Thực tế ra sao và công tác chống xói lở tại đó thế nào? Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
Truyền thông trong nước gần đây loan tin cho rằng tình trạng sạt lở tại nơi được mệnh danh ‘đất biết sinh và rừng biết đi’, tức mũi Cà Mau, đang hết sức nghiêm trọng.
Lở và bồi
Một trong những lý do gây nên xói lở ở Cà Mau là tình trạng phá rừng ngập mặn ven biển giúp giữ đất. Giáo sư Phan Nguyên Hồng, một nhà khoa học bao năm nay nghiên cứu về rừng ngập mặn ven biển là giáo sư Phan Nguyên Hồng có đánh giá về tình trạng đó:
“Có thể nói người ta phá tan nát hết rồi, giờ chỉ còn lại khu gọi là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thôi. Nhìn vào bản đồ vệ tinh có thể thấy rất rõ rừng chẳng còn bao nhiêu, mà chủ yếu là đầm tôm, lúa ven bờ. Trước đây chúng tôi đề ra tỷ lệ 30 tôm, 70 rừng; nhưng người ta làm ngược lại có nơi đến 80 – 90 tôm. Tình hình có hơi căng thẳng đó.
Ở vùng biển phía đông từ Cửa Bồ Đề cho đến tận Khai Long, và bên Mũi Cà Mau lở liên tục rồi. Trước đây chỉ lở đến Khai Long thôi nhưng nay lở đến chóp mũi rồi.
GS Phan Nguyên Hồng
Tình hình xói lở có khó: ở vùng biển phía đông từ Cửa Bồ Đề cho đến tận Khai Long, và bên Mũi Cà Mau lở liên tục rồi. Trước đây chỉ lở đến Khai Long thôi nhưng nay lở đến chóp mũi rồi.
Đặc biệt khu du lịch ở ngay Mũi Cà Mau, tại đó người ta đào cát lên để làm đường, làm nhà khiến cho tình trạng sạt lở trầm trọng thêm nữa. Vì thế làm du lịch mà không nắm được môi trường sẽ rất nguy hiểm.”
Một chuyên gia môi trường của tỉnh Cà Mau cho biết thông tin về tình hình mà báo chí đưa ra về hiện tượng sạt lở tại Cà Mau như sau:
“Công tác này do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng tác động. Nhưng còn tình hình sạt lở bao nhiêu hằng năm, theo thủy triều lên xuống theo kịch bản thì còn soạn thảo chứ chưa thông qua.”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hiền, thuộc Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cũng cho biết thực tế xói lở và bồi lắng tại vùng mũi Cà Mau:
“Vấn đề này phải nghiên cứu thật kỹ mới có thể đánh giá thực chất của nó được. Nhưng xu thế có chỗ bị xói lở nhưng cũng có chỗ được bồi đắp thêm. Muốn đánh giá cụ thể phải có nghiên cứu, đo đạc, thống kê, số liệu kết hợp với ảnh viễn thám. Quốc tế hằng năm đều có ảnh viễn thám nên cứ mang ra so sánh thì có thể biết được ngay chỗ nào bồi, chỗ nào xói lở.”
Giáo sư Phan Nguyên Hồng có ý kiến về việc bồi lắng tại khu vực mũi Cà Mau:
“Bồi lắp chỉ chủ yếu ở phía tây bàn đảo Cà Mau, từ Cửa Bể Hát, mũi Ông Trang lên phía trên.”

Về tình hình bồi lắng ở Mũi Cà Mau thì kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, thuộc Hội Khoa học- Kinh tế Biển thành phố Hồ Chí Minh trong bài viết đăng trên Báo Khoa hoc Phổ thông, khẳng định ‘Mũi Cà Mau chỉ được bồi thêm chứ không biến mất!’.
Sau khi có những phân tích về tình hình biến đổi khí hậu khiến cho trái đất nóng lên dẫn đến thay đổi sự cân bằng Bờ Biển Đông Việt Nam; trong khi đó dòng chảy bắc nam trên đại dương mạnh lên đưa sa bồi về Mũi Cà Mau nhiều hơn và có xu thế kéo dài vùng đất mũi ra.
Trồng và bảo vệ rừng
Một trong những biện pháp nhằm giữ đất, ngăn xói lở ở vùng mũi Cà Mau được cho là đơn giản và mang tính tuyền thống lâu nay đó là trồng rừng ven biển.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hiền từ Viện Quy hoạch Thủy Lợi Miền Nam nói về công tác trồng rừng ngập mặn để chống xói lở:
“Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển tại đó. Dưới Cà Mau có khu bảo tồn thiên nhiên, tại đó có bảo vệ của Nhà Nước, bảo đảm cho người dân không vào phá.”
Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng ngoài biện pháp trồng rừng mà ông cho là cách đơn giản nhất, theo nguyên văn bài viết của ông trên Báo Khoa học Phổ Thông còn nên dùng thân cây dừa già đóng cọc theo hướng theo hướng đông bắc- tây nam ở vùng cực nam, nơi chưa có rừng ngập mặn… Thân cây dừa tạo các điểm bám cho phù sa và giúp phát triển nhanh mũi Cà Mau về hướng nam.
Là người cổ xúy cho công tác bảo vệ và trồng trồng rừng ngập mặn ven biển, giáo sư Phan Nguyên Hồng trình bày:
Vấn đề này phải nghiên cứu thật kỹ mới có thể đánh giá thực chất của nó được. Nhưng xu thế có chỗ bị xói lở nhưng cũng có chỗ được bồi đắp thêm.
TS Nguyễn Xuân Hiền
“Tình hình địa chất ở đó phức tạp lắm: một là các lớp đất ở đó trẻ và bị sóng phá nhiều nên không giữ được. Tuy nhiên, ít nhất phải trồng cây. Ở ngoài Bắc có tình trạng có nơi trồng đến 1.000 cây mà chỉ sống có chục cây thôi. Nhưng nếu đã có 10 cây rồi, những năm sau tiếp tục trồng nữa thì sẽ hình thành một hàng rào, một ‘bức tường’ rất tốt. Khi có những cây ngập mặn với những bộ rễ thì có thể giữ đất. Trước mắt chỉ có thể làm như thế thôi.”
Thông tấn xã Việt Nam hồi tháng năm vừa qua loan tin tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư hơn 40 tỷ đồng để xây dựng bờ kè phía đông của bán đảo Cà Mau. Mục tiêu được nói rõ để ngăn sạt lở như hiện nay.
Giáo sư Phan Nguyên Hồng có ý kiến về việc đắp bờ kè:
“Đó là một vấn đề. Bên phía tây vào thời kỳ 92-95 người ta cho đắp một bờ bao rất lớn. Hồi đó do ông Chín Hùng, giám đốc một cơ quan điều phối, được cho 16 héc ta làm thử việc nuôi tôm; nhưng rồi người ta làm đến 1600 hecta. May thay, sau đó ông Võ Văn Kiệt xuống, thấy vậy và yêu cầu phá bỏ đi; nếu không thì cả phía tây cũng không còn. Cũng nhờ thế mà còn có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Xói lở vào hồi ấy do người ta đào kênh lấy đất để làm bờ bao.
Vấn đề bây giờ là phải đắp như thế nào; chứ nếu không sẽ bị phá vỡ. Lý do sóng ở Biển Đông rất mạnh , biên độ triều lớn mà là chế độ bán nhật triều nên xói lở hơi nặng.
Vấn đề này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.”
Ông Nguyễn Xuân Hiền cũng có quan ngại tương tự:
“Thật ra hiện nay ở những chỗ xung yếu bên phía Biển Đông, buộc phải bảo vệ khu dân cư hay di tích lịch sử người ta mới làm kè thôi. Hiện phía biển tây họ đóng hai hàng cừ và đổ đá vào giữa để giảm tác động sóng triều đánh vào bờ tránh xói lở…”
Thiên nhiên có những qui luật vận hành của riêng nó. Nếu con người không quan sát theo dõi kỹ mà lại can thiệp một cách không ý thức như lâu nay sẽ dẫn đến biết bao hệ lụy mà công sức, tiền của bỏ ra để cứu vãn tình thế lại vô cùng lớn lao mà hiệu quả không biết có như ý không.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ. Gia Minh chào tạm biệt.