Con sẽ về với mẹ ...
2012.12.11
Tre già khóc măng non
Nơi mảnh đất nhỏ bé hình chữ S, nhưng lắm đau thương triền miên và đâu đó cứ vang lên những tiếng khóc than não nề mà không có ai có thể thấu hiểu được nỗi lòng và tâm tư của họ:
“Tại vì số mạng hòan cảnh nên phải khổ, nên phải chịu. Vì cha mẹ khổ, cha mẹ nghèo nên con phải hy sinh như vậy thôi cô ơi!
Những người nông dân hiền lành, chất phác bao đời cặm cụi với ruộng lúa, bờ ao, với lũy tre làng. Họ đã có một thời mơ ước hòa bình, có một thời tin tưởng vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam của những người cộng sản để có một ngày an vui hạnh phúc. Nhưng giấc mơ ảo huyền đó không bao giờ trở thành sự thật. Rồi con cháu họ, thế hệ sau lại vật vã đi tìm chân trời mới. Họ quyết tâm rời bỏ làng quê, nơi mảnh đất, ngọn rau đã nuôi họ lớn lên. Nhưng mảnh đất đó không thể thắp lên ngọn lửa của hạnh phúc và niềm hy vọng. Họ lại phải dấn thân vào cuộc hành trình gió bụi, nghiệt ngã để tìm một mảnh đất màu mỡ nơi đất khách quê người để sinh sống và gieo hạt giống Việt Nam.
Đồng bằng sông Cửu Long, nơi ruộng lúa phì nhiêu nuôi sống cả nước. Năm nay, nhà nước cộng sản Việt Nam khoe rằng đã xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo, thu được 2,877 tỷ đô la, đứng đầu thế giới. Nhưng người nông dân vẫn còm cõi, đói rách. Họ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời dưới những cơn mưa tầm tã, hay dưới những tia nắng chói chang để đổi lấy chén cơm chan mặn mồ hôi và nước mắt. Họ vẫn không đủ ăn, đủ mặc, vẫn nghèo khổ, vất vả một nắng hai sương, và thảm thương thay, số phận của họ cũng chỉ là những con ve, cái kiến.
Vì muốn tìm hiểu về những vấn đề có liên quan đến những cái chết oan khuất của nhiều cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc, tôi gọi điện thoại cho văn phòng thường trực Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội, và sau đó được chuyển qua Ban Đối Ngoại với số điện thoại: (84-4) 39720067 thì được một cô trả lời như sau:
“Bởi vì ở bên Việt Nam có quy định là trước khi chị muốn chúng em trả lời phỏng vấn thì các chị phải làm thủ tục để xin chỗ Cục Thông Tin Báo Chí và Ngoại Giao thì khi nào họ đồng ý là thu xếp cho quá trình thì thông báo cho hội em thì hội em trả lời sang bên chị. Nói làm sao được vì quy định của pháp luật mà chị. Sống ở Việt Nam thì phải theo quy định của pháp luật Việt Nam thôi.”
Thế hệ Võ Thị Minh Phương đã nhìn thấy cuộc đời mình cũng đen như mảnh ruộng mà cô đang làm thuê, cuốc mướn. Cô muốn thoát ly và lập tức bị rơi vòng xoáy của cơn lốc mua bán con người trong thời đại mới. Cô cũng như bao cô gái quê nghèo trên đất nước Việt Nam, khát khao lấy chồng ngoại quốc để hy vọng đổi đời. Chị Bùi Thị Huyền, chị dâu của Phương bùi ngùi nhớ lại những nét dễ thương của Phương trong 20 năm làm dâu nhà họ Võ:
“Tôi làm dâu đây cũng 20 năm rồi. Tui là chị hai nó. Nó cũng không có mơ ước gì hết trơn, thấy ở xóm mấy đứa về lên xe, xuống ngựa vậy đó thì cũng ham vậy thôi. Mình nông dân mà. Nói cho ngay nó từ nào tới giờ đi cấy mướn đi cắt lúa mướn đốn míai. Nó ngoan lắm hiền lắm, người sống thoải mái không biết giận hờn ai hết, vô tư lắm. Ai nói cũng không biết giận gì hết trơn, cứ cười mãi vậy hà.”
Ước mơ lấy chồng nước ngoài
Võ Thị Minh Phương sinh năm 1985, là con út của ông Võ Văn Rô và bà Võ Thu Ảnh, một gia đình nông dân nghèo có 6 người con, 4 trai, 2 gái. Vì gia cảnh khó khăn, học hết lớp 7, Phương nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.
Theo lời bà Ảnh, khoảng cuối năm 2003, có người quen cùng xã đã dẫn đường, chỉ lối cho Phương làm đơn để được giới thiệu lấy chồng nước ngoài. Cô được đưa về Sài Gòn ở trong nhà của người môi giới hôn nhân. Chỉ trong cuộc gặp gỡ ban đầu, ông Kim Yeong Hwa, người Hàn Quốc, đã nắm tay cô và mời đi ăn. Qua người môi giới, cô gọi điện thoại báo tin cho gia đình biết ông Kim Yeong Hwa, lớn hơn cô 20 tuổi đã chọn cô làm vợ. Đám cưới của Minh Phương diễn ra trong ngày 13/11/2003. Người môi giới chỉ tặng lại gia đình cô dâu 3 triệu đồng Việt Nam. Gia đình bà Ảnh mướn xe về Sài Gòn tham dự đám cưới hết 1 triệu tư, ăn uống đi đường cũng hết sạch.
Chú rể không cho xu nào. Phương được học một khoá ngắn ngủi một tháng về tiếng Hàn. Tháng Giêng năm 2004, Phương theo chồng về xứ người. Một năm sau, Phương sinh được một bé gái xinh xắn. Năm 2010, Phương sinh thêm một cháu trai.
Dù vất vả vừa lo cho chồng, vừa nuôi con, cô vẫn chịu khó đi học tiếng Hàn và tìm được việc làm ở một bệnh viện. Nhờ vậy, thỉnh thoảng cô để dành tiền gửi về cho cha mẹ, và gởi 32 triệu đổi ra là 1 triệu 6 để xây nhà cho cha mẹ.
Cuộc hôn nhân mua bán mà người mua bao giờ cũng phải tính cả vốn lẫn lời. Con cá được người ta đi chợ mua về phải được nấu nướng đúng với khẩu vị của họ. Cuộc đời làm nô lệ của cô bắt đầu từ đó. Người chồng dị chủng mà cô mong muốn không bao giờ nhậu nhẹt, đánh vợ, đánh con, bây giờ hiện nguyên hình là một ông chủ tàn bạo. Ông ta luôn luôn sử dụng tay chân để thay cho lời nói. Những cú đá, đấm, bóp cổ đến ngất xỉu đã xảy ra do ghen tuông vô lối. Phương nhiều lần gọi điện về báo cho gia đình biết chồng cô đòi ra tòa ly dị. Cô đã bảo lãnh cha mẹ sang chơi để bớt cô đơn và chăm sóc các con để cô có thể đi làm. Hơn một năm sống tại Hàn Quốc, ông bà Ảnh mới thấu hiểu nỗi đau khổ của con. Bà ứa nước mắt kể lại những tháng ngày chứng kiến con gái bị bạo hành. Nhưng lòng bà mẹ quê thật rộng lượng bao dung:
“Chồng, bên chồng bạc đãi quá nên con mình nó hy sinh cuộc đời 3 mẹ con nó cũng đau lòng. Bây giờ chuyện đã rồi, mình thương con mình thì mình đau lòng thôi chớ còn hỏng biết làm cái gì tàn nhẫn bên cha mẹ chồng hết. Ở bển, người ta cũng hỏi còn thấy thắc mắc nữa hôn, tôi nói giờ thắc mắc làm gì. Con cháu tôi đã chết rồi, giờ có làm cho dữ dội con tôi, cháu tôi sống thì tôi cũng làm”.
Phương không chỉ bị chồng đánh, cô còn bị em gái bên chồng túm tóc nhấn đầu vào chậu nước trước mặt cả nhà trong một lần Kim đưa vợ con về thăm cha mẹ. Ông cha chồng thì khinh khi nói rằng “thà nhìn con chó còn hơn nhìn con dâu.” Nguyên nhân gia đình chồng ghét bỏ vì Phương không gởi tiền về cho cha mẹ chồng. Bà Ảnh luôn khuyên con nên trở về Việt Nam sinh sống nhưng Phương vì thương con, sợ con khổ nên phải ở lại để lo cho con ăn học, bảo bọc lo cho hai con bằng tất cả tình thương. Đứa con gái 7 tuổi nó rất thương mẹ. Cô bé nói với tòa án rằng nó không thể sống xa mẹ. Nếu mẹ nó chết thì nó sẽ chết theo mẹ.
Ngày 21/10 vừa qua, vì lý do sức khỏe, vợ chồng bà Ảnh rời Hàn Quốc mà lòng vẫn ray rứt không yên.
Vừa qua, tòa án đã giải quyết ly hôn và quyết định Phương nuôi con gái còn Kim nuôi con trai. Vì vậy, Phương muốn làm thủ tục đưa con trai về quê ngoại chơi nhưng Kim không đưa giấy tờ.
Ngày 21/11, cô còn gọi điện thoại về nói với cha mẹ, hẹn một tháng sau sẽ về quê ăn Tết với gia đình và thăm bà con.
Ngày về đẫm nước mắt
Ở quê nhà, mọi người vẫn đợi người con gái xa quê trở về đoàn tụ gia đình. Nhưng rồi biến cố đau thương đã xảy ra. Ngày 30/11, Minh Phương trở về quê mẹ chỉ còn là những nắm tro tàn do chính ông bà Ảnh lặn lội sang Hàn quốc đem về. Cô có để lại lá thư tuyệt mệnh được cảnh sát copy trao lại cho gia đình. Lá thư đẫm nước mắt. Cô đã viết:
“Tấm thư cuối cuộc đời của 3 mẹ con chúng tôi”
“Trước tiên con xin lỗi ba mẹ con không làm tròn người con hiếu thảo. Con chết bỏ cha mẹ ở lại trần gian. Con đã suy nghĩ nhiều cách lắm mà vượt qua không khỏi cái chết. Con thú vật còn muốn để sống nói chi là con người, tại vì bên chồng của con ép tới con đường cùng cho nên con phải hy sinh cả ba mẹ con.
Sống mà không có các con bên cạnh sống để làm gì? Mang chín tháng mười ngày tại sao họ chia cách tình mẹ con của tôi. Con người chồng của tôi quá tàn nhẫn đã đánh đập tôi nhiều lần còn nói rằng tôi lấy trai...”
Bà Võ Thu Ảnh ngất xỉu nhiều lần vì đau đớn. Bà đã kể lại những thảm cảnh làm dâu, làm vợ trên xứ người của con trong niềm đau xót ngậm ngùi:
“Chồng nó và bên chồng nó hành hung quá. Nó ra toà về rồi nó kêu gia đình chồng qua rồi đuổi xua, vứt đồ của Minh Phương ra. Bà già chồng đuổi Minh Phương nói nhà nầy của chồng mầy chớ không phải của mầy. Mầy đi ra khỏi nhà. Minh Phương nói giờ đuổi sao ông gởi giấy mà ông không ly dị thì làm sao mẹ con tôi đi ra ngoài sống. Nó nói nó không có ký để nó hành động cho con Phương chết. Nó nói tao hành hung cho mầy chết rồi tao mới ký. Nó nói như vậy đó. Nó kêu ba má nó qua, nó làm quá trời, nó làm dữ dội lắm. Nó vô thấy con gái nó ngồi đang chơi máy vi tính nó lấy cái gì đập cái bốp. Phương nghe mới bước vô phòng con. Nó dòm thấy cái vi tính bị bể. Rồi ông bà già chồng qua hành hung quá nó đóng cửa lại thì mẹ nó đành chết luôn. Nó ghi mấy miếng giấy rồi bỏ đó lấy cái áo lạnh đắp lên. Tôi qua nghe công an nói lại như vậy thôi”.
Tro cốt của Minh Phương và hai con được đưa đi bằng ghe trong đêm 30/11, và an táng trong chùa Tịnh Độ ở Xã Hòa An, Huyện Phụng Hiệp. Kể từ đây, tình mẫu tử của cô không còn bị ai dùng quyền uy chia cắt. Ba mẹ con ấm lạnh có nhau. Cô được tự do đưa các con rong chơi trên những mảnh ruộng quê nghèo. Nơi cô đã sinh ra, có người mẹ già hiền lành, mộc mạc vẫn ngày ngày mong ngóng cô gái út trở về thăm. Ngày mẹ con trùng phùng lại diễn ra trong chua xót, đớn đau. Dưới lũy tre làng, “tre già ngồi khóc măng non”:
"Con nghe nói nước ngoài chồng tốt không có đánh đập vợ con, không có hành hạ. Còn con thấy đàn ông Việt Nam uống rượu rồi về đánh vợ hành hạ vợ con. Thôi để con lấy chồng nước ngoài. Sau nầy, khi nào con khổ con sẽ về Việt Nam sống ba với mẹ. Rốt cuộc rồi có về được đâu cô ơi! Con khổ cũng ôm lòng mà chịu, con không dám than thở với mẹ tiếng nào. Sợ mẹ buồn. Hồi đó, mẹ đâu có chịu, có muốn gả con có chồng nước ngoài. Mẹ sinh 6 đứa đã lo tròn được 5. Bây giờ chỉ còn có một mình con mà con bỏ mẹ bỏ ba đi sao? Nó nói mẹ ơi! Nếu con đi, con không ở được, con sẽ về với mẹ. Con đâu có bỏ ba mẹ.”
Mẹ ơi! Con sẽ về với mẹ! Nhưng ngày trở về vĩnh viễn bên mẹ là nắm tro tàn và di ảnh đang đặt trên bàn thờ nghi ngút khói hương.
Linh hồn Minh Phương và hai trẻ thơ vô tội sẽ nương theo tiếng chuông chùa, và tiếng kinh cầu để được siêu thoát khỏi bể khổ trần gian mà cô đã phải gánh chịu trong những năm tháng cô đơn, khốn khổ làm dâu ở xứ lạ, quê người.
Theo dòng thời sự:
- Những cánh hoa bạc mệnh
- Câu chuyện buồn của một cô dâu Việt Nam (phần 1)
- Câu chuyện buồn của một cô dâu Việt Nam (phần 2)
- Cô dâu Việt bị chồng Hàn quốc giết chết
- Không kiểm soát được các công ty môi giới hôn nhân?
- Công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan hiện nay
- Những suy nghĩ về hôn nhân dị chủng đã thay đổi như thế nào?
- Không kiểm soát được các công ty môi giới hôn nhân?