Đó là kết luận của một báo cáo về bình đẳng giới trong lao động được Ngân hàng phát triển châu Á và Tổ chức lao động quốc tế công bố vào tháng 4 năm nay. Vậy những bất bình đẳng giới trong thị trường việc làm mà phụ nữ tại các nước đang phát triển ở châu Á đang phải đối mặt là gì và tại sao giảm cách biệt này có thể giúp các nước hồi phục kinh tế bền vững hơn? Đó là chủ đề mà tạp chí phụ nữ tuần này muốn gửi tới quý vị.
Phụ nữ gặp nhiều khó khăn
Đã có một thời gian khá dài, Trần Thị Huệ, cô gái 28 tuổi đến từ Hà Nam, đi bán bóng bay khắp các nẻo đường ở Hà Nội. Mặc dù bây giờ đã có một công việc văn phòng nhưng cô vẫn tranh thủ những ngày cuối tuần hay lễ để đi bán bóng bay, vì cô nói đây là việc làm mang thêm thu nhập bổ xung, giúp cô nuôi con ở thành phố vốn có cuộc sống đắt đỏ hơn nhiều so với vùng thôn quê. Mặc dù vậy, việc bán bóng lại không được coi là là một công việc toàn bộ thời gian hay có thể cho gia đình Huệ một cuộc sống ổn định lâu dài.
Mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế đều cho thấy là vào giai đoạn khủng hoảng, phụ nữ là người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi họ thường làm các công việc dễ bị ảnh hưởng.
Bà Samantha Hung
Tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn, hàng ngày người ta có thể gặp rất nhiều những người phụ nữ như Huệ làm nghề bán rong trên phố. Họ bán rau, quả, bán đồ ăn, hay vé số. Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á về phụ nữ và thị trường lao động ở châu Á xếp những công việc này vào khu vực không chính thức tức là công việc của họ thường không được tính đến trong các số liệu thống kê chính thức về việc làm. Bà Samantha Hung, chuyên gia về giới thuộc Ngân hàng phát triển châu Á cho biết:
“Ở Việt Nam nếu bạn nhìn ra đường phố thì sẽ thấy phụ nữ ở khắp nơi bán hàng rong hay tương tự và phần lớn những công việc này không được tính là công việc làm chính thức. Trong khi đó, đây lại chính là cuộc sống của hàng triệu gia đình ở Việt Nam.”
Theo thống kê được đưa ra trong bản báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á và ILO, năm 2009 có 65% phụ nữ châu Á làm trong các công việc không chính thức phi nông nghiệp. Trong đó những nước có tỷ lệ nữ làm các việc không chính thức phi nông nghiệp nhiều nhất là Nepal và Bangladesh với hơn 91%.
Báo cáo của ADB cho biết chi phí thấp và giờ làm linh hoạt đã khiến việc bán rong trên đường phố trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với những người phụ nữ nghèo. Đối vởi rất nhiều người trong số họ, đây là lựa chọn duy nhất. So với đàn ông cũng làm nghề bán rong trên phố, phụ nữ làm nghề này thường dễ gặp những bất chắc hơn trên đường, bán những mặt hàng ít có lãi hơn so với nam giới hoặc phải bán hàng để kiếm tiền huê hồng từ người khác. Và kết quả cuối cùng là họ kiếm ít tiền hơn so với nam giới.

Hiện vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng về sự khác nhau giữa việc làm chính thức và không chính thức. Những việc làm không chính thức thường không được ổn định như việc làm chính thức.
Cũng theo báo cáo của ADB thì hơn một nửa trong số các phụ nữ làm các công việc không chính thức thuộc những việc dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi bất thường trong nền kinh tế. Bà Samantha Hung giải thích:
“Rõ ràng là mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế đều cho thấy là vào giai đoạn khủng hoảng, phụ nữ là người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi họ thường làm các công việc dễ bị ảnh hưởng.”
Huệ tâm sự, những người làm nghề bán hàng rong như cô gặp nhiều khó khăn hơn trong những năm vừa qua do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và nhất là tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao ở Việt Nam. Cô nói:
“Bản thân mình và rất nhiều người, sự thay đổi này ảnh hưởng rất lớn tại vì khi kinh tế thay đổi, kể cả những người bán hàng rong cũng thế, bán chậm lại, cái nguồn mình kiếm về không nhiều nữa mà việc phải chi ra thì nhiều hơn gấp đôi so với thời kinh tế chưa bị thay đổi.”
Cần đảm bảo việc làm ổn định
Với việc không sử dụng hiệu quả nguồn lực con người thì giá trị GDP sẽ bị thấp hơn, và khi tính thành tiền, ta thấy giá trị thấp hơn khả năng mà nước đó có thể đạt được.
Bà Anurandha Rajiva
Những việc làm dễ bị ảnh hưởng cũng được coi là một chỉ số trong mục tiêu thiên niên kỷ của liên hiệp quốc để xóa đói giảm nghèo. Muốn xóa đói giảm nghèo các quốc gia cần phải đảm bảo cho phụ nữ và những người trẻ tuổi được tiếp cận với các việc làm có thu nhập và điều kiện làm việc ổn định.
Những người phụ nữ như Huệ phải làm các việc dễ bị ảnh hưởng thường có mức thu nhập không ổn định, và cũng không có bảo hiểm y tế như những người làm các việc chính thức khác. Huệ cho biết:
“Theo bản thân mình nghĩ thì việc bán bóng thì thu nhập cũng rất khá, một ngày mình có thể kiếm được 100 đến 150.000 đồng, nhưng công việc đấy không thể duy trì lâu được vì mình không thể đi ròng rã một tháng trời mà không thể nghỉ bởi vì mình phải đi rất nhiều, có khi mình chỉ đi nửa tháng thì sức mình đã đuối rồi thì mình phải nghỉ. Công việc đó là công việc tư do, trên đường đi bán hàng mình gặp rủi ro hay tai nạn gì đấy thì chính bản thân mình phải tự chi trả tất cả những rủi ro trên đường.”
Khi Huệ có thai, cô đã phải nghỉ gần cả năm trời. Lúc đó thu nhập trong gia đình hoàn toàn dựa vào việc làm ruộng ở dưới quê ít hơn rất nhiều so với thu nhập bán bóng mà cô có trước đó.

Tại các nước đang phát triển, ngoài những người phụ nữ làm nghề bán rong, còn có một số khác đông phụ nữ là công nhân không chính thức trong các ngành đòi hỏi nhiều lao động phục vụ xuất khẩu như may mặc, giầy da và điện tử. Báo cáo của ADB cho biết những phụ nữ này thường làm dưới sự thương hại của những nhà thầu, những người trung gian. Họ thường không biết giá trị thực sự của các sản phẩm mà họ làm ra là bao nhiêu. Họ thường được trả tiền theo đơn vị sản phẩm và thường thì thu nhập chỉ chiếm một phần trăm rất nhỏ trong giá bán, có thể từ 2 đến 5%. Và cũng bởi vì họ là đội ngũ lao động không chính thức nên khi kinh tế đi xuống, công việc khan hiếm, họ là những người đầu tiên bị mất việc.
Nhưng ngay kể cả khi kinh tế bắt đầu phục hồi, thì số phần trăm phụ nữ thất nghiệp cũng vẫn cao hơn so với đàn ông. Báo cáo của ADB cho thấy mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương từ năm 2000 đến 2007 trung bình hơn 6%, cao hơn mức trung bình của thế giới vốn ở mức 4%, nhưng tăng trưởng việc làm cho phụ nữ chỉ ở mức 1,7% trong khi mức này ở nam giới là 2%. Báo cáo ước tính vẫn có đến 45% số phụ nữ có khả năng làm việc vẫn chưa được tận dụng trong khi con số này ở nam giới là 19%.
Chuyên gia về giới của Ngân hàng ADB cho rằng, việc còn một số khá đông tiềm năng của phụ nữ không được khai thác đang làm ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế ổn định và mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở các nước châu Á. Samantha Hung cho rằng:
“Rõ ràng là khi tiềm năng con người không được khai thác hết thì chúng ta không thể tối đa hóa tăng trưởng kinh tế. Nếu bạn có một nền kinh tế lớn nhưng lại có một số đông phụ nữ không có việc làm hoặc việc làm không đầy đủ bởi vì kỹ năng của họ không được tận dụng thì bạn không thể tối đa hóa tăng trưởng để làm lợi cho một số đông dân số, và điều này đến lượt nó sẽ ảnh hưởng tới việc xóa đói giảm nghèo. Nếu bạn cho một số đông dân số cơ hội tiếp cận với việc làm thì nó sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc bởi vì một trong số đó cũng là bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ.”
Rõ ràng là khi tiềm năng con người không được khai thác hết thì chúng ta không thể tối đa hóa tăng trưởng kinh tế.
Bà Samantha Hung
Bà Anurandha Rajiva, chuyên giả của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc giải thích về sự ảnh hưởng của việc không tận dụng khả năng làm việc của những người phụ nữ đến GDP của các nước như sau:
“Với việc không sử dụng hiệu quả nguồn lực con người thì giá trị GDP sẽ bị thấp hơn, và khi tính thành tiền, ta thấy giá trị thấp hơn khả năng mà nước đó có thể đạt được nếu sử dụng hiệu quả các nguồn lực con người của mình. Và khi sự đóng góp vào nền kinh tế của người phụ nữ không được tính đến thì chúng ta có thể mất từ 3 đến 4% GDP.”
Các chuyên gia của ngân hàng phát triển châu Á cho rằng hiện châu Á đang có một cơ hội để đề cập đến bất bình đẳng giới cũng như các triệu chứng phát sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế, đạt được sự phục hồi thị trường lao động đầy đủ.
Theo chuyên gia về giới Samantha Hung thì phụ nữ ở các nước đang phát triển tại châu Á luôn đóng vai trò xương sống trong các ngành phục vụ xuất khẩu vốn là động lực phát triển chính của các nền kinh tế này. Cũng chính vì vậy, khủng hoảng kinh tế lần này lại một lần nữa là bài học cho chính phủ các nước thấy được từ những sai lầm trong quá khứ để tìm cách đa dạng hóa các loại hình công việc theo hướng dễ tiếp cận hơn đối với phụ nữ, phù hợp hơn với họ.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới. Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org