Trung Quốc bảo vệ môi trường như thế nào?

Nạn hạn hán kéo dài tại Trung Quốc được nói là nặng nề nhất trong nửa thế kỷ qua ở khu vực các tỉnh hạ lưu Sông Dương Tử, làm dấy lên dư luận về các tác động bất lợi của con đập khổng lồ Tam Hiệp gây nên.

0:00 / 0:00

Nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng chính thức có ý kiến về những vấn đề mà giới khoa học và bảo vệ môi trường nêu lên lâu nay. Vậy thực tế ra sao? Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, mời qúi thính giả theo dõi.

Tai họa được chính thức thừa nhận

Truyền thông Trung Quốc trong tháng năm vừa qua cho biết Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ra thông cáo thừa nhận những mặt trái do Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử gây nên, so với mục tiêu phát điện, kiểm soát lũ lụt, giao thông đường thủy.

Trong thông cáo của Hội đồng Nhà Nước Trung Quốc thì có những vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết; đó là việc bảo vệ môi trường, ổn định và cải thiện điều kiện sống cho người dân phải di dời để xây đập, và ngăn chặn những thảm họa địa chất.

Trung Quốc có ban hành những luật về bảo vệ môi trường khá quyết liệt; nhưng vẫn có xung đột giữa vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ô. Peter Bosshard

Những thừa nhận của Hội đồng Nhà Nước Trung Quốc như vừa nêu không phải là lần đầu tiên những mặt trái của Đập Tam Hiệp được nêu ra. Báo chí Hoa Lục từ năm 2007 đã từng loan tải ý kiến của giới chuyên gia về các tác động bất lợi cũng như thảm họa môi trường do Đập Tam Hiệp gây ra.

Những thảm họa xảy ra lâu nay cho khu vực hạ nguồn Sông Dương Tử sau khi Đập Tam Hiệp đi vào họat động là nạn đất chuồi, nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra là những vấn nạn xã hội từ tình trạng những người dân phải di dời khỏi khu vực trở nên lòng hồ chứa nước của đập thủy điện Tam Hiệp.

Ông Peter Bosshard, giám đốc chính sách của Tổ chức Các dòng Sông Quốc tế, người có bài viết về Đập Tam Hiệp hôm ngày 19 tháng 5, nói về lý do mà chính quyền Trung Quốc phải thừa nhận những bất lợi của Đập Tam Hiệp:

“Theo tôi nghĩ, mặt sự thật của chính quyền Trung Quốc thừa nhận những vấn đề của Đập Tam Hiệp đó là thế hệ lãnh đạo hiện nay không thực sự chịu trách nhiệm về dự án mà sau nhiều năm đến nay các vấn đề của nó mởi xảy ra như hiện nay.

Một điểm quan trọng đó là đến lúc chính quyền Trung Quốc hoàn tất kế hoạch năm năm cho ngành năng lượng, nên đây là thời điểm rất tốt rút ra bài học Đập tam Hiệp và những đập lớn khác cho tương lai của ngành năng lượng Trung Quốc.”

Ý kiến phản đối và đồng thuận

Phía phản đối công tác xây đập từng nêu ra rằng Nhà Nước phải tiêu tốn hằng chục tỷ đô la, phải hy sinh xóa sổ 13 thành phố, 140 thị trấn, 4.000 ngôi làng cho đập thủy điện này, với gần hai triệu dân phải di dời khỏi nơi ở cũ đi nơi khác. Tổng số diện tích đất nông nghiệp bị mất đi khỏang 100 héc ta, bờ sông của hơn 90 dòng phụ lưu của Sông Dương Tử bị xói mòn. Ngoài ra còn có 1300 địa chỉ khảo cổ bị xóa sổ.

Giới chuyên gia đưa ra những số liệu cho thấy lượng trầm tích từ Sông Dương Tử lắng trong hồ chứa của Đập tam Hiệp lên đến chừng 530 triệu tấn mỗi năm. Từ đó hệ thống hồ và đập thủy điện Tam Hợp không thể ngăn lũ.

dzachu2-305.jpg
Sông MêKông phần ở Tây Tạng. RFA PHOTO.

Cũng tương tự như ở Dòng Sông Mêkông, nhiều loài cá sống trên sông với thói quen lội ngược dòng vào mùa sinh sản, một khi những con đập được xây lên sẽ khiến cho đuờng di chuyển theo bản năng này bị thay đổi, từ đó khiến cá không thể sinh sản tự nhiên nữa. Đó cũng là nguy cơ dẫn đến tình trạng tuyệt chủng của nhiều loài cá và những loài thủy sinh trên sông Dương Tử.

Các nhà họat động môi trường tại Trung Quốc, vừa qua đưa ra suy luận rằng hẳn phải do tình hình hạn hán tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong vòng nửa thế kỷ qua mà Hội đồng Nhà Nước Hoa Lục phải ra thông cáo thừa nhận về những tác động bất lợi của Đập thủy điện Tam Hiệp.

Tình trạng hạn hán kéo dài cả nửa năm qua khiến cho giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lại tranh cãi mạnh mẽ dội về tác động của Đập Tam Hiệp đối với hệ thống thời tiết địa phương.

Giới chuyên gia cho rằng hồ chứa dài 600 kilômét của Đập Tam Hiệp ngăn một lượng nước lớn chảy xuống hạ nguồn.

Các nhà bảo vệ môi trường còn cho rằng chính hồ chứa nước khổng lồ như một tác nhân phản chiếu gây ảnh hưởng đối với khí hậu địa phương, khiến nhiệt độ tăng lên, giảm lượng mưa.

Họ cũng nêu ra tác động về lâu về dài cho rằng những hồ chứa nước lớn như hồ Đập Tam Hiệp là nơi gián tiếp sinh ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trước hết do chúng lấp đi những mảng rừng tự nhiên, đất canh tác giúp thu hút bớt lượng dioxide carbon trong khí quyển.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Nhà nước Hoa Lục tiếp tục cho rằng nạn hạn hán ở Trung Quốc năm nay là hoàn toàn do tự nhiên mà thôi. Trang web của chính phủ Trung Quốc hồi cuối tháng năm vừa qua trích dẫn ý kiến của các nhà khí tượng học cho rằng cao áp mùa từ vùng cận nhiệt đới Thái Bình Dương yếu hơn và chuyển về hướng đông nhiều hơn bình thường khiến khó tạo thành những luồng khí lạnh đến khu vực hạ lưu Sông Dương Tử.

Mặt sự thật của chính quyền Trung Quốc thừa nhận những vấn đề của Đập Tam Hiệp đó là thế hệ lãnh đạo hiện nay không thực sự chịu trách nhiệm về dự án.

Ô. Peter Bosshard

Một chuyên gia thiết kế Đập Tam Hiệp thừa nhận là dự án này có làm thay đổi thời tiết của khu vực; tuy nhiên bán kính vùng chịu ảnh hưởng chỉ chừng 2 kilomet mà thôi. Người này cho rằng không thể đổ lỗi nạn hạn hán dưới hạ nguồn sông Dương Tử là do Đập Tam Hiệp gây nên.

Một trong những lập luận được đưa ra khi tiến hành xây dựng dự án Đập Tam Hiệp đó là khả năng điều tiết mực nước của Sông Dương Tử, giúp giảm lưu lượng giao thông thủy, bảo đảm nguồn nước thủy lợi cho hằng triệu nông dân thuộc khu vực hạ lưu, và điều tiết lũ lụt.

Phía cơ quan chức năng Trung Quốc cho rằng tình trạng hạn hán hiện nay sẽ trầm trọng hơn nếu như không có Đập Tam Hiệp. Cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cho xả hằng tỷ mét khối nước xuống hạ nguồn. Cụ thể mức nước sẽ hạ xuống còn 145 mét, so với mức 156 cần để chạy tất cả các tuốc bin của nhà máy một cách hữu hiệu.

Tuy nhiên, cơ quan địa chấn thuộc Bộ Tài nguyên- Đất của Hoa Lục cho rằng xả lượng nước nhiều như thế có thể tăng nguy cơ lở đất, một khi nước tràn bờ sông Dương Tử.

Luận điểm của phía ủng hộ biện pháp xây đập thủy điện Tam Hiệp cho rằng đập sẽ giúp điều tiết nguồn nước, chống lũ lụt. Tuy vậy, sau khi đi vào họat động, điều đó đã không thực hiện được. Hồi năm ngóai tại Hoa Lục, nhất là ở miền nam, xảy ra những trận lũ lụt lớn được cho là chưa từng có trong lịch sử nước này.

Thực tế hạn hán

Tại Trung Quốc năm nay lượng mưa được cho biết là thấp nhất kể từ năm 1961 cho đến nay. Một số vùng bị tác động bởi hạn hán kéo dài khiến cho hệ thống thủy lợi và cung cấp nước không thể vận hành theo kế hoạch được. Cơ quan quản lý Đập Tam Hiệp cho biết nếu hạn hán tiếp tục kéo dài và trước ngày 10 tháng 6 này mà không có mưa thì Đập Tam Hiệp sẽ mất khả năng giúp chống hạn mà khi xây dựng được nêu ra như là một trong những chức năng quan trọng của đập.

000_APH2001090759036-250.jpg
Một con kênh trong thành phố Tô Châu, phía đông Trung Quốc. AFP PHOTO / Liu Jin.

Hôm 16 tháng 5 vừa qua, Đập Tam Hiệp lần thứ hai phải gia tăng lượng nước xả ra để giúp giảm thiểu tình trạng hạn hán tại khu vực. Trong khi đó tỉ lệ nguồn nước vào hồ chứa của đập giảm xuống vào một thời điểm hôm thứ hai 16 tháng 5 là 6600 mét khối giây. Đây là mức được nói thấp nhất trong vòng 16 năm qua. Tốc độ của nguồn nước vào trong 10 ngày đầu tháng năm cũng chỉ chừng 60% của mức trung bình.

Do hạn hán lượng nước của đoạn giữa Sông Dương Tử xuống một mức được cho là thấp kỷ lục.

Thời gian từ tháng giêng cho đến tháng tư năm nay, lưu vực Sông Dương Tử có lượng nước mưa giảm đến 40% so với mức trung bình của nửa thế kỷ qua.Trong tháng năm, tuy mưa xuống với lượng nước có tăng lên, nhưng những tỉnh hạ nguồn sông Dương Tử như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô có nguồn nước về giảm từ 20 đến 40%. Một số vùng của hai tỉnh An Huy và Triết Giang cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán vừa qua.

Hạn hán kéo dài khiến cho gần 1400 hồ chứa nước của tỉnh Hồ Bắc rơi xuống mực nước chết.

Hai hồ lớn của Trung Quốc là Động Đình và Phàn Dương cũng mất một lượng nước đáng kể. Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc là hồ Phàn Dương tại tỉnh Giang Tây giảm 740 triệu mét khối nước. Ngay khu vực trung tâm hồ trở thành một thảo nguyên. Trước đây vào tháng năm, người ta thường tổ chức đua thuyền rồng tại hồ, nhưng năm nay ở đó không còn nước.
Ở tỉnh Hồ Nam, ngư dân sống tại khu vực quanh Động Đình Hồ, hồ nước ngọt lớn thứ nhì của Trung Quốc, mất kế sinh nhai do nước hồ khô cạn phải đi nơi khác kiếm sống.
Giới chuyên gia đưa ra cảnh báo trong tình trạng nước hồ xuống quá thấp như thế nguy cơ nạn chuột bùng phát rất lớn sẽ xảy ra.

Thiếu nước do hạn hán khiến Đập Tam Hiệp phải giảm sản lượng điện. Ngoài ra giao thông thủy trên sông Dương Tử đoạn dưới Đập Tam Hiệp bị giới hạn do mực nước thấp.
Dự báo

Cơ quan Thủy văn Trung ương của Trung Quốc dự báo trong mùa lụt từ tháng năm đến tháng 10 này, lưu vực Sông Dương Tử sẽ có lượng nước mưa bình thường; tuy nhiên tỉ lệ sẽ không đều. Hạn hán nghiêm trọng tiếp theo mưa lớn có thể dẫn đến lũ ở thượng nguồn.

Về tình trạng ô nhiễm môi trường, tin tức cho hay trong mùa hè năm ngoái, mưa lớn và lũ lụt đưa một lượng lớn rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng theo dòng chảy của Sông Dương Tử đổ vào các hồ chứa của Đập Tam Hiệp. Nguy cơ rác làm nghẽn các cửa đập được là một quan ngại của giới quản lý đập.

Tranh cãi về những tác động bất lợi của Đập Tam Hiệp cho thấy bất đồng tại Trung Quốc về nguồn năng lượng thủy điện dùng trên diện rộng.

Kể từ khi Đập Tam Hiệp hoàn thành hồi năm 2005 đến nay, chính quyền Trung Quốc chưa tiếp tục chuẩn thuận cho xây dựng những nhà máy thủy điện qui mô lớn như thế nữa. Ngay cả thủ tướng Ôn Gia Bảo, ông này cũng là một nhà địa chất học, bày tỏ ý kiến bi quan về những chi phí lớn, cũng như những cái giá phải trả cho môi trường và về mặt xã hội nhân văn.

Một điểm quan trọng đó là đến lúc chính quyền Trung Quốc hoàn tất kế hoạch năm năm cho ngành năng lượng, nên đây là thời điểm rất tốt rút ra bài học Đập tam Hiệp.

Ô. Peter Bosshard

Quốc hội Trung Quốc trong phiên họp hồi cuối tháng năm cũng thừa nhận, ngoài những lợi ích đã có, Đập Tam Hiệp gia tăng mối nguy về động đất, lở đất trong khu vực và ngăn trở luồng thủy lợi ở hạ nguồn.

Trong khi đó thì giới chức năng lượng của Hoa Lục lại cho rằng cần phải xây dựng thêm những đập trên thượng nguồn Sông Dương Tử và những nơi khác. Đó là biện pháp quan trọng để có thể tăng tỉ lệ năng lượng phi hóa thạch lên 15% tổng nguồn năng lượng của Hoa Lục vào năm 2020.

Những chuyên gia về năng lượng của Trung Quốc cho rằng nước này sẽ cho xây dựng thêm các nhà máy thủy điện với tổng công suất 140 gigawatts trước năm 2015. Địa điểm được nhắm đến cho các nhà máy đó nằm ở thượng nguồn Sông Dương Tử, ở Tây Tạng, và trên sông Nu ở tây nam Hoa Lục.

Trong thông cáo về những vấn đề liên quan Đập Tam Hiệp mà Hội đồng Nhà Nước Trung Quốc đưa ra hồi ngày 20 tháng năm vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đưa ra cam kết sẽ cho thiết lập hệ thống cảnh báo thảm họa, cho tăng kinh phí bảo vệ môi trường, gia cố bờ sông, thực hiện hổ trợ cho người dân phải bị di dời.

Ông Peter Bosshard có ý kiến về những biện pháp khắc phục tình trạng hiện nay do Đập Tam Hiệp gây nên:

“Trung Quốc có ban hành những luật về bảo vệ môi trường khá quyết liệt; nhưng vẫn có xung đột giữa vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bài học Đập Tam Hiệp cho thấy phát triển kinh tế là quan trong nhưng nếu không bảo vệ môi trường thì về lâu về dài không cóp được thịnh vượng. Những luật về bảo vệ môi trường phải được thực thi đầy đủ và củng cố.

Đánh giá về tác động môi trường của các dự án phát triển phải được công khai. Từ đó giới chuyên gia có thể góp ý, đề nghị để cơ quan chức năng tham khảo.”

Xin phép được nhắc lại một số thông tin về Đập Tam Hiệp của Trung Quốc. Đây là đập thủy điện lớn nhất tính đến nay trên toàn thế giới. Đập nằm tại khu vực Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Chiều cao của đập là 181 mét, dài 2309 mét. Công suất phát điện thiết kế 18,2 Gigawatt. Mục tiêu đáp ứng khoảng 1/30 nhu cầu điện năng của Trung Quốc.
Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1994.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự: