Campuchia sẽ không để mất một tấc đất nào

Thủ tướng Campuchia bỏ ra 5 tiếng đồng hồ để giải thích xung quanh vấn đề cắm mốc biên giới với Việt Nam tại Quốc hội sáng ngày 9/8. Campuchia không mất đất một mét nào nhưng phải hoán đổi ngôi làng với Việt Nam.
Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
2012.08.09
054_COR10069-305.jpg Tấm bản đồ biên giới Cambodia từ thời Pháp thuộc
AFP photo

Biên giới đất liền

Thủ tướng Campuchia Hun Sen trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan đường biên giới đất liền, biên giới biển và các đảo giữa Campuchia – Việt Nam mà giới trí thức cũng như đảng đối lập cáo buộc chính phủ đang nhượng bộ Việt Nam lấn đất tùy tiện.

Ông Hun Sen nói rằng vấn đề đường biên giới đất liền với Việt Nam là vấn đề chủ quyền lãnh thổ còn thiếu sót dưới thời Pháp thuộc. Pháp vẽ bàn đồ biên giới không rõ, công tác cắm mốc biên giới không thích hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời tự thay đổi vị trí một số cột mốc tùy ý khiến người dân Campuchia và Việt Nam bất thuận vì đã thiếu thông tin và sự hiểu biết về lịch sử biên giới.

Sau khi Quốc vương Sihanouk giành được độc lập năm 1953, Quốc vương Sihanouk bắt đầu vận động các nước trên thế giới công nhận bản đồ biên giới có sẵn thời Pháp thuộc và đăng ký bản đồ tại Liên Hiệp Quốc với khổ 1/100.000, trong khi đó chủ quyền lãnh thổ chỉ có diện tích 181.035 km2, không nói đến đảo Phú Quốc và đất Kampuchea Krom ở miền Nam Việt Nam hiện nay.

Theo ông, sau khi Khmer Đỏ sụp đổ, chính phủ Phnom Penh hiện nay cũng chỉ công nhận những bản đồ có sẵn, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà Quốc vương để lại. Mặc dù điều 2 của Hiến pháp chỉ công nhận đường biên giới bản đồ khổ 1/100.000 nhưng đường biên giới với Thái Lan lại có bản đồ tỷ lệ 1/200.000. Do sự thiếu sót của Pháp luật nên chính phủ buộc phải ký 3 Hiệp ước biên giới với Việt Nam. Trong đó, Hiệp định về quy chế biên giới tạo cơ sở để duy trì quản lý biên giới ký ngày 20/7/1983; Hiệp ước hoạch định đường biên giới ký ngày 27/12/1985 xác nhận việc chuyển vẽ  đường biên giới từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 và thứ ba là Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 ký ngày 10/10/2005.

Ông nói trong Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, Campuchia yêu cầu vẽ bản đồ khổ 1/50.000. Căn cứ vào Hiệp ước và công tác đo đạc của Ủy ban biên giới được thực hiện mới đây diện tích lãnh thổ sẽ là 181.606 km2. Đất Campuchia nằm trên lãnh thổ Việt Nam khoảng hơn 916ha, còn đất Việt Nam nằm trong lãnh thổ Campuchia khoảng hơn 2160ha. Điều này có nghĩa Việt Nam còn phải trả lại đất cho Campuchia khoảng hơn 1243ha.

Ông Hun Sen cho biết: “Cách điều chỉnh hoán đổi làng là giữ nguyên và dân sống trong làng như thường như đã ký trong Biên bản ghi nhớ ngày 23/4/2011. Đổi đất ngay tại địa phương. Nếu không có đất tại tỉnh đó thì đi tìm nơi khác để hoán đổi. Tôi khẳng định rằng không mất đất một mét vuông nào. Không có làng Khmer nào phải mất đất. Việc điều chỉnh hoán đổi như vậy Việt Nam cũng từng thực hiện với Lào và Trung Quốc trước đây.”

Tôi khẳng định rằng không mất đất một mét vuông nào. Không có làng Khmer nào phải mất đất.
TT. Hun Sen

Ông Hun Sen nói năm 1970, Quốc vương Sihanouk bị chế độ Lon Nol đảo chính lật đổ vì cáo buộc phục tùng và bán đất cho Việt Nam. Hiện đảng đối lập lại xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống và cáo buộc chính phủ cho phép nước láng giềng lấn cột mốc. Việc này có lẽ đảng đối lập cũng đang kích động dân gây xung đột và có ý đảo chính lật đổ chính phủ.

Trong khí đó, dân biểu Son Chhay từ đảng đối lập Sam Rainsy nói công tác cắm mốc biên giới của Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Campuchia – Việt Nam đã sử dụng dụng cụ thiếu hiện đại, cách đo đạc thiếu minh bạch khách quan, đồng thời thiếu trách nhiệm về vấn đề biên giới với Việt Nam. Vì lý do này, đảng Sam Rainsy đòi Thủ tướng phải giải thích rõ, đồng thời thành lập Ủy ban hỗn hợp để giám sát công tác cắm mốc biên giới trên đất liền.

Ông nói đảng Sam Rainsy hoan nghênh sự hiện diện của Thủ tướng tại Quốc hội, trong đó có thừa nhận nhiều ngôi làng và khu vực đất nằm trên phần đất Việt Nam. Việc chính phủ làm rõ vấn đề biên giới sẽ khiến người dân hết thắc mắc và đang chờ xem Việt Nam có trả lại đất 1234,9ha hay không.

Dân biểu Son Chhay: “Tôi thật ngạc nhiên khi Thủ tướng đến giải trình như vậy. Nhưng tất cả mọi câu trả lời đều gắn liền vấn đề cựu Quốc vương Norodom Sihanouk. Tôi nghĩ chính phủ quá lo lắng những gì mà chế độ Lon Nol làm hồi năm 1970. Chính phủ không nên quá lo lắng về vấn đề đó. Còn câu trả lời của chính phủ đều phụ thuộc vào dân là có thể chấp nhận được không. Đối với đảng Sam Rainsy thì không làm dấy lên vấn đề biên giới để đảo chính lật đổ .”

Biên giới biển, đảo

Thủ tướng Campuchia Hun Sen với tấm bản đồ trong một cuộc họp báo với giới truyền thông tại Phnom Penh hôm 22/7/25011. AFP photo
Thủ tướng Campuchia Hun Sen với tấm bản đồ trong một cuộc họp báo với giới truyền thông tại Phnom Penh hôm 22/7/25011. AFP photo
Thủ tướng Campuchia Hun Sen với tấm bản đồ trong một cuộc họp báo với giới truyền thông tại Phnom Penh hôm 22/7/25011. AFP photo
Về vấn đề vạch đường biên giới biển, đảo với Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh việc cáo buộc Việt Nam lấn biển khoảng 10.000 cây số là sự cáo buộc vô lý mang tính chính trị. Ông nói Campuchia và Việt Nam vẫn chưa có sự thống nhất về biên giới biển.

Còn đảo Phú Quốc và Kampuchea Krom ở miền Nam Việt Nam thì chính phủ vẫn giữ lập trường không đòi lại. Ông Hun Sen giải thích rằng năm 1939 Pháp đặt đảo Phúc Quốc dưới sự quản lý của Việt Nam. Năm 1949, Pháp giao miền đất Kampuchea Krom cho vua Bảo Đại và năm 1964 quốc tế công nhận đường biên giới của Campuchia – Việt Nam.

Nhưng thực ra đảng đối lập cũng chỉ đòi minh bạch đường biên giới hiện tại. Hiện nay cũng không có tổ chức nào đòi lại đảo Phú Quốc và Kampuchea Krom như chính quyền Phnom Penh và Hà Nội thường cáo buộc.

Ông Rong Chhun, đại diện Hội đồng giám sát Campuchia, người từng bị tù đày vì phê bình và cáo buộc Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 nhận xét việc chính phủ sử dụng Hiệp ước bổ sung năm 2005 sẽ làm Campuchia thiệt thòi trong vấn đề biên giới biển sắp tới. Để công tác cắm mốc biên giới có minh bạch và khách quan, chính phủ cần cho phép đối tác thứ ba tham gia giám sát.

Ông Rong Chhun phát biểu: Hiệp ước bổ sung năm 2005 là một Hiệp ước trái ngược với Hiệp ước Paris năm 1991 được quốc tế công nhận. Ngoài ra, nếu chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện công tác cắm mốc với Việt Nam mà không được quốc tế giám sát thì Campuchia sẽ bị mất đất.”

Đây là lần thứ nhất trong lịch sử, Thủ tướng đến Quốc hội để trả lời xung quanh vấn đề biên giới với Việt Nam. Đường biên giới đất liền giữa Campuchia – Việt Nam có tổng chiều dài 1270km. Tính đến hiện nay, Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Campuchia – Việt Nam đã dựng được 252 trên 375 cột mốc.

Theo Thủ tướng Hun Sen, sau khi kết thúc công tác cắm mốc biên giới trên đất liền, Campuchia và Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận để chuẩn bị cho biên giới biển. Campuchia cũng sẽ xây dựng bản đồ khổ 1/25.000 sau khi hoàn thành cắm mốc biên giới. Ông Hun Sen cũng yêu cầu Quốc hội chuẩn bị dự thảo luật để công nhận khổ bản đồ mới với mục đích đem lại lợi ích cho quốc gia.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.