Bốn người Hmong bị kết án "âm mưu lật đổ chính quyền"
2012.12.13
Hãng thông tấn AFP trích dẫn tin truyền thông trong nước cho biết bốn người bị tuyên với mức án từ ba năm đến bảy năm tù giam.
Một trong bốn người vừa bị kết án có Tráng A Chớ sinh năm 1985 là người bị công an truy nã từ tháng bảy năm ngoái với lý do mà cơ quan này đưa ra là 'tuyên truyền chống Nhà nước' và tìm cách thành lập Vương quốc Hmong thay thế cho Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Ba bị cáo khác là Giàng A Lồng ,sinh năm 1974, Lý A Di sinh năm 1980, và Hầu A Giàng, sinh năm 1974.
Khi phóng viên Đài Á Châu Tự do hỏi ông chánh án Nguyễn Xuân Hòa về tin mà hãng thông tấn AFP đã loan tải theo nguồn các báo trong nước thì ông nói:
"Tin tức thì các anh có thể theo dõi trên các báo, trên mạng, còn về thông tin cụ thể thì mong không các anh cử phóng viên lên chúng tôi sẽ cung cấp".
Tin trong nước cho hay đó là phiên xử công khai, tuy nhiên một người Hmong sinh sống tại Lai Châu nói không biết về phiên xử: "…thế thì chắc không thông báo rồi, chỉ người nhà biết thôi người ngoài không biết đâu."
Hồi tháng ba vừa qua, tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng đưa tám người Hmong khác ra xét xử về tội phá rối an ninh trong vụ tập trung đông người Hmong tại Bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên hồi cuối tháng tư đầu tháng năm năm ngoái. Số này bị cho là tòng phạm nên phạt hai người 30 tháng tù, và sáu người 24 tháng tù.
Tin tức về vụ tập trung cả mấy ngàn người Hmong ban đầu không được loan tải chính thức . Các nguồn tin không chính từ các tổ chức như Tổ chức Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Toàn thế giới, CSW, cho biết rằng chính quyền Việt Nam đã huy động cả bộ đội và trực thăng đến để giải tán vụ tập trung của người Hmomg. Những nguồn tin không được kiểm chứng cũng cho biết có hằng chục người Hmong bị quân đội bắn chết hay bị thương.
Sau đó, cơ quan chức năng lên tiếng cho rằng người Hmong nghe theo lời của những thành phần xấu nói rằng một vị vua Hmong sẽ đến đưa họ về miền đất hứa nên họ kéo nhau về tại Mường Nhé.
Vụ tập trung tại Mường Nhé hồi tháng 5 năm ngoái được cho là vụ xung đột sắc tộc tồi tệ nhất ở Việt Nam kể từ khi có chừng 2000 người Thượng Tây Nguyên bỏ chạy sang Kampuchia để tỵ nạn sau khi những cuộc biểu tình đòi đất vào năm 2001 và 2004 của họ bị quân đội trấn dẹp.
Theo dòng thời sự:
- Vụ biểu tình ở Điện Biên theo lời kể của người địa phương
- Việt Nam: số người Hmong biểu tình bị bắt vẫn được giữ kín
- Việt Nam tìm cách ổn định tình hình tại Mường Nhé
- Người H’Mông Việt Nam - Họ là ai?
- Giới chức ở Mường Nhé e ngại tránh nói về cuộc biểu tình
- Hàng ngàn người Hmong biểu tình ở Điện Biên
- Binh sĩ Lào và Việt Nam bắn chết 4 phụ nữ Hmong
- Nhân quyền tại Việt Nam theo nhận định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
- Phong tỏa khu vực Mường Né báo chí không được vào
- Sứ quán Mỹ tìm hiểu về số người Hmong thiệt mạng ở Mường Nhé
- Nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề
- Lào hoàn tất việc tái định cư người H’mong
- Cộng đồng H’mong quan tâm chính sách của Hoa Kỳ đối với Lào