Máy hút lúa bằng phương pháp khí động học

Quá trình vận chuyển lúa đến lò sấy cũng là một khâu khá nặng nhọc và gây ô nhiễm trong lao động nông nghiệp sau khi gặt lúa về.

Một người tại tỉnh Kiên Giang từ hồi tháng sáu vừa qua đã cho xuất xưởng chiếc máy hút lúa đầu tay do bản thân chế tạo để giúp tiết kiệm lao động cũng như giúp không gây ô nhiễm trong quá trình vận chuyển lúa từ ghe, xuồng đến lò sấy.

Gia Minh giới thiệu về chiếc máy hút lúa bằng phương pháp khí động học này trong chương trình Khoa học - Môi trường kỳ này.

Ông Tư Việt, chủ nhân của ba lò sấy lúa tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sau khi nghe tin về chiếc máy hút lúa đang được một đồng nghiệp là chủ cơ sở sấy lúa Minh Thắng ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đang sử dụng, đã đến tận mắt xem xét chiếc máy hoạt động ra sao, hiệu quả thế nào.

Giảm nhân công, bớt gây ô nhiễm

Phơi lúa trước khi vô bao- RFA photo
Phơi lúa trước khi vô bao- RFA photo (RFA photo)

Sau một thời gian tận mắt chứng kiến máy hoạt động, ông Tư Việt đã đặt làm một máy tại Doanh nghiệp sản xuất máy cơ khí nông nghiệp Mai Hồng Phượng, do anh Võ Văn Vô Ngại làm chủ và cũng là người sản xuất máy. Ông Tư Việt cho biết những lợi điểm của chiếc máy hút lúa đó như sau:

“Thấy máy cũng rất hiệu quả, giúp giảm nhân công nhiều lắm. Trước đây nhân công rất đông, nhưng nay chỉ cần hai ba người thôi. Điểm thứ hai là không còn bụi bặm, ô nhiễm như khi sử dụng băng tải. Làm với máy hút này không còn bụi nữa.”

Ô. Tư Việt

Bản thân ông Võ Văn Vô Ngại, dù trình độ học vấn chỉ mới hết lớp 9, nhưng được bạn bè phong cho danh hiệu ‘kỹ sư’, vì đã chế tạo ra chiếc máy hút lúa theo phương pháp khí động học. Bản thân ông Ngại nói gia đình ông từ lâu làm nghề xay xát lúa và ông tham gia công việc đó từ khi còn nhỏ. Nay kết hợp với kiến thức cơ khí học được nên có thể chế tạo ra máy đó:

“Thực tình mà nói tôi không phải kỹ sư gì, bạn bè khoái nên nói thế thôi, tôi chỉ học đến lớp 9 thôi. Nhưng với kiến thức cơ khí và tiếp cận với ngành lúa gạo từ mười mấy đến hai chục năm nay rồi, từ nhỏ nên có nguồn kiến thức từ gia đình.”

An toàn lao động cao

Ông cũng giải trình về những công năng của máy:về những chức năng và khác biệt của chiếc máy hút lúa bằng phương pháp khí động học do ông chế ra:

“Máy hút lúa này cũng giống như bơm cát vậy. Đống lúa để ở dưới ghe, trên lò sấy hay bất kỳ nơi nào…; rồi không riêng lúa mà lúa mì, bắp, cà phê, trấu, đậu… đều được hết, nói chung là vật liệu dạng rời, dạng hạt. Ghim ống vô và hút về, xả ra băng tải hay chuyển đẩy đi tiếp nữa cũng được

Chức năng của nó như một băng tải nhưng lợi rất nhiều. Thứ nhất về an toàn lao động. Khi sử dụng băng tải để lên xuống lúa theo phương pháp như ngày xưa đến nay, có thể xảy ra sự cố tai nạn rất nghiêm trọng, như vụ hồi năm ngoái ở Tiền Giang đứt dây cáp băng tải đè chết hai người. Máy này sử dụng ống mủ nên an toàn lao động rất cao. Công suất có thể vận chuyển vài trăm tấn một giờ. Còn băng tải tối đa chỉ được 60 tấn một giờ mà thôi.

Ô. Võ Văn Vô Ngại

Một điểm nữa: làm theo phương pháp từ xưa đến nay bụi rất nhiều, công nhân chịu không nổi. Còn sử dụng máy này thì có bộ phận tách được khoảng 70-80%, số còn lại được xử lý bằng một bộ phận riêng nữa, nên có thể tách và giữ bụi đến 80-90% luôn. Bụi đó được giữ lại và hiện nay có một số đơn vị thu mua bụi. Họ xử lý và làm phụ gia trộn với thức ăn viên tại những nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc.”

Ông cũng giải thích những khác biệt của chiếc máy hút lúa do ông chế tạo ra và những băng tải được sử dụng lâu nay:

“Băng tải xưa nay theo dạng cơ, còn máy này là hút bằng chân không, tạo áp lực từ đầu ống hút và ‘silon’, như thế giúp đưa vật liệu cần hút theo đường ống về máy. Trong máy có quạt hút, silon hút, valve định lượng tức van xả kín, đồng thời ngăn gió, đồng thời xả liệu. Riêng quạt hút phải sử dụng hàng từ nước ngoài, vì quạt hút của Việt Nam hiện chưa thể sử dụng được. Việt Nam có thể chế quạt ly tâm, nhưng ‘áp’ của nó rất thấp, nên không thể vận chuyển cự ly dài.

Hiện tôi đang sử dụng quạt hút của Đài Loan, Nhật, Trung Quốc, Hoa Kỳ…”

Ông cũng cho biết cở của những chiếc máy có thể từ nhỏ với công suất 5 tấn lúa/giờ đến máy có thể hút đến 70 tấn mỗi giờ. Máy có thể vận chuyển lúa trong khoảng cách 800 mét và lên cao 30 mét.

Vấn đề tác quyền

Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây. AFP photo.
Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây. AFP photo.

Một trong những quan ngại của những người sáng tạo như ông Võ Văn Vô Ngại là vấn đề tác quyền. Lý do ở những quốc gia mà những luật lệ cũng như chế tài liên quan tội phạm đánh cắp sở hữu trí tuệ, bản quyền chưa được chặt chẽ, hiệu quả. Ông Ngại cho biết ông cũng đã tiến hành đăng ký tại cơ quan chức năng đặt ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết:

“Bản quyền hiện đang nạp ở Cục, văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ nói bản quyền phải 18 tháng mới có.”

Vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp được nói đến lâu nay, thế nhưng trong thực tế số lượng những người tham gia trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Lý do như ông Ngại cho biết vốn liếng bỏ ra để sản xuất máy hầu như do gia đình chi ra; trong khi đó việc tiếp cận vốn vay ngân hàng không phải dễ dàng đối với những doanh nghiệp nhỏ như của ông.

Ngoài mục đích giúp giảm nhân lực trong vận chuyển lúa từ ghe, xuồng đến lò sấy, máy hút lúa theo phương pháp khí động học của ông Võ Văn Vô Ngại còn có yếu tố thu gom bụi, rác trong lúa từ 80 đến 90% tránh gây hại cho người tiếp xúc với lúa, không gây ảnh hưởng môi trường chung quanh; đồng thời còn tận dụng những thứ đó để làm thức ăn chăn nuôi.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự: