Campuchia xét xử GĐ Đài phát thanh Tổ Ong

Ngày 11/9, Tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã đưa vụ án phong trào ly khai liên quan đến Giám đốc Đài phát thanh Tổ Ong ra xét xử sơ thẩm.
Quốc Việt, thông tín viên RFA
2012.09.13
P-3-305.jpg Người dân biểu tình đòi trả tự do cho ông Mam Sonando bên ngoài toà án ngày 11/9/2012.
RFA photo/ Quốc Việt

Vụ án không đơn giản

Tòa án sở thẩm thủ đô Phnom Penh vừa kết thúc phiên xử ông Mam Sonando, Giám đốc Đài phát thanh Tổ Ong, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dân chủ về tội danh đứng đầu phong trào ly khai tại tỉnh Kratie, hồi ngày 16/5/2012.

Tham gia phiên xử, có đến 22 trong tổng số 86 nhân chứng. Phần lớn là người được chính phủ mời đến. 14 nhân chứng của tòa án có mặt tại phiên xử được chính phủ Phnom Penh hỗ trợ kinh phí di chuyển từ tỉnh Kratie tới tòa án ở thủ đô Phnom Penh, kinh phí ăn ở, nghỉ ngơi và kể cả chế độ đảm bảo sức khỏe trong những thời gian diễn ra phiên xử.


Tôi không được làm gì sai. Tôi tôn trọng luật pháp và Hiến pháp. Chúng ta có luật, Luật sẽ bảo vệ chúng ta.

Ô. Mam Sonando

Phiên xử diễn ra từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Phần lớn thẩm phán chất vấn liên quan ông Bun Ratha, người đang bị tòa án Phnom Penh cáo buộc cùng đứng đầu phong trào ly khai. Thẩm phán tòa sơ thẩm Phnom Penh tuyên bố phiên xử sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 12/9.

Luật sư Sok Sam Oeun, bào chữa cho ông Mam Sonando cho biết tại phiên xử nhiều nhân chứng được tòa án mời đến đã không biết chữ. Những lời khai đề cập đến vụ án để cáo buộc thân chủ của ông đều thiếu xác đáng. Trong khi đó, nhiều nhân chứng phản ứng tại phiên tòa rằng một số nội dung trong lời khai không giống lời khai mà họ cung cấp cho cảnh sát trước đó.

Ông Sok Sam Oeun nói thân chủ của ông không có liên quan tới phong trào ly khai. Ông cho rằng trong khoảng thời gian người dân tỉnh Kratie khiếu nại đất đai, ông Mam Sonando đang công tác ở nước ngoài và cũng không có liên lạc với bất cứ người nào ở tỉnh trên.

Luật sư Sok Sam Oeun phát biểu: “Trước mắt, thân chủ của tôi bị cáo buộc bốn tội danh liên quan người dân ở xóm Kra-ma, gồm chống đối chính quyền, kích động bãi công, can thiệp bất hợp pháp vào công việc của chính quyền và kích động dân cầm vũ khí chống nhà nước. Vụ án này không đơn giản.

Trong trường hợp tòa án xử dụng lời khai trong biên bản khi nhân chứng không đến thì sẽ gây khó khăn hơn. Vì lời khai trên giấy tờ khác với lời khai của nhân chứng. Theo lý thuyết, nếu tòa án xử độc lập, minh bạch thì thân chủ tôi không có tội 100%.”

Bên ngoài phiên tòa đã có khoảng 1.000 người dân tiểu tình đòi tòa án trả tự cho ông Mam Sonando. Họ hô khẩu hiệu đòi tòa án thả người, cáo buộc tòa án tham nhũng, vụ án có liên quan đến vấn đề chính trị…

Trong khi đó cũng có khoảng 300 cảnh sát chặn đường không cho người dân tiến vào gần tòa án. Vụ việc càng căng thẳng khi người dân xô xát đòi vượt hàng rào vào trong khiến một người dân bị thương nhẹ.

Bắt người không bằng chứng

Ông James Heenan, đại diện văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ tại Campuchia. RFA photo/ Quốc Việt.
Ông James Heenan, đại diện văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ tại Campuchia. RFA photo/ Quốc Việt.
Ngoài ra, còn có rất nhiều tổ chức Nhân quyền trong nước và quốc tế đến theo dõi phiên xử. Trung tâm bảo vệ Nhân quyền Campuchia bày tỏ thất vọng khi chính phủ Phnom Penh đã lạm dụng giam giữ 2 tháng đối với ông Mam Sonando trước khi xét xử. Các cáo buộc chống ông Mam Sonando là sự giả mạo và có động cơ chính trị và không bằng chứng.

Còn ông James Heenan, đại diện văn phòng Cao ủy Nhân quyền của LHQ tại Campuchia nói với phóng viên Quốc Việt của RFA rằng nhìn chung không khí tại phiên tòa công khai. Còn ở phía ngoài cũng có thể chấp nhận được. Ông phấn khởi khi lực lượng cảnh sát Phnom Penh không dùng bảo lực đàn áp dân biểu tình ủng hộ ông Mam Sonando và đòi tòa án thả ông này.

Ông James Heenan nói:“Chúng tôi rất vui khi thấy cảnh sát không dùng bạo lực đàn áp dân vào sáng nay. Chúng tôi không muốn thấy có trường hợp đáng tiếc xảy ra liên quan vụ án này và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sự việc…”

Ông Mam Sonando từng nói với báo chí sau khi trở về nước ngày 12/7 rằng ông không bất nghờ việc Thủ tướng Hun Sen cáo buộc ông có liên quan đến phong trào ly khai. Nhưng ông nói ông là người trong sạch, ông sẵn sàng về nước. Ông phát biểu:

“Tôi không lo vì tôi không được làm gì sai. Tôi tôn trọng luật pháp và Hiến pháp. Chúng ta có luật, Luật sẽ bảo vệ chúng ta. Tôi muốn nhắn rằng nếu là người lãnh đạo tốt, thì phải đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho dân…”


Chúng tôi không muốn thấy có trường hợp đáng tiếc xảy ra liên quan vụ án này.

Ô. James Heenan

Trước đó, các tổ chức nhân quyền và nhà quan sát sự kiện Campuchia ra thông cáo trong khi xứ chùa Tháp có nền kinh tế, chính trị ổn định và đang đóng vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, vụ việc này sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín chính phủ.

Thông cáo trên còn nhấn mạnh, thực tế Phnom Penh muốn đổ lỗi cho nhà hoạt động dân chủ và bắt ông này chịu trách nhiệm trước cái chết của đứa bé 14 tuổi trong vụ đàn áp người dân khiếu nại ở tỉnh Kratie ngày 16/5/2012.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Văn phòng báo chí và phản ứng nhanh của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia là ông Tith Sothea nói các tổ chức nhân quyền nên tìm luật sư giỏi để bào chữa cho ông Mam Sonando còn hơn phê phán chính phủ. Vụ án đang nằm trong tay tòa án chứ không liên quan đến chính phủ.

Ông Mam Sonando từng bị giam giữ hết hai tuần trong năm 2003 vì bị cáo buộc phát hành thông tin sai sự thật và kích động mọi người phân biệt đối xử.

Năm 2005, ông bị chính phủ Phnom Penh bắt bỏ tù 3 tháng vì cáo buộc tội kích động, nói xấu và xuyên tạc trong vấn đề biên giới giữa Campuchia – Việt Nam.

Ông bị bắt lần thứ ba hồi ngày 15/7 sau khi công tác ở Châu Âu và Mỹ hết 4 tháng. Việc bắt giữ này do Thủ tướng Campuchia Hun Sen chỉ đạo.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.