Vụ Sông Tranh 2 vẫn còn bỏ ngỏ

Tranh luận về vấn đề động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam liên quan đến an toàn cho cuộc sống người dân trong khu vực vẫn đang tiếp diễn.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.10.08
infonet.vn-305.jpg Cuộc họp báo hôm 28 tháng 9 tại tỉnh Quảng Nam thông báo kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Photo courtesy of infonet.vn

Vừa qua cơ quan chức năng cùng một số nhà khoa học trong nước đã công bố một số kết luận. Tuy nhiên những thông tin đó tiếp tục gây quan ngại cho giới khoa học quan tâm.

Thắc mắc khoa học

Một cuộc họp báo diễn ra hồi ngày 28 tháng 9 vừa qua tại tỉnh Quảng Nam. Nhiều báo trong nước loan tin cho biết Hội đồng nghiệm thu Nhà Nước các công trình xây dựng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp báo đó. Nội dung của cuộc họp báo cũng được truyền thông trong nước loan tải.

Qua theo dõi tất cả những thông tin được báo chí loan đi về cuộc họp báo, tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa học - Công nghệ và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh, người lâu nay có nhiều bài viết về tình hình đập thủy điện Sông Tranh 2 nêu rõ cuộc họp báo đó gây ra nhiều vấn đề khuất tất cho chính bản thân một người như ông. Ông trình bày:

"Trước hết mỗi báo nói một phách về cuộc họp báo đó. Thứ nhất vấn đề người chủ cuộc họp báo: có báo nói chỉ Hội đồng Giám định Chất lượng Nhà Nước và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam; báo thì nói cả Bộ Công Thương, Bộ Khoa học- Công Nghệ …

Tôi là người đọc báo, tôi không thể hiểu được cuộc họp báo đó do ai tổ chức, vì các báo đưa tin mỗi báo mỗi phách. Thứ hai, họp báo bao giờ cũng phải có thông cáo báo chí. Khi mời báo chí đến ít nhất phát cho họ tờ thông cáo báo chí đó. Sau ấy, các nhà báo mới đặt câu hỏi. Nhưng không có thông cáo báo chí, và các nhà báo chỉ nghe ‘các ông ấy’ nói miệng. Tất nhiên, các nhà báo không phải là chuyên gia trong ngành, nên mỗi nhà báo viết theo cách hiểu riêng của họ. Do đó khi đọc trên các báo có nhiều chỗ tréo ngoe với nhau.

Thứ ba, đây là vấn đề khoa học, bức xúc của người dân nên lẽ ra phải mời các nhà khoa học, đại diện dân đến. Nhưng khi đọc theo các báo viết thì thấy có mời một số vị ở huyện, tỉnh đến chứ không có đại diện nhân dân, các nhà khoa học. Cá nhân tôi thấy đó không phải là cuộc họp báo bình thường mà là cuộc họp báo kỳ lạ."

Giáo sư Phạm Phụ, một trí thức có chuyên môn về thủy điện tại Việt Nam cũng không đồng ý với những phát biểu cho rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn dù có xảy ra những đợt động đất như vừa qua. Thậm chí như phát biểu của ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám Định Nhà Nước về công trình xây dựng Nhà Nước, được truyền thông trích thuật, nói ‘đập có thể chịu được động đất tương đương 5,5 độ Richter, thậm chí đập có thể chịu được động đất 9 độ Richter’. Giáo sư Phạm Phụ có ý kiến:

"Không có nhà khoa học nào trên thế giới này nói về an toàn tuyệt đối cả. Trên thế giới vẫn có vỡ đập: Việt Nam, Trung Quốc rồi ngay ở Mỹ cũng có vỡ đập. Ngay một đập lành lặn, không có vấn đề gì không ai có thể nói đập đó an toàn tuyệt đối cả.

Điểm chính tôi rất băn khoăn là thiết kế của đập Sông Tranh 2 có quan tâm đến vấn đề rất nguy hiểm là ở dưới đất của khu vực đó có những đứt gãy địa chất. Đó là nguy cơ gây động đất rất lớn...
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc

Đập Sông Tranh 2 ứng dụng công nghệ mới ‘bê tông đầm lăn’, đây không phải là kiểu truyền thống, mà kiểu truyền thống là bê tông đầm rung. Công nghệ bê tông đầm lăn, mà tôi không chắc lắm là xuất hiện ở Trung Quốc, nước này sử dụng nhiều. Để nói ‘bê tông đầm lăn’ có tốt hay không, chưa ai dám khẳng định hoàn toàn tốt cả.

Vì vậy khi xây dựng đập Sông Tranh 2, xảy ra rò rỉ; trong trường hợp đó cần phải lo đến nguy cơ mất an toàn nhiều hơn. Và vì sự an ninh của dân cư địa phương, phải hy sinh một số quyền lợi ví dụ không tích nước. Thủy điện vào mùa lũ tích nước để một phần ‘chạy máy’, một phần tích nước cho mùa cạn sang năm; nhưng nay đến mùa lũ là tháo qua đập tràn.

Như thế là ‘vứt tiền đi’; nhưng vì an toàn của dân cư ở hạ lưu quyết định không tích nước là đúng. Ai nói đập này an toàn là hoàn toàn không có cơ sở khoa học; ngay đập không có vấn đề gì không ai có thể nói đập đó an toàn tuyệt đối cả."

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho biết có những vấn đề mà ông từng thắc mắc về tình hình đập thủy điện Sông Tranh 2 mà đến nay vẫn chưa được giải đáp:

"Điểm chính tôi rất băn khoăn là thiết kế của đập Sông Tranh 2 có quan tâm đến vấn đề rất nguy hiểm là ở dưới đất của khu vực đó có những đứt gãy địa chất. Đó là nguy cơ gây động đất rất lớn mà rất nhiều nhà khoa học nói đến vấn đề đó. Tôi không biết có hay không, nhưng tôi hỏi khi thiết kế có quan tâm đến điều đó hay không? Tôi yêu cầu phải kiểm tra lại thiết kế xem có quan tâm đến nguy hiểm đó hay không. Nếu có quan tâm, thì tính có đúng hay không. Vì từ chỗ quan tâm đến chỗ tính đúng là một quá trình. Các nhà báo chủ yếu phanh phui là ‘dự án đầu tư’. Đây chỉ là cái sơ bộ ban đầu để chủ đầu tư có quyết định đầu tư hay không, và làm thủ tục để xin phép đầu tư. Trong khi đó vẫn không cho biết về bản thi công.

Vấn đề giám định chất lượng: cơ quan giám định nói tốt nhưng đập vận hành chưa đầy một năm đã hỏng. Vậy trách nhiệm của người kết luận là ‘tốt’ thế nào. Bây giờ đập hỏng như thế, việc kiểm tra, sửa chữa thế nào? Hình ảnh tôi dùng: đập bị ‘tứ chứng nan y’, mà họ chỉ bôi ít dầu thoa. Chúng tôi yêu cầu phải khám nghiệm, hội chẩn, dùng các phương tiện kỹ thuật để đo đạc, từ đó rút ra kết luận để có phương pháp sửa chữa chính xác.

Trong cuộc họp họ nói nước thấm giảm 90%; nhưng trong thiết kế bao nhiêu, họ không nói, giấu tiệt. Thậm chí 500 lít trên giây cũng an toàn, bây giờ đưa ra không còn một lít trên giây; nhưng bao nhiêu là an toàn thì không ai hiểu được cả. Vấn đề theo thiết kế cho phép bao nhiêu…. Vấn đề an toàn: nay mới ở mức 144 mét đã như thế vậy đến khi dâng bình thường 175 mét thì thấm bao nhiêu. Có nhiều vấn đề…

Đây là mâu thuẫn giữa các nhà khoa học, chủ đầu tư, Cục Giám định Chất lượng không phải hôm nay mà là từ đầu. Sở dĩ các nhà khoa học tiếp tục lên tiếng vì bản thân cuộc họp báo đó không giải đáp được những vấn đề cốt lõi nhất của khoa học. Họ đưa ra những điều giống y như từ trước đến nay vẫn nói, không có gì mới. Tất cả những điều mà chúng tôi nêu ra từ trước đến nay đều không có giải đáp gì cả."

An toàn trên hết

Các nhà báo chất vấn tại buổi họp báo về Thủy điện Sông Tranh 2 hôm 28/9/2012 tại Quảng Nam. Photo courtesy of tienphong.vn
Các nhà báo chất vấn tại buổi họp báo về Thủy điện Sông Tranh 2 hôm 28/9/2012 tại Quảng Nam. Photo courtesy of tienphong.vn
Các nhà báo chất vấn tại buổi họp báo về Thủy điện Sông Tranh 2 hôm 28/9/2012 tại Quảng Nam. Photo courtesy of tienphong.vn
Đích thân phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 và tiếp xúc với cử tri địa phương hồi ngày 30 tháng 9. Truyền thông trong nước cũng nêu ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng chính phủ đặt vấn đề tính mạng, an toàn của người dân lên trên hết. Đó cũng là quan điểm của một số vị chức sắc đứng đầu tỉnh Quảng Nam từ trước cho đến nay.

Giáo sư Phạm Phụ đưa ra ý kiến phải cân nhắc lợi hại, và vấn đề an toàn trên hết:

"Cho nên vấn đề này phải cân nhắc giữa cả hai mặt lợi và hại, và cân nhắc trên quyền lợi của cộng đồng, chứ không phải quyền lợi của nhóm lợi ích vận hành trạm thủy điện đó. Trong trường hợp của Sông Tranh đã có tình hình như vậy, trước hết vì an toàn và sinh mạng của dân cư hạ lưu, theo tôi, tốt nhất phải hy sinh một ít quyền lợi kinh tế, tức không tích nước, và không ai dám tuyên bố an toàn cả. Cả thế giới cũng vậy chứ không phải chỉ ở Việt Nam."

Nguyên nhân của tình trạng thủy điện tại Việt Nam lâu nay gây ra những hậu quả xấu như tích nước vào mùa khô gây hạn cho hạ du, nhưng vào mùa mưa lại xả lũ khiến cho vùng dưới đập chịu ngập lụt là vì lợi ích cá nhân các nhà đầu tư thủy điện. Ông cho biết:

Trong trường hợp của Sông Tranh đã có tình hình như vậy, trước hết vì an toàn và sinh mạng của dân cư hạ lưu, theo tôi, tốt nhất phải hy sinh một ít quyền lợi kinh tế, tức không tích nước.
Giáo sư Phạm Phụ

"Có thực tế thế này: những thủy điện qui mô tương đối nhỏ vừa rồi do các tập đoàn hay tổ chức tư nhân làm. Những dự án đó ảnh hưởng đến môi trường, hạ du, sinh thái. Khi tập đoàn tư nhân làm, họ đặt quyền lợi của họ trên hết. Nếu vì quyền lợi công thì không có vấn đề gì. Nhưng đây là phong trào bị tư nhân hóa đi, mà tư nhân thì bao giờ cũng vì lợi ích kinh tế trên hết. Tôi cho không nên tư nhân hóa vấn đề thủy điện."

Vấn đề khoa học luôn đòi hỏi tính chính xác, khách quan. Tuy nhiên, qua vụ việc thủy điện Sông Tranh 2, người ta thấy cách thức làm của các bên liên quan đầy thiếu sót mà hậu quả đến nay vẫn không thể nào thống nhất để có thể đưa ra những kết luận mang tính khoa học thực sự có thể giúp mọi người tin tưởng.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.