Theo dự kiến, cuộc “Hội ngộ dân Chúa Hải ngoại” sẽ kéo dài trong ba ngày, từ chiều thứ sáu 3 tháng 6 đến chiều chủ nhật 5 tháng 6.
Ban Việt ngữ Đài Á châu Tự do đã cử Trân Văn phỏng vấn ông Trần Phong Vũ, một nhà báo lão thành, vừa là Chủ bút Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân, vừa là một trong những thành viên của Ban Tổ chức, để tìm hiểu cặn kẽ hơn về cuộc “Hội ngộ dân Chúa Hải ngoại”. Mời qúy vị cùng nghe…
Trăn trở cả về quê hương lẫn Giáo hội
Trân Văn: Thưa ông, tại sao Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân quyết định đứng ra tổ chức cuộc "Hội ngộ Dân Chúa Hải Ngoại"?
Cuộc hội ngộ lần này đã quy tụ được một số giáo dân là trí thức Công giáo – những người từng thao thức về những vấn đề của quê hương và Giáo hội, từ khắp nơi.
Ô. Trần Phong Vũ
Ông Trần Phong Vũ: Đây là một câu hỏi mà nếu muốn giải thích cho kỹ càng thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi chỉ xin tóm tắt lại là do những biến chuyển dồn dập trên đất nước chúng ta và với những biến chuyển dồn dập như vậy thì Giáo hội Công giáo bị cuốn vào, phải đối diện với nhiều vấn đề khác nhau…
Vì vậy cho nên sau khi trao đổi và nhìn vào những vấn đề của đất nước, những anh em chúng tôi ở hải ngoại quyết định thực hiện cuộc hội ngộ lần này.
Trân Văn: Thưa ông, cho đến giờ này, sáng kiến tổ chức cuộc "Hội ngộ Dân Chúa Hải Ngoại"đã được giới Công giáo Việt Nam ở hải ngoại đáp ứng như thế nào? Ông có thể cho biết số lượng tham dự viên? Họ từ những nơi nào đến và chủ yếu là họ thuộc thành phần nào?
Ông Trần Phong Vũ: Bây giờ thì chúng tôi có thể cho con số chính xác những anh em từ xa tới đây. Còn kết quả cuộc gặp gỡ chiều nay, cũng như trọn ngày mai và ngày Chúa nhật thì vì chưa tới nên chúng tôi không thể xác quyết.
Bây giờ chúng tôi có thể thưa ngay rằng cuộc hội ngộ lần này đã quy tụ được một số giáo dân là trí thức Công giáo – những người từng thao thức về những vấn đề của quê hương và Giáo hội, từ khắp nơi như Âu châu, Úc châu, rồi Canada và các tiểu bang khác ở Hoa Kỳ. Hầu hết những anh em đó đã quy tụ về đây. Chúng tôi cũng xin thưa ngay là do tình cờ mà chúng tôi có hai tín hữu từ trong nước sẽ tham dự cuộc hội ngộ lần này với tư cách quan sát viên.
Buổi tối hôm nay thì chúng tôi nghĩ rằng số người trong thánh lễ khai mạc do linh mục Văn Chi cử hành cùng một số linh mục ở địa phương này, có thể quy tụ khoảng từ 50 đến 60 người.

Rồi ngày mai trong một cuộc sinh hoạt có bốn đề tài thuyết trình, chúng tôi nghĩ rằng có thể quy tụ hàng trăm người.
Riêng ngày Chủ nhật thì vì là một buổi thuyết trình khoáng đại để thông qua một bản phúc quyết, cũng như là lên tiếng của cuộc hội ngộ lần này mà lại diễn ra tại Trung tâm Công giáo Việt Nam ở quận Cam, với thánh lễ kết thúc buổi hội ngộ này do Đức cha Mai Thanh Lương, Giám mục Giáo phận Orange cử hành, chúng tôi nghĩ rằng, số giáo dân sẽ rất đông.
Giữ đạo là sống vì công lý và con người
Trân Văn: Theo tài liệu do Ban Tổ chức soạn thảo mà chúng tôi có trong tay thì mục đích của cuộc hội ngộ nhằm để giáo dân Công giáo Việt Nam ở hải ngoại có cơ hội nhìn lại hiện tình của Giáo hội Công giáo Việt Nam, hiện tình của quê hương trong ý hướng hình thành một Phong trào Công lý và Hòa bình ở hải ngoại với tinh thần "Học thuyết xã hội Công giáo".
Ông có thể tóm tắt những điểm chính trong “Học thuyết xã hội Công giáo” để thính giả của chúng tôi có ý niệm rõ ràng hơn về mục tiêu của “Hội ngộ Dân Chúa Hải Ngoại” và dự định xây dựng Phong trào Công lý và Hòa Bình ở hải ngoại không?
Ông Trần Phong Vũ: Chúng tôi phải thưa ngay rằng, đây là một công việc rất khó khăn bởi vì "Học thuyết xã hội Công giáo" trải dài qua rất nhiều thời đại, từ thời Đức Giáo hoàng Leo 13. Với thông điệp Tân sự thì Ngài đã bắt đầu trình bày những quan niệm, những suy tư của Giáo hội về những vấn đề xã hội. Trong đó Ngài cũng đã có những dự phóng, tiên báo về sự vùng dậy của chủ nghĩa cộng sản. Từ đó Ngài đã nhìn ra được những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản và khi mà tư bản có những khuyết tật như vậy, thế tất chủ nghĩa cộng sản sẽ có những cơ hội để họ giành lấy quyền thống trị. Đức Leo 13 đã thấy được những dấu hiệu đe dọa niềm tin tôn giáo cũng như là đời sống tự do của con người.
Học thuyết xã hội Công giáo nhằm cải đổi đời sống xã hội để có một sự quân bằng, hòa hợp trong tất cả những liên hệ về chính trị, về kinh tế, về văn hóa, để làm sao thăng tiến đời sống con người.
Ô. Trần Phong Vũ
Sau này, cứ mỗi 50 năm, 100 năm thì các Đức Giáo hoàng và đặc biệt, trong Thông điệp 100 năm Thông điệp Tân sự, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã khai triển tất cả những suy tư của Ngài về những học mục để hình thành “Học thuyết xã hội Công giáo”.
Học thuyết đó dựa trên Tin Mừng của Công giáo, có thể tóm gọn trong một câu là đích điểm, mục tiêu hàng đầu của Giáo hội chính là con người. Hay nói rõ hơn, một từ mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II thường nói: “Con người là đường đi của Giáo hội, là đích điểm hàng đầu để phục vụ”.
Cứ suy tư từ điểm đó, chúng ta có thể hiểu được “Học thuyết xã hội Công giáo”. Học thuyết này nhằm cải đổi đời sống xã hội để có một sự quân bằng, hòa hợp trong tất cả những liên hệ về chính trị, về kinh tế, về văn hóa, về mọi mặt, để làm sao thăng tiến đời sống con người.
Khi mà con người được bảo vệ về mọi mặt thì nhiên hậu, đời sống xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Tôi chỉ xin tóm tắt một cách rất tóm tắt như vậy.
Vì vậy cho nên dịp này chúng tôi mới có ý định hình thành một Phong trào Công lý – Hòa bình xuất phát từ Hội đồng Giáo hoàng về Công lý – Hòa bình do Đức Giáo hoàng Phaolo 6 khai sáng. Trong tinh thần đó, nhìn vào tình trạng xã hội Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng, áp dụng “Học thuyết xã hội Công giáo” qua quan điểm về Hòa bình và Công lý, chúng tôi nghĩ rằng có thể tìm ra được con đường giúp vãn hồi tất cả tình trạng hiện nay ở Việt Nam.
Trách nhiệm của từng cá nhân
Người tín hữu không những có trách nhiệm, có bổn phận mà còn có sứ vụ phải thi hành chức năng ngôn sứ của mình.
Ô. Trần Phong Vũ
Trân Văn: Thưa ông, nếu chúng tôi không lầm thì tự thân tên gọi của sáng kiến này cho thấy Ban Tổ chức nhắm vào giáo dân Công giáo gốc Việt, đang sống bên ngoài Việt Nam. Và nếu chúng tôi không lầm thì với Giáo hội Công giáo, phẩm trật cũng như thứ bậc là một yếu tố rất quan trọng trong hệ thống tổ chức, khi giáo dân giữ vai trò chính yếu thì hàng giáo phẩm ở vị trí nào? Tại sao lại hướng vào giáo dân, xem họ là nhân tố chính?
Ông Trần Phong Vũ: Đây là một câu hỏi rất hay, là cơ hội để chúng tôi có thể lý giải một vài phần mà ngay trong nội bộ người Công giáo, vì lý do này, lý do khác chưa hiểu được cốt lõi của đạo, cũng như là cái con người ở trong đạo.
Trước hết, phải nhìn rằng, trước mặt Thiên Chúa, con người hoàn toàn bình đẳng với nhau. Trong Giáo hội không có thứ, cấp nhưng vì vấn đề phân công trong Giáo hội cho nên đã có những hệ cấp, từ Giáo hoàng cho đến hệ thống Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân.
Sự xếp hàng đó không có nghĩa là người giáo dân lúc nào cũng ở trong một vị trí thấp kém. Trước mặt Thiên Chúa họ bình đẳng với nhau và khi đã bình đẳng với nhau như vậy thì trong lòng tin yêu và ước muốn xây dựng Giáo hội, người tín hữu không những có trách nhiệm, có bổn phận mà còn có sứ vụ phải thi hành chức năng ngôn sứ của mình.
Chúng tôi không hề có tư tưởng cao ngạo muốn giành lấy quyền của các đấng bậc trong Giáo hội, chúng tôi chỉ thực thi cái quyền năng của người tín hữu mà Thiên Chúa đã trao ban để làm đẹp xã hội, để phục vụ con người.
Quý vị vừa nghe nhà báo Trần Phong Vũ, Chủ bút Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân, đồng thời là một thành viên trong Ban Tổ chức cuộc “Hội ngộ Dân Chúa Hải Ngoại” giới thiệu về cuộc hội ngộ này trước giờ khai mạc.
Chúng tôi được biết, từ chiều nay cho đến trưa Chủ nhật, các thành viên tham gia cuộc hội ngộ này sẽ cùng thảo luận về hiện tình của cả Giáo hội Công giáo Việt Nam lẫn Việt Nam, cùng bàn bạc cách thức thực hiện Phong trào Công lý và Hòa bình theo tinh thần Học thuyết Xã hội Công giáo, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cuộc đấu tranh chống bất công một cách ôn hòa của đồng bào, đống đạo tại quê nhà. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, ghi nhận các ý kiến để tường trình. Mời quý vị đón theo dõi.
Theo dòng thời sự:
- Mục sư Nguyễn Công Chính bị CA bắt
- Chính phủ Obama và vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam
- Cuộc đi bộ vì tự do Tôn giáo cho Việt Nam
- Thiền sư Nhất Hạnh kêu gọi tách biệt tôn giáo và chính trị
- VN phản đối phúc trình tự do tôn giáo vừa công bố
- Nhân quyền tại Việt Nam theo nhận định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
- USCIRF đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC
- Tín đồ Phật giáo Hoà hảo Thuần tuý lại bị sách nhiễu
- Tín đồ Hoà Hảo nghĩ gì về việc VN không nằm trong danh sách CPC?