Google - Trung Quốc: cuộc chiến thương mại? (phần 1)

Hơn hai tháng qua, Google và Trung Quốc vẫn không giải quyết được những bất đồng, Google không muốn tiếp tục ngăn chặn thông tin và Trung Quốc cũng không muốn ngưng kiểm duyệt thông tin.
Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2010.03.31
Trụ sở Công ty Google ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ảnh chụp hôm 14-01-2010. Trụ sở Công ty Google ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ảnh chụp hôm 14-01-2010.
AFP PHOTO

Mới đây, Google đã đi đến quyết định mà nhiều người cho rằng công ty này đã thật sự “tuyên chiến” với chính phủ Trung Quốc. Mời quý vị cùng Ngọc Trân tìm hiểu quyết định của Google cũng như ảnh hưởng của nó đến quan hệ hai nước Mỹ - Trung và các công ty nước ngoài đang làm ăn ở Trung Quốc.

Không thỏa hiệp

Sau khi tuyên bố không muốn kiểm duyệt thông tin theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, hơn hai tháng sau, Google đã chính thức ngưng kiểm duyệt. Ông David Drummond, Phó Chủ tịch Google đã thông báo trên blog rằng, Google ngưng kiểm duyệt công cụ tìm kiếm trên trang web google.cn. Thay vào đó, người sử dụng trang này sẽ tự động được chuyển qua trang Google.com.hk, địa chỉ của Google ở Hongkong.

Liên quan tới việc giám sát các nhà bất đồng chính kiến, tôi thấy không có gì thay đổi, vẫn là chế độ độc tài chuyên chế và cá nhân tôi thấy rằng thật là phiền phức.

Ô. Sergey Brin

Thế nhưng, Google cũng biết rằng chính phủ Trung Quốc có thể ngăn không cho người sử dụng truy cập vào công cụ tìm kiếm của họ. Ông Drummond viết tiếp: qua các cuộc đàm phán, chính quyền Trung Quốc hiểu rõ rằng tự kiểm duyệt là một yêu cầu khó thỏa hiệp. Hy vọng chính phủ nước này tôn trọng quyết định của chúng tôi, dẫu biết rằng các dịch vụ của chúng tôi có thể bị chặn bất cứ lúc nào.

Trả lời báo chí về quyết định này, phát ngôn của Google, ông Bill Echikson nói:“Đây là vấn đề kiểm duyệt và là vấn đề làm thế nào để người sử dụng internet ở Trung Quốc có thể truy cập thông tin nhiều nhất khi bị kiểm duyệt.”

Quyết định của Google đã thách thức Trung Quốc và đặt chính phủ nước này ở vào thế khó xử. Google muốn nói với tất cả mọi người rằng họ đã thực hiện lời hứa, ngưng kiểm duyệt trên mạng và nếu có sự kiểm duyệt xảy ra, đó là do phía Trung Quốc, chứ không phải do Google.

Một trong nhiều lý do khiến Google đi đến quyết định này, đó là ông Sergey Brin, đồng sáng lập và là chủ tịch tập đoàn Google, luôn chống lại sự độc tài, thiếu tự do, dân chủ ở các nước như ở Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal hôm thứ tư vừa qua, ông Brin nói rằng, quyết định của công ty đóng cửa dịch vụ công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc là do trong lòng ông thay đổi về những quy định bắt buộc khi làm ăn ở nước này. Trung Quốc luôn luôn làm cho ông nhớ tới Liên Xô cũ, đất nước mà ông đã bỏ ra đi.

Ông Brin cũng nói rằng, việc dọn khỏi thị trường đông dân này một phần là do các chứng cứ ngày càng gia tăng tại Trung Quốc, về hành vi đàn áp mà ông nhớ lại từ thời Liên Xô, nơi ông và cha mẹ đã phải trốn chạy khi ông mới sáu tuổi.

Người dân Trung Quốc đặt hoa trên bảng hiệu trụ sở Công ty Google ở Bắc Kinh, hôm 23-03-2010. AFP PHOTO.
Người dân Trung Quốc đặt hoa trên bảng hiệu trụ sở Công ty Google ở Bắc Kinh, hôm 23-03-2010. AFP PHOTO.
Vì sao cách nay 4 năm, Google quyết định đến Trung Quốc mặc dù không thích kiểm duyệt thông tin, để rồi bây giờ lại phải ra đi?

Trước đây Google tin rằng khi người dân tiếp cận được nhiều thông tin hoặc ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư, sẽ giúp chính phủ Trung Quốc cởi mở hơn, cho người dân có được tự do hơn. Thế nhưng hơn 4 năm qua, Google không thấy có sự thay đổi nào từ phía Trung Quốc, cho nên đã đi đến quyết định này.

Ông Brin nói tiếp:  “Trung Quốc đã có những bước tiến lớn chống lại đói nghèo và lạc hậu. Tuy nhiên, trong một số vấn đề về chính sách của họ, đặc biệt là về kiểm duyệt, liên quan tới việc giám sát các nhà bất đồng chính kiến, tôi thấy không có gì thay đổi, vẫn là chế độ độc tài chuyên chế và cá nhân tôi thấy rằng thật là phiền phức.”

Trung Quốc chỉ trích

Việc Google tuyên bố rút khỏi Trung Quốc đã làm cho chính phủ nước này giận dữ. Lãnh đạo văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã cáo buộc Google vi phạm cam kết mà công ty đã ký khi gia nhập thị trường nước này, và việc Google ngừng sàng lọc thông tin trên công cụ tìm kiếm với mục đích chính trị hóa vấn đề thương mại.

Vấn đề làm thế nào để người sử dụng internet ở Trung Quốc có thể truy cập thông tin nhiều nhất khi bị kiểm duyệt.

Ô. Bill Echikson

Phát biểu trước báo giới, ông Lý Nghị Trung, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tin học Trung Quốc tuyên bố rằng, việc đi hay ở lại Trung Quốc, tùy thuộc vào Google. Ông nhấn mạnh: “Tôi hy vọng Google sẽ tuân theo quy định và luật lệ của Trung Quốc. Nếu bạn làm điều gì mà không tuân theo quy định và luật lệ Trung Quốc, thì bạn là người không thân thiện, là người vô trách nhiệm và bạn sẽ phải chịu hậu quả.”

Truyền thông của chính phủ Trung Quốc cũng không tiếc lời chỉ trích Google. Tờ Nhân dân Nhật báo viết rằng: thật là lố bịch và kiêu ngạo cho một công ty Mỹ muốn tìm cách thay đổi luật pháp ở Trung Quốc. Đất nước này không cần một công ty làm chính trị như Google hoặc chính trị theo kiểu Google.

Dường như có một chiến dịch trên mạng ở Trung Quốc đang nhắm vào Google. Rất nhiều lời bình luận gay gắt của các cư dân mạng, chỉ trích công ty này mà nhiều người tin rằng, những người chỉ trích nằm trong đội ngũ 280.000 người, do chính phủ Trung Quốc thuê, như báo chí đã đưa tin, để theo dõi các diễn đàn trên mạng cũng như đưa các ý kiến có lợi cho chính phủ.

Chẳng hạn như một lời bình luận trên trang web www.sohu.com viết: Chúng tôi hoan nghênh chuyện Google rút khỏi Trung Quốc. Chúng tôi đã cho phép quý vị kiếm nhiều tiền, vậy mà quý vị vẫn gây ra rắc rối này. Nếu quý vị không muốn tuân theo luật Trung Quốc thì đi đi. Hồng Kông cũng là một phần của Trung Quốc, cho nên quý vị cũng không nên ở lại Hồng Kông. Google chỉ là một gã côn đồ toàn cầu của thực dân Mỹ́.

Người dân Trung Quốc đặt hoa và cả Táo trên bảng hiệu trụ sở Công ty Google ở Bắc Kinh, hôm 23-03-2010. AFP PHOTO.
Người dân Trung Quốc đặt hoa và cả Táo trên bảng hiệu trụ sở Công ty Google ở Bắc Kinh, hôm 23-03-2010. AFP PHOTO.

Khó khăn

Mặc dù Trung Quốc là thị trường đông dân nhất thế giới, thế nhưng Google cũng như các công ty nước ngoài ngày càng cảm thấy thất vọng khi làm ăn ở nước này.

Một trong những lý do mà các công ty Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn khi làm ăn ở Trung Quốc, đó là họ thường bị tin tặc tấn công do chính phủ muốn kiểm duyệt thông tin trên mạng. Mặc dù Trung Quốc không thừa nhận có liên quan tới các cuộc tấn công, nhưng các chuyên gia an ninh mạng Hoa Kỳ đã tìm thấy bằng chứng, rất nhiều cuộc tấn công liên quan tới chính phủ nước này. Chẳng hạn như các cuộc tấn công hồi cuối năm ngoái nhắm vào Google và mấy chục công ty khác xuất phát từ máy tính của một trường đại học có tiếng ở Trung Quốc và một trường dạy nghề khác, đều có quan hệ gần gũi với giới quân sự Trung Quốc.

Luật lệ mới áp đặt những quy định quan trọng lên các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc. Bạn không còn quyền kiểm soát tuyệt đối trên những sản phẩm từ những nghiên cứu và phát triển của bạn.

Ô. Fraser Mendel

Một lý do quan trọng nữa mà nhiều công nước ngoài không muốn làm ăn ở nước này đó là: Trung Quốc luôn gây áp lực, buộc các công ty nước ngoài phải liên doanh với các công ty trong nước. Sau đó các công ty nước ngoài bị ép chuyển giao công nghệ cho các công ty địa phương, hoặc phải thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển ngay tại Trung Quốc để họ có thể lấy cắp công nghệ từ các công ty nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Fraser Mendel, luật sư thuộc tập đoàn Công ty luật Hoa Kỳ, Schwabe, Williamson & Wyatt, nói: “Luật lệ mới áp đặt những quy định quan trọng lên các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc. Bạn không còn quyền kiểm soát tuyệt đối trên những sản phẩm từ những nghiên cứu và phát triển của bạn.”

Không những thế, các công ty nước ngoài còn bị phân biệt đối xử do chính sách thiên vị của Trung Quốc. Cuối năm ngoái, chính phủ nước này vừa ban hành một quy định nhằm hỗ trợ các công ty địa phương. Quy định này nếu được thực hiện, có thể ngăn các công ty nước ngoài ký các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô la, liên quan tới các mặt hàng máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị văn phòng và các mặt hàng khác.

Ngay sau đó, một nhóm gồm 34 tổ chức doanh nghiệp từ Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đã gửi thư đến ba bộ trưởng của chính phủ Trung Quốc lên án quy định này, cho rằng đó là sự thiên vị các công ty trong nước và là sự phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài.

Tuần trước, bà Susan Schwab, cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói rằng nhiều công ty của Hoa Kỳ đang tìm kiếm đầu tư ở các nước khác. Bà cảnh báo rằng các chính sách của Trung Quốc thiên vị các công ty địa phương, có nguy cơ ngăn cản các công ty nước ngoài làm ăn tại nước này.

Quyết định mới của Google có ảnh hưởng gì đến các công ty nước ngoài đang làm ăn ở đây? Liệu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ nổ ra? Mời quý vị đón xem trong bài kế tiếp.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.