Phát triển nền kinh tế xanh

Phát triển kinh tế theo hướng thân thiện môi trường, hay còn được gọi là ‘tăng trưởng xanh’ theo như cách nói hiện nay của giới chuyên môn, là cách thức giúp duy trì bền vững cho nền kinh tế của một đất nước.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.02.27
000_GYI0064619403-305.jpg Xe hybrid ở California dán nhãn "clean air vehicle" hôm 06/5/2011.
AFP photo

Phát triển bền vững

Ngày 16 tháng 2 vừa qua, một phúc trình tựa đề ‘Tăng trưởng xanh: nguồn lực và sự linh hoạt’ được đưa ra do Ủy ban Xã hội- Kinh tế Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương-ESCAP, Ngân hàng Phát triển Châu Á- ADB và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc-UNEP.

Phúc trình đưa ra những tìm hiểu sâu về khuynh hướng sử dụng các nguồn năng lượng tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Qua đó vạch ra những công tác chính yếu nhằm có thể kết hợp tăng trưởng kinh tế với những mục tiêu phát triển bền vững.

Một mục tiêu nữa của phúc trình là giúp cho các nước chuẩn bị cho hai chủ điểm chính sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Phát triển Bền Vững sẽ được tổ chức tại Brazil vào tháng 6 năm nay, được gọi tắt là Rio+ 20. Hai chủ điểm chính đó là một nền kinh tế xanh trong khuôn khổ phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo; thứ hai là khung thể chế cho phát triển bền vững.

Tiến sĩ Yoong Woo Park, giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, trình bày một số thực tế tại khu vực và yêu cầu theo hướng phát triển xanh để có được nền kinh tế bền vững.

Đại ý theo Tiến sĩ Yoong Woo Park, do tình hình môi trường thế giới bị suy giảm trầm trọng, nên nhu cầu cần thiết phải phát triển bền vững trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết. Tuy nhiên để đạt được phát triển bền vững cần có nhiều yếu tố như phải áp dụng sáng kiến cải tiến, sử dụng nguồn nguyên liệu một cách hữu hiệu...

Theo đánh giá của ESCAP, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kể từ giữa thập niên 90 đã trở thành nơi tiêu thụ nguyên liệu lớn nhất thế giới. Nếu khuynh hướng này vẫn tiếp tục thì mức thải khí Co2 chắc chắn sẽ tăng gấp hơn ba lần vào năm 2050. Đó là một áp lực không thể chịu đựng được đối với hệ sinh thái trái đất.

Hàng của chúng tôi làm từ các phế phẩm sau thu hoạch của nông nghiệp để chế ra những sản phẩm thay thế các loại plastic, giấy dùng trong nông nghiệp nên việc thâm nhập các thị trường nước ngoài rất tốt.

Ô. Nguyễn Hữu Hoàng, GĐ Cty Cầu Vồng

Cũng theo đánh giá của ESCAP thì trong hai thập niên qua, các nền kinh tế trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nằm trong số có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, mức sống được tăng lên và áp lực về tiêu thụ đang đẩy nhanh đến chỗ chấm dứt thời kỳ sử dụng các nguồn nguyên liệu có giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng.

Bước vào thế kỷ thứ 21, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải đứng trước các nguy cơ như nguồn nguyên liệu chính càng lúc càng khan hiếm, giá cả sẽ tăng lên bất thường. Việc tiêu thụ hiệu quả các nguồn nguyên liệu là một yêu cầu bức bách được đặt ra cho khu vực này. Tính đến năm 2005, nếu so với các quốc gia công nghiệp phát triển, thì những nước đang phát triển tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang tiêu thụ gấp ba lần các nguồn nguyên liệu để tạo ra một đô la GDP.

Để vượt qua những thách thức đó, khu vực này cần phải theo một hướng phát triển mới với những công tác chính như sáng tạo, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, giảm lệ thuộc vào nguồn hydrocarbons.

Thân thiện môi trường

000_Par6705981-250.jpg
Một đứa trẻ chơi phía trước một khu vườn được thực hiện từ vỏ xe trong thị trấn Cato Manor, Durban vào ngày 3 tháng 12 năm 2011. AFP photo
Một đứa trẻ chơi phía trước một khu vườn được thực hiện từ vỏ xe trong thị trấn Cato Manor, Durban vào ngày 3 tháng 12 năm 2011. AFP photo
Tại Việt Nam, lâu nay người ta cũng nói nhiều đến vấn đề phát triển theo hướng thân thiện môi trường với những biện pháp xanh. Vậy thực tế đó ra sao?
Chuyên gia tư vấn Dương Đức Ưng đưa ra đánh giá về nhận thức của chính quyền Việt Nam trong vấn đề tăng trưởng xanh: “Tôi cho rằng nhận thức của chính quyền trung ương tốt; nhưng còn ở các cấp địa phương còn phải nâng cao về vấn đề này mạnh mẽ hơn nữa”.

Và những định hướng cho hình thức phát triển này: “Tăng trưởng xanh (green development) tại Việt Nam thì hiện chúng tôi đang nghiên cứu để thể chế hóa. Trước hết phải tăng cường sự hiểu biết chung, sự đồng thuận trong xã hội ‘thế nào là tăng trưởng xanh’. Sau khi có được điều đó rồi thì phải xây dựng hệ thống thể chế để đảm bảo rằng những mục tiêu tăng trưởng xanh đặt ra có thể hiện thực hóa trong đời sống cụ thể.”

Ông này thừa nhận vấn đề chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu, dẫu vậy ông tin tưởng sẽ sớm hình thành cụ thể: “Hiện nay chưa có dự thảo nào để nghiên cứu một cách đầy đủ cả; hiện nay người ta chỉ mới được giao trách nhiệm và theo tôi nghĩ thời gian sớm nhất sẽ có.”

Trong khi đó lâu nay, có một số nhà sản xuất tư nhân tại Việt Nam đã theo hướng sản xuất các loại sản phẩm sạch để xuất sang các thị trường của những nước phát triển như Công ty Đất sạch Cầu Vồng. Công ty này tận dụng các phế phẩm cây dừa bỏ đi để làm ra các sản phẩm xuất sang Hoa Kỳ và Canada.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, giám đốc Công ty Cầu Vồng, cho biết nhiều thuận lợi mà công ty có được khi theo hướng làm ăn này: “Hàng của chúng tôi thân thiện với môi trường làm từ các phế phẩm sau thu hoạch của nông nghiệp như vỏ dừa để chế ra những sản phẩm thay thế các loại plastic, giấy dùng trong nông nghiệp nên việc thâm nhập các thị trường nước ngoài rất tốt."

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng thì ngay cả thị trường nội địa cũng đang tiêu thụ những loại sản phẩm thân thiện môi trường mà công ty ông đang sản xuất ra: “Thị trường trong nước cũng tốt vì hiện nay đời sống của người dân tại các đô thị lớn, các trang trại đã chú ý đến loại sản phẩm này. Lý do giá không cao hơn mà lại thân thiện môi trường. Theo tôi nghĩ đây là một thị trường lớn vì hiện nay tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng nhu cầu rất tốt mà tôi không cung cấp đủ cho thị trường nội địa.”

Cải tiến kỹ thuật

Bên cạnh đó doanh nghiệp sản xuất những loại sản phẩm thân thiện môi trường như Công ty Đất sạch Cầu Vồng cũng nhận được những hỗ trợ mà ông Nguyễn Hữu Hoàng cho là thuận lợi từ các cơ quan chức năng:

035_pau595015_10-250.jpg
Một nhân viên đứng giữa các thiết bị phát điện sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc ngày 12 tháng 1 năm 2012. AFP
Một nhân viên đứng giữa các thiết bị phát điện sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc ngày 12 tháng 1 năm 2012. AFP
“Các cấp chính quyền hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp thông qua việc tập huấn và hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, rồi tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu... Gần như họ tạo điều kiện rất nhiều. Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư máy móc và công nghệ cao hơn để đáp ứng thị trường. Tại địa bàn tỉnh Bến Tre, Sở Công Thương giúp rất tận tình. Có những nguồn vốn ODA mà chúng tôi chưa đụng đến vì chưa đáp ứng được. Doanh nghiệp tôi chính tôi đã đầu tư máy móc hai năm nay, mà đầu tư cũ chưa lấy lại vốn nên chưa dám vay mới. Chúng tôi cũng tính đến tự động hóa nhưng phải từ từ. Cần thời gian dài không thể một sớm một chiều vì còn có xu hướng xã hội. Chúng tôi phải chờ, dù vẫn chuẩn bị, vẫn hoạt động”.

Ông này cũng nêu ra một yếu tố khiến các doanh nghiệp phải theo hướng cải tiến kỹ thuật: “Lý do hiện nay vào thế cạnh tranh: Việt Nam đã tham gia WTO, đã ký thỏa thuận về giảm thuế với các nước ASEAN như thuế các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Thái nhập vào Việt Nam đã giảm rất nhiều và thậm chí về 0, nên các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại phải cải tiến, mà doanh nghiệp chúng tôi làm được.”

Ông Rae Kwon Chung, Giám đốc Phân vụ Phát triển và Môi trường của ESCAP, nói đến hướng phải thực hiện để phát triển bền vững: “Thông điệp cuối cùng mà tôi muốn nêu ra là sẽ có những điều được đề nghị để thực hiện tại hội nghị Rio vào tháng sáu năm nay? Điểm quan trọng là việc thay đổi hệ thống kinh tế mà chúng ta sẽ giải thích không thể thực hiện được bởi riêng một cá nhân quốc gia nào, mà phải cùng nhau thực hiện trên bình diện khu vực và toàn cầu.”

Các cấp chính quyền hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp thông qua việc tập huấn và hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, rồi tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu... Gần như họ tạo điều kiện rất nhiều.

Ô. Nguyễn Hữu Hoàng, GĐ Cty Cầu Vồng

Thống kê cho thấy khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là nơi có những thành phố lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới. Trong vòng 15 năm tới những phố thị trong khu vực này cần phải  cung cấp công ăn việc làm, nhà ở, nguồn nước sạch, nguồn năng lượng, phương tiện đi lại, giáo dục, y tế, văn hóa cho thêm 120 ngàn người mỗi ngày.

Trong khi đó khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cũng sẽ là nơi có số người bị tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu nhiều nhất so với các khu vực khác trên toàn cầu. Ngay trong khu vực này thì những cộng đồng nghèo khổ nhất chắc chắn phải gánh chịu tác động lớn nhất vì họ không có mấy khả năng thích ứng.

Số người đó chỉ trông chờ vào chính phủ của họ có những chính sách đúng đắn để giúp cho việc tăng trưởng được bền vững, mọi người dân đều được hưởng lợi từ phát triển của xã hội.


Video: Việt Nam tuần qua 24.02.2012

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.