Từ Thái Hà tới Con Cuông (phần 1)

Nhân vụ việc vừa rồi một số giáo dân ở giáo điểm Con Cuông đã bị quấy nhiễu bởi một số người tạm gọi là “côn đồ”.
Khánh An, phóng viên RFA
2012.08.07
nuvuongcongly-305.jpg Tòa Giám mục Xã Đoài hiệp thông với giáo điểm Con Cuông tại giáo hạt Cầu Rầm sáng 15/7/2012.
Photo courtesy of nuvuongcongly

Những sự việc này có liên quan đến rất nhiều những vụ việc trước đây cũng đã xảy ra đối với giáo dân ở một số giáo xứ khác như giáo xứ Thái Hà Đồng Chiêm, Tam Tòa v.v…

Hôm nay, Khánh An mời một số giáo dân ở giáo xứ Thái Hà cũng như một số người thuộc giáo điểm Con Cuông hiện đang bị quấy nhiễu để có thể chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm đối phó với những điều mà quý vị giáo dân ở giáo điểm Con Cuông đang gặp phải.

Bây giờ để bắt đầu chương trình, Khánh An mời từng người giới thiệu về bản thân mình.

Bà Nguyễn Thị Việt: Vâng. Tôi là Nguyễn Thị Việt thuộc về giáo xứ Thái Hà.

Bà Nguyễn Thị Nhi: Vâng. Tôi là Nguyễn Thị Nhi, hộ khẩu thì ở Kontum nhưng mà đến Thái Hà vì sự bất đồng với những người cầm quyền Việt Nam nói sai sự thật trên báo chí và truyền hình làm tôi bức xúc, đâm ra tôi tìm đường ra đây để xem ra làm sao khi mà tình hình nhà báo nói láo, truyền hình nói xấu nên tôi cũng tổ chức đánh tiếng kêu oan cho giáo xứ Thái Hà và tôi đã bị bắt.

Cô Lại Thị Hiền: Dạ. Em là Lại Thị Hiền, sinh năm 1974, gốc ở Diễn Châu, Nghệ An, nhưng lên làm ăn tại Con Cuông.

Nữ tu Đinh Thị Bắc: Em là nữ tu Đinh Thị Bắc, dòng Mến Thánh Giá, giáo phận Vinh.

Bị phân biệt đối xử

Khánh An: Vâng. Khánh An một lần nữa chào đón tất cả mọi người đến với chương trình ngày hôm nay. Như quý vị cũng đã biết sự việc ngày 1 tháng 7- chính quyền địa phương đưa công an cũng như quân đội đến đàn áp giáo dân ở giáo điểm Con Cuông. Khánh An xin mời một giáo dân của giáo điểm Con Cuông là chị Hiền, là người chứng kiến những sự việc đang xảy ra, chị có thể chia sẻ cho mọi người biết là hiện nay, sau ngày 1 tháng 7 với những vụ đàn áp, gia đình chị gặp phải những việc gì và bản thân chị đã phải đối phó với những việc gì ?

Cô Lại Thị Hiền: Dạ. Em đang làm ăn ở thị trấn Con Cuông, ở chợ Con Cuông, bán hàng rong ở vỉa hè để nuôi con, thì vừa rồi ngày 23 tháng 7 lúc 8 giờ 30 phút, tự nhiên em đang ngồi bán hàng thì thấy một người đến hỏi em là “Có dao bấm không bán cho em một con?”, em mới trả lời là “Dao bấm ở trên tivi người ta thông báo ai mà bán là họ bắt phải đi tù cho nên bỏ hai năm nay không bán, chú ạ”.

Xong thì chú ấy nói “Không bán dao bấm thì cho em kiểm soát xem.”  Em nói “Chú kiểm soát đi. Nếu mà có thì chú cứ phạt đi. Em cam đoan với chú một trăm phần trăm là không có thứ ấy đâu.”

Xong chú lại gọi hai người công an nữa đến và chú bảo “Thôi, chị bê toàn bộ hàng đến công an thị trấn để bọn em làm việc.”

Em mới hỏi lại họ “Thế sao mà lại bắt tôi mà lại không bắt mấy người khác?” Họ mới bảo là “Thôi thì cứ làm việc từng người, bắt chị trước còn họ sau”.

Ở giữa đường em cứ giằng co mãi song họ cứ đẩy xe xuống ủy ban thị trấn. Lúc đó em có đèo theo một đứa con nhỏ 27 tháng nữa. Sau đó họ lại đưa thêm một bà nữa người tỉnh Nam Định và họ là người lương dân. Họ lập biên bản họ bắt em ký vào đó là tạm giữ, họ lại xe em lục lọi hết. Còn bà đó họ thì tang vật của bà họ cho bà tự tay đếm và họ lập biên bản họ không giữ hàng của bà đó.

Em có trình bày với họ hoàn cảnh, giờ mấy chú lập biên bản phạt từ 7 tới 15 triệu số hàng thì nó cao quá, em viết đơn xin trong đó ghi tài sản của em có 3 triệu đồng cả nhà và có chứng nhận là đúng sự thật là tài sản có 3 triệu mà bị phạt nhiều quá.

Em đôi co với họ và em hỏi: “Dân họ nói làm tôi bức xúc, họ bảo bà từ nay đừng có bán hàng nữa nhé. Bà là Công giáo cho nên là chính quyền họ bắt. Còn như tôi là lương dân thì họ cho bán cả làng ấy”. Trong chợ có 6 người bán hàng giống như em đấy, “mà tôi chẳng bị bắt vì tôi là người lương dân, bà là người Công giáo”.

Em mới hỏi họ: “Luật bắt hàng thì tôi không được hiểu rõ, hai người đều bị bắt như nhau mà sao hàng của tôi thì chú kiểm tra? Hàng của tôi chú đếm mà hàng của người khác cũng như tôi mà sao chú không lục hàng, chú không đếm mà cho họ tự đếm, tự kiểm tra hàng?”, thì bao giờ họ cũng nói không có với lại họ nói ít hơn để tiền phạt của họ nhẹ hơn.

Em lại nói: “Mà với tôi chú lại hỏi giấy chứng minh thư, hỏi giấy tờ tùy thân, mà bà kia thì chú lại không hỏi? Họ là người lương dân mà tôi là người Công giáo. Tôi không muốn nói đến giáo – lương nhưng mà chú các chú làm tắc trách nên tôi phải nhấn mạnh chuyện này.

Bị côn đồ quấy rối

Bộ đội, công an bao vây giáo điểm Con Cuông tháng 7/2012. Photo courtesy of congdoanvinh
Bộ đội, công an bao vây giáo điểm Con Cuông tháng 7/2012. Photo courtesy of congdoanvinh
Bộ đội, công an bao vây giáo điểm Con Cuông tháng 7/2012. Photo courtesy of congdoanvinh
Khánh An: Dạ vâng. Cảm ơn chị Hiền. Bây giờ Khánh An muốn hỏi thêm sơ Bắc. Ngoài những điều chị Hiền chia sẻ thì sơ Bắc hiện nay cũng đang giúp cho giáo dân ở giáo điểm Con Cuông, sơ có thấy có những trường hợp giáo dân nào khác đã từng bị quấy rối hay bị sách nhiễu không?

Nữ tu Đinh Thị Bắc: Qua những lời của họ nói thì qua ngày mùng 1, có nhà anh Dũng bị họ bia (liệng, ném)  phân vào trong nhà. Họ bia phân trâu phân bò vào trong nhà đấy. Rồi nhà bà Hoan bị ném đá . Anh Hồng, Trần Văn Hồng, cũng bị người ta ném đá. Bị ném vào ban đêm nên mình cũng không biết được ai là ai. Rồi ở nhà nguyện này cũng bị ném một đêm. Còn nhà ông Trần Văn Hồng thì khi chưa xảy ra vụ này thì người ta cũng thường mua hàng mua quán nhưng bây giờ thì họ lại biểu (bảo) là không nên mua hàng của người bên đạo.

Từ đó về sau những nhà Công giáo trong này có hai quán của hai người Công giáo thì không bán được, tại vì họ nói là mua của người Công giáo thì không được mua. Còn có kẻ bảo là không được sang nhà Công giáo để uống nước, nó bỏ thuốc mê thuốc độc rồi bị mê mà đi đạo luôn đó. Họ nói vậy để chống lại đạo.

Cô Lại Thị Hiền: Như em ở đây có bà bồng con cho em. Bà 69 tuổi, bà bồng con cho em trong 7 tháng thì họ đến họ không cho bà bồng con cho em mà bà cương quyết bà bồng. Nhưng mà ngày hôm nay bà không lên. Họ nói là không được bồng con cho người Công giáo. Bà mà bồng thì sau này có việc gì thì dân làng không đến. Thế là ngày hôm nay bà không đến bồng con cho em. Họ phân biệt Công giáo cực nặng luôn. Bà ấy mọi bữa vững tâm lắm, nhưng mà hai hôm nay em bị bắt hàng thì họ đến họ nói bà mà tiếp tay cho Công giáo thì khi nào bà nằm xuống thì nhà tôi chẳng đến đâu thì bà cũng run run đấy. Không biết mai bà có lên em không thì em cũng không biết.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn chị Hiền đã chia sẻ. Vừa rồi quý vị cũng đã thấy có những hành động côn đồ đã xảy ra đối với một số giáo dân ở giáo điểm Con Cuông. Ngoài ra cũng đã có một số dấu hiệu cho thấy có một điều cố ý chia rẽ giữa người lương và giáo dân. Như thế quý vị cũng thấy nó giông giống những điều mà giáo dân giáo xứ Thái Hà trước đây đã từng gặp phải. Bây giờ Khánh An xin mời một trong hai người giáo dân của giáo xứ Thái Hà có thể chia sẻ một vài điểm mà trước đây giáo dân của giáo xứ Thái Hà đã gặp. Khánh An xin mời bác Việt.

Bà Nguyễn Thị Việt: Tôi chỉ muốn nói như thế này. Thực ra mỗi một địa phương có một cách thức khác nhau. Ví dụ như chúng tôi ở đây thì ở tản mác mỗi người mỗi nơi, nó không tập trung như ở làng trong Con Cuông, nhưng mà còn thì đối với chúng tôi lúc mà xảy ra sự việc thì người ta cũng không có đến nhà.

Thí dụ như nhà tôi, không biết nhà các bác thì như thế nào nhưng nhà tôi thì không thấy có đến nhà, chỉ trừ những lúc công an người ta đưa giấy triệu tập cho tôi. Lúc đó, chúng tôi tất cả đang ở trên đất ở nhà thờ chứ chúng tôi không có ở nhà nên người ta không có vào nhà. Tất cả mọi sự đều (diễn ra) ở đất hết. Trong khi giáo dân tụ họp thì từng đoàn công an kéo đến kiểm tra, người ta đi lại rồi người ta xét hỏi từng người. Đến khi giáo dân tập trung đông đủ thì người ta đến xịt hơi cay vào giáo dân khiến cho có người chết giấc, có người được khiêng vào nhà thờ cho đến sáng mới tỉnh dậy được. Chúng tôi thì bị người ta triệu tập lên đồn công an để tra hỏi trong vòng thời gian đó cũng lên độ hơn chục lần, gần hai chục lần. Rồi chúng tôi bị đưa ra tòa, rồi bị cấm không cho ra khỏi nơi cư trú. Đấy, trường hợp của chúng tôi là bị như thế chứ không bị sách nhiễu như cái kiểu ở trong Con Cuông như các bác vừa nói.

Giáo xứ Thái Hà bị côn đồ tấn công hôm 03/11/2011. Photo courtesy of worldpress
Giáo xứ Thái Hà bị côn đồ tấn công hôm 03/11/2011. Photo courtesy of worldpress
Giáo xứ Thái Hà bị côn đồ tấn công hôm 03/11/2011. Photo courtesy of worldpress
Khánh An: Dạ. Thế bác Việt có thấy ở Thái Hà trước đây có những điều người ta làm để chia rẽ người lương với người giáo không?

Bà Nguyễn Thị Việt: Chia rẽ thì nó không có nói rõ như là chị gì ấy vừa mới nói nhưng mà đại khái là cũng cho nhân dân quanh vùng đấy ra rủa xả, chửi bọn tôi, rồi thì là thí dụ như trong khu đất bọn tôi ngày xưa có xây, cái nhà thờ cũ chỗ tôi ở trên mảnh đất mà người ta chiếm dụng đấy, có tòa Đức Mẹ ở đấy thì chúng tôi vào thắp hương ở đấy thì là nó cho công nhân với nhân dân đổ rác vào đây. Nó cũng chỉ gây cái bức xúc cho mình. Nó dùng nhân dân mà nó gọi là “quần chúng tự phát” xông vào đánh đấm bọn tôi tối hôm hình như ngày 29 hay 28 tháng 8, nó lùa bọn tôi, nó đánh, rồi thì đánh cả các cha, rồi đấm vào mặt các cha nhà chúng tôi. Rồi thì chúng tôi có bao nhiêu đồ đạc ở trong thì nó ăn cắp hết.

Thực ra mà nói thì nếu làm dữ tợn như ở trong Con Cuông thì nó không có làm với múc độ ghê gớm như thế, nhưng mà đại khái nó cũng cho dân đến để rủa xả chửi bới, rồi thì vứt rác, rồi giả vờ như ở chỗ nhà tôi cũng có giáo dân phản trắc cho nên nó cũng dựa vào đấy cho đóng giả bộ đội huênh hoang vào nói láo nói lếu trong khu đất. Nói chung là nó cũng tìm đủ mọi cách, bằng cách này hay cách khác thôi. Nó có những cái mà gây cho mình nhiều bức xúc, bực bội…

Khánh An: Quý vị vừa nghe bác Việt, một giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà, kể lại những sự việc mà các giáo dân của giáo xứ này đã trải qua trong các đợt chính quyền sử dụng vũ lực để chiếm dụng đất đai thuộc sở hữu của giáo xứ trong những năm vừa qua. Ngoài những chiêu thức quen thuộc dùng để sách nhiễu, quấy rối giáo dân thì chính quyền các địa phương còn sử dụng truyền thông như là một công cụ để bêu xấu, xuyên tạc sự thật nhằm chia rẽ lương giáo. Mời quý vị tiếp tục đón nghe những chia sẻ của các giáo dân Thái Hà và Con Cuông, cũng như cách thức các giáo dân này để đối phó với những sách nhiễu ra sao trong kỳ Café Wifi lần sau.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.