Thực trạng và biện pháp bảo tồn nguồn nước ở VN

Nguồn nước tại Việt Nam bị tác động khá nhiều trong quá trình phát triển công nghiệp và hiện đại hoá. Vậy đánh giá về chất và lượng nguồn nước của những vùng miền tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại thế nào?
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.08.02
ZL0.12301899_5151_305.jpg Nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra kênh làm ô nhiễm môi trường nước tại Cao Bằng
Photo courtesy of vea.gov.vn

Tin tức trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy một tình trạng đáng ngại về nguồn nước của Việt Nam. Dù nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, địa hình nhiều sông ngòi, kênh rạch; nhưng nguồn nước sử dụng của người dân tại nhiều địa phương lâu nay bị giới hạn bởi ô nhiễm cũng như khan hiếm do thời tiết nắng hạn.

Thực tiễn nguồn nước

Đánh giá về thực tiễn nguồn nước tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay, tiến sĩ Nghiêm Đức Long, chuyên gia về nguồn nước đang giảng dạy tại Đại học Wollongong, Australia đưa ra nhận định:

Việt Nam không phải là quốc gia thiếu nước. Thế nhưng có hai vấn đề trong tài nguyên nước của Việt Nam cần phân biệt là chất và lượng của nó. Lý do thiếu nước cục bộ tại Việt Nam xuất phát từ tình hình thời tiết, và phân bố qui hoạch dân số.

Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Tài nguyên-Môi trường nước của Việt Nam cũng đưa ra đánh giá về hai nguồn đang cung cấp nước sử dụng tại Việt Nam như sau:

Về nguồn nước mặt: quan trắc cho thấy nguồn này không ổn định. Lý do là tình hình sản xuất công nghiệp đưa đến ảnh hưởng xấu cho nguồn nước.

Việt Nam không phải là quốc gia thiếu nước. Lý do thiếu nước cục bộ tại Việt Nam xuất phát từ tình hình thời tiết, và phân bố qui hoạch dân số.

Tiến sĩ Nghiêm Đức Long


Về nguồn nước ngầm: thiếu kiểm soát trong khai thác dẫn đến tác động tiêu cực. Ngoài ra tình hình biến đổi khí hậu khiến nước mặn xâm nhập vào nguồn nước ngầm của Việt Nam.

Những khu công nghiệp xả thải trực tiếp ra sông được nêu lên như là nguyên nhân chính gây ô nhiễm, thậm chí còn ‘bức tử’ nhiều dòng sông tại Việt Nam. Một điển hình đó là Công ty Bột ngọt Vedan làm ô nhiễm đoạn dài đến 10 kilomét của con sông Thị Vải đi qua ba địa phương Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh.

Về vụ việc này, tiến sĩ Nghiêm Đức Long có nhận định:

Lỗi trong vấn đề này cơ bản là do quản lý mà ra. Cơ quan chức năng có trách nhiệm phải duyệt xét bản vẽ, sơ đồ hệ thống xử lý, xả nước thải. Doanh nghiệp bao giờ cũng muốn làm sao đuợc nhiều lợi nhuận dù phải luồn lách.

Biện pháp giải quyết

191109-250.jpg
Rác sinh hoạt đổ bừa bãi trên kênh, rạch gây ô nhiễm nguồn nước. RFA photo
Rác sinh hoạt đổ bừa bãi trên kênh, rạch gây ô nhiễm nguồn nước. RFA photo
Trước tình hình đáng ngại về nguồn nước tại Việt Nam, cơ quan chức năng như Viện Nước và Môi truờng nơi giáo sư Lâm Minh Triết làm viện trưởng cũng có những nghiên cứu giải quyết vấn đề. Ông cũng tham gia vào một số chương trình cấp nhà nước và khu vực trong lĩnh vực khôi phục và bảo vệ nguồn nước. Giáo sư Lâm Minh Triết cho biết:

Trước hết chúng tôi xác định nguồn gây ô nhiễm. Nhà nước đề ra kế hoạch 5 năm, 10 năm với quyết tâm khôi phục nguồn nước. Nhà nước cũng lập ra quĩ môi truờng cho các doanh nghiệp vay để triển khai các dự án bảo vệ nguồn nước.

Tuy nhiên cần phải có thời gian và kinh phí. Ngoài ra còn phải nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vấn đề này.

Từ bên ngoài, và qua quan sát ở những nơi khác, tiến sĩ Nghiêm Đức Long đặt ưu tiên trong qui hoạch như sau:

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng ở Việt Nam cần phải có qui hoạch tốt. Việt Nam cần nhìn bài học của Trung Quốc. Thu hút đầu tư nhưng không gây hủy hoại môi trường.

Hai vấn đề lớn trong qui hoạch của Việt Nam về nguồn nước là thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất và con người. Một vấn đề nữa đó là cơ cấu.

Trước hết chúng tôi xác định nguồn gây ô nhiễm. Tuy nhiên cần phải có thời gian và kinh phí. Ngoài ra còn phải nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vấn đề này.

Giáo sư Lâm Minh Triết


Một phúc trình được công bố hồi tháng sáu vừa qua cho thấy hiện hằng tỷ đô la đang đuợc chi ra với mục tiêu tưởng thưởng cho những ai có đóng góp hữu hiệu giúp bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước nguy cơ suy thoái trên khắp thế giới.

Tổ chức phi chính phủ mang tên Forest Trends, trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết chương trình chi trả cho nông dân và những cộng đồng cư dân sinh sống ở rừng trong công tác duy trì chất lượng nguồn nước gọi theo tiếng Anh là Payments for Watershed Services, và chương trình các cơ sở công nghiệp mua bán ‘tín chỉ’ giảm thiểu ô nhiễm, tiếng Anh là Water Quality Trading, trong năm 2008 tổng giá trị từ hai chương trình này lên đến hơn chín tỷ đô la.

Tương tự như tiến sĩ Nghiêm Đức Long nhận định, lợi nhuận thu được từ những hoạt động công nghiệp thiếu biện pháp bảo vệ môi trường sẽ không thể bù đắp chi phí phải bỏ ra để giải quyết những hậu quả do tác hại môi trường gây nên.

Mục Khoa học-Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Gia Minh chào tạm biệt.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.