Trung Quốc đạo diễn phim chào mừng Ngàn Năm Thăng Long
2010.04.04

Nhóm làm phim của hãng phim Trường Thành đang ngày đêm chạy đua với thời gian để bộ phim ra mắt kịp thời với khán giả trong mười ngày đầu tiên của lễ hội Ngàn Năm Thăng Long. Bộ phim mang tên “Lý Công Uẩn, Đường tới thành Thăng Long” có một kinh phí khá cao do UBND thành phố Hà Nội đặt hàng cho hãng phim Trường Thành với nhóm diễn viên được xem là trẻ trung và có ngoại hình đẹp.
Đảm nhiệm toàn bộ
Một điều quan trọng đang khiến dư luận báo chí bàn tán đó là bộ phim được giao cho một đạo diễn người Trung Quốc thay vì là đạo diễn Việt Nam như dự kiến trước đây. Hơn nữa, hãng phim cũng giao toàn bộ việc thuê mướn sàn quay, bối cảnh cũng như phục trang đều do người Trung Quốc đảm nhiệm.
Tất cả những chi tiết nêu trên đang làm dư luận theo dõi rất kỹ trước khi phim chiếu ra mắt. Nhiều người tự hỏi rằng một bộ phim lịch sử quan trọng nói về ngày dời đô của vua Lý Thái Tổ như vậy nhưng lấy bối cảnh và phục trang trong phim hoàn toàn là của Trung Quốc liệu có làm lệch đi ý nghĩa lịch sử hay không, nhất là trong giai đoạn hết sức nhạy cảm hiện nay khi mà bất cứ điều gì dính dáng tới mối quan hệ Việt - Trung đều được người dân chú tâm theo dõi.
Nhiều người tự hỏi rằng một bộ phim lịch sử quan trọng nói về ngày dời đô của vua Lý Thái Tổ như vậy nhưng lấy bối cảnh và phục trang trong phim hoàn toàn là của Trung Quốc liệu có làm lệch đi ý nghĩa lịch sử hay không
Chúng tôi cố gắng tìm hiểu sự thật qua bài phỏng vấn nhà phê bình, nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng là chuyên gia cố vấn mỹ thuật cho bộ phim này. Ông cũng là người trực tiếp làm việc tại trường quay từ khi bộ phim bắt đầu bấm máy. Mời quý thính giả theo dõi sau đây.
Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi được biết ông là một trong những người tham gia trực tiếp vào bộ phim với tư cách là cố vấn về nghệ thuật. Ông có thể chia sẻ những công việc cụ thể mà công ty Trường Thành giao cho ông trong bộ phim này hay không, thưa ông?
Ô. Phan Cẩm Thượng: Tôi được công ty Trường Thành, người đứng chủ đầu tư bộ phim mang tên là "Đường tới thành Thăng Long", làm cố vấn về lịch sử mỹ thuật cho phim đó.
Từ bối cảnh trang phục
Mặc Lâm: Trong khi giữ vai trò cố vấn như vậy ông có nhận xét thế nào về vấn đề phục trang, đạo cụ cũng như bối cảnh mà đoàn làm phim sử dụng trong khi quay, thưa ông?
Ô. Phan Cẩm Thượng: Về phục trang thì ở Việt Nam là do cô Đoàn Thị Tình làm, chúng tôi không trực tiếp làm, nhưng mà sang đấy thì cô Tình không đi nên có nhiều vấn đề về phục trang người Trung Quốc họ hỏi thì tôi phải thay mặt cô ấy tôi trả lời, và tất nhiên là chuyện này nó cũng hơi nhiều cái nó cũng phức tạp anh ạ, là vì về mặt mỹ thuật thì không có cái gì lớn, thế nhưng mà giữa cái quan niệm hai bên về mặt kiểu cách thật sự nó cũng khác nhau rất là nhiều thứ.
Mặc Lâm: Thưa theo như chúng tôi được biết qua các hình chụp được báo chí loan tải trong những ngày qua thì hình như tất cả phục trang đều sử dụng của Trung Quốc, từ quần áo, giày dép cho tới áo giáp cũng như tất cả các phụ kiện khác như nón, giày, đồ trang sức cùng nhiều thứ nữa…từ những hình ảnh này dư luận đang cho rằng bộ phim chệch hướng quá xa khi rời bỏ phần chính của chủ đề là lịch sử của Việt Nam. Ông có chia sẻ gì về những ý kiến như vậy?
Ô. Phan Cẩm Thượng: Trước tiên có thể nói là rất nhiều các người thiết kế Việt Nam mà làm các phục trang cổ là họ hay căn cứ vào các mẫu mã của Trung Quốc, thì điều này dẫn đến rằng quần áo của chúng ta lại hơi hơi giống Trung Quốc, vì trong thời phong kiến chúng ta học họ cũng rất là nhiều. Hiện nay thì cũng không có một cơ sở để lại của chúng ta về dữ liệu, cái phần này nó hơi ít, thành ra khó có thể nói nó như thế nào được. Khi làm thì thiết kế do người Việt Nam thiết kế nhưng mà đưa cho phía Trung Quốc may thì lúc họ may đó thì tôi cũng va vấp với họ nhiều vấn đề, ví dụ như là người Trung Quốc người ta nói hẳn với tôi là "Nếu mà quần áo của các anh không có một thiết kế gì mới, cứ dựa vào chúng tôi mà thiết kế ra thì thà chúng tôi cứ làm đúng theo truyền thống của chúng tôi". Người thợ may phục trang ở Trung Quốc, quyền của họ rất to, thậm chí đạo diễn cũng không can thiệp được vì nó là một cái lề có tính truyền thống rồi. Tôi ví dụ như là bộ phục trang của cô Đoàn Thị Tình đấy là cô thiết kế phục trang cho mấy ông vua trước Lý Công Uẩn là cô thiết kế không có rồng, là vì muốn để dành con rồng cho bắt đầu từ thời Lý, nhưng mà phía thợ may Trung Quốc họ nhứt định họ không nghe. Họ bảo đã là quy chế của y phục của vua là phải có rồng, họ cứ may, còn anh không thích thì thôi. Đấy là một vấn đề mà không thuyết phục được. Và hội đồng phục trang của những người thợ đó, quyền của họ rất lớn, và đó cũng là niềm tự hào của truyền thống may trang phục của họ. Thì đó cũng va vấp. Qua đây thì tôi cũng thấy nhiều vấn đề về phục trang.
ví dụ như là người Trung Quốc người ta nói hẳn với tôi là "Nếu mà quần áo của các anh không có một thiết kế gì mới, cứ dựa vào chúng tôi mà thiết kế ra thì thà chúng tôi cứ làm đúng theo truyền thống của chúng tôi".
Ô. Phan Cẩm Thượng
Mặc Lâm: Thưa, như thế thì tiếng nói của đạo diễn có được coi trọng hay không, thưa ông?
Ô. Phan Cẩm Thượng: Đạo diễn chính là người Trung Quốc. Trước kia có thể nói là do chúng ta thiết kế thì người ta căn cứ vào đấy người ta may, thế mà người thiết kế thì lại không đi do đó mà không giải trình được với người thợ may. Ở đây tôi thấy rằng tuy người Việt Nam có học tập những kiểu cách trang phục của người Trung Quốc, nhất là trang phục về mặt vương triều đấy, thế nhưng mà do khí hậu, do cách sinh hoạt của mình nó cũng khác, về Việt Nam những trang phục ấy nó cũng đã thiêu hủy rồi, thế nhưng khi để người Trung Quốc may thì nó lại trở thành một cái gì đấy nó rất Trung Quốc. Tôi ví dụ như là ở Trung Quốc khí hậu nó lạnh thì người ta phải ăn mặc nhiều hơn, thế rồi cái cách ngồi đứng người ta có bàn có ghế chứ không giống cái cách ngồi đứng của mình là hay ngồi trên sàn, trên phản, rồi là hay ngồi bệ chứ không ngồi quỳ như người Hán, thì cái cách cấu tạo trang phục nó bắt người mặc nó phải đứng ngồi theo cái kiểu nào đó, những người bây giờ nhiều khi họ không lường trước được hết.
Mặc Lâm: Đó là về vấn đề phục trang, còn phong cảnh và vị trí xây dựng câu chuyện thì ông nhận thấy là nó có phản ánh chút nào về thỗ nhưỡng, truyền thống hay đặc trưng của Việt Nam hay không?
Ô. Phan Cẩm Thượng: Trước tiên có thể nói là về phía chúng ta không có trường quay chuyên nghiệp, việc đoàn phim nó chọn sang Trung Quốc quay là cũng vì bất đắc dĩ, và tính nghệ thuật trong đó có vấn đề bối cảnh thì Trung Quốc họ có một vài trường quay, họ đủ tất cả các khung cảnh trong thời cổ, từ cổ đại cho đến hiện đại, và theo các phong cách kiến trúc của họ, và nó cũng là cái điểm du lịch luôn. Thì tất cả những bối cảnh đấy đều có thể chọn và làm tất cả những phim đặc biệt là phim cổ trang và làm tốt. Tuy nhiên, kiến trúc Việt Nam khác nhiều với kiến trúc Trung Quốc, chúng tôi chỉ có thể lựa chọn cái gì nó na ná, nó giống thì thôi, chứ còn đòi hỏi cái gì hoàn toàn như nước ta thì rất là khó khăn.
Đến đạo diễn
Mặc Lâm: Xin quay lại với vấn đề đạo diễn. Xin ông cho biết tại sao hãng phim lại chọn một đạo diễn Trung Quốc làm một cuốn phim lịch sử Việt Nam, trong khi đạo diễn Việt Nam hoàn toàn có khả năng thẩm thấu lịch sử nước mình tốt hơn nhiều so với một người ngoại quốc. Có uẩn khúc gì trong việc này hay không, thưa ông?
Ô. Phan Cẩm Thượng: Những phim trước hay là những phim hiện nay thì tôi không được rõ lắm, các hãng phim Việt Nam đều muốn tìm nguồn vốn từ nhà nước đầu tư nhưng đây là một bộ phim do một công ty tư nhân họ đầu tư thì họ cũng có quyền lựa chọn ai quay, ai là đạo diễn, và họ thấy phía bên Trung Quốc phù hợp thì họ đi thôi, chứ bộ phim này không phải là do nhà nước đầu tư.
Mặc Lâm: Như ông đã nhìn nhận là có quá nhiều khúc mắc trong cuốn phim ngay cả khi nó chưa xuất hiện, liệu khi chiếu ra mắt thì bộ phim này sẽ nhận những phản hồi bất lợi cho nó hay không?
Ô. Phan Cẩm Thượng: Đây cũng là một vấn đề mà người ta không thể nói được ra hết vì bộ phim thì chưa hoàn thành mà nó là đầu tư của một tư nhân, cho nên dù sao thì họ cũng có những quyền nhất định trong cách thức làm việc của họ. Tôi chỉ là một chuyên gia ở đấy, không phải là người có thể quyết định được tất cả các vấn đề. Thế thì tôi thấy rằng không chỉ đoàn phim này đâu mà trước đây vài năm cũng có một đoàn làm phim của Xưởng Phim Truyện Việt Nam mà tôi cũng được mời đi cùng để đi tìm bối cảnh từ Trung Quốc, thế thì đoàn phim cổ thì nó có mời nhưng vấn đề như sau nghĩa là nó có thành quách để có thể biểu diễn được những quân đội cổ, cái thứ hai phải có áo giáp, phải có ngựa và phải có các kỹ xảo điện ảnh phù hợp với những phim lịch sử. Thế thì tất cả những thứ này thì chúng ta đều không có, chúng ta không có ngựa chiến, chúng ta không có áo giáp, chúng ta không có binh khí cổ, và chúng ta cũng chưa có bối cảnh, và khi quay như thế nào đấy trong một bộ phim lịch sử thì chúng ta thiếu kinh nghiệm. Nếu nhìn lại những phim lịch sử Việt Nam thì nó chỉ chủ yếu giống như là một sân khấu kịch thôi, chứ nó chưa đạt được mức độ phim lịch sử, do đó mà rất nhiều bộ phim, ví dụ như phim Trần Thủ Độ hay là bộ phim Lý Công Uẩn mà trước đây định làm của Xưởng Phim Truyện Việt Nam thì cũng có xu hướng sang Trung Quốc để hợp tác tùy mức độ. Ví dụ phim Trần Thủ Độ thì chỉ là mượn một số bối cảnh, hay là áo giáp, hay là một ít trang phục thôi, chứ còn đạo diễn là người mình, và cũng quay một phần ở Trung Quốc, còn quay một phần ở Việt Nam. Thế thì đấy là do thực tế của chúng ta thiếu điều kiện chuyên nghiệp.
Kiêm luôn kịch bản
Mặc Lâm: Xin được hỏi ông một câu cuối cùng. Nói riêng về phần kịch bản, bộ phim được viết bởi người Việt hay người Trung Quốc, thưa ông?
Ô. Phan Cẩm Thượng: Kịch bản ban đầu là do chính anh giám đốc của công ty Trường Thành mà anh ấy tự biên soạn, nhưng mà khi chuyển sang biên kịch để có thể diễn xuất được thì là do một người Trung Quốc, bởi vì người đạo diễn là người Trung Quốc và cũng có nhiều các chuyên gia Trung Quốc họ tham gia vào cái này họ cũng cần phải đọc, thì tôi nghĩ rằng là chắc họ có bàn bạc gì đấy để cho người Trung Quốc viết biên kịch và sau đó là họ dịch ra thành 2 bản, một bản tiếng Việt một bản tiếng Trung, để hai bên đều có thể cùng nhau làm bộ phim đấy. Tôi nghĩ vấn đề kịch bản thì không có gì lớn, nó cũng theo đúng lịch sử thôi. Chứ còn ngoài ra thì cái quan niệm của các công ty mà đầu tư có tính cách tư nhân thế này thì họ lại chú trọng rất nhiều đến vấn đề kinh doanh anh ạ, tại vì phim phải có người xem, phải có thị trường, chứ còn nếu mà chúng ta chỉ làm để kỷ niệm trong một thời gian ngắn rồi chúng ta xếp lại thì họ đầu tư như thế thì họ lỗ. Khi đã có thị trường thì tính đến thị trường thì nó phải có những yếu tố của sự hấp dẫn của điện ảnh, ví dụ như võ thuật, ví dụ như tình yêu, ví dụ như bối cảnh đẹp. Do đó mà tôi nghĩ đó cũng là một lý do để cho công ty này họ chọn đối tác là Trung Quốc đó.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà phê bình nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Ô. Phan Cẩm Thượng: Vâng. Vâng. Cảm ơn Anh.
Theo dòng thời sự: