ASEAN không đạt được thông cáo chung cho Biển Đông
2012.07.19
Mời quí vị cùng Thanh Trúc lượt qua ý kiến và quan điểm của chuyên gia về biển Đông cũng như về ASEAN ở trong và ngoài nước như thế nào:
Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng ASEAN lần thứ 45, gọi tắt là AMM45, với vấn đề biển Đông gần như chiếm phần lớn lịch trình thảo luận, kết thúc đã mấy ngày nhưng dư âm vẫn được dư luận trong và và ngoài nước nhắc lại mấy hôm nay.
Những bất đồng trong nội bộ các thành viên
Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Quang Vinh, trưởng SOM ASEAN Việt Nam , tuyên bố với báo chí rằng đoàn Việt Nam lấy làm tiếc hội nghị không đưa ra được một bản thông cáo chung phản ảnh quá trình trao đổi và kết quả đạt được trong các vòng họp của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác.
Vẫn theo lời ông Phạm Quang Vinh, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã cố gắng đóng góp, tìm một công thức phù hợp phản ảnh mối quan tâm chung của các quốc gia thành viên song mọi nỗ lực và mọi cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên khoa Luật tại Đại Học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét:
Lần đầu tiên trong bốn mươi lăm năm hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN đã không cho ra được một thông cáo chung, cho thấy cái thực tế là quan điểm của các quốc gia liên quan đến tranh chấp biển Đông đã có những khoảng cách nhất định nào đó.
Cụ thể nhất là cách nhận xét của các ngoại trưởng Philippines, Indonesia ngoại trưởng Việt Nam. Tuy nhiên nhìn ở góc đô lạc quan hơn như lời bà ngoại trưởng Hillary khi bà cho rằng đây là dấu hiệu của một ASEAN đã trưởng thành và ASEAN đang trực tiếp đối diện một vấn đề mà không né tránh nó mặc dù vấn đề rất là gai góc.
Thế thì ASEAN thực ra mà nói còn tồn tại bất đồng trong nội bộ các thành viên, cụ thể như là Thái Lan Campuchia xung đột liên quan đến vùng biên giới gần đền Preah Vihear, hay là Malaysia Philippines cũng bất đồng nhau về tranh chấp lãnh thổ vùng Shaba, chỉ một số điều đã thấy rằng bản thân ASEAN đã không có sự đồng nhất, đã có những mâu thuẫn tiềm tàng bên trong, cộng với sự tác động của Trung Quốc. Đến bây giờ Trung Quốc đã thành công trong việc tạo nên một ASEAN có dính líu trực tiếp đến tranh chấp biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines và một số nước khác không dính líu trực tiếp đến tranh chấp biển Đông ví dụ nước chủ nhà ASEAN năm nay là Campuchia chẳng hạn. Điều đó dẫn tới ASEAN không đồng nhất được mà còn bị chia rẽ vì lợi ích.
ASEAN thực ra mà nói còn tồn tại bất đồng trong nội bộ các thành viên, cụ thể như là Thái Lan Campuchia xung đột ... gần đền Preah Vihear, hay là Malaysia Philippines cũng bất đồng nhau về tranh chấp lãnh thổ vùng Shaba, chỉ một số điều đã thấy rằng bản thân ASEAN đã không có sự đồng nhất
Thạc sĩ Hoàng Việt
Báo Philippines Daily Inquirer phát hành tại Manila hôm Chúa Nhật trích dẫn lời ngoại trưởng Albert Del Rosario rằng sự kiện không công bố được bản thông cáo chung sau những vòng họp lần này ở Campuchia là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ASEAN trước nay.
Theo ông đáng lẽ phải tiến tới thông cáo chung phản ảnh lập trường của ASEAN trước những vụ tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hãi giữa một vài nước thành viên trong khối với Trung Quốc, điển hình tranh chấp trên vùng biển Tây Philippines hay biển Nam Trung Hoa như Trung Quốc thường gọi.
Ông nói ngay từ đầu diễn ra hội nghị AMM45 ở Phnom Penh, tình hình tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough, tức bãi Panatag theo tiếng Phi và Hoàng Nham theo tiếng Hoa, nhiều lần được ông nêu ra trước hội nghị và nhiều lần được bàn thảo giữa ngoại trưởng các nước.
Chính vì thế, Philippines hoàn toàn hy vọng hội nghị lần này có thể giúp giải quyết những thử thách trên vùng Biển Tây mà Manila phải đối diện lâu nay.
Ngoại trưởng Philippines cũng không quên chỉ trích nước chủ nhà Campuchia, là không làm tròn trách nhiệm của đương kim chủ tịch luân phiên ASEAN mà còn gây cản trở cho sự đồng thuận về bản thông cáo chung, đặc biệt sau khi Phnom Penh lên tiếng rằng lần đầu tiên ASEAN không thể có bản thông cáo chung chỉ vì sự mâu thuẩn song phương giữa một vài thành viên trong khối với một quốc gia láng giềng.
Sự thất bại là một bài học chung cho ASEAN
Tại một buổi hội thảo ở đại học Thammasat của Thái Lan ngày hôm qua, để cập đến vấn đề hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN thất bại trong việc công bố bản thông cáo chung vào khi kết thúc, tiến sĩ Prapat Thepchatree, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN trong đại học Thammasat nhận định:
Đây là bước lùi của ASEAN trong tư cách một tổ chức quốc tế , ảnh hưởng đáng kể đến thể diện của ASEAN trước đó được coi như một khối đoàn kết mà từng quốc gia thành viên cùng cố gắng đạt tới.
Rất tiếc việc không có được bản thông cáo chung lần này đã chứng tỏ ASEAN đang bị phân hóa, không có và không thể gióng lên tiếng nói chung . Sự chia rẻ là điều ASEAN sẽ đối mặt khi cần giải quyết những vấn đề của mình trong những ngày tới.
Một điều quan trọng khác là trong khi cố san bằng dị biệt để bước vào Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN ba năm tới, thì ngay lúc này đã thiếu sự đồng lòng sự hỗ trợ ít nhiều, thiếu cái tinh thần tự coi mình là một thành phần gắn bó với tổ chức, thậm chí không thể đồng ý với nhau về một chuyện giản dị là bản thông cáo chung, thì tôi nghĩ nên xem đây là một bài học. Trong tương lai nên chú trọng đến cái gọi là lý lịch ASEAN của mình để có được tiếng nói đồng nhất của một khối và có thể tiến tới thành quả mong muốn về một cộng đồng chung ASEAN.
Hành động của Campuchia trong hội nghị bộ trưởng ... là một dấu hiệu cho thấy ASEAN bắt đầu bị rạn nứt trong chính nội bộ bởi những thế lực từ bên ngoài. Do đó chính phủ của các nước ASEAN nên lấy cái hội nghị bộ trưởng ngoại giao lần này là bài học cảnh giác để mà xây dựng những phương án cụ thể...
ông Đinh Kim Phúc
Trước và sau hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN AMM45 cũng như các diễn đàn ASEAN liên quan, khái niệm về Cộng Đồng Chung ASEAN hoặc Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN, gọi tắt là AEC, được Thái Lan, một quốc gia tiên phong của ASEAN, ra sức quảng bá và cổ võ trên mặt báo cũng như trong các buổi thảo luận ở Bangkok.
Hôm qua, khi đề cập về AEC, dự kiến diễn ra năm 2015, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN, tiến sĩ Prapat Thepchatree, cũng bày tỏ mối quan ngại là có thể việc hình thành AEC sẽ không mấy thuận buồn xuôi gió khi mà ngay lúc này mười quốc gia trong khối chưa thể hiện được tiếng nói và lập trường chung của mình.
Theo ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu biển Đông, tác giả của “Hoàng Sa Trường Sa, Luận Cứ& Sự Kiện”, một cộng đồng ASEAN hay một sân chơi chung mà mười nước Đông Nam Á có gắng và quyết tâm xây dựng hãy còn là điều khá xa vời:
Vì một điều nhỏ nhất là tạo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á, để góp phần ổn định vào môi trường ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới còn không làm được thì lấy gì có thể tạo ra được một sự thống nhất giữa mười đất nước ASEAN phát triển không đồng đều.
Hành động của Campuchia trong hội nghị bộ trưởng ngoại giao lần thứ 45 này là một dấu hiệu cho thấy ASEAN bắt đầu bị rạn nứt trong chính nội bộ bởi những thế lực từ bên ngoài. Do đó chính phủ của các nước ASEAN nên lấy cái hội nghị bộ trưởng ngoại giao lần này là bài học cảnh giác để mà xây dựng những phương án cụ thể, nếu muốn Cộng Đồng Đông Nam Á trở thành hiện thực.
Ngay sau khi hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao ASEAN cùng các quốc gia đối tác, trong đó có Trung Quốc, kết thúc ở Phnom Penh, báo chí của nhà nước Bắc Kinh mô tả những vòng họp đó rất hữu ích, rằng quan điểm của Trung Quốc được một số nước ASEAN ủng hộ .
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn lên tiếng khuyến cáo Philippines là đừng nên gây rắc rối liên quan đến bãi cạn Scarborough mà hai bên đang tranh chấp chủ quyền.
Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.
Theo dòng thời sự:
- ASEAN quyết tâm giữ hòa bình trong khu vực
- ASEAN và tham vọng đạt được COC vào cuối năm 2012
- ASEAN thảo luận về tình hình Biển Đông
- Việt Nam-Trung Quốc tuyên bố cùng tìm giải pháp cho biển Đông
- Ảnh hưởng của ASEAN tại Biển Đông
- Thành viên các nước ASEAN họp tại Campuchia
- ASEAN không muốn gây bất đồng với các nước trong khu vực
- Tranh chấp biển Đông: chủ quyền chưa hẳn là vấn đề
- Philippines kêu gọi ASEA hợp tác chặt chẽ hơn về Biển Đông
- Việt Nam quan ngại tình hình bãi cạn Scarborough