Làm gì để nông dân bán lúa ế?

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long như ngồi trên lửa, những vùng thu hoạch sớm lúa hè thu đang là một thảm cảnh. Lúa ế, bán giá thấp cũng khó có người mua.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.06.27
Mùa gặt. Mùa gặt.
AFP PHOTO

Nam Nguyên trình bày vấn đề này:

Vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 1 triệu 600 ha sẽ hoàn tất vào tháng 8, nhưng đặc trưng ở vựa lúa này là từ giữa tháng 6 lúc nào cũng có nơi đang gặt lúa. Hiện nay thu hoạch lúa hè thu sớm mới khoảng 60 tới 70 ngàn ha, nhưng tình hình tiêu thụ lâm vào bế tắc.

Lúa đọng, thiếu kho chứa

Trả lời chúng tôi chiều 23/6, TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết toàn vùng đang tồn đọng khoảng 2 triệu tấn lúa, bao gồm lúa đông xuân và hè thu sớm đang thu hoạch. Ông nói:

“Hiện nay nếu bà con nông dân bán lúa thì giá thấp quá. Theo tôi biết lúa hè thu sớm lúc này chỉ 3.500đ-3.700đ/kg, giá dưới 4.000đ/kg là quá thấp. Lý do là kho các doanh nghiệp vẫn còn đầy, cho nên nếu cứ ép thì doanh nghiệp sẽ mua rẻ.

Vì vậy tôi khuyến cáo bà con nông dân nên có kho hay bồ chứa, hoặc liên kết hợp tác để có kho gởi cho đảm bảo. Muốn làm như vậy phải phơi sấy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nếu bà con cứ sấy ‘dốt dốt’ đủ xay xát thông thường độ ẩm 16%-18% thì lúa để không quá hai tháng sẽ bị hư. Bà con nên sấy khô đúng kỹ thuật đạt độ ẩm dưới 14% thì có thể để trong vòng 6 tháng, kho chứa bồ chứa cũng nên đúng kỹ thuật. Như vậy mình chủ động hàng trong tay, khi giá lúa ổn định mới bán thì sẽ tốt hơn.”

Hè thu lợi nhuận thấp nhưng ở vùng tôi nếu không làm lúa người nông dân biết làm gì, nuôi tôm thì tôm chết, thành ra làm lỗ cũng phải làm dù sao cũng có gạo ăn, nợ ngân hàng để đó…cứ phải làm hoài.

Một nông dân vùng DBSCL

Nếu như đông xuân lúa tốt, năng suất cao, giá thành thấp nông dân có thể bán từ 4.000đ/kg trở lên, thì sự kiện lúa hè thu sớm với năng suất thấp giá thành cao mà chỉ bán lúa được 3.500đ/kg thì đúng là nông dân đang lâm vào thảm cảnh. TS Lê Văn Bảnh đưa ra mức ước tính giá thành sản xuất của Viện lúa:

“Hiện nay người ta chưa thống nhất về cách tính, thí dụ có thể xem giá thành sản xuất lúa là biến phí, phí lưu động như công lao động và vật tư các khoản. Nhưng một số nơi người ta đòi tính thêm phí cơ hội, định phí về đất thuê đất…

Thông thường Viện lúa chúng tôi tính phí đầu tư trực tiếp, sản xuất lúa thương phẩm đầu tư từ 12 tới 14 triệu đồng một héc-ta. Trong vụ đông xuân năng suất bà con làm từ 6 tới 7 tấn/ha thì giá thành từ 2.000đ tới 2.500đ/kg. Còn vụ hè thu cũng đầu tư 12 tới 14 triệu đồng/ha mà chỉ được 4 tới 5 tấn thì chi phí giá thành phải từ 3.000đ/kg. Vốn 3.000đ mà bán 3.300đ-3.500đ/kg thì bà con lãi không đáng kể. Chưa kể có những lúc phơi sấy không đảm bảo bị hư hỏng hao hụt thì người ta không có lãi.”

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đều làm 3 vụ lúa quanh năm vì diện tích canh tác mỗi hộ dưới 1 ha, một số rất ít gia đình khá giả có thể tích lũy nhiều ruộng đất hơn, nhưng đây không phải sự kiện phổ biến. Thu nhập của nông dân rất thấp nên họ phải bươn chải với vụ lúa mùa mưa là hè thu. Một nông dân vùng sông nước Cửu Long phát biểu:

Hè thu lợi nhuận thấp nhưng ở vùng tôi nếu không làm lúa người nông dân biết làm gì, nuôi tôm thì tôm chết, thành ra làm lỗ cũng phải làm dù sao cũng có gạo ăn, nợ ngân hàng để đó…cứ phải làm hoài.”

kho-lua-gao-250.jpg
Kho chứa gạo tự xây của nông dân. RFA file photo.
Vấn đề nan giải hiện nay là kho trữ ở đồng bằng sông Cửu Long, theo TS Lê Văn Bảnh kho trữ gạo đạt yêu cầu kỹ thuật có tổng sức chứa khoảng 2 triệu tấn. Do vậy doanh nghiệp cần phải có đầu ra xuất khẩu thì mới có thể tiếp tục nhập kho.

“Thu hoạch rộ vụ hè thu khoảng tháng 8-9, với tổng diện tích 1,6 triệu ha dự kiến sản lượng thu hoạch trên 7 triệu tấn, số lượng lúa hàng hóa dư ra khoảng vài ba triệu tấn. Vấn đề cơ bản là phải lo đầu ra, nếu Hiệp hội lúa gạo không có đầu ra, thì sẽ xảy ra tồn đọng dư thừa và khi giá xuống thấp dưới mức người dân có lãi 30% thì chính phủ phải lo khâu tạm trữ. Đây là vấn đề khó trong kinh doanh lúa gạo hiện nay.”

Được mùa lúa ế không phải là chuyện mới mẻ ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp 5 tới 6 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm. Trước khi tiến tới việc phát triển bền vững, cân đối được cung cầu trong sản xuất lúa gạo, chính phủ cần quyết tâm chỉ đạo mua tạm trữ bảo đảm người trồng lúa có lãi ít nhất 30%.

Không có sự biện giải nào được cho là hợp lý khi tán dương kim ngạch xuất khẩu gạo hơn 3 tỷ USD mỗi năm, trong khi nông dân nợ nần chồng chất mà vẫn phải bám víu vào ruộng đồng.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.