đức Long trình bày:

Một máy lọc nước của công ty Việt Thái sản xuất. Photo courtesy of VietThai.
Một máy lọc nước của công ty Việt Thái sản xuất. Photo courtesy of VietThai.
“Đây là hiện tượng tự nhiên nên phải xử lý. Một là tại những vùng nhiễm asen không sử dụng nước ngầm, dùng nước mặt. Còn dùng nước ngầm thì phải xử lý mà việc xử lý asen không phải quá khó, tuy vậy giá thành xử lý tùy vào từng trường hợp một.

Tại sao các nước có những chuẩn về asen trong nước khác nhau như Mỹ là 10 macrogram/lít, Australia là 7 microgram/lít trong khi chuẩn an toàn là 2 microgram/ lít? Lý do liên quan kinh tế: nếu áp đặt chuẩn quá chặt chẽ mà các cơ sở cung cấp nước không thể đáp ứng được sẽ không ‘ổn’.

Công nghệ cơ bản có thể xử lý thạch tín. Dân có thể tự xử lý bằng phuơng pháp lọc cát hay oxy hóa để kết tủa asen và sắt cùng lúc…”

Hồi ngày 19 tháng sáu vừa qua, tạp chí y khoa Lancet cho công bố kết quả nghiên cứu nguồn nước nhiễm chất thạch tín, asen, tại Bangladesh. Theo đó cứ năm ngươì phơi nhiễm với nguồn nước như thế bị thiệt mạng. Và đây là quốc gia mà có đến phân nửa số dân 150 triệu phải sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm độc asen. Hằng ngày người dân phải lấy nước từ những giếng không hề được kiểm nghiệm chất độc hại.

Tổ chức Y tế Thế giới gọi đó là tình trạng ngộ độc tập thể lớn nhất trong lịch sử.

Chủ tịch Sáng hội Asen, ông Richard Wilson, đồng thời là cựu giáo sư đại học Havard, cho rằng tầm mức của vấn đề chất asen nặng gấp tai nạn Chernobyl đến 50 lần; trong khi đó lại chẳng được lưu tâm gì.

Công nghệ cơ bản có thể xử lý thạch tín. Dân có thể tự xử lý bằng phuơng pháp lọc cát hay oxy hóa để kết tủa asen và sắt cùng lúc.

TS Nghiêm Đức Long

Dù theo các chuyên gia, lượng asen trong nguồn nước ngầm tại Việt Nam, nhất là ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng, không lớn đến mức có thể gây hại cho người sử dụng như ở Bangladesh; tuy nhiên chuyện nước sạnh nói chung đối với dân chúng ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn là vấn đề xa vời như trình bày của chính những người dân sau đây.  Chỉ mới tuần trước, một người dân tại Thái Bình cho biết:

“Nói chung người ta chẳng thông báo gì, chưa có công trình nước sạch. Dân tự làm bể làm vài ngăn, rồi lắp ống lọc qua cát, lưới thôi.”

Và một ngươì ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng nói lên tình hình không khác mấy ở Thái Bình:

“Lâu lâu có đoàn về kiểm nghiệm, thông báo mức ô nhiễm và bán những túi xử lý những nồng độ nào đó mà cũng chẳng biết thuốc gì.”

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.