Kỳ vọng của giới trẻ trước Đại hội Đảng
2011.01.04
Khánh An: Trước khi bắt đầu chương trình này, Khánh An mời các bạn tự giới thiệu một chút về bản thân.
Dũng: Mình là Nguyễn Văn Dũng, ở Phú Thọ. Mình đang kinh doanh nhỏ. Đây là lần đầu tiên mình tham gia chương trình này.
Đức: Mình là Nguyễn Minh Đức. Hiện nay mình đang ở Hà Nội và mình đang là kiến trúc sư.
Học: Chào Khánh An. Chào các bạn. Mình tên là Huỳnh Thái Học và hiện giờ mình đang ở Sài Gòn. Mình tốt nghiệp kỹ sư điện tử viễn thông nhưng mà hiện giờ thì làm nghề tự do.
Thanh: Mình tên là Hà Thanh, đang là sinh viên năm 2 ngành Quản trị Nhân lực tại Sài Gòn.
Quan tâm hay không?
Khánh An: Vâng. Như vậy là chúng ta đã biết nhau rồi nhé. Bàn tròn ngày hôm nay của chúng ta có 5 người. Chắc chắn chúng ta 5 người không thể nào đại diện được hết cho giới trẻ, thanh niên của Việt Nam, thế nhưng mình có bao nhiêu thì mình nói bấy nhiêu.
Quay trở lại với chủ đề "Kỳ vọng của thanh niên đối với kỳ Đại hội Đảng lần thứ 11” sắp diễn ra tới đây, Khánh An muốn hỏi các bạn một câu. Nếu nói suy nghĩ thật của các bạn, các bạn cảm thấy như thế nào về các kỳ đại hội đảng đã diễn ra trong quá khứ, đặc biệt là kỳ mới nhất gần đây là năm 2006?
Mình cũng nghe đại hội đảng nhưng mình thấy không cần thiết phải quan tâm bởi vì nó chẳng có thay đổi gì, nó không ảnh hưởng gì, chắc chắn trước đại hội rồi sau đại hội cũng vậy thôi.
Bạn Thái Học
Dũng: Thật ra mình không quan tâm đến các kỳ đại hội đảng đâu. Mình biết các kỳ đại hội đảng chủ yếu không phải do đọc sách báo về đại hội đảng hay là gì cả, mà lắm khi mình thấy nhiều công an lượn ở ngoài đường thì biết là "À, chắc là thành phố hay tỉnh có đại hội đại hiếc gì đây", mới hỏi người nọ người kia thì mới biết.
Học: Đúng đó, mình cũng nghĩ vậy (cười).
Thanh: Mình nói được không ạ?
Khánh An: Vâng. Xin mời.
Thanh: Mình cũng nghĩ như bạn Dũng. Vấn đề đại hội đảng, tức là đại hội 5 năm một lần, thì đảng bộ từ cấp thành phố rồi cấp tỉnh sẽ làm những đại hội ở cấp cơ sở, sau đó là sẽ lên tới đại hội cấp trung ương. Đại hội đảng diễn ra là một hoạt động chính trị của khoảng 3 triệu đảng viên ở Việt Nam. Ở ngoài đường khi sắp tới đại hội đảng thì đi đâu mình cũng nhìn thấy những băng-rôn, biểu ngữ như là "Toàn đảng, toàn dân, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội đảng", rồi “Tiến tới đại học toàn quốc” này nọ. Nhưng mình nghĩ rằng nhiều bạn trẻ cũng có những suy nghĩ, tức là cái đại hội đó chủ yếu là về bên đảng chứ nó chẳng liên quan trực tiếp gì đến đời sống hàng ngày của các bạn cả.
Học: Mình hồi nãy quên, giờ giới thiệu thêm một chút, mình là 7X, tức là mình cũng theo dõi nhiều kỳ đại hội rồi và thật sự ra mỗi kỳ đại hội, mình rất là quan tâm bởi vì nó ảnh hưởng đến tình hình đất nước. Mình đã từng bỏ World Cup để mà theo dõi đại hội đảng, nhưng rồi sau đó thì thất vọng. Mình cũng đồng ý với bạn gì nói ban đầu, bạn Dũng đó, thì đến giờ thiệt ra mình cũng nghe đại hội đảng nhưng mình thấy không cần thiết phải quan tâm bởi vì nó chẳng có thay đổi gì, nó không ảnh hưởng gì, chắc chắn trước đại hội rồi sau đại hội cũng vậy thôi. Cho nên nếu mình không quan tâm thì cũng đúng, không sao hết.
Nhưng ở kỳ đại hội này, mình thấy có một cái khác so với những lần trước, là ở những lần trước thì những dư luận xung quanh không bao giờ dám đụng đên Bộ Chính Trị, nhưng mà lần này mình thấy là những cái góp ý là đụng thẳng vô. Ví dụ như là "lỗi hệ thống", đó là chủ tịch Nguyễn Văn An nói, mình đọc được trên internet. Mình thấy đó là một dấu hiệu, bởi vì có văn kiện để mà góp ý. Nhân đại hội đảng mới có cái văn kiện đó và có văn kiện góp ý thì những người trong đảng lên tiếng. Hồi giờ thì mình thấy không được như vậy đâu, bây giờ mình được vậy thì mình thấy có hy vọng, có một chút tiến triển, chứ còn cái kết quả sau đại hội này mà có ảnh hưởng gì đến dân hay không thì mình nghĩ chẳng có gì ảnh hưởng hết. Nhưng qua đó, mình cũng đọc được một vài clip gì đó, có cái tên là "Hội thảo góp ý cho văn kiện đại hội 11", trong đó không phải là "lề trái" nói mà là những người có tiếng tăm, những đảng viên cao cấp phản biện. Mình thấy có một người nào đó nói là “nên đoạn tuyệt với chủ nghĩa xã hội”. Mình nghe rất là hay, mình nghe không sót một từ, do bác Trần Phương gì đó, hỏi rất là gay gắt và chất vấn Bộ Chính Trị luôn. Mình thấy đây là một điểm mới và mình thấy một chút hy vọng gì đó thôi.
Tại sao không quan tâm?
Khánh An: Vâng. Cảm ơn những ý vừa rồi của bạn Thái Học, những ý kiến phải nói rằng rất thẳng, đúng theo kiểu của tuổi trẻ, có nghĩa là nói thẳng mà không sợ ai giận gì cả.
Học: Thấy gì nói đó.
Khánh An: Vâng, thấy gì nói đó, nghĩ gì nói đó. Bây giờ mình đã nghe được ý kiến của 3 bạn rồi, còn lại bạn Minh Đức thì bạn đang ở ngoài Hà Nội, bạn thấy việc chuẩn bị cho kỳ đại hội đảng này thì bạn có thấy là bạn quan tâm đến vấn đề sắp sửa bầu lại các nhân sự của đảng không?
Bộ Chính Trị mà đảng cộng sản bầu lên thì những người đó họ không được bầu lên bởi đầu phiếu của một cuộc bầu cử toàn dân, mà đó là cuộc bầu cử trong nội bộ đảng thôi.
Bạn Hà Thanh
Đức: Ban nãy có nghe bạn Thái Học nói về bác An, thì bác ấy mình thấy là "nguyên". Từ "nguyên" có nghĩa là đã từng nắm giữ chức vụ đó và bây giờ đã nghỉ hưu hay là làm công việc khác mới dám nói lên, mà nói lên thì trọng lượng rất ít.
Còn bây giờ là trả lời câu hỏi của Khánh An, ở Hà Nội bây giờ thì cũng nhộn nhịp với đại hội đảng sắp tới. Đi làm thì thấy băng-rôn, khẩu hiệu vậy thôi, còn ít khi mình quan tâm đến vấn đề này, kể cả lần trước 2006.
Khánh An: Vâng. Từ nãy giờ thì ý kiến của các bạn cho thấy là đa số các bạn không quan tâm lắm đến những kỳ đại hội đảng. Khánh An có một câu hỏi tiếp theo, đó là nguyên nhân tại sao các bạn lại không quan tâm đến các kỳ đại hội đảng?
Thanh: À, thứ nhất là việc bầu báng nhân sự ban lãnh đạo chỉ là do đại diện của 3 triệu đảng viên quyết định, và khi mà bầu lên tức là 15-16 vị trong Bộ Chính Trị mà đảng cộng sản bầu lên thì những người đó họ không được bầu lên bởi đầu phiếu của một cuộc bầu cử toàn dân, mà đó là cuộc bầu cử trong nội bộ đảng thôi. Thành ra, tính chất của kỳ đại hội đảng nó khác với lại cuộc bầu cử quốc hội. Nếu như bầu cử quốc hội thì người dân tham gia nhiều hơn, người ta chắc chắn sẽ quan tâm nhiều hơn. (Nhiều người cùng cười).
Khánh An: Đó là ý kiến của bạn Thanh. Còn các bạn khác?
Học: Mình nói với bạn Thanh chút xíu này vì bạn chia ra quốc hội với đảng, bạn nói bầu quốc hội thì nhiều người quan tâm hơn, mình thấy hai cái đó cũng vậy thôi. Đây là ý kiến riêng của mình nghe. Hai cái đó cũng vậy thôi. Bầu quốc hội thì mình có biết ai đâu, mình cứ đi bầu chứ mình có biết mặt mũi người nào đâu! Người ta giới thiệu rồi mình tới mình gặp thôi. Mình nghĩ hai cái đó nó giống nhau, nó không khác nhau nhiều đâu.
Còn nếu mình trả lời câu hỏi của Khánh An, chỉ nói đứng về góc độ người dân quan tâm tới đại hội này bởi vì đại hội ảnh hưởng đến tương lai, đến đường đi của đất nước. Nhưng mà đại hội này không đại diện cho toàn bộ người dân, người ta đâu thể hiện được ý của người dân đâu! Ý của người dân ở một đường thì người ta đi trong một nhóm thôi, rồi người ta bầu bán nhau rồi dẫn dắt đất nước theo cách riêng của người ta, cho nên nó không đại diện cho mình, cho nên mình thấy không quan tâm.
Có đại diện toàn dân?
Dũng: Mình xin có ý kiến.
Khánh An: Vâng. Mời Dũng.
Dũng: Cái lý do mình không quan tâm thì nói thật không phải là mình không biết tầm quan trọng của đại hội đảng, thật sự mình thấy nó rất là quan trọng tại vì đảng lãnh đạo mà, đảng cầm quyền mà, thì chắc chắn nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân, ảnh hưởng lớn chứ không phải là ít. Tuy nhiên, mình biết là quan trọng nhưng mình không quan tâm tại vì mình thấy là đảng nói nhiều hứa nhiều nhưng mà làm được ít lắm. (Nhiều người cùng cười).
Mình nói thế này về chính phủ nhé, những người làm chức cao trong chính phủ thì đều làm chức cao trong đảng thì mình thấy hiện tình như thế này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi là cái vụ Vinashin đấy, bảo là sẽ kiểm điểm, các thành viên chính phủ kiểm điểm trước đại hội trung ương 14 gì đấy mà nó đã kết thúc vào ngày đâu 22 tháng 12, nói kiểm điểm công khai nhưng mà cuối cùng chẳng thấy công khai gì cả thì không biết là có kiểm điểm hay không, hay là làm rồi nhưng mà không công khai. Đấy là người đứng đầu đất nước về mặt chính phủ, còn cái kiểu đảng lãnh đạo, người chỉ đạo đằng sau thế nào thì mình không biết. Đấy là mình thấy về mặt chính phủ thì thủ tướng là to nhất rồi mà hứa nhưng lại không làm, một cái chuyện rất là gần.
Những kỳ đại hội đảng vừa qua nó không làm thay đổi gì cho Việt Nam nhiều. Hiện bây giờ người dân Việt Nam cần một sự thay đổi mạnh mẽ về cơ bản.
Bạn Thái Học
Thứ hai là ông phó thủ tướng, ngày trước ông làm Bộ trưởng Bộ giáo dục, ông hứa là năm bao nhiêu đấy thì giáo viên sống được bằng lương, (Thanh: Năm 2010), nhưng mà giáo viên bây giờ vẫn không sống được bằng lương. Và đến cái y tế đối với người dân rất là quan trọng, thì Bộ trường Bộ y tế vừa rồi nói là “Không, chúng tôi không hứa hiếc gì đâu mà các ông các bà cứ nói nọ kia”, nhưng mà thực ra ngày trước mình thấy rõ ràng ông hứa đấy, hứa năm bao nhiêu bao nhiêu thì không phải ghép giường bệnh gì đấy, nhưng cuối cùng thì ông ta chối. Mình thấy đấy là những nhân vật rất quan trọng đấy, họ hứa nhưng họ không làm hoặc là họ hứa xong rồi họ chối. Đấy, mình chẳng hiểu là đảng lãnh đạo như thế nào mà lại để cho những người như thế nắm chức vụ, những người thất hứa, những người chối những lời nói của mình. Chính vì lý do đấy mà mình không quan tâm đến đại hội đảng.
Nhưng mà mình phải nói thế này, mình không thể phủ nhận được những công lao, những đóng góp của những người đảng viên người ta làm việc trong các cơ quan nhà nước, kể cả ngoài kinh doanh các thứ. Người ta cũng đóng góp như tất cả người dân cũng đóng góp vào kinh tế, mỗi người một tí. Nhưng mình nghĩ là nếu mà đảng lãnh đạo thì đảng viên phải đóng góp ác liệt để làm sao làm đầu tàu dẫn dắt nọ kia, chứ mình thấy cơ quan nhà nước rồi doanh nghiệp nhà nước do đảng viên lãnh đạo nhiều mà hiệu quả làm lại kém, kém cả dân chứ không phải đảng viên. Mình không hiểu là tại làm sao người kém lại lãnh đạo người làm giỏi?!? (Mọi người cùng cười)
Học: Mình xin bổ sung ý này một chút nha. Những kỳ đại hội đảng vừa qua nó không làm thay đổi gì cho Việt Nam nhiều. Hiện bây giờ người dân Việt Nam cần một sự thay đổi mạnh mẽ về cơ bản, nhưng đại hội này, theo những thông tin thì chẳng qua là thay người thôi, còn lãnh đạo cũng là đường lối cũ thôi, mà cái đường lối cũ này thì chán lắm rồi. Đó, cho nên bây giờ mình nghe mình thấy đâu có cái gì mới để mà chờ đâu, chỉ là người nào lên thôi. Cho nên không quan tâm không phải là mình vô tâm nhưng mà thấy buồn quá, không quan tâm bởi vì là người dân, nếu bây giờ mình quan tâm đất nước thì mình sẽ quan tâm những cái khác, chia sẻ với các bạn trẻ hoặc là làm một cái gì đó tích cực hơn thôi.
Khánh An: Vâng. Mình muốn được nghe ý kiến của Minh Đức. Nãy giờ mình thấy Minh Đức có vẻ im lặng, không biết Minh Đức có cùng suy nghĩ như các bạn hay không, hay là bạn ở Hà Nội, có khi bạn lại có cái nhìn khác chăng?
Đức: Cái cách nhìn khác thì không có, nhưng cách suy nghĩ khác thì nó có. Thực sự đấy! Thứ nhất nếu bảo đảng không đại diện cho toàn dân thì ví dụ đại biểu là đại diện cho mình, mình cầm lá phiếu đi bầu mà mình không biết ai, trong đó ví dụ có 5 người mình chọn ra 3 người, có nghĩa mình loại ra 2 người, tự mình chọn, trong khi đó họ ghi ra tiểu sử các thứ đấy, bảo là không đại diện thì cũng không phải bởi vì họ bầu theo lớp, mình không thể tự quyết được, có nghĩa là bây giờ mình không hiểu gì, ví dụ nếu mà so sánh với bên Mỹ, bên Mỹ họ hiểu rất nhiều, cái tầng lớp trí thức của họ có và họ được học hỏi rất nhiều, gần như là họ được truyền bá thông tin từ A đến Z, ví dụ ai cũng biết luật, còn ở mình thì không biết gì. Vì vậy phải bầu theo lớp. Xin lỗi, nhưng mình cũng là nông dân thôi. Bây giờ mình không thể tự mình mình bầu ra ai đó làm chủ tịch nước được, tại vì mình có hiểu gì đâu để mà bầu. Cái cách nghĩ của mình là như thế. Cái cách nghĩ khác nhưng mà suy nghĩ thì cũng đồng như vậy, có nghĩa là (đại hội đảng) cũng chẳng biết để làm gì, chẳng ảnh hưởng gì đến mình.
Khánh An: Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là ý kiến của bạn Minh Đức, hiện đang sống tại Hà Nội. Đã đến lúc Café Wifi phải chia tay quý vị rồi, Khánh An và các bạn xin hẹn tái ngộ với quý vị trong chương trình kỳ tới để tiếp tục trình bày những suy nghĩ của các bạn là những thanh niên Việt Nam đối với kỳ Đại hội Đảng Cộng Sản sẽ diễn ra vào ngày 11/1 tới đây. Xin kính chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Thực trạng Việt Nam qua nhận xét của các nhà dân chủ
- Có nên từ bỏ “Chủ nghĩa Mác-Lê” hay không?
- Tiếp tục xây dựng kinh tế theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa
- Đổi mới Đảng nhu cầu bức thiết
- Mạn đàm với tác giả “Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!”
- Muốn đổi mới, phải có Dân chủ
- Dự thảo cương lĩnh của Ban chấp hành Trung uơng đảng CSVN
- Đảng là “đại biểu trung thành” cho ai?
- Những “vấn đề” của Đảng cộng sản Việt Nam
- Đảng nên đứng ở đâu?