Nhưng trước khi bắt đầu đề tài này, Khánh An muốn mời các bạn cùng giới thiệu một chút cho những người khác cũng biết về bản thân mình thì tụi mình sẽ dễ dàng nói chuyện với nhau hơn.
Bây giờ chắc là Khánh An mời bắt đầu từ bạn Thái Hà ở xa nhất, từ Hà Nội trước đi nha.
Hà: OK ạ. Chào chị Khánh An, chào các bạn đang cùng tham gia đường dây với mình. Mình tên là Hà, hiện giờ mình đang ở Hà Nội và theo học Học Viện Tài Chính.
Đông: Dạ, em tên Trung Đông. Em sinh năm 1994, đang theo học tại Trường Nguyễn Du ở Quận 10, Tp.HCM.
Hải Di: Tôi tên là Nguyễn Đắc Hải Di và hiện đang sống ở Na Uy. Tôi sinh năm 1993 và hiện tại thì đang học chương trình IB Quốc Tế năm thứ nhất tại một trường trung học ở Na Uy.
Hoàng: Chào chị Khánh An, chào các bạn, mình là Hoàng, mình đang du học ở Pháp.
Quan niệm về thần tượng
Khánh An: Vâng. Khánh An rất vui được tiếp đón các bạn ngày hôm nay. Bây giờ, mình trở lại với đề tài hôm nay của tụi mình là đề tài về thần tượng của thanh niên Việt Nam hiện nay. Nhân sự kiện vừa rồi, chắc là ở đây tất cả các bạn đều theo dõi, chuyện của GS. Ngô Bảo Châu, người vừa mới được cái giải rất cao quý về Toán Học là Giải Fields, các bạn cũng thấy là ảnh hưởng của sự kiện này đối với giới trẻ rất nhiều. Đặc biệt, mình được nghe kể rằng có một số trường trung học ở Việt Nam căng những băng-rôn lên nói rằng "phải học tập theo gương của GS. Ngô Bảo Châu".
Theo em thì ai cũng biết là Bảo Châu có đóng góp rất lớn, làm rạng danh Việt Nam nhưng em thì không thần tượng Ngô Bảo Châu vì em không chuyên sâu vào lãnh vực toán học. Em hâm mộ thôi chứ không thần tượng
Bạn Trung Đông
Vậy theo các bạn, các bạn có nghĩ rằng các bạn cũng thần tượng GS. Ngô Bảo Châu hay không? Mỗi người trong các bạn có thể chia sẻ cho mọi người biết là mình có một thần tượng không và như thế nào là thần tượng của bạn?
Hà: "Thật ra thì dưới góc độ của bản thân mình, mình nghĩ là mỗi cá nhân thần tượng một người nào đấy, hâm mộ đặc biệt với một người mà mình có tình cảm đặc biệt một chút là rất bình thường đối với các bạn trẻ hiện nay, nhưng mà người mình thần tượng là ai và tình cảm mến mộ của mình nó như thế nào thì mới là điều quan trọng. Nếu đấy là một tấm gương tích cực và nó có tác động tốt đối với bản thân bạn đó thì đấy là một điều rất là đáng để phát huy.
Bản thân mình thực ra đến giờ phút này mình cũng không có thần tượng nào gọi là quá sâu đậm mà chỉ dừng ở mức là cảm thấy mến mộ đặc biệt với một số người rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày của mình. Đặc biệt là những người thân hoặc bạn bè và (mình) muốn là trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, mình đạt được những mục tiêu giống như họ."
Khánh An: Như vậy, đối với gương của GS. Ngô Bảo Châu, bạn có mến mộ hay là bạn thần tượng GS. Ngô Bảo Châu hay không?
Hà: "Mình nghĩ là bất kỳ bạn trẻ nào đang sống một cách tích cực đều hâm mộ một tấm gương như vậy, nhưng nó còn phụ thuộc vào cái hướng tích cực cơ bản của nó. Có thể là bạn đấy không thuộc lãnh vực của giáo sư nhưng trước sự cố gắng của giáo sư như vậy thì bạn ấy sẽ cảm thấy có một ảnh hưởng tích cực đến bản thân bạn đó."
Khánh An: Vâng. Cảm ơn Thái Hà. Còn các bạn trẻ khác thì các bạn nghĩ như thế nào đối với chuyện GS. Ngô Bảo Châu? Cũng như bạn có thể cho các bạn khác biết là bạn có thần tượng hay không?

Đông: "Dạ, theo em thì GS. Ngô Bảo Châu có một đóng góp rất là lớn cho nền Toán Học Việt Nam. Mỗi người có một thần tượng riêng, ví dụ như những người theo lãnh vực toán học thì thấy Ngô Bảo Châu có đóng góp rất là to lớn. Theo em thì ai cũng biết là Bảo Châu có đóng góp rất lớn, làm rạng danh Việt Nam nhưng em thì không thần tượng Ngô Bảo Châu vì em không chuyên sâu vào lãnh vực toán học. Em hâm mộ thôi chứ không thần tượng."
Khánh An: Như vậy thì bạn có thần tượng ai không?
Đông: "Dạ, về thần tượng thì có một số ca sĩ như là Miley Cyrus, là một hiện tượng tuổi teen hàng đầu rất là lớn rồi, và Avril Lavigne cũng là một ca sĩ gốc Canada nhưng mà rất là nổi tiếng ở Mỹ. Đó là hai thần tượng lớn nhất của em. Còn ở Việt Nam, em thấy Mỹ Tâm cũng có tên tuổi ở nước ngoài, người ta cũng có thể biết tới. Còn ca sĩ trong giới teen thì ví dụ như Đông Nhi, đó là một số thần tượng của em."
Khi tôi biết chuyện GS. Ngô Bảo Châu được Giải Fields thì điều đầu tiên tôi nghĩ tới là bên cạnh cái tên GS. Ngô Bảo Châu không phải là chữ "Việt Nam" mà chữ "Pháp", tức là Ngô Bảo Châu đại diện cho Pháp chứ không phải đại diện cho Việt Nam.
Bạn Hải Di
Khánh An: Cảm ơn Đông. Bây giờ thì mình mời Hải Di. Hải Di nghĩ như thế nào về chuyện GS. Ngô Bảo Châu được nhiều người hâm mộ, nhiều người chọn làm thần tượng và bạn có thần tượng hay không?
Hải Di: "Theo quan điểm cá nhân tôi, khi tôi biết chuyện GS. Ngô Bảo Châu được Giải Fields thì điều đầu tiên tôi nghĩ tới là bên cạnh cái tên GS. Ngô Bảo Châu không phải là chữ "Việt Nam" mà chữ "Pháp", tức là Ngô Bảo Châu đại diện cho Pháp chứ không phải đại diện cho Việt Nam. Tất nhiên, tôi công nhận GS Ngô Bảo Châu là người rất đáng ngưỡng mộ, tôi công nhận điều đó, nhưng tôi cảm thấy là khi báo chí nói quá nhiều về sự kiện Ngô Bảo Châu là giỏi hoặc là họ tổ chức này nọ thì tự nhiên tôi có cảm giác là mọi người làm như là hơi quá lên.
Bên cạnh đó có một cái gì làm tôi cảm thấy khá xấu hổ, tại vì ở nước khác có một người nào đó được một giải quan trọng trên thế giới thì người ta không làm tới mức quá quan trọng như vậy. Một khía cạnh nữa là khi GS. Ngô Bảo Châu được Giải Fields thì không phải là ai cũng biết được là nó có ích lợi gì cụ thể và nó có giúp ích gì cho nền toán học Việt Nam hay không. Tự hào là đúng thôi nhưng mà thực tế thì nền giáo dục của Việt Nam đang ở đâu? Không thể chỉ vì tự hào trên một cá nhân hay là có thêm vài cá nhân nào nữa trong tương lai mà quên đi cái thực tế là nền giáo dục của mình không được chất lượng cho lắm.
Còn về chuyện thần tượng thì ngay bây giờ thực sự tôi không có thần tượng ai một cách cụ thể nhưng tôi cũng ngưỡng mộ khá nhiều người, thí dụ như về mục đích sống thì có những người muốn một cuộc sống yên bình, cuộc sống hạnh phúc với gia đình, có người muốn thành đạt, có người muốn trở nên giàu có, có người muốn trở thành nổi tiếng.
Còn mục tiêu của tôi hơi cao hơn một chút, tức là không biết có làm được hay không nhưng mà bắt đầu như một ước mơ, thì cá nhân tôi hy vọng là mình có thể làm gì đó tạo ra một sự thay đổi, một sự ảnh hưởng nào đó, nếu không được trên thế giới thì có thể một ảnh hưởng nhất định đối với quốc gia của mình. Chẳng hạn như trong văn học thì tôi đặc biệt thích Franz Kafka, trong các lãnh vực khác thì tôi cũng rất thích Barack Obama hoặc là Martin Luther King Jr., Malcolm X, Gloria Steinem. Còn một thần tượng thì không có.

Về sự ảnh hưởng thì mỗi người có những ảnh hưởng riêng, chẳng hạn như tôi rất ngưỡng mộ Bill Gates, hoặc là Larry Page và Sergey Brin - hai người sáng lập Google, thì những sản phẩm đó hiện tại ai cũng sử dụng, đó là một sự ảnh hưởng.
Còn có những cái có sự ảnh hưởng theo hướng khác, chẳng hạn như Anne Frank. Xét trên lý thuyết thì Anne Frank không có một hành động, phát kiến ra một cái gì đó cụ thể để làm thay đổi thế giới, nhưng việc của Anne Frank làm là viết một cuốn nhật ký để tố cáo tội ác của phát-xít Đức và lên tiếng cho những người Do Thái vô tội bị giết chết trong Thế Chiến II, thì đó cũng tạo ra sự ảnh hưởng, một sự thay đổi."
Khánh An: Cảm ơn Hải Di rất nhiều với ý kiến vừa rồi của bạn. Bây giờ là nhân vật cuối cùng chưa lên tiếng - bạn Hoàng. Bạn Hoàng có suy nghĩ như thế nào về những chuyện mà Khánh An vừa đặt ra, chuyện thần tượng và ngay cả những ý kiến mà các bạn vừa rồi đã nói?
Hoàng: "Mình không có thần tượng gì hết mà chỉ ở mức độ là cảm thấy mến phục người đó. Thực ra không phải ca sĩ hay những người làm được những chuyện rất là to tát mới lay động được mình, mà mình mến những người nào dám sống với ưu tư của họ. Có khi họ chỉ là một người làm công nhưng người ta làm tốt công việc hàng ngày thì họ cũng nhận được sự quý mến nhất định.
Riêng về trường hợp của Ngô Bảo Châu, Hoàng thấy mọi người ở Việt Nam đến với tin đó như là đến với cái bóng của Ngô Bảo Châu, chứ không phải là đến với một con người thật. Bởi vì thật ra cái công trình đó công bố hồi năm 2008 chứ không phải tới giờ. Nó không phải là cái mà đếm một, hai, ba rồi bật mí 50%, bật mí 70%. Nó không phải là chuyện đó. Nó đã phơi lên trên mạng từ năm 2008, cho nên có người viết trên Internet là nó không phải như cái giải thi hoa hậu, cũng không phải là môn chạy nước rút 100 mét để có một cái kết quả có cái gì đó như là bất ngờ, ngỡ ngàng, như một tờ báo kêu là "hồi hộp chờ tin công bố giải". Cái này không phải là hồi hộp!
Mình không có thần tượng gì hết mà chỉ ở mức độ là cảm thấy mến phục người đó. Có khi họ chỉ là một người làm công nhưng người ta làm tốt công việc hàng ngày thì họ cũng nhận được sự quý mến nhất định.
Bạn Hoàng
Đối với Hoàng, cái huy chương đó chỉ có tác dụng như là nền toán học thế giới họ tri ân Ngô Bảo Châu đã có một đóng góp trong sự hiểu biết về toán của con người thôi, chứ không phải là cái gì làm rạng danh nước này hay làm rạng danh nước kia, của Pháp hay của Việt Nam gì hết, để rồi từ đó đi đến nói chuyện giáo dục, nói chuyện Việt Nam có thể trở thành cường quốc toán học hay có một vị trí toán học này kia. Nói thật, các chuyện đó giống như là chỉ đến với cái bóng của giải thôi.
Ý nghĩa của cái giải đó là người ta tri ân con người đó, chứ không phải cái giải đó để phân thứ bậc cao thấp. Giả sử đợt này Ngô Bảo Châu không được giải thì chẳng lẽ giá trị của Ngô bảo Châu giảm đi hay sao trong khi công bố thì người ta đã công bố từ năm 2008 rồi? Hoàng thấy cái nhìn của mình về chuyện đó vẫn là cái nhìn về bề nổi, trong khi báo chí viết rất nhiều nhưng Hoàng cảm giác nó vẫn không chạm được vào con người sống của Ngô Bảo Châu, chỉ chạm vào cái bóng mà thôi."
Vừa rồi là những nhận xét của một số bạn trẻ về hiện tượng "Thần tượng Ngô Bảo Châu". Thế còn đối với những thần tượng truyền thống cũng như những thần tượng mới trong các lãnh vực khác thì sao? Các bạn trẻ hiện nay dựa vào những yếu tố nào để lựa chọn một thần tượng cho mình? Mời quý vị tiếp tục đón nghe trong kỳ Cafe Wifi lần tới.
Mọi ý kiến đóng góp và tham gia, xin quý vị gửi về email wificoffee.rfa@gmail.com hoặc vietweb@rfa.org.
Khánh An xin kính chào tạm biệt.