Tù nhân chính trị Trần Văn Thiêng đang bệnh rất nặng

Theo thông tin từ các diễn đàn người Việt trên Internet, tình hình sức khoẻ của ông Trần Văn Thiêng đang lúc hiểm nghèo vì bị suy thận cấp 3.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010.07.21

NguyenBacTruyenTrial200.jpg
Luật sư Nguyễn Bắc Truyển (giữa) đang bị dẫn vào toà án TP HCM hôm 10-5-2007. AFP PHOTO
Luật sư Nguyễn Bắc Truyển (giữa) đang bị dẫn vào toà án TP HCM hôm 10-5-2007. AFP PHOTO
Năm nay ông 75 tuổi, quê quán ở Gò Công Tây, nguyên là sĩ quan cảnh sát đặc biệt Việt Nam Cộng Hòa, bị án tù 19 năm vì bị kết tội "viết tài liệu chống phá cách mạng".

Thư khẩn báo trường hợp này được ông Nguyễn Bắc Truyển, cựu tù nhân chính trị, ngồi tù lâu năm vì lên tiếng yêu cầu tự do, dân chủ cho Việt Nam, gởi lên mạng lưới thông tin toàn cầu. Ông được trả tự do cách đây 2 tháng, đã đến thăm gia đình người bạn tù Trần Văn Thiêng đồng thời chỉ dẫn gia đình ông Thiêng gởi đơn xin nhà nước hoãn thi hành án để ông được về nhà trị bệnh.

Vẫn bị giam dù bệnh nặng

Mới đầu tháng 7 vừa qua, bệnh tình có vẻ thuyên giảm nhờ được cho đi bệnh viện trị liệu đúng mức, nhưng bất chấp khuyến cáo của bác sĩ, ban quản lý trại giam đã chuyển ông Thiêng trở lại trại giam, thay vì cho lên bệnh viện Chợ Rẩy, Saigon giải phẫu thận.

Cách đây ít hôm, sau khi gia đình đến thăm nuôi thì thấy sức khoẻ của ông suy kém, rất đáng lo ngại.

Cô Thiên Kim, con gái ông Trần Văn Thiêng kể lại về lần thăm nuôi cha vào tháng trước với báo Người Việt:

"Bữa 6 tây tháng Sáu lên thăm thì sức khoẻ cuả ba rất yếu, cả người sưng phù lên hết. Mấy người quen biểu làm đơn bảo lãnh đi, mình về làm đơn, qua ngày hôm sau  thì nó đã chuyển viện ra ngoài thành ra mình xin không được, nó chuyển ra bệnh viện Xuân Lộc.

Ở đó 3 tuần bác sĩ bệnh viện Xuân Lộc báo là tình hình ba rất nặng, suy thận giai đoạn 3 rồi. Khả năng bệnh viện họ chỉ tới đó thôi, họ yêu cầu chuyển về Chợ Rẫy nhưng người ta chỉ chuyển tới bệnh viện Đồng Nai mà thôi. Ở bệnh viện Đồng Nai một tuần lễ, mổ vào ngày thứ Tư thì trưa thứ Sáu phải xuất viện về lại trại giam. Lý do phải mổ là vì tuyến tiền liệt không quản lý được người ta đặt ống cho đi tiểu, còn thận thì bác sĩ không trị được nữa rồi. Mới mổ hai ngày thì lịnh phải đem về trại trở lại.

Bác sĩ bệnh viện Xuân Lộc báo là tình hình ba rất nặng, suy thận giai đoạn 3 rồi. Ở bệnh viện Đồng Nai một tuần lễ, mổ vào ngày thứ Tư thì trưa thứ Sáu phải xuất viện về lại trại giam.

Cô Kim, con gái ông Thiêng


Mới bữa thứ Bảy vừa rồi ở nhà lên thăm thì ba yếu lắm. Mọi lần con cái lên nói chuyện mừng lắm, nói rất lâu nhưng ngày hôm qua thì biểu con về đi vì mệt. Ăn không được cứ ói hoài. Sức khỏe thì yếu ngồi không nổi. Nhà có làm đơn xin bảo lãnh cho về vì chỉ còn 7 tháng nữa là mãn hạn rồi. Xin về sớm vì tình hình sức khỏe quá yếu. Nghe nói đơn được chuyển lên trên lãnh đạo rồi nhưng sao không thấy gì hết. Ba ngồi tù đã 19 năm, bảy tháng rồi."

Bà Lê Thị Đức, vợ ông Trần Văn Thiêng nói, ông bị bắt vì đã viết một cuốn sách mang tên "Chiến lược của Chính phủ Hoa Kỳ tại Đông Dương". Cuốn sách này bị nhà nước cho rằng có nội dung kêu gọi sự trở lại cuả quân đội Mỹ và Hà Nội còn cáo buộc ông có âm mưu tiếp tay lật đổ chính quyền cách mạng. Bà cho biết:

small_090116225742-992-65.jpg
Tù nhân trại giam Xuân Lộc đang lao động. Photo courtesy of f.tin247
Tù nhân trại giam Xuân Lộc đang lao động. Photo courtesy of f.tin247
"Ban đầu đi cải tạo rồi cứ trốn ra. Trốn ra rồi bị bắt lại năm lần bảy lượt như vậy. Tới năm 1991 vào lúc Tết thì bị bắt cho tới bây giờ. Ổng có viết một cuốn sách gì đó, hồi đó ổng có đưa tôi giữ một mớ nhưng nghe người ta nói nguy hiểm lắm nên tôi sợ quá đem đốt hết. Toà xử 20 năm, chỉ có một mình ông nhà tôi chứ không có ai khác. Gần hai mươi năm rồi họ không giảm án lần nào hết. Tôi có làm đơn xin cho ông được về nhà trị bệnh nhưng họ im ru không nghe thấy nói gì hết."”

Một người bạn tù của ông là nhà dân chủ Nguyễn Bắc Truyển trình bày về những lúc cùng bị giam cầm trong trại tù Xuân Lộc:

"Bác Thiêng là sĩ quan tập trung cải tạo 6 năm, sau đó bác đào thoát ra ngoài cho tới năm 1991 thì bác viết một quyển sách tên là "Chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ tại Đông Dương". Cuốn sách này lọt vào tay nhà nước Việt Nam. Sau đó họ nói rằng bác Thiêng đã viết cuốn sách đó để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đem quân trở lại Việt Nam, rồi ủng hộ tài chánh gì đó. Họ buộc tội bác Thiêng chống đối và lật đổ chính quyền của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Khi tôi ở trong đó thì sức khỏe bác rất là suy yếu. Tôi có nói với bác là khi tôi về tôi sẽ gặp gia đình để hướng dẫn cho gia đình bác làm đơn xin cho bác ra chữa bệnh, còn nếu cứ ở trong này thì không ổn, người đã bị sưng phù do đường tiểu tiện có vấn đề, do đó nó bị ứ nước lại, đi tiểu không được. Tôi là người đưa bác Thiêng vào trạm xá cấp cứu."”

Khi tôi ở trong đó thì sức khỏe bác rất là suy yếu. Tôi có nói với bác là khi tôi về tôi sẽ gặp gia đình để hướng dẫn cho gia đình bác làm đơn xin cho bác ra chữa bệnh, còn nếu cứ ở trong này thì không ổn. Tôi là người đưa bác Thiêng vào trạm xá cấp cứu.”

Nhà dân chủ Nguyễn Bắc Truyển


Ông Nguyễn Bắc Truyển kể lại rằng người bạn tù Trần Văn Thiêng rất can đảm, bất khuất, ông không bao giờ xin xỏ các cán bộ quản giáo bất cứ điều gì, có hại cho uy tín cá nhân của ông. Ông tâm sự rằng, bây giờ không còn gì để mất, ngoại trừ sự tồn vong của đất nước và quyền tự do, dân chủ của dân tộc Việt Nam.

Kể từ khi ông bị bắt lại hồi năm 1991,  sau 6 năm lao động cải tạo như đa số các sĩ quan khác của Miền Nam, ông chưa hề viết đơn xin nhà nước ân xá, trong suốt 19 năm ngồi tù. Ông có thời gian bị giam chung với các nhà đấu tranh dân chủ khác như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Các bạn tù đều kể lại là ông Trần Văn Thiêng luôn sống nhân ái, trực tính, bất khuất. Ông sẵn sàng giúp đỡ hết lòng những bạn đồng cảnh khó khăn, đau yếu.

Ông sẽ mãn hạn tù vào tháng 2 năm 2011, tức là còn hơn 6 tháng nữa. Ông hiện đang bị giam riêng tại khu tù nhân chính trị, phân trại K2 , Xuân Lộc, Đồng Nai. Gia đình vợ con ông ở quận Gò Vấp, Saigon.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.