Ai không thỏa thuận vẫn có thể kiện Vedan

Đồng Nai đang hội ý dân, TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu đã ký thỏa thuận để Vedan bồi thường 100% thiệt hại cho nông dân bị thiệt hại kinh tế vì sông Thị Vải bị ô nhiễm.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.08.17
Buổi họp tại Bộ TNMT hôm 29/07/2010 về vụ Vedan. Buổi họp tại Bộ TNMT hôm 29/07/2010 về vụ Vedan.
Photo courtesy of bee.vn

Công ty Vedan chỉ nhận được sự cam kết bãi nại thôi kiện của những hộ dân đã được xác định trong hồ sơ. Nam Nguyên trình bày chi tiết:

Bảo đảm quyền khởi kiện

Bà Rịa Vũng Tàu là địa phương đầu tiên ký kết thỏa thuận với Vedan chiều 13/8. Theo đó 1.255 hộ dân bị thiệt hại kinh tế sẽ được Vedan bồi thường 53,6 tỷ đồng, theo danh sách số tiền được bồi thường cao nhất cho một hộ là 2,2 tỷ đồng và thấp nhất là 470.000 đồng. Vedan sẽ chuyển tiền làm hai lần mỗi lần 50%. LS Vũ Bá Thanh thuộc nhóm luật sư đại diện cho nông dân Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu:

Người bị thiệt hại phải chứng minh mình bị thiệt hại cái gì và cơ sở chứng cớ để chứng minh phải qua rất nhiều trình tự mới xác minh tìm ra được những nội dung mà mình cần để khởi kiện đòi bồi thường.

LS Vũ Bá Thanh

“Ngày 20/8 này tức sau 7 ngày ký biên bản thỏa thuận Vedan sẽ chuyển tiền vào tài khoản Ủy Ban Nhân Dân Huyện Tân Thành tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn mở tại Bà Rịa Vũng Tàu. Nhưng chúng tôi nhận được thông tin là ngày 18 này Vedan thực hiện nghĩa vụ bồi thường đợt 1 gồm 50% số tiền họ cam kết. Đồng thời một ngân hàng Thái Lan có trụ sở ở TP.HCM sẽ bảo đảm nghĩa vụ thanh toán phần còn lại chậm nhất vào ngày 14/1/2011. Như vậy Vedan đã có thiện chí thực hiện nghĩa vụ bồi thường trước hai ngày theo cam kết ký ngày 13 vừa rồi.”

Theo luật sư Vũ Bá Thanh 1.255 hộ dân đã nạp hồ sơ khởi kiện đồng ý rút đơn nếu Vedan thực hiện nghiêm chỉnh các thỏa thuận đã ký. Ngoài ra pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền khởi kiện của bất cứ người nào nằm ngoài danh sách đã xác minh. Tuy nhiên Luật Sư Thanh nhận định là ít có khả năng xảy ra vấn đề này. Ông nói:

Một nông dân Đồng Nai chỉ vào một đoạn ô nhiễm ở sông Thị Vải. Photo courtesy of vea.gov.vn
Một nông dân Đồng Nai chỉ vào một đoạn ô nhiễm ở sông Thị Vải. Photo courtesy of vea.gov.vn
“Quá trình điều tra xác minh thiệt hại đã thể hiện phương pháp làm việc khoa học và tương đối chuẩn mực và có thể bảo đảm cả các yếu tố pháp lý. Đấy cũng không phải là chuẩn mực duy nhất, nhưng để có được một bộ hồ sơ khởi kiện thì cũng phải có những trình tự cơ bản. Người bị thiệt hại phải chứng minh mình bị thiệt hại cái gì và cơ sở chứng cớ để chứng minh được điều đó thì cũng phải qua rất nhiều trình tự mới xác minh tìm ra được những nội dung mà mình cần để khởi kiện đòi bồi thường.”                        

Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được Vedan thanh toán 500 triệu đồng về chi phí điều tra, xác minh thiệt hại của địa phương. Trước khi hai bên ký cam kết thỏa thuận bồi thường, 1255 hộ dân đã được Ủy Ban Nhân Dân Bà Rịa Vũng Tàu cam bảo đảm là họ sẽ nhận được tiền theo danh sách, không thất thoát và cấm không thu phí của nông dân từ số tiền bồi thường.   

Vedan không thể lật kèo

Trong trường hợp Vedan không thực hiện đúng thỏa thuận này thì chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền ở Việt Nam.

LS Nguyễn Văn Hậu

Cũng như Bà Rịa Vũng Tàu, vụ kiện của người dân Cần Giờ TP.HCM bị thiệt hại kinh tế vì Vedan gây ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải được xem là đã khép lại. Hai bên đã ký kết thỏa thuận chiều 13/8 theo đó Vedan sẽ bồi thường 45,7 tỷ đồng cho 839 hộ dân. LS Nguyễn Văn Hậu đại diện ủy quyền của nông dân Cần Giờ Phát biểu với chúng tôi vào tối ngày 16/8:

“Ngay sau khi ký thỏa thuận, trong vòng 7 ngày, trong đợt 1 Vedan sẽ trả hơn 22 tỷ đồng VN và sau đó Vedan sẽ làm thư bảo lãnh của Ngân Hàng Bangkok cho đến hết ngày 14/1/2011 thì Vedan sẽ trả hết số tiền còn lại.                    

Chứng thư bảo lãnh chúng tôi đã soạn theo qui tắc quốc tế. Trong trường hợp Vedan không thực hiện đúng thỏa thuận này thì chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền ở Việt Nam, thời hiệu khởi kiện bắt đầu từ ngày Vedan không chấp hành nghiêm chỉnh thỏa thuận. Có nghĩa rằng, khi thảo bản thỏa thuận chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng với tư cách luật sư đại diện và chúng tôi thấy rằng Vedan không thể lật kèo trong việc này được. Còn nếu họ lật kèo thì thiệt hại thuộc về Vedan chứ không phải những người dân này.”

Nhà máy của công ty Vedan ở Đồng Nai. Photo courtesy of DatViet
Nhà máy của công ty Vedan ở Đồng Nai. Photo courtesy of DatViet
Trong vòng 7 ngày kể từ 13/8 Vedan cũng trả 500 triệu cho các cơ quan chức năng TP.HCM để thanh toán chi phí cho các hoạt động điều tra xác minh thiệt hại.        

LS Nguyễn Văn hậu nhấn mạnh rằng tiền bồi thường sẽ đến tận tay người nông dân Cần Giờ bị thiệt hại không bị cắt xén, các Luật Sư với tư cách đại diện sẽ giám sát việc chi trả và đã đề nghị Hội Nông Dân thực hiện việc này công khai minh bạch. Về khả năng phát sinh thêm hộ nông dân bị thiệt hại, LS Nguyễn Văn Hậu nhận định:

Chúng tôi đã tiếp xúc thường xuyên và chốt lại ở con số 839 hộ và được người dân đồng tình. Cho đến nay chưa ghi nhận khiếu nại nào khác, nhưng nếu có thì người dân có quyền khởi kiện và phải chứng minh được sự thiệt hại. Bởi vì ngay từ đầu chúng tôi chốt lại con số 839 hộ, chúng tôi khảo sát trên cơ sở chứng minh của những nhà khoa học Việt Nam và có phản biện của những nhà khoa học của Đài Loan.”

Đồng Nai tiếp tục hội ý dân

Trong khi Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM đạt thỏa thuận Vedan với Vedan chiều 13/8 vừa qua, thì mọi việc vẫn chưa thu xếp xong ở Đồng Nai, địa phương được bồi thường với con số cao nhất gần 120 tỷ đồng và có tới 5.000 người dân ở Huyện Long Thành và Nhơn Trạch nơi sông Thị Vải chảy qua báo cáo là bị thiệt hại.

Chiều 16/8 Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đồng Nai đã họp nội bộ về việc Vedan đề nghị bồi thường 120 tỷ đồng theo mức đánh giá của Viện Tài Nguyên Môi Trường. Cuộc họp không có đại diện Vedan và báo chí không được phép tham dự.

Fact box
- Sau hơn 3 tháng theo dõi.
- Ngày 13 tháng 9 năm 2008, đoàn kiểm tra bắt quả tang Công ty Vedan tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã xả một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.
- Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải tới 5.000m3/ngày ra sông.

Đáp câu hỏi của chúng tôi, sau những diễn biến mới nhất thì ách tắc ở Đồng Nai bắt nguồn từ đâu? Luật Sư Phan Thiên Vượng, trong nhóm luật sư tình nguyện trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Nai bị thiệt hại đưa ra nhận định:

“Thực ra nó cũng còn nhiều vấn đề nói chung phải xem xét lại, bởi vì có làm thì cũng phải thỏa mãn những cơ bản của bà con, để sau này bà con cầm tiền thấy rằng như vậy đã thấu tình đạt lý.”     

Theo Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Dung chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận là Tỉnh thống nhất mức thiệt hại 120 tỷ đồng theo đánh giá của Viện Tài Nguyên Môi Trường và Tổng Cục Môi Trường. Ông Dung cho biết, khác với TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu chính quyền Đồng Nai không biết rõ sự thiệt hại của người dân để áp giá bồi thường. Do đó UBND Tỉnh sẽ giao cơ quan chức năng lấy ý kiến hơn 5.000 hộ dân bị thiệt hại, để thống nhất ý kiến kiện hay thôi kiện Vedan và thỏa thuận nhận bồi thường. Đồng thời UBND Tỉnh sẽ tính toán, áp giá bồi thường cho người dân ở ba vùng ô nhiễm, theo kết quả xác minh của Viện Môi Trường Tài Nguyên chứ không xem xét những hộ nằm sát vùng ô nhiễm bị thiệt hại và đang kiện Vedan. Hiện nay phát sinh hàng trăm trường hợp nằm ngoài danh sách bồi thường thuộc bốn xã Long Phước, Phước Thái Huyện Long Thành và Phước An, Long Thọ Huyện Nhơn Trạch.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.