Vấn đề phát triển bền vững sông Mêkông

Đối với những người quan tâm đến môi sinh, nhất là tình hình của dòng Sông Mekong, thì hội nghị Mekong diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 12 vừa qua tại thành phố Siem Reap, Kampuchia là một sự kiện lớn.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011.12.12
000_Hkg5667015-305.jpg Hội nghị Mêkông tại thành phố Siem Reap, Campuchia hôm 08-12-2011.
AFP PHOTO

Mọi chú ý nhắm đến quyết định mà Ủy ban Sông Mekong đưa ra về dự án xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong chảy qua địa phận nước Lào.

Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, mời quí vị cùng theo dõi một số diễn tiến xoay quanh dự án vừa nêu.

Kết quả bước đầu

Quyết định được đưa ra trong ngày thứ hai của hội nghị là các quốc gia thành viên đi đến kết luận cần nghiên cứu thêm về vấn đề phát triển bền vững và quản trị sông Me kong, trong đó có những dự án phát triển hệ thống đập thủy điện trên dòng chính của con sông này.

Ông Veethed Seened, điều phối viên của Ủy ban Sông Mekong về Phát triển Dự án nói về điều đó.

Chúng tôi tin tưởng dự án này sẽ chưa thể tiến hành trong khuôn khổ hội nghị này. Lý do còn quá nhiều vấn đề chưa rõ ràng.

Ô. Srisuwan

Thông cáo báo chí của Ủy hội sông Mekong đưa ra trong ngày thứ hai của hội nghị cho biết đại diện các quốc gia thành viên Hội đồng Ủy ban Sông Mekong tham dự hội nghị gồm các bộ trưởng môi trường và nguồn nước của các quốc gia Kampuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam còn đồng ý trên nguyên tắc đối với biện pháp của chính phủ Nhật bản và những đối tác quốc tế khác hỗ trợ công tác nghiên cứu thêm như vừa nêu.

Thỏa thuận vừa nói nhằm đáp lại kết quả cuộc thảo luận miệng của bộ trưởng bốn nước Ủy hội Sông Mekong tại thượng đỉnh lần thứ ba Me kong - Nhật bản diễn ra bên lề thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 19 tại Bali trong tháng 11 vừa qua.

Có thể nói kết quả vừa nêu là nỗ lực của nhiều phía trong việc ngăn chặn công tác xây dựng đập mà theo giới chuyên gia cho rằng sẽ đưa đến những tác động bất lợi về môi trường thêm nữa cho hệ sinh thái và cuộc sống người dân dọc theo dòng Mekong.

Lâu nay nhiều ý kiến của giới khoa học đều cho rằng nếu tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính Sông Mekong thì hậu quả là làm biến đổi dòng chảy của sông, từ đó khiến cho các loài cá sống trên sông bị tác động, cũng như hoạt động nông nghiệp của người dân hai bên dòng sông sẽ chịu ảnh hưởng.

000_Hkg5666741-250.jpg
Sông Mêkông, phần trong địa phận Campuchia hôm 08-12-2011. AFP PHOTO.
Chuyên gia Michio Fukushima thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Môi trường tại Nhật bản, người từng bỏ ra năm năm nghiên cứu các loài cá trên sông Mekong cho biết không ai thực sự biết được tác động của riêng đập thủy điện Xayaburi gây nên. Nghề đánh bắt cá là một trong những lĩnh vực nằm trong đánh giá tác động môi trường được thực hiện để đưa ra cho các nhà xây dựng đập; tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng đánh giá đó chưa đầy đủ.

Quốc gia bị tác động nhiều nhất được nói là Kampuchia vì có đánh giá nói chừng bảy phần mười nguồn chất đạm động vật từ cá đánh bắt được ở Sông Mekong chảy qua địa phận Xứ Chùa Tháp hay ở hồ Tonlesap. Một khi có những thay đổi diễn ra thì nguồn dinh dưỡng quan trọng đó đối với người dân Kampuchia sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Việt Nam nằm ở cuối nguồn sông Mekong là nơi cũng sẽ chịu nhiều tác động của dòng chảy một khi có quá nhiều can thiệp từ phía thượng lưu đối với dòng sông.
Một nông dân sống tại Bến Tre cách đây hai tháng cho biết về tình hình nước về tại vùng của ông:

“Nước có dâng cao, năm nay cao hơn hiện nay nước bên Kampuchia và Đồng Tháp cao, sắp tới sẽ về dưới mình."

Phản ứng chống đối

Việt Nam là một trong những quốc gia có ý kiến cần phải hết sức thận trọng trong việc xây dựng đập Xayaburi. Ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, một trong hai tỉnh đầu tiên tiếp nhận nguồn nước dòng Mekong đi vào địa phận Việt Nam, cho biết quan điểm từ phía Việt Nam và hoạt động nhằm ngăn xây dựng đập đập Xayaburi bên Lào do tác động đến Việt Nam:

Trong số các đập thì đối tượng là đập Xayaburi ở Lào mà mình cần phải trì hoãn 10 năm theo như cam kết của các nước thuộc Ủy ban Sông Mekong.

Ô. Trần Anh Thư

“Trong số các đập thì đối tượng là đập Xayaburi ở Lào mà mình cần phải trì hoãn 10 năm theo như cam kết của các nước thuộc Ủy ban Sông Mekong. Trong thời gian đó nhằm để đánh giá. Hiện nay các tỉnh tại Đồng bằng Sông Cửu Long, và các cơ quan quản lý nhà nước ( đặc biệt Sở Tài nguyên - Môi trường) tập trung vào vấn đề trì hoãn đập Xayaburi ở Lào. Đây là ‘thành trì’ đầu tiên phải vượt qua. Có làm được thế thì mới có khả năng can thiệp ngăn mười mấy đập kia, khỏi thành tiền lệ.

Tất mọi hoạt động nghiên cứu khoa học, truyền thông vận động; và thông qua Nhóm Sông ngòi Việt Nam cũng chuyên nghiên cứu, truyền thông để hạn chế xây đập mà chính là nhắm vào đập Xayaburi tại Lào.”

Lâu nay một tổ chức vận động mạnh mẽ nhất cho việc ngưng triển khai đập thủy điện Xayaburi nói riêng, cũng như các đập trên dòng chính Sông Mekong, là tổ chức mang tên Save The Mekong.

Ngay trước khi hội nghị Mekong kỳ này diễn ra tại Siem Reap, liên minh Save The Mekong ra thông cáo báo chí kêu gọi hội đồng Ủy ban Sông Mekong hãy thông qua nghị quyết hủy kế hoạch xây dựng đập thủy điện Xayaburi.

Thông cáo báo chí cho biết liên minh Save the Mekong gồm 39 nhóm xã hội dân sự và tổ chức phi chính phủ trong khu vực Mekong và khắp thế giới cùng gửi thư nêu rõ hội nghị lần này của hội đồng Ủy ban Sông Mekong là cơ hội cuối cùng để các quốc gia thành viên tổ chức này chứng tỏ cam kết của họ đối với tinh thần và trách nhiệm pháp lý đối với thỏa thuận Mekong năm 1995. Theo đó các nhước chia xẻ dòng sông Mekong và ngăn không gây hại cho hệ sinh thái của con sông cũng như đời sống của cư dân dọc ven sông.

Những nhóm dân sự và tổ chức phi chính phủ ký trong thư vừa nói cũng yêu cầu các chính phủ quan tâm đến ý kiến phản đối của dư luận trong suốt ba năm qua về việc xây dựng đập Xayaburi tại Lào. Chỉ riêng hồi tuần rồi có chừng 50 ngàn người ký đơn kêu gọi hai chính phủ Lào và Thái hủy kế hoạch xây dựng con đập trên dòng chính sông Mekong đó.

000_Hkg5663239-250.jpg
Công trường xây dựng đập Xayaburi tại Lào hôm 03-06-2011. AFP PHOTO.
Nhà hoạt động Nguyễn Lê Trinh thuộc nhóm mang tên People and Nature Reconciliation, tạm dịch là Hòa hợp Giữa Thiên nhiên và Con người, phát biểu rằng vô số những báo cáo khoa học trong hai năm qua cho thấy bản chất nguy hiểm của hoạt động xây đập trên sông Mekong. Xét theo những chứng cứ rõ ràng đó hơn là đánh cược tương lai của chúng ta, hội đồng Ủy ban Sông Mekong nên hướng khu vực đi theo một viễn kiến mới cho dòng sông và khu vực, và xem xét một cách thận trọng các kế hoạch xây dựng những con đập trên dòng chính con sông Mekong.

Hôm cuối tháng 1, tổ chức Các dòng sông Quốc tế trưng ra tài liệu mang tên ‘Kế hoạch phát triển nguồn điện thay thế cho Thái Lan’. Tài liệu này cho thấy nhu cầu về nguồn điện năng trong tương lai của Thái Lan có thể được đáp ứng từ trong nước mà không cần phải nhập khẩu nguồn điện từ ngoài vào và cũng không cần đầu tư thêm vào phát triển nhiệt điện hay điện nguyên tử. Trong kế hoạch này có ý kiến nêu rõ là nguồn điện từ Xayaburi không cần thiết cho nhu cầu tại Thái Lan.

Thông tin này được nêu ra như một luận điểm để yêu cầu Lào ngưng dự án xây đập Xayaburi mà theo kế hoạch thì nguồn điện sản xuất ra được bán cho phía Thái Lan. Nhà thầu xây dựng thủy điện Xayaburi cũng được cho biết là Ch Karnchang là tập đoàn triển khai dự án với sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng Thái Lan.

Kêu gọi không xây dựng đập Xayaburi

Vừa qua, tổ chức Các dòng sông Quốc tế cho biết họ thu thập được chữ ký của hơn 22 ngàn 500 người từ 106 quốc gia kêu gọi thủ tướng hai nước Lào và Thái Lan hủy kế hoạch xây dựng đập Xayaburi.

Vào ngày 29 tháng 11 vừa rồi, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua nghị quyết lặp lại kêu gọi bảo vệ lưu vực sông Mekong và hoãn xây dựng những đập thủy điện trên dòng sông chảy qua địa phận những nước từ Trung Quốc, xuôi qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Kampuchia và Việt Nam.

Những biện pháp được nêu ra trong nghị quyết của Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ vừa nói gồm kêu gọi đại diện Hoa Kỳ tại những ngân hàng phát triển ủng hộ nguyên tắc tuân thủ những tiêu chuẩn về môi trường khi xem xét hỗ trợ tài chính cho những dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Ngoài ra nghị quyết cũng kêu gọi Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong phân phối nhiều nguồn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và giúp đưa ra những giải pháp thay thế cho các dự án thủy điện trên sông Mekong.

Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại thượng viện Hoa Kỳ, phát biểu rằng việc thông qua nghị quyết vừa nói gửi đi một tín hiệu đúng lúc nhằm hỗ trợ nỗ lực của Ủy ban Sông Mekong trong việc duy trì sự ổn định sinh thái và kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

Theo ông này thì Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có quyền lợi chiến lược trong việc duy trì sức khỏe và an sinh của hơn 60 triệu người dân sống nhờ vào dòng sông Mekong.

Theo tổ chức Các Dòng sông Quốc tế thì đập Xayaburi là đập thứ nhất trong số 11 đập được đề nghị xây dựng trên hạ nguồn sông Mekong. Nếu như đập Xayaburi được tiến hành thì đây là tiền lệ để cho những dự án tiếp theo được thực hiện, mà nếu như thế thì các tác động về môi trường sẽ trở nên nặng nề hơn.

Hôm đầu tháng 12 truyền thông Thái Lan trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Môi trường và Tài Nguyên nước này, ông Preecha Rengsomboonsuk, nói rằng Thái Lan không phản đối dự án xây dựng đập thủy điện Xayaburi tại Lào, tuy nhiên Vientiane phải chịu trách nhiệm về những tác động môi trường có thể xảy ra.

Lời của ông bộ trưởng Preecha Rensomboonsuk được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Sông Mekong Thai.

Phía Lào thì trước thời gian diễn ra hội nghị Mekong đã đưa ra báo cáo được thực hiện trong vòng ba tháng do công ty tư vấn Thụy Sỹ Poyry Energy mà Lào thuê.

Báo cáo với kết luận là đập thủy điện Xayaburi được thiết kế tuân thủ những hướng dẫn thiết kế của Ủy hội Sông Mekong. Báo cáo này cho rằng quy trình thông báo, tham vấn và đồng thuận trong kế hoạch này đã hoàn tất.

Tuy nhiên những kết luận đó trong báo cáo của Poyry Energy đã bị giới chuyên gia bác bỏ. Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của tổ chức Các dòng sông Quốc tế, bà Ame Trandem, trong thông cáo báo chí của tổ chức này ra ngày 9 tháng 11 vừa qua nói rằng báo cáo này bỏ qua những luận cứ khoa học mà lại dựa vào những phỏng đoán, từ đó đưa ra những cơ sở không thích hợp cho việc quyết định xây dựng đập Xayaburi.

Tổ chức Các dòng sông Thế giới rà soát lại báo cáo của Poyry Energy và nêu ra ít nhất 15 yêu cầu cơ bản của Ủy ban Sông Mekong mà dự án đập thủy điện Xayaburi không đáp ứng được.

Sau khi nhận được thông tin Hội đồng Ủy ban Sông Mekong đồng ý tiếp tục nghiên cứu thêm chứ chưa triển khai công trình xây dựng đập thủy điện Xayaburi tại Lào, những người từng theo dõi vấn đề này lâu này đều bày tỏ hoan nghênh đối với quyết định đó.

Ông Srisuwan Kuankachorn, thuộc Liên Minh hướng đến Phục hồi Sinh Thái và Khu vực, trụ sở tại Thái Lan, cho biết ý kiến:

“Theo tôi đó là một trong những điều mà chúng tôi đã dự kiến, chúng tôi tin tưởng dự án này sẽ chưa thể tiến hành trong khuôn khổ hội nghị này. Lý do còn quá nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Rất nhiều người bày tỏ quan ngại về những tác động có thể xảy ra một khi đập đó được xây dựng.”

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.