Nhật ký sông Mêkông (phần 5): Trong địa phận Miến Điện

Liên tục loạt bài Xuôi Dòng Mêkông do Đài Á Châu Tự do thực hiện, trong chương trình Khoa học- Môi trường tuần này, mời quí vị đến phần sông Mêkông trong địa phận Miến Điện.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.03.22
Dòng Mêkông trong địa phận Miến Điện. Dòng Mêkông trong địa phận Miến Điện.
RFA PHOTO

Người Lahu bị đàn áp

Chúng tôi đến bang Shan, nằm ở vùng đông bắc Miến Điện. Tại đó chúng tôi gặp sắc dân thiểu số Lahu. Họ là những người có thể lần tìm ra cội nguồn cùng với Dòng Sông Mêkông.

Tương tự những sắc dân thiểu số khác sống dưới chế độ quân phiệt Miến Điện, người Lahu cũng bị cô lập sau biên giới khép kín của xứ này. Họ sống ngay giữa một vùng biến động nhất.

Chúng tôi tìm cách tiếp cận một cách bí mật với những thành viên của cộng đồng người sắc tộc Lahu.

Một người đàn ông Lahu cho chúng tôi biết:

Hiện thời những cộng đồng thiểu số chúng tôi bị chính quyền Miến Điện đối xử rất tệ bạc. Họ xem chúng tôi như súc vật. Chúng tôi không thể chịu đựng được cảnh ngộ này.

Hiện thời những cộng đồng thiểu số chúng tôi bị chính quyền Miến Điện đối xử rất tệ bạc. Họ xem chúng tôi như súc vật. Chúng tôi không thể chịu đựng được cảnh ngộ này.

Một người Lahu

Chính sách của chính quyền Miến Điện để quân đội tự cung tự cấp khiến nhiều tội ác gia tăng. Quân đội tìm cách tăng thu nhập thông qua cướp bóc, chiếm đoạt đất đai, cưỡng bức lao động và buôn lậu thuốc phiện.

Sắc dân Lahu không có nhiều và thường bị cưỡng bức tham gia quân đội chính phủ trong cuộc chiến chống lại dân quân vũ trang của những sắc tộc mạnh.

Một người Lahu khác kể cho chúng tôi nghe:

Từ năm 1980 đến năm 1988, các sắc dân Lahu, Akha và Shan bị buộc làm lao công cho quân đội, họ là lực lượng phải tải mọi vật dụng hậu cần quân đội. Nếu có người sức yếu không kham nổi công tác lao công đó, thì phải trả bằng tiền. Nhiều lao công ốm đau đã bị quân đội bắn bỏ. Trong suốt khoảng thời gian đó, nhiều người trong chúng tôi đã chết như thế.

Khi kế hoạch bầu cử được dự kiến diễn ra trong năm 2010 này, nhiều thỏa ước đình chiến bị hủy, từ đó nhiều thanh niên sắc tộc Lahu đã bị cưỡng bức tham gia quân đội chính phủ.

Ở lại quê nhà chỉ còn phụ nữ, họ phải chật vật kiếm sống để nuôi cả gia đình.

Một phụ nữ Lahu cho biết:

Chồng tôi bị cưỡng bức đi lao công cho quân đội. Gia đình tôi phải vào rừng để sinh sống, chúng tôi đào củ rừng để ăn. Chúng tôi đã ở trong rừng chừng hai ba tháng.

Chính phủ Miến Điện cho dựng những bảng tuyên truyền chống tệ nạn ma túy ở khắp nơi, nhưng mặc khác lại ủng hộ ma túy ở một số nơi. RFA PHOTO.
Chính phủ Miến Điện cho dựng những bảng tuyên truyền chống tệ nạn ma túy ở khắp nơi, nhưng mặc khác lại ủng hộ ma túy ở một số nơi. RFA PHOTO.

Bi kịch cuối cùng của những bà mẹ sắc tộc Lahu là phải bảo vệ con cái của họ khỏi nạn nghiện hút.

Một số người mà chúng tôi nói chuyện được cho biết là tại một số làng người sắc tộc Lahu, cứ bốn người thì có một con nghiện.

Người phụ nữ sắc tộc Lahu nói:

Các loại thuốc phiện luôn luôn sẵn: amphetamine, bạch phiến, thuốc hít.

Cả hai con trai tôi đều nghiện. Đứa út của tôi bị tù ở bang Wa; tuy nhiên cháu không được cai nghiện mà bị để thế.

Mất đất canh tác

Tương lai của các sắc dân Lahu, Akha, và những người thiểu số khác tại bang Shan cũng bị phủ bóng bởi nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc về mủ cao su và những loại dược liệu khác.

Họ đã lấy hết đất canh tác của chúng tôi để bán cho dân kinh doanh; chúng tôi chẳng còn trồng trọt hoa màu, gieo cấy lúa mạ gì được nữa.

Một người Lahu

Các nông trường cao su đang lấn mất đất canh tác của người thiểu số; và cùng với nạn săn bắt động vật hoang dã, rừng-nguồn sống cho người dân địa phương- đang bị phá hủy một cách nhanh chóng .

Người đàn ông cho biết:

Họ đã lấy hết đất canh tác của chúng tôi để bán cho dân kinh doanh; chúng tôi chẳng còn trồng trọt hoa màu, gieo cấy lúa mạ gì được nữa.

Theo tướng Than Shwe, người đứng đầu chính quyền quân nhân Miến Điện, thì mục tiêu của một đất nước dân chủ đang đến gần, khi mà cuộc trưng cầu dân ý năm 2008 đã thông qua tân hiến pháp, và trong năm nay người dân sẽ đi bầu.

Tuy nhiên đối với những nhà quan sát, thì những kế hoạch của chính phủ Miến Điện thật đáng ngờ. Người dân thì cho rằng niềm hy vọng duy nhất của họ là ở cải cách dân chủ mà thôi.

Một người dân phát biểu:

Nếu chính phủ đương thời vẫn còn cầm quyền thì họ chẳng thay đổi gì đâu. Tôi không thấy cách gì cuộc sống người dân chúng tôi có thể được cải thiện cả. Sẽ không có đổi thay gì khi không có dân chủ.

Phần sông Mêkông trong địa phận Miến Điện. RFA PHOTO.
Phần sông Mêkông trong địa phận Miến Điện. RFA PHOTO.
Phần Sông Mêkông chảy qua địa phận giữa nước Lào và bang Shan của Miến Điện là Khu Tam Giác Vàng mà nhiều người từng biết tiếng.

Đó là vùng cung ứng nguồn bạch phiến lớn thứ hai trên thế giới. Gần đây Khu Tam Giác Vàng trở thành nơi cung ứng hàng đầu hồng phiến (amphetamine) và các loại ma túy tổng hợp. Do vậy nó được gọi với tên mới ‘Khu Tam Giác Hàng trắng’.

Ông Japhet thuộc Tổ chức Phát triển Sắc tộc Lahu cho biết:

Chính quyền Miến Điện từng tuyên bố là họ có thể kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy trong khu vực Tam giác Vàng; thế nhưng trong thực tế thì toàn bộ các loại thuốc cấm có mặt ở thị trường Thái Lan, Kampuchia và Lào đều chủ yếu được sản xuất ra ở Miến Điện.

Những khẩu hiệu tuyên chiến với ma túy đầy dẫy khắp nơi trên đất Miến và về mặt chính thức nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế,cũng đang quyết tử với những tập đoàn ma túy.

Một người sắc tộc Lahu ẩn danh cho biết:

Sau năm 1996, nhà cầm quyền Miến Điện tuyên bố sẽ không cho canh tác cây thẩu nữa; nhưng trên thực tế thì khác hẳn: loại cây này được trồng nhiều hơn. Họ có cho tiêu hủy khá đấy, nhưng trước khi tiến hành biện phát tiêu hủy thì hầu hết cây đã được thu hoạch. Đến năm nay, cây lại được trồng rộng rãi hơn. Binh lính thấy và biết; thậm chí vào mùa thu hoạch họ còn tham gia hoạt động đó nữa.

Cứ mỗi khi có phái đoàn Liên hiệp quốc đến thì quân đội Miến lại dẫn phái đoàn đến những nơi chỉ còn ít sinh hoạt trồng trọt cây thẩu; hoặc dẫn đến những nơi có thỏa thuận trước với nông dân cho phá hủy để phi tang. Còn lại những nơi khác không có gì thay đổi. Người ta thỏa thuận với nhau như thế.

Làng mang tên Punaco, nơi đó có ít nhất một nhà máy chế biến bạch phiến và một nhà máy chế biến meth trắng, và nơi cổng vào làng có hai tiểu đoàn lính Miến Điện canh phòng.

Ông Kheunsain Jayen

Hồi năm 2005, Đội quân đội Thống nhất Bang Wa ở phía bắc bang Shan, một trong những tổ chức buôn lậu thuốc phiện mạnh nhất thế giới, lên tiếng công bố cấm bạch phiến.

Tuy nhiên, mọi chỉ dấu đều cho thấy mức tăng mạnh trong hoạt động sản xuất các loại ma túy như amphetamine, methamine trắng suốt, và Ketamine, nhanh chóng vô hiệu hóa lệnh cấm vừa nêu.

Người dân tộc Lahu phát biểu:

Ở bang Shan, người ta dùng meth-amphetamine nhiều hơn bạch phiến, lý do là heroin đắt tiền, còn meth-amphetamine chỉ giá khoảng 100 bath một viên mà thôi, tính theo tiền Miến chừng 3700 kyat. Giàu có thì dùng bạch phiến, người bình dân sử dụng hàng trắng thường.

Chính phủ ủng hộ?

Các băng đảng người Hoa thống lĩnh những tập đoàn ma túy, buôn lậu trong nội địa qua đường Sông Mêkông, đi vào Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Ấn Độ.

Chúng tôi đi vào phố thị Tachileck nơi có nguồn tin cho biết có một số nhà máy sản xuất amphetamine. Bên ngoài nơi này được quân đội Miến Điện canh phòng.

Ông Kheunsain Jayen, thuộc Hãng thông tấn Người đưa tin bang Shan cho biết:

Ở phía tây của phố thị Tachileck là một ngôi làng nổi tiếng, nổi tiếng cả đối với các cơ quan chống ma túy của Thái Lan. Làng mang tên Punaco, nơi đó có ít nhất một nhà máy chế biến bạch phiến và một nhà máy chế biến meth trắng, và nơi cổng vào làng có hai tiểu đoàn lính Miến Điện canh phòng.

Một thị trấn ở Tam Giác Vàng. RFA PHOTO.
Một thị trấn ở Tam Giác Vàng. RFA PHOTO.

Thật là vô lý ở một quốc gia nơi mà việc đi lại và hội họp bị kiểm soát chặt chẽ như Miến Điện mà chính quyền không hay biết gì về hoạt động kinh doanh ma túy. 

Cứ xét theo góc độ chính quyền quân nhân Miến Điện sử dụng hoạt động buôn bán ma túy để kiểm soát bang Shan, thì không thể có bất cứ viện trợ quốc tế nào thành công giúp giải quyết vấn nạn ma túy nếu như không có cải cách chính trị.

Người sắc tộc Lahu cho biết:

Quân đội Miến Điện không hề quan tâm đến ý kiến của những quốc gia khác. Cho dù Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ có nói gì đi nữa, họ cũng chẳng quan tâm. Nếu thích, thì họ làm bất cứ chuyện gì mà họ muốn. Ai nghĩ gì thì nghĩ, kể cả Mỹ, họ chẳng quan tâm.

Ông Kheunsain Jayen cho biết:

Cội rễ của vấn đề là hệ thống chính trị từ cấp dưới lên đến cấp chóp bu. Họ không để ý đến vấn đề bởi chúng ta làm ngơ, không để ý đến nó. Tại Miến Điện, có một thực tế không thể chối cãi đó là người nào có súng đều có thể tham gia hoạt động buôn bán ma túy, và lực lượng có nhiều súng nhất lại tham gia mạnh nhất vào hoạt động đó.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Trong chương trình kỳ tới, mời quí vị tiếp tục theo dõi chuyến hành trình dọc Dòng Mêkông qua địa phận nước Lào.

Trên trang chủ của Đài Á Châu Tự Do ở địa chỉ www.rfa.org, cả trên trang tiếng Anh và tiếng Việt, đều có những video clip về chuyến đi dọc Sông Mêkông do Đài chúng tôi thực hiện.

Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.