Thảm họa môi trường – Bài học nào cho Việt Nam?
2011.12.27
Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí vị cùng điểm lại một số thông tin liên quan thảm họa đó và bài học cho Việt Nam.
Tai nạn nguyên tử tệ hại
Ngày 11 tháng 3 năm 2011 là ngày thảm họa đối với người dân tại khu vực đông bắc Xứ Phù Tang bởi không ai ngờ đến một thảm họa kép giáng xuống vùng đất của họ. Trận động đất mạnh đến 9 độ trên thang địa chấn Richter dâng sóng thần càn quét vùng đất của họ. Thế nhưng thảm họa không dừng lại ở những chấn động làm rung chuyển, đổ nhà cửa hay tạo sóng cao ập xuống sâu vào đất liền; mà sóng cao đến hơn chục mét là nguyên nhân dẫn đến mất điện khiến hệ thống làm nguội của các lò phản ứng hạt nhân bị ngưng hoạt động. Từ đó gây nên những vụ cháy nổ, tình trạng tan chảy các thanh nhiên liệu làm phóng xạ bị rò rỉ ra bên ngoài. Đây được xem là tai nạn nguyên tử tệ hại nhất kể từ vụ Chernobyl của Nga hồi năm 1986.
Các chính trị gia nói ông tân thủ tướng Noda cũng không biết gì về điện nguyên tử hết mà dám nói điện nguyên tử an toàn để ‘bán điện hạt nhân’ cho Việt Nam.
Ô. Âu Minh Dũng
Hơn chín tháng sau khi xảy ra vụ việc, vào ngày 16 tháng 12 năm 2011, thủ tướng Yoshihiko Noda của Nhật chính thức tuyên bố đủ điều kiện ‘đóng nguội’ nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Ông cho biết tai biến tại nhà máy đó nay đã được kiểm soát.
Tuần trước đó, cũng theo thủ tướng Nhật Bản thì nhiệt độ trong ba lò phản ứng có các lõi nhiên liệu bị nóng chảy, hầu như đã hạ xuống dưới điểm sôi và lượng phóng xạ rò rỉ giảm đáng kể. Đây là hai điều kiện để ‘đóng nguội’ nhà máy.
Đó cũng là điều kiện cần thiết để có thể sắp tới đưa gần cả trăm ngàn cư dân sống trong bán kính 20 km của nhà máy lâu nay phải đi sơ tán trở lại nơi cư ngụ cũ trước khi xảy ra thảm họa.
Thế nhưng ngay ngày hôm sau khi thủ tướng Nhật tuyên bố ‘đóng nguội’ nhà máy Fukushima, truyền thông Nhật Bản lên tiếng bày tỏ quan ngại về tuyên bố đó của thủ tướng và cho rằng nói như thế là còn sớm.
Ông Tetsunari Iida, giám đốc Viện Chính sách Năng lượng Bền Vững của Nhật, một nhóm chống năng lượng nguyên tử, thì cho rằng những từ ngữ được sử dụng có phần bị lệch lạc, không theo đúng nghĩa của chúng và tạo ra cảm tưởng là mọi chuyện đến lúc này ổn rồi.
Ông Kazuhiko Kudo, nhà vật lý nguyên tử tại đại học Kyushu lên tiếng cho rằng tuyên bố ‘đóng nguội’ của thủ tướng có thể tạo nên cảm tưởng rằng nhà máy được cấp chứng chỉ an toàn chính thức rồi. Nếu như thế thì đó sẽ là vấn đề.
Ông Takashi Sawada, phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Nhật Bản, một nhóm ủng hộ năng lượng nguyên tử thì cho rằng cũng chấp nhận được, khi nói là những lò phản ứng đã cơ bản đạt đến điều kiện nguội ổn định. Dù rằng theo ông này thì từ ‘đóng nguội’ không có nghĩa là cả bốn lò phản ứng bị tai biến nay đã hoàn toàn bình thường trở lại rồi.
Ông Âu Minh Dũng, một người Việt sống tại Nhật Bản lâu nay cho biết ý kiến về tuyên bố của thủ tướng Yoshihiko Noda về việc ‘đóng nguội’ nhà máy điện nguyên tử Fukushima:
“Tâm lý của người dân Nhật là người ta vẫn không tin lời ông thủ tướng này nói. Lý do trước đây đã có những tuyên bố lạc quan nhưng sau đó lòi ra hết cả mọi chuyện. Bây giờ người ta chỉ tin vào những gì các nhà khoa học nói mà thôi.
Vừa rồi trên kênh truyền hình số năm có cuộc bàn luận của các chính trị gia, và họ nói ông tân thủ tướng Noda cũng không biết gì về điện nguyên tử hết mà dám nói điện nguyên tử an toàn để ‘bán điện hạt nhân’ cho Việt Nam. Khi hỏi ông điện hạt nhân an toàn thế nào ông không trả lời được.
Chính những khoa học gia nhưng chúng tôi ngồi tại đây xác định thuỷ điện vẫn xảy ra tai nạn huống gì điện hạt nhân. Ai nói điện hạt nhân an toàn là không hiểu gì về điện hạt nhân.”
Theo tính toán thì lượng phóng xạ rò rỉ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima ở Nhật chỉ chừng 1/5 lượng phóng xạ của thảm họa Chernobyl tại Nga. Tuy nhiên phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima cũng đã nhiễm vào các loại lương thực thực phẩm trong vùng như gạo, rau, thịt bò… Người dân sản xuất ra các loại lương thực, thực phẩm đó phải chịu khốn đốn vì hàng bị người tiêu dùng không mua, và nhiều sản phẩm từ đó bị các nước khác cấm nhập.
Vào ngày 12 tháng tư năm nay, tức một tháng sau khi xảy ra thảm họa tai biến tại nhà máy điện Fukushima, chính phủ Nhật cho nâng mức nghiêm trọng của tai biến đó lên mức cao nhất trên thang đánh giá của thế giới, ngang bằng với thảm họa Chernobyl dù lượng phóng xạ phát tán ra ngoài không bằng.
Các nước đóng cửa nhà máy
Những nhà chính trị thảo luận của Nhật cho rằng ông Noda ‘gắp lửa bỏ tay người’, vì việc mình giải quyết không được mà dám nói với người khác ‘an toàn’.
Ô. Âu Minh Dũng
Sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, chính quyền tại nhiều nước từ Á sang Âu đều lên tiếng yêu cầu ngành hạt nhân tại quốc gia họ phải rà soát lại tình trạng an toàn của các nhà máy.
Thủ tướng Angela Merkel hồi cuối tháng năm mạnh mẽ cho biết nước Đức sẽ theo từng giai đoạn đóng hết 17 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022.
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, đại học bách khoa Grenoble Pháp, và nguyên cố vấn chiến lược công ty điện lực EDF của Pháp, trình bày trong một chương trình trước đây của Đài Á Châu Tự do về mức độ an toàn của các loại lò phản ứng điện hạt nhân như sau:
“Các kiểu lò từ thế hệ 1 đến thế hệ 2 như PWR vẫn chưa đạt được mức an toàn đòi hỏi. Kiểu lò thế hệ ba dần dần xuất hiện ở một vài nước như lò EVR của Pháp đang được xây cất ở Flamanville thuộc miền bắc nứơc Pháp, và ở Phần Lan. Nhưng nên nhớ rằng lò thế hệ 3 chỉ là kiểu lò tiến hóa, chứ không phải lò ‘cách mạng’. Lò EPR tinh xảo hơn lò PWR nhưng cũng cùng một công nghệ mà nhiều chuyên gia xem như đã lỗi thời.
Tôi xin phép kê ra những tiến bộ của lò EPR cần được lưu ý: hệ thống an toàn được tăng cường, số xác suất tim lò bị nóng chảy được hạ thấp, hậu quả phóng xạ được hạn chế, nhiên liệu hạt nhân được sử dụng tối ưu.
Lò thế hệ 4 đang được 12 nước chung sức nghiên cứu, trên lý thuyết sẽ được an toàn, nhưng không ai có thể bảo đảm sự an toàn tối ưu, hay tuyệt đối. Những tiêu chuẩn chính của loại lò này là: tiết kiệm được chu kỳ nhiên liệu, hạn chế chất thải phóng xạ, hạn chế sự lan rộng vũ khí nguyên tử.
Lò thế hệ 4 không thể xuất hiện trước những năm 2035, 2040. Tuy vậy Pháp có tham vọng cho chạy lò mẫu (active) 600 MW trước các nước khác vào năm 2020. Một số ít lò neutron nhanh làm lạnh bởi sodium được khai thác ở Nga, Nhật Bản và cũng đang được xây cất ở Trung Quốc, Ấn Độ nhưng những lò này không có độ an toàn cao như kiểu lò thế hệ 4.”
Việt Nam xây mới
Trong khi đó thì Việt Nam là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á,muốn triển khai điện hạt nhân như một cứu cánh giúp đáp ứng nhu cầu khát năng lượng của họ.
Bài báo của tác giả Sonia Kolesnikov Jessop trên tờ The New York Times đăng hồi cuối tháng 11 vừa qua nhắc lại đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, IAEA, cho rằng dù tình hình của Fukushima khiến cho nhiều nước như Đức, Bỉ… có kế hoạch đóng dần các nhà máy điện nguyên tử của họ, nhưng công tác xây dựng những nhà máy dạng này ở nhiều quốc gia vẫn tiến triển bình thường, đặc biệt ở Châu Á. IAEA dự báo những yếu tố góp phần gia tăng mong muốn sản xuất năng lượng nguyên tử vẫn không có gì thay đổi.
Lò thế hệ 4 đang được 12 nước chung sức nghiên cứu, trên lý thuyết sẽ được an toàn, nhưng không ai có thể bảo đảm sự an toàn tối ưu, hay tuyệt đối.
GS Nguyễn Khắc Nhẫn
Việt Nam sẽ là quốc gia vào năm 2020 sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Theo kế hoạch công tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được triển khai tại Ninh Thuận. Công ty Nga Atomstroyexport sẽ đảm nhận công tác này và nhà máy đầu tiên này của Việt Nam sẽ có hai lò phản ứng VVER-1000 hay 1200. Việt Nam cũng sẽ hợp tác với phía Nhật xây dựng hai lò phản ứng tại nhà máy thứ hai cũng ở tỉnh Ninh Thuận. Tin cho biết, Việt Nam muốn xây dựng ít nhất tám nhà máy điện nguyên tử.
Ông Nguyễn Nhị Điền, giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt của Việt Nam cho biết về hệ thống lò phản ứng có thể được sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam:
“Nhà máy đầu sẽ chọn công nghệ của Nga là nhà máy VVER-1000; tuy nhiên trong VVER-1000 có một số loại như EF-92,91. Có lẽ sẽ chọn một trong những loại đó. Tổng công ty Điện lực sẽ chọn loại thế hệ mới nhất.”
Về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận có ý kiến quan ngại vì đây là nơi nằm gần biển và khu vực này cũng không phải là vùng an toàn hoàn toàn khỏi nguy cơ động đất.
Theo giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Việt Nam không cần thiết phải triển khai điện hạt nhân mới có thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng của mình, mà Việt Nam còn nhiều nguồn năng lượng tái tạo chưa được khai thác có thể giúp đáp ứng nguồn nhu cầu ngày càng tăng.
Ông Âu Minh Dũng nhắc lại cảnh báo từ phía đối lập của Nhật nêu ra với chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kế hoạch triển khai điện nguyên tử với sự trợ giúp của các đối tác Nhật:
“Vị chủ tịch đảng đối lập hiện nay tại Nhật, Đảng Dân chủ Xã hội, trên website của Đảng này cho biết đã gặp và nói với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Việt Nam không nên có điện hạt nhân vào lúc này. Ngay chính Nhật Bản không giải quyết được tai nạn điện hạt nhân Fukushima, vậy mà Nhật dám nói điện hạt nhân an toàn, cho nên không nên tin vào lời hứa đó.
Những nhà chính trị thảo luận của Nhật cho rằng ông Noda ‘gắp lửa bỏ tay người’, vì việc mình giải quyết không được mà dám nói với người khác ‘an toàn’. Nếu như sau này Việt Nam xảy ra tai nạn, không phải chính quyền ông Noda bây giờ chịu trách nhiệm mà toàn thể người dân Nhật phải chịu trách nhiệm vì Nhật Bản dám nói điện hạt nhân an toàn.”
Dân gian Việt Nam có câu:
“Cá trong lờ, đỏ lơ con mắt,
Cá ngoài lờ, ngúc ngắc muốn vô.”
Câu nói này có thể nói đúng trong trường hợp xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Trong khi do mối nguy của một sự cố nhà máy điện nguyên từ mà nhiều nước từng lệ thuộc vào nguồn năng lượng này; ngay cả như Nhật, nay đều muốn giảm dần và đi đến đóng hết các nhà máy điện nguyên tử của họ; thì một số nước khác như Việt Nam hiện rất tích cực trong việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới, bất chấp các gương ‘nhãn tiền’ Chernobyl, Fukushima…, cũng như mọi cảnh báo của giới khoa học đưa ra.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Fukushima một Chernobyl thứ 2?
- Việt Nam xúc tiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
- Trung Quốc sẽ xây nhà máy điện hạt nhân gần Việt Nam
- Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân
- Kinh nghiệm sau vụ nổ ở lò phản ứng hạt nhân ở Nhật
- Bài học cho VN từ sự cố Fukushima
- Mức phóng xạ vụ Fukushima không nhiều như vụ Chernobyl
- Ứng dụng của hạt nhân