Thượng đỉnh Rio+20

Thượng đỉnh Rio+20 diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil trong ba ngày 20,21 và 22 tháng 6 vừa qua được giới môi trường, các nhà kinh tế cũng như các chính phủ quan tâm.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.06.25
000_DV1200195-305.jpg Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trong một phiên họp toàn thể của Hội nghị LHQ về Phát triển bền vững, Rio +20 tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 22 tháng 6 năm 2012.
AFP photo

Đây là một hoạt động liên quan đến vấn đề phát triển và môi trường. Thượng đỉnh vừa nêu có gì đáng chú ý và kết quả của thượng đỉnh có đáp ứng được mong mỏi của nhiều giới là liệu hành tinh Trái đất có thể trở lại xanh tốt, con người được sống ấm no mà không bị đe dọa bởi những thảm họa môi trường do phá hủy, tận thu các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên trái đất như lâu nay hay không?

Lãnh đạo của hơn 90 quốc gia trên thế giới cùng với tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ tư khai mạc thượng đỉnh về ‘phát triển bền vững’ hay còn gọi là ‘kinh tế xanh’ tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil.

Đây là mốc sự kiện quan trọng diễn ra 20 năm sau Thượng đỉnh Trái đất cũng ở tại Rio, mà lúc đó các quốc gia tham dự cam kết giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, cũng như các loài sinh vật trên địa cầu bị biến mất.

Trong ba ngày thượng đỉnh có chừng 190 diễn giả trình bày các vấn đề liên quan môi trường trái đất và hoạt động chống đói nghèo, phát triển bền vững. Trong ngày kết thúc thượng đỉnh, lãnh đạo của các quốc gia kết thúc hội nghị thông qua bản dự thảo tuyên bố của thượng đỉnh dài 53 trang, mang tựa đề ‘Tương lai mà chúng ta muốn có’ (The Future We Want).

Nước chủ nhà Brazil được nói tránh không muốn thúc ép các vị lãnh đạo nước khác quá nhiều trong văn kiện đó. Lý do vì thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về tình hình biến đổi khí hậu hồi năm 2009 ở Copenhagen gần như bị thất bại do không đạt được những mục tiêu bị cho là quá tham vọng.

Mục tiêu đề ra

Bộ trưởng Môi trường Anh, bà Caroline Spelman, trong ngày khai mạc thượng đỉnh Rio+ 20 cho biết đại diện các nước tham dự đồng ý đề ra một nhóm mới những mục tiêu phát triển bền vững, viết tắt theo tiếng Anh là SDGs ( Systainable Development Goals). Những mục tiêu này sẽ được thực hiện thế cho những mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, MDGs (Millenium Development Goals) mà sẽ hết hiệu lực vào năm 2015.

SDGs có những hành động về lương thực, nguồn nước và năng lượng bền vững cho tất cả những quốc gia trên thế giới. Vào khoảng tháng 9 tới đây, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ chỉ định một nhóm đại diện từ 30 quốc gia nhằm đưa ra những mục tiêu cụ thể mà đến năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành.

Tại thượng đỉnh, tổng thống đảo quốc Maldive tuyên bố rằng nước ông có kế hoạch lập ra khu dự trữ biển lớn nhất thế giới để bảo tồn các loài sinh vật biển và đa dạng sinh học. Ông này tuyên bố chỉ có hoạt động đánh bắt mang tính bền vững và thân thiện môi trường mới được phép.

Tám định chế tài chính lớn trên thế giới công bố kế hoạch trong 10 năm tới dành ra 175 tỷ đô la để tài trợ cho những hệ thống giao thông vận tải mang tính bền vững.
Một số nguyên tắc được đưa ra trong thời gian đi đến thông qua tuyên bố chung của thượng đỉnh được cho biết là nguyên tắc về trách nhiệm chung nhưng khác biệt. Thứ hai là các quốc gia có quyền chọn con đường phát triển bền vững riêng tùy theo tình huống của quốc gia họ.

Một đầm sen ở Hà Nội. RFA photo
Một đầm sen ở Hà Nội. RFA photo
Một đầm sen ở Hà Nội. RFA photo
Ông Dương Đức Ưng, một chuyên gia tư vấn về phát triển bền vững tại Việt Nam đưa ra một số kỳ vọng của Việt Nam đối với Thượng đỉnh Rio+20 như sau:

"Nội bộ của Việt Nam đã thông qua chương trình phát triển bền vững mà chúng tôi còn gọi là phát triển ‘xanh’; tức làm thế nào để đảm bảo phát triển kinh tế nhưng hài hòa với môi trường, đảm bảo về tài nguyên, nguồn nước…

Mọi người đều chờ đợi kết quả của Rio lần này là làm sao ra được bản tuyên bố về phát triển xanh trong giai đoạn sắp tới. Nhưng qua theo dõi tôi thấy hai bên giữa các nước đang phát triển và các nước đã phát triển rất căng. 1.25’

Nói cho cùng thì phát triển xanh cũng liên quan đến vấn đề Mục tiêu Thiên niên kỷ, tức xóa đói giảm nghèo; nên các nhà tổ chức thượng đỉnh lần này cũng nhằm phát triển xanh để xóa đói giảm nghèo."

Vô số quan ngại

Đối với thỏa thuận về những mục tiêu phát triển bền vững SDGs, thì các nhà môi trường trên thế giới cho rằng còn quá nhẹ. Cụ thể những nhà môi trường cho rằng kế hoạch loại trừ dần biện pháp tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch chỉ mới tái xác định lại những cam kết đưa ra trước đây là nếu loại nhiên liệu đó gây hại và không hiệu quả mà thôi chứ chưa đưa ra được một thời hạn cụ thể.

Tổng giám đốc Tổ chức Quỹ Động vật thiên nhiên hoang dã, WWF, ông Jim Leape, thì cho rằng những vấn đề quan trọng như ngăn chặn tình trạng sa mạc  hóa, các loài sinh vật bị biến mất rồi đánh bắt hải sản quá mức … không được nhấn mạnh.

Nhiều người cùng có quan ngại tương tự của giám đốc Điều hành quốc tế của Tổ chức Hòa bình xanh, Kumi Naidoo,  rằng trong thỏa thuận không có biện pháp buộc thi thành thì tình hình môi trường bị suy giảm sẽ tiếp tục.

Có những chỉ trích mạnh mẽ đối với dự thảo tuyên bố của Thượng đỉnh Rio+20 như của giám đốc phụ trách chính trị của GreenPeace, ông Daniel Mittler, rằng chúng ta đưa ra một viễn kiến chung về bất động và hủy diệt.

Ông Lasse Gustavsson thuộc WWF thì cho rằng dự thảo của tuyên bố chung thật đáng thất vọng: ngôn từ thì quá nhẹ, kết quả cũng không đi đến đâu, chẳng đạt đến những điều mà con người và hành tinh trái đất cần có.

Chỉ trích cũng được đưa ra khi thành phần tham dự thượng đỉnh Rio+20 thiếu vắng những vị lãnh đạo các nước có vị thế lớn trong cục diện toàn cầu như tổng thống Mỹ, thủ tướng hai nước Anh và Đức.

Tổng thống Bolivia lên tiếng cho rằng ‘kinh tế xanh’ chính là ‘chủ nghĩa thực dân mới’ mà những nước giàu áp lên các quốc gia đang phát triển. Tổng thống Ecuador thì cáo buộc những nước giàu cướp bóc hành tinh trái đất và tiêu thụ tài sản môi trường một cách tự do.

Phản đối

Phản đối tuyên bố của thượng đỉnh Rio+20 đặt vấn đề về cách thức tiến đến một nền kinh tế xanh, công tác tài trợ cho kế hoạch phát triển bền vững tại những quốc gia nghèo khó nhất trên thế giới hiện nay. Bên cạnh đó là định nghĩa thế nào là Mục tiêu Phát triển Bền Vững, SDGs.

Cũng tương tự những hội nghị bàn về tình hình môi trường, kinh tế thế giới, nhiều nhóm phản đối đã biểu tình cho rằng các nước tư bản lớn đang gây hại cho trái đất.
Hôm thứ tư khi thượng đỉnh Rio+ 20 khai mạc, có hằng chục ngàn người tiến hành biểu tình diễu hành qua các đường phố Rio de Janeiro. Con số cụ thể được phía tổ chức nói là 50 ngàn, trong khi đó cảnh sát ở Rio de Janeiro cho là chỉ 20 ngàn.

Ngoài hoạt động biểu tình, còn có một sinh hoạt đối lại thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc tại trung tâm hội nghị ở trung tâm thành phố Rio de Janeiro. Sinh hoạt đó diễn ra tại địa điểm cách trung tâm hội nghị 40 kilomet .

Những mốc thời gian đáng chú ý

Một góc du lịch sinh thái trong khu vực hồ sen ở Quảng Bá, Hà Nội. RFA photo
Một góc du lịch sinh thái trong khu vực hồ sen ở Quảng Bá, Hà Nội. RFA photo
Một góc du lịch sinh thái trong khu vực hồ sen ở Quảng Bá, Hà Nội. RFA photo
Thượng đỉnh Rio+20 với sự tham dự của 191 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, trong đó có 86 vị tổng thống và lãnh đạo chính phủ, diễn ra đúng 20 năm sau thượng đỉnh Trái đất cũng được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Thượng đỉnh năm 1992 có hơn 100 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia tham dự. Kết quả của thượng đỉnh đó gồm có Chương trình hành động gồm 40 chương trình mang tên Nghị trình 21; Công ước Khung Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu, Công ước về Đa dạng sinh học, và Công ước chống sa mạc hóa.

Hồi năm 1972, hội nghị Liên hiệp quốc về môi trường nhân loại, được xem là hội nghị lớn đầu tiên về chính trị quốc tế trong đó có đề cập đến hai từ môi trường. Hội nghị đưa ra hơn 100 khuyến nghị giúp tránh tình trạng suy thoái môi trường.

Phúc trình Brundtland vào năm 1987 do Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới cũng đưa ra cảnh báo là hệ sinh thái Trái Đất có khả năng giới hạn trong việc hồi phục. Phúc trình liên hệ biện pháp sử dụng tài nguyên môi trường một cách bền vững với công cuộc xóa đói.

Thượng đỉnh Thế giới về phát triển bền vững hồi năm 2002 ở Johannesburg, Nam Phi rà soát lãi 10 năm sau Thượng đỉnh Trái đất năm 1992. Thượng đỉnh năm đó đưa ra tuyên bố với những cam kết cũng như những nhấn mạnh về các thách thức môi trường trước mắt. Thượng đỉnh năm 2002 không đưa ra sáng kiến cụ thể nào.

Tại thượng đỉnh Rio+ 20 năm nay, các tổ chức bảo vệ môi trường thế giới như WWF, Greenpeace tiếp tục gióng lên cảnh báo tình trạng khai thác vượt ngưỡng về môi trường hiện quá rõ rệt. Trái đất và con người hiện đang ở ngưỡng cửa của những nguy cơ môi trường chưa từng có. Tác động kết hợp của tình hình biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, mất đa dạng sinh học và hệ sinh thái bị biến đổi khi mà nhu cầu của con người ngày một gia tăng đang gây ra mối đe dọa thực sự cho con người.
Ông Dương Đức Ưng cho biết về hiện trạng thay đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay như sau:

"Không phải ở ngưỡng cửa nữa mà đã có những thảm họa đã bước qua ngưỡng cửa rồi. Ví dụ như lụt lội, bão có những hiện tượng rất bất thường; trước đây thường ở miền Bắc nay chuyển vào miền Trung, miền Nam, hay trước đây không hề có những cơn bão vào tháng giêng; nay có những cơn bão vào lúc đó…Tất cả những bất thường đang trở thành bình thường vì tình hình thay đổi khí hậu đang diễn ra."

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới.



Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.