Du học sinh làm thêm trên đất Mỹ
2010.05.11
Kỳ này, mời quý vị theo dõi những chia sẻ của các bạn du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ về việc làm thêm với một bạn trẻ hiện đang ở Sài Gòn và đang chuẩn bị sang du học. Trước hết, là phần tự giới thiệu của các bạn.
Phượng: Mình vừa mới tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ở trường đại học Houston Baptist University. Hiện tại Phượng đang làm giáo viên phụ giảng mầm non.
Ngân: Ngân thì tốt nghiệp bằng Associate ngành Computer Science.
Hùng: Hùng đang học về tài chính tại một trường cao đẳng ở Houston. Em là sinh viên năm thứ nhất.
Mình không thể nào ngồi chờ cơ hội trong trường hoài được, mình nên làm bên ngoài, đồng thời nộp đơn trong trường. Mình phải đi tới gặp người ta thường, hơn là chỉ có nộp đơn không thì sẽ không bao giờ được hết.
Bạn Phượng
Dũng: Xin chào. Dũng hiện đang ở Việt Nam, sắp tới mình qua Texas, mình học lấy bằng MBA.
Năng động là một lợi thế
Khánh An: Khánh An chào đón các bạn Phượng, Ngân, Hùng và Dũng tham gia vào Cafe Wifi lần này. Đối với các bạn, tìm việc làm thêm trên nước Mỹ có khó không?
Phượng: Đối với mình, khi mới qua thì rất khó vì thứ nhất là tiếng Anh mình chưa có rành lắm, phải qua một năm rưỡi học tiếng Anh xong, vô College rồi thì mới kiếm việc làm được.
Khánh An: Hùng thì sao? Bạn có kinh nghiệm gì? Năm thứ nhất chắc là mới lắm.
Hùng: Nếu em nhớ không nhầm thì em tới Houston được 2 ngày là em bắt đầu đi làm thêm ở ngoài rồi.
Ngân: Ngân thì sở dĩ nghĩ tới việc đi kiếm việc làm là vì mình sẽ có một thu nhập nhất định, có thể chủ động hơn. Hơn nữa, công việc giúp cho mình giao tiếp với xã hội bên ngoài, mình hiểu thêm cuộc sống ở bên này.
Khánh An: Đối với Dũng thì sao? Bây giờ bạn sắp sửa lên đường rồi, điều gì khiến cho bạn lo lắng nhất, quan tâm nhất?
Dũng: À, theo mình thì mình hơi lo lắng về việc hội nhập văn hóa và thời tiết bên Mỹ. Mình có tìm hiểu sơ, qua một số người bạn, thì nó hoàn toàn khác với bên Việt Nam. Thứ hai nữa, giống như các bạn đã từng qua, mình đắn đo là không biết vào thời điểm khó khăn của kinh tế Mỹ thì mình có dễ kiếm việc hay không.
Khánh An: Theo như các bạn thấy, tìm việc ở trong trường và tìm việc ở bên ngoài, cái nào thuận lợi hơn? Trong này có Phượng là người làm việc trong trường, bạn thấy điểm nào là thuận lợi và không thuận lợi nếu so sánh giữa làm việc trong trường và làm việc bên ngoài?
Phượng: Theo em nghĩ, làm việc trong trường giúp cho mình có cơ hội giao tiếp tiếng Anh với người Mỹ là cái thứ nhất. Thứ hai là khi mình làm trong trường, mình không cần phải tốn thời gian chạy đi xa. Đi học rồi mình có thể chạy vô làm luôn, rồi mình có thể vô lớp khác tiếp cũng được, thời gian thuận tiện hơn.
Ngoài ra, mặt khó khăn của nó là nhiều bạn nói rằng làm sao có thể kiếm được job trong trường, thì ăn thua một phần là hên xui, nhiều khi mình có thể gặp được người nào đó trong chỗ mình xin việc làm, hoặc mình có đủ điều kiện nào đó để người ta mướn mình.
Giống như khi em làm trong thư viện thì cũng là do hên, tình cờ lúc đó em gặp được bà sếp, rồi nói chuyện và đưa giấy tờ để mà xin việc làm, lúc đó là hên, nhiều khi bả thấy bả thích mình thì bả nhận mình thôi. Còn đi làm bên ngoài thì người Việt Nam thường trả tiền cho mình rất là thấp.
Khánh An: Còn những bạn khác, ý kiến của các bạn như thế nào? Hùng?
Hùng: Theo em, em nghĩ số du sinh may mắn để được làm trong trường thì thực là không nhiều, một phần trong số đó là những người họ thực sự rất giỏi, còn tỷ lệ gọi là may mắn, cơ hội tự nhiên đến với mình một cách trùng hợp như vậy thì em nghĩ là không có nhiều, mà khi qua một môi trường mới, chịu những áp lực về tài chính thì để mà bỏ thời gian chờ đợi một cơ hội như vậy là không có.
Còn về việc làm ở ngoài, nói về thu nhập, em nghĩ là không làm cho trường thì thu nhập cao hơn là làm việc trong trường, bởi vì trường giới hạn cho mình làm một tuần chỉ có 20 giờ thôi, mà giờ làm việc của trường thì không theo lịch của mình xếp được, nó chia giờ rất nhỏ, cho nên nếu làm việc cho trường thì rất khó khăn để kiếm thêm một việc làm ở ngoài, như vậy là về mặt tài chính không đáp ứng đủ.
Khánh An: Nhưng Hùng có nghĩ rằng mình đi làm bên ngoài, không làm việc trong trường, thì mình mất những cơ hội giống như Phượng nói, có nhiều cơ hội để giao tiếp tiếng Anh.
Hùng:
Mặc dù em không đang làm việc trong trường nhưng em đã nộp đơn xin việc trong
trường 3 lần rồi. Em gần như đã hoàn tất tất cả những thủ tục nhưng không được.
Bởi vì em cũng nhận thấy những lợi ích mà việc làm trong trường mang lại, nhất
là phát triển về khả năng tiếng Anh, rồi khả năng làm việc nhóm mà trong một
môi trường toàn là người nước ngoài.
Một du học sinh trong thời gian đang theo học, nếu bị sở di trú phát hiện đi làm việc ở bên ngoài bất hợp pháp, thì bị cảnh cáo lần một. Nếu vẫn tiếp tục bị phát hiện đi làm ở ngoài thì sẽ bị lệnh trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ.
Bạn Hùng
Với lại, khi mình tiếp cận với nhân viên của trường, sẽ cho mình cơ hội tiếp cận với thông tin, mà thông tin là điều rất là quan trọng để phát hiện những cái rất có lợi, ví dụ như học bổng hay là những chương trình này nọ, có thể giúp mình lấy được report hay credit gì đó.
Khánh An: Ngân thì sao?
Ngân: Ngân khá đồng ý với ý kiến của bạn Hùng, nghĩa là Ngân vẫn nghĩ nếu là một sinh viên thì mình nên làm việc trong môi trường nhà trường thì mình có lợi rất là nhiều thứ, nhưng bên cạnh đó, Ngân nghĩ trong lúc apply vô xin việc trong trường, mình cũng không ngồi yên được, mình nên tìm kiếm những cơ hội khác nữa.
Khánh An: Không biết các bạn như Phượng có làm việc trong trường thì có những kinh nghiệm gì mà Phượng nghĩ rằng nó sẽ giúp các bạn dễ dàng để tìm việc ở trong trường?
Phượng: Theo em nghĩ, khi xin việc trong trường, thứ nhất mình phải có được sự may mắn, thứ hai phải tự lực cánh sinh. Theo em biết, khi mình nộp đơn nhằm khi không đúng lúc, người ta không cần vào lúc đó, thì mình phải vô ngay trong "department" ở đó mình hỏi người "main department", với lại mình phải nói chuyện với người ta, trình bày như thế nào, mình phải “active” để có thể nắm được cơ hội.
Giống như mình muốn làm “tutor” trong “Math Department” thì mình phải tới gặp sếp ở đó nhiều lần, rồi phải thi một cái test để có thể làm công việc đó, với lại mình phải không được nản chí. Em đồng ý với ý kiến của bạn Ngân, nói rất đúng. Mình không thể nào ngồi chờ cơ hội trong trường hoài được, nếu mình đang trong trường hợp rất là cần tiền để trang trải thì mình nên làm bên ngoài, đồng thời mình có thể nộp đơn trong trường. Mình phải đi tới gặp người ta thường, hơn là chỉ có nộp đơn không thì sẽ không bao giờ được hết.
Du học sinh nên biết
Khánh An: Còn Dũng có câu hỏi gì muốn đặt ra cho các bạn ở bên này không?
Dũng: Dũng có cái thắc mắc là ra ngoài làm việc là bất hợp pháp. Như vậy, nó ảnh hưởng như thế nào đối với du học sinh?
Khánh An: Các bạn có thể giúp cho Dũng trả lời câu hỏi này không?
Phượng: Mình có một kinh nghiệm chia sẻ là có một lần mình đi nộp đơn ở hãng Việt Nam thôi, đi nộp đơn để bán bánh thôi, thế là ông chủ mời vô, mình không nói là mình du học, nhưng lúc mình làm xong bữa đó, mình nói là "Con là du học, làm ơn chú trả tiền mặt cho con nhé. Con không nhận check được".
Qua ngày sau ổng mới nói là "Thôi, chỗ chú không mướn con được vì con du học không được đi làm". Đó là một câu chuyện để chia sẻ là nhiều khi mình làm bên ngoài, có nhiều cơ hội thời gian để mình tự túc nhiều hơn, nhưng mà ăn thua người mướn mình người ta có thể trả cho Dũng tiền mặt thì đỡ hơn.
Khánh An: Nhưng như vậy có nghĩa là Phượng mất luôn tiền công của ngày hôm đó hay sao?
Phượng: Ổng không trả cái ngày mình sắp tới, nhưng ổng trả ngày mình thử việc đầu tiên.
Khánh An: Có nghĩa là họ vẫn trả cho ngày đầu tiên?
Phượng: Họ vẫn trả ngày đầu tiên thì em gặp ông đó rất là may mắn. Có lần, em không được may mắn như vậy khi làm ở chỗ giặt ủi. Ngày đầu tiên tới khoảng 2 tiếng, hai vợ chồng Việt Nam nói "Ờ, tốt, tốt lắm". Qua ngày sau, khi tới rồi bả lại nói "Ờ, chỗ này sắp sửa bán cửa tiệm rồi, không mướn nữa", thì ăn thua là mình hên xui thôi.
Dĩ nhiên khi qua thì mình cũng chuẩn bị cái tâm lý là qua bên đó sẽ có nhiều khó khăn, nhưng khi nghe thì biết thêm một cách rõ ràng hơn để mình có thể hội nhập sớm với xã hội bên Hoa Kỳ.
Bạn Dũng
Khánh An: Như vậy là bạn mất hai ngày làm việc luôn?
Phượng: Đúng rồi.
Khánh An: Còn Ngân với Hùng, các bạn thấy có gì bất lợi khi mà làm việc bên ngoài?
Ngân: Ngân nghĩ là đối với du học sinh, mình chỉ có thể kiếm việc ở chỗ người Việt, người Tàu hoặc người Mễ. Còn đối với người Mỹ ở đây thì rất là khó vì đa phần họ ít trả tiền mặt lắm.
Phượng: Nhiều khi người ta chèn ép trả tiền cho mình rẻ hơn người bản xứ; thứ hai nhiều người Việt Nam nghĩ "Du học là dân nhà giàu đâu cần thiết phải đi làm làm chi" và người ta không mướn mình.
Khánh An: Còn Hùng thì sao?
Hùng: Em xin phép được trả lời câu hỏi của anh Dũng ở Việt Nam, đã gọi là đi làm bất hợp pháp thì bất kỳ thứ gì bất hợp pháp đều bị ảnh hưởng bởi pháp luật hết. Nếu em nhớ không nhầm thì một du học sinh trong thời gian đang theo học, nếu bị sở di trú phát hiện đi làm việc ở bên ngoài bất hợp pháp, thì bị cảnh cáo lần một.
Nếu sau lần cảnh cáo đầu tiên đó mà nếu vẫn tiếp tục bị phát hiện đi làm ở ngoài thì sẽ bị lệnh trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ, trong vòng 2 năm không được phép trở lại Hoa Kỳ để du học nữa. Nhưng mà thực sự, sở di trú bây giờ quá bận rộn nên nếu du học sinh đi làm bên ngoài thì chỉ nhận được sự bất lợi từ phía người thuê mình thôi, chứ ít khi bị bất lợi từ phía chính quyền.
Khánh An: Những cái bất lợi đó có thể kể ra là những bất lợi gì?
Hùng: Họ trả đồng lương thấp hơn.
Khánh An: Mức thấp mà bạn muốn nói đó là thấp hơn mức minimum mà chính phủ Hoa Kỳ quy định không?
Hùng: Thấp hơn mức minimum wage mà chính phủ Hoa Kỳ quy định, bởi vì những chỗ mà du học sinh có thể xin làm được toàn là chỗ của người Việt hoặc là người Tàu, họ không bao giờ khai thuế một cách chính xác trong hoạt động kinh doanh của họ hết, nên đa phần tất cả những người làm việc cho những cửa hàng đó đều làm việc dưới cái minimum wage của chính phủ đặt ra.
Tự tin để hội nhập
Khánh An: Các bạn có lời khuyên gì muốn nói với các bạn sinh viên sắp sửa đi du học?
Phượng: Theo em nghĩ, khi mà em mới qua đây, em không có tự tin để hòa nhập lắm, nhưng khi mình qua đây, mình thấy có nhiều bạn du học rất là giỏi, mình nên chơi với các bạn đó để mình có được sự khuyến khích là mình sẽ học được.
Mình nghĩ là người ta làm được thì mình cũng sẽ làm được. Vấn đề tự tin rất là quan trọng. Thứ hai nữa là phải hòa nhập, cởi mở, không nên trói buộc mình chơi với Việt Nam không hoặc chính tư tưởng mình khép kín lại thì mình không có khả năng học hỏi nhiều ở nhiều người khác.
Khánh An: Cảm ơn Phượng. Hùng thì sao? Bạn có lời khuyên gì cho các bạn du học sinh?
Hùng: Em nghĩ là đi du học ở Mỹ là một cơ hội tốt. Thực sự, bất kỳ một khó khăn nào dành cho mình, nếu thực sự mình quyết tâm thì đều có thể giải quyết được. Nếu có cơ hội thì em vẫn khuyến khích mọi người đi du học ở Mỹ.
Khánh
An:
Còn Ngân?
Fact box
Phúc trình thường niên Open Doors 2009 từ IIE cho thấy:
Gần 13.000 học sinh Việt Nam sang Mỹ du học trong năm 2009
Ngân: Thường du học sinh qua đây thì mới đầu rất là buồn, nhưng mà mình sống quen môi trường của người ta nó như vậy rồi, thì mình lại thấy những cái năng động khác, chứ nó không có kiểu sôi động như là ở Sài Gòn. Mình phải biết là mục tiêu của mình cần là gì để hòa nhập dần.
Rồi cái nữa là về việc làm, nếu các bạn xin việc làm bên ngoài thì Ngân nghĩ ở đây những nơi của người Việt, người Tàu thì họ luôn luôn có hai nhu cầu, họ luôn cần người làm việc full time là người ở đây, thứ hai là nhu cầu du học sinh là những người năng động, nhanh nhẹn, cho nên làm công việc sẽ Ok hơn, nhưng mà những người này thì thường không bền vững, cho nên nhu cầu cần du học sinh thì vẫn có.
Khánh An: Rồi. Còn Dũng bây giờ thì bạn có cảm thấy có yên tâm hơn hay là bạn thấy lo lắng hơn sau khi bạn nghe các chia sẻ của các bạn ở bên này?
Dũng: Mình cũng cảm thấy yên tâm hơn phần nào. Dĩ nhiên khi qua thì mình cũng chuẩn bị cái tâm lý là qua bên đó sẽ có nhiều khó khăn, nhưng khi nghe thì biết thêm một cách rõ ràng hơn để mình có thể hội nhập sớm với xã hội bên Hoa Kỳ. Thì cũng cảm ơn chị Khánh An với các bạn Hùng, Ngân và Phượng chia sẻ để mình biết thêm, để trước khi qua mình có thêm một số kinh nghiệm.
Khánh An: Rồi, cảm ơn Dũng, cảm ơn Hùng, Phượng và Ngân rất là nhiều, và chúc các bạn nhiều nghị lực và ý chí để có thể hoàn thành được mục tiêu mà các bạn đã đặt ra cho tương lai cuộc đời của mình. Cảm ơn các bạn rất là nhiều. Xin chào mọi người.
Theo dòng thời sự:
- Khi ra biển lớn (phần 1): Nỗi ám ảnh chính trị
- Khi ra biển lớn (phần 2): Lối sống và thói quen
- Khi ra biển lớn (phần 3): Cuộc chơi không dành cho người yếu tim
- Vấn đề dạy và học tiếng Anh hiện nay
- Tại sao nước ngoài chưa muốn đầu tư vào hệ thống giáo dục
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Gần 13.000 học sinh Việt Nam sang Mỹ du học trong năm 2009