Người Hà Nội đón Tết trong giá rét ra sao?

Người Hà Nội năm nay chịu cái rét lạnh bất thường và dai dẳng suốt hơn một tháng nay và giờ đã là những ngày giáp Tết, chuẩn bị tiễn ông Táo về trời, mà cái rét vẫn chưa chịu buông tha.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011.01.28
000_Hkg4507836-305.jpg Một người dân dưới cái rét Hà Nội, ảnh chụp hôm 26-01-2011.
AFP PHOTO

Đợt rét này chưa hết, thì đợt rét bổ sung khác đã bắt đầu. Hứng chịu thời tiết lạnh buốt ấy suốt một thời gian liên tục, sinh hoạt của người dân thủ đô đã phải tự thay đổi để thích nghi. Nhưng cái rét lạnh 7-8 độ C có làm thay đổi cách thức người Hà Thành sắm sửa đón Tết hay không?

Người dân ở mọi miền Tổ quốc, nhiều khi phải “ghen tị” với người dân ở miền Bắc vì họ thường được thiên nhiên ưu đãi, đón Tết bao giờ cũng có cái rét se lạnh, một chút ít mưa phùn, được mặc quần áo ấm du xuân. Thế nhưng năm nay, thì người dân miền Bắc mà nhất là người dân Thủ đô lại đang chuẩn bị đón Tết trong một thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ luôn xuống dưới 10 độ C. Ai đã ở Hà Nội những ngày rét cắt da cắt thịt, thì chẳng lạ gì cái rét ở đó, không chỉ lạnh rét do độ ẩm cao, làm cho mọi người thật lười biếng trong những chiếc áo dày và rộng. Mà còn do mưa phùn và gió mùa Đông Bắc thường đi kèm, làm cho cái tê tái như nhân lên gấp nhiều lần.

Nói gì thì nói, cái rét lạnh những dịp Tết vẫn là nét đặc trưng vốn dĩ chỉ có của ngoài Bắc, nhưng mưa lạnh kéo dài, nhiệt độ giảm sâu và tăng cường đã ảnh hưởng nhiều đến không khí sắm sửa đón Tết của người dân nơi này. 

Từ chuyện ăn uống mùa lạnh

Với những gia đình có trẻ nhỏ thì chắc chắn sẽ hạn chế đưa con ra ngoài đường và phần lớn sẽ tập trung vào quây quần với gia đình.
Anh Xuân Vinh
Bắt đầu xuất phát từ đồ ăn uống ngày Tết. Việc chuẩn bị đồ Tết năm nay của các bà, các chị đã được chuẩn bị sớm hơn thường lệ, vì lý do năm nay, Nhà nước cho công chức nghỉ những 8 ngày thay vì 3 ngày như mấy năm trước. Bác Kim Loan, nhà ở đường Khâm Thiên cho biết:

“Tết Nguyên đán năm nay được nghỉ dài nên mọi người chuẩn bị mua sắm Tết mang tính chất cả dự trữ nữa. Thực tế là có đắt lên. Mọi năm tôi thấy thịt gà hoặc thịt lợn dao động khoảng 7-80 chục nghìn, con năm nay mới hỏi giá gà đã là 110.000 đồng/ cân. Tết cổ truyền ai cũng phải mua sắm, và người mua thêm dự trữ nữa vì năm nay được nghỉ rất là dài, không phải là 3 ngày Tết no đủ nữa mà là 8 ngày.

Các bà nội trợ như chúng tôi đã phải đi mua sắm dần rồi, những đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bóng. Rồi những cái như mứt này, hạt bí, hạt dưa cứ phải chuẩn bị dần dần.”

Ngoài lý do nghỉ nhiều ngày, thì lý do chính mà khẩu phần mua sắm đồ ăn uống năm nay thay đổi vì trời rét, người Hà Nội luôn biết cách xoay xở trong mọi tình huống để vẫn đảm bảo được bữa tiệc vừa chất và vừa bổ, bác Kim  Loan cho biết thêm:

Hkg3207287-250.jpg
Người Hà Nội mua Đào chơi Tết. AFP PHOTO.
“Mọi năm thì tôi thấy uống bia nhiều, nhưng năm nay thấy rượu tây bầy bát ngát luôn. Người ta có thể chuyển sang uống rượu. Mứt, thì năm nay thấy mứt gừng chắc là bán cũng chạy. Các loại chè (trà) năm nay rất là nhiều, chứ không cứ người ta chỉ uống trà mạn hay trà Thái Nguyên, mà năm nay các loại chè như chè hộp, hay chè nhúng , các loại chè thơm như chè táo, chè dâu thì mọi người cũng mua nhiều.”

Xu hướng tiêu dùng hàng thay thế từ bia thành rượu, hay các món ăn cay nóng, cũng được anh Xuân Vinh, nhà trên đường Vĩnh Tuy, đồng quan điểm:

“Chắc chắn với tình hình thời tiết như thế này, thì nhu cầu đón Tết Tân Mão sẽ thay đổi rất là nhiều. Nếu mọi năm, điều kiện thời tiết mát mẻ, thì ngày Tết có những món ăn dân dã cổ truyền, nước ngọt, nước giải khát và bia. Năm nay mà như thế này thì mọi gia đình sẽ quây quần bên nồi bánh chưng và nhâm nhi những ly rượu để ấm.”

Mọi năm tôi thấy thịt gà hoặc thịt lợn dao động khoảng 7-80 chục nghìn, con năm nay mới hỏi giá gà đã là 110.000 đồng/ cân.
Bà Kim Loan

Ngoài chuyện đồ uống thay đổi, thì dường như người Hà Thành cũng thay đổi thực đơn các món ăn cho vừa phù hợp với không khí quây quần mà lại vừa tăng thêm tính ấm cúng cho bữa tiệc đầu xuân. Giờ đây những món ăn truyền thống kiểu xôi gà, đồ xào, măng miến được thay thế bằng những món ăn khá giản tiện và hiện đại như lẩu hay đồ nướng, lý giải về chuyện này, thì bác Loan cho rằng:

“Năm nay thời tiết lạnh quá, ra cửa hàng điện máy, mọi người mua nồi nướng. Công dụng rất là tốt, nhiều khi để ngay trên mâm, trên bàn , nướng đồ nướng ăn luôn: nướng thịt, rau củ quả, ăn nóng rất là tốt, nên năm nay thấy loại nồi ấy, nhiều người mua, phục vụ cho thời tiết giá lạnh này.”

Còn chị Bích Hường, nhà ở quận Hoàng Mai thì nhận xét thêm:

Năm nay trời rét lên, nên đồ ăn đồ uống cũng đắt hơn vì lượng tiêu dùng nhiều hơn. Trời lạnh như thế này, thì mọi người ăn lẩu và ăn đồ nướng nhiều.
Chuyện ăn uống được người Hà Nội lên kế hoạch từ sớm để vừa đón được Tết cổ truyền lại vừa chống lại được cái rét đang vây hãm.

Đến chuyện mua sắm Tết


Tuy vậy, nhắc đến Tết thì không ai lại không nhắc đến chuyện sắm sửa quần áo mới hay trang hoàng nhà cửa đón xuân về. Nói là vậy, nhưng do thời tiết rét bất thường và kéo dài, nên việc sắm sửa của người dân Hà Nội cũng bị đảo lộn ít nhiều. Cụ thể là, các mặt hàng quần áo len, dạ của Trung Quốc vẫn được ưa chuộng và giá thì cao lên gần gấp đôi nhưng vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu sắm sửa của người dân Hà Nội. Theo lời chị Bùi Thị Minh, nhà trên đường Quốc Tử Giám, thì chị Minh cho biết về kế hoạch mua sắm quần áo cho lũ trẻ nhà mình đón Tết như sau:

banhchung-250.jpg
Bánh chưng Tết. Photo courtesy of asu.edu
“Năm nay đi sắm sửa cho bọn trẻ con toàn là cháy hàng và không có hàng thôi, mà đắt hơn bao nhiêu so với năm ngoái. Năm nay quần áo len của bọn nó không có mà đắt hơn nhiều. Giả dụ năm ngoái mua cái áo là 130.000 thì năm nay là 210.000 – 220.000.”

Còn theo lời chị Hường, thì chuyện sắm sửa quần áo chơi Tết cho bọn trẻ con, cũng  là chuyện cần phải bàn:

“Đặc biệt là những đồ phục vụ cho thời tiết, chẳng hạn, quần áo , găng tay, phụ kiện mũ len, nói chung các thứ đều đắt lên. Nói chung, đến sát Tết, rét như thế này, thì đi mua vừa đắt mà gần như tranh nhau, mà lại không có nhiều đồ đẹp để mua.”

Du xuân cũng thay đổi


Theo tin mới nhất từ Cục Khí tượng thủy văn, thì đợt rét đậm này sẽ còn kéo dài đến tận 28-29/1 rồi có khả năng thuyên giảm chút ít, nhưng nhìn chung thì chắc chắn người Hà Nội sẽ khó có thể tránh khỏi một cái Tết rét lạnh như năm nay. Vì vậy, kế hoạch du xuân của người dân nơi này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Bắt đầu bằng lời chia sẻ của anh Xuân Vinh, người đang có kế hoạch Bắc tiến lên vùng Cao Bằng, Lạng Sơn đón xuân, nhưng do thời tiết lạnh đã phải thay đổi lịch trình của mình. Anh cho biết:

“Thời tiết miền Bắc, Hà Nội rét đậm rét hại kéo dài. Theo Trung tâm dự báo thời tiết thì từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn rét đậm, rét hại, nên bà con ở quê nhà, cuộc sống bị đảo lộn rất nhiều. Như mọi năm, vào lúc này bà con đã hồ hởi sắm Tết, nhưng với tình hình thời tiết như thế này, tất cả các nhu cầu cuộc sống bị xáo trộn quá nhiều.

Có nhiều gia đình lên kế hoạch đi du xuân, Tết năm nay được nghỉ dài, nhiều gia đình lên kế hoạch đi du lịch, nhưng tình hình thời tiết như thế này, thì các chuyến du lịch lên phía Bắc chắc sẽ không thực hiện được, nếu các gia đình có điều kiện thì chắc là đi những tour du lịch vào miền Nam Trung Bộ, chắc sẽ đông khách.”
Nói chung, đến sát Tết, rét như thế này, thì đi mua vừa đắt mà gần như tranh nhau, mà lại không có nhiều đồ đẹp để mua.
Chị Hường

Chuyện du xuân bị thay đổi do thời tiết giá lạnh là như vậy, nhưng việc đón Tết ngay trong thành phố những ngày sắp tới cũng bị thay đổi ít nhiều. Cụ thể là các gia đình có người già và trẻ nhỏ sẽ hạn chế ra đường nhiều hơn, hay các ông bố bà mẹ cũng sẽ ít cho con cái ra những nơi vui chơi công cộng ngoài trời, nhằm tránh cái rét lạnh đang bủa vây.

Theo lời chị Bích Hường, gia đình có 2 con nhỏ, thì chị cho biết: 

“Thường trời lạnh như thế này, thì các nhà chủ yếu quây quần trong nhà, cho trẻ con ra đường thì trời rét quá. Có những hôm nhiệt độ xuống tới 6-7 độ C, mà trẻ con ra ngoài chơi thì rất dễ bị ốm. Thì thường cho trẻ con vui chơi ở trong nhà hoặc những chỗ vui chơi ở trong nhà như Vincom hoặc đi thăm gia đình nội ngoại chứ không cho chơi ngoài trời.”

Còn anh Xuân Vinh, gia đình cũng có con nhỏ thì góp ý:

“Với những gia đình có trẻ nhỏ thì chắc chắn sẽ hạn chế đưa con ra ngoài đường và phần lớn sẽ tập trung vào quây quần với gia đình, họ hàng nội ngoại, và các bạn bè thân. Chứ còn kế hoạch đi những nơi vui chơi giải trí công cộng như công viên hay Cung thiếu nhi, thì các bậc phụ huynh có con nhỏ, chắc chắn họ sẽ phải cân nhắc rất nhiều bởi vì nhiệt độ có những hôm xuống tận 6-7 độ C, thì việc đưa trẻ nhỏ ra ngoài rất dễ gây trẻ nhỏ bị ốm.”

Với mỗi người dân Việt Nam thì Tết bao giờ cũng là thời khắc thiêng liêng, để con người được hòa mình vào thiên nhiên, được tận hưởng những giây phút đầu năm sảng khoái, và cũng là cơ hội để đón nhận không khí xuân trong lành và sạch sẽ. Cho dù, năm nay, người dân Thủ đô có thể sẽ không có một cái Tết toàn vẹn như ý vì trời rét lạnh, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân Hà Thành sẽ thiếu vắng khoảng lặng giao hòa với thiên nhiên.

Như lời của bác Loan, thì ngày Tết dù có rét mướt thì gia đình bác cũng vẫn sẽ ra đường để đón xuân, để tận hưởng không khí xuân và hơn hết là để biết rằng mùa xuân đã về:

“Nói thế thôi, chứ không phải rét quá để mà không đi ra ngoài đuợc. Bởi vì đi ra ngoài hưởng không khí xuân, thời tiết se lạnh nhưng mà nhìn rất là Tết, nói chung tết nhất là đi ra ngoài đường, nói chung là không khí Tết làm người ta rất là phấn khởi, mặc dù là rét nhưng mọi người vẫn ra đường đấy.”

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.