Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là công tác cần được mọi người trong xã hội chung tay góp sức thì mới có thể đạt được yêu cầu mong muốn. Điều này được các cơ quan chức năng từ cấp trung ương lên tiếng kêu gọi lâu nay.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.03.05
000_Hkg1373271-305.jpg Một nhà hàng Việt Nam bán thịt động vật hoang dã tại tỉnh Hà Tây gần thủ đô Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2008.
AFP photo

Tuy vậy trong thực tế, có những người dân với ý thức trách nhiệm đã tự nguyện tham gia công tác đó nhưng rồi lại khá đơn độc trong hoạt động được chính quyền yêu cầu tham gia.

Trong chương trình Khoa học- Môi trường kỳ này, mời quí thính giả cùng theo dõi một trường hợp như thế ở Việt Nam.

Bảo vệ động vật hoang dã

Nghe hay xem qua những tuyên truyền cho kế hoạch bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, người ta thường xuyên được nghe phải bảo vệ mảng cây xanh trong thành phố, trồng mới cây rừng, không được phá rừng, không săn bắt động vật hoang dã, không tiêu thụ và ăn thịt thú rừng… Luật cũng đã có những qui định xử phạt những vi phạm như thế.

Tuy vậy trong thực tế, ở những quán nhậu từ cao cấp đến bình dân đều có giới thiệu những loại đặc sản thú rừng hiếm có. Tình trạng này được báo chí , những cơ quan chức năng cấp nhà nước cùng các tổ chức quốc tế nêu ra lâu nay ở Việt Nam.

Vừa qua, truyền thông trong nước lại nêu gương của một thanh niên 19 tuổi, đang học đại học năm thứ nhất, sinh viên Nguyễn Thành Hưng, ngành xã hội học, Đại học mở Thành phố Hồ Chí Minh đã ý thức được công tác bảo tồn động vật hoang dã như là một việc làm trong chuỗi duy trì môi trường thiên nhiên. Tờ Tiền Phong số ra ngày 29 tháng giêng năm nay gọi anh là ‘điệp viên giải cứu động vật hoang dã’.

Lý do Nguyễn Thành Hưng là sáng lập viên và là chủ tịch của tổ chức mang tên Hành Động vì Động vật Hoang dã. Bản thân Nguyễn Thành Hưng cho biết nguyên do đến với công việc đó và những hiểu biết của anh về luật pháp tại Việt Nam trong vấn đề bảo vệ động vật hoang dã:

"Tại Việt Nam hoạt động bảo vệ môi trường có nhiều bạn trẻ ‘nhảy’ vào làm; nhưng lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, từ năm 2010 khi em thành lập tổ chức này, không có bạn trẻ nào làm cả. Chính vì thế em muốn thúc đẩy và vực dậy tinh thần bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam.

Ban đầu em tham gia vào một mạng lưới tình nguyện viên của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam. Mạng lưới này có điều tra về những vi phạm về động vật hoang dã trên phạm vi toàn quốc, qua đó em cũng tham gia điều tra giám sát việc đó. Từ đó em phát hiện, tại thành phố Hồ Chí Minh hầu hết các nhà hàng đều vi phạm và em chứng kiến những cảnh giết động vật hoang dã rất ghê rợn. Chính vì thế em quyết định tham gia hoạt động bảo tồn động vật hoang dã.

Ở Việt Nam có bốn luật và nghị định liên quan việc bảo tồn động vật hoang dã, đó là Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam, Nghị định 32 và Nghị định 59. Khi đi điều tra và giám sát, em sử dụng hai nghị định 32 và 59 để đánh giá về những vi phạm.

Nghị định 32 có qui định những loài vật nằm trong danh sách 1b và 2b. Nhóm 1b gồm những loài động vật nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại, 2b là nhóm hạn chế khai thác vì mục đích thương mại. Thì tại những nhà hàng khi em vào mà thấy những loài đó thì đúng họ vi phạm. Ở Việt nam chắc chắn không có chuyện người dân sở hữu những động vật đó nếu không có phép của cơ quan chức năng.

Có thể kể tên một số loại động vật thuộc nhóm 1b: hổ, gấu, mèo rừng, sao la, trâu rừng, bò rừng, mèo cá, mèo ri, báo đốm, báo lửa, báo hoa mai … Nhóm này cấm mọi hành vi khai thác thương mại, dù rằng chỉ quảng cáo thôi cũng là hình thức vi phạm.

Nhóm 2b gồm tất cả những loài khỉ ở Việt Nam như khỉ đuôi dài, khỉ mặt lợn… rồi các loại rùa, một số loài linh trưởng khác nữa."

Cơ quan chức năng chưa quan tâm

Dù tự nguyện tham gia vào một công tác được chính các cơ quan Nhà Nước kêu gọi, nhưng hoạt động của tổ chức Hành Động vì Động vật Hoang dã do Nguyễn Thành Hưng chủ xướng vẫn gặp phải nhiều khó khăn:

000_SAHK990825632250-250.jpg
Những con khỉ được cứu thoát trong một vụ buôn bán động vật hoang dã ở VN. AFP photo
Những con khỉ được cứu thoát trong một vụ buôn bán động vật hoang dã ở VN. AFP photo
"Khó khăn duy nhất để duy trì hoạt động là kinh phí, vì ở Việt Nam người ta đầu tư nhiều vào lĩnh vực hoạt động môi trường, còn bảo vệ động vật hoang dã rất ít cơ quan vào cuộc mà đa phần chỉ là những tổ chức phi chính phủ. Riêng các tổ chức phi chính phủ có nguồn gốc tại Việt Nam chỉ có một hai tổ chức mà thôi nên việc xin tài trợ rất khó, chủ yếu kinh phí của tổ chức chúng em là do ban điều hành tự quyên góp.

Một khó nữa là do chúng em học nhiều lĩnh vực khác nhau, có người học phổ thông, có người học đại học, nên kiến thức của tất cả các bạn không giống nhau. Do đó khi đi điều tra có gặp khó khăn về định dạng hay những điểm vi phạm theo luật.

Hiện nay chúng em đi điều tra, giám sát một cách bí mật, ngầm không công bố ra ngoài; nên các bạn phải có những kỹ năng để bảo vệ cho họ.

Việc ghi nhận của các cơ quan chức năng do chưa quan tâm lắm. Những tổ chức phi chính phủ có ghi nhận, báo chí có đưa tin, nhưng cơ quan chính phủ như kiểm lâm, chi cục bảo tồn không quan tâm lắm. Trong hoạt động khi gửi hồ sơ cho họ xử lý, chỉ có những vụ vi phạm về nhóm 1b mới xử lý, còn đối với nhóm 2b thì không xử lý.

Ở Việt Nam văn bản nghị định, luật rất hay và phù hợp với việc định hướng bảo tồn động vật hoang dã; nhưng khi triển khai xuống dưới thì không làm đúng. Ví dụ hành vi buôn bán, quảng cáo động vật hoang dã phải xử phạt, nhưng khi thông báo thì họ không nói đó là những vi phạm không cần thiết thông báo, không cần thiết xử lý. Ở Việt Nam các loài khỉ đều thuộc nhóm 2b nhưng không có nơi nào tiếp nhận khỉ, và cứu hộ khỉ nên nếu có vi phạm rồi cũng để dân nuôi và không có xử lý."

Và mong muốn đơn giản của người thanh niên hành động vì các loài thú hoang sống trong môi trường thiên nhiên đang bị con người săn lùng đó được bộc bạch như sau:

"Mục tiêu ban đầu của tổ chức là ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã tại thành phố Hồ Chí Minh và toàn quốc. Qua hai năm hoạt động có những chuyển biến tích cực, nên muốn mở rộng ra. Trong tháng ba và tư này sẽ có chiến dịch điệp viên rừng xanh để điều tra giám sát ở khu vực Đông Nam bộ.
Mong muốn là nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn động vật hoang dã; và tách mảng này ra thành một mảng chứ không nằm dưới mảng môi trường."

Qua trường hợp của chàng sinh viên Nguyễn Thành Hưng, tự nguyện cùng các bạn bè khác chung tay cứu các loài thú hoang để giúp bảo tồn môi trường thiên nhiên; chúng ta thấy lời nói và việc làm của các cấp chính quyền, của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên vẫn chưa thực sự đi đôi với nhau.
‘Hô hào suông’ chính là một nguyên nhân khiến cho tình trạng môi trường thiên nhiên tiếp tục bị xâm hại ở một mức đáng ngại như hiện nay tại Việt Nam.

Video: Người Việt khắp thế giới vận động cho Nhân quyền VN

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
23/03/2012 01:04

Đại gia VN nên nhìn và học hỏi cho người dân VN được nhờ, đừng nên quá ích kỷ.. Về giàu có thí đại gia VN có nhiều người có vài trăm triệu đến tỷ đô la, chắc là không thua kém cạnh ai cả ở nước ngoài. Chỉ thua có tấm lòng ! Karl Marx có nói : "Chỉ có cầm thú mới quay mặt trước nỗi đau của đồng loại, mà chăm lo cho hạnh phúc riêng của mình."