Kỳ này mời quý vị theo dõi tiếp phần kỹ thuật của loại hình âm nhạc này qua lời các nghệ nhân của giáo phường Thái Hà sau đây.
Giáo phường Thái Hà là một trong số rất ít các nhóm ca trù hiện nay tại Hà Nội có bề dày nhiều đời tiếp nối nhau theo đuổi và sống với bộ môn âm nhạc hết sức khó khăn là Ca Trù. Trong khi đa số giới trẻ ngày nay chạy theo các loại hình âm nhạc như Hip hop, Rock hay chí ít cũng là Rap hay R&B thì một cô gái trong giáo phường Thái Hà chỉ mới 16 tuổi lại đam mê loại hình âm nhạc này từ rất sớm. Cô gái ấy là Nguyễn Thu Thảo kể lại:
“Cháu tên là Nguyễn Thu Thảo. Cháu được sinh ra trong một gia đình có 7 người hát Ca Trù, cho nên từ nhỏ đã được nghe ông, bố, rồi cô đàn hát, cũng cảm thấy rất tò mò, và cảm thấy có cái gì đó hay, đã ngấm vào trong bọn cháu hồi nào mà cũng không biết được. Và bắt đầu từ năm bọn cháu lên 6 thì bắt đầu hát Ca Trù.”
Kỹ thuật hát Ca Trù
Tiếp tục buổi tìm hiểu về nghệ thuật ca trù, hôm nay chúng tôi may mắn được hai nghệ sĩ của giáo phường Thái Hà là ca nương Thúy Hòa và nghệ sĩ đàn đáy Nguyễn Văn Khuê.
Mặc Lâm: Thưa nghệ sĩ Thúy Hòa, là một truyền nhân của nghệ sĩ bậc thầy của Ca Trù là bà Quách Thị Hộ, xin bà cho biết một cách khái quát về kỹ thuật hát của Ca Trù vì chúng ta có khá ít thời gian, không thể nói một cách chi tiết được, thưa Bà.
Nghệ sĩ Thúy Hòa: Kỹ thuật hát của Ca Trù thì khác rất là nhiều. Tôi cho rằng như vậy là vì sử dụng hơi thở rất nhiều và cách lấy hơi cũng hoàn toàn khác. Khi hát một câu hát cũng hoàn toàn khác, phải sử dụng hết khả năng của mình. Một cái hơi của mình, khi bắt đầu là hít thở vào. Sau này thì có rất nhiều người nói là cách lấy hơi đó rất giống với kỹ thuật của những người tập Yoga, em không có tập Yoga nên không rõ.
Kỹ thuật hát của Ca Trù thì khác rất là nhiều. Tôi cho rằng như vậy là vì sử dụng hơi thở rất nhiều và cách lấy hơi cũng hoàn toàn khác.
Nghệ sĩ Thúy Hòa
Khi học hát thì phải học về thơ rất là nhiều, phải hiểu hết câu thơ, phải hiểu hết ý nghĩa câu thơ, phải làm sao hát lột tả hết được ý thơ của tác giả. Cái cách hát này rất khó. Thơ trong Ca Trù rất nhiều, có sử dụng cả lục bát, thơ Đường, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, cả làn điệu Hát Nói là một thể loại Thơ Mới tức nó sử dụng 4 chữ, 6 chữ, 8 chữ, hay 12 chữ mỗi câu.
Phối hợp giữa người đàn và người hát
Mặc Lâm: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Khuê, vừa rồi thì nghệ sĩ Thúy Hòa đã nói qua về kỹ thuật ca, xin ông cho biết một vài chi tiết liên quan giữa âm nhạc và ca nương trong một buổi biểu diễn Ca Trù như thế nào. Theo ông thì điều kiện nào cần có để kết nối một cách hài hòa cho hai phía?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khuê: Cái này là sự phối hợp cả hai người: người đàn và người hát, trong đó nó có những quy định khuôn mẫu cho những người ở mỗi một giáo phường. Thí dụ như giáo phường Thái Hà thì có những khuôn của Thái Hà và phải tuân thủ theo 5 khổ đàn, 5 khổ phách. Phách và đàn ấy, người hát đánh phách cũng phải biết 5 khổ phách đấy. Mà tất cả trong sự phối hợp của nhóm Ca Trù gồm 3 người: đàn, hát và trống thì đều phải có cái gì phối hợp với nhau rất chặt chẽ và đều hiểu tất cả các khổ phách đấy. Đấy là những chìa khóa để mọi người bắt đầu theo học thì mình phải học abc từ những cái đấy.
Mà tất cả trong sự phối hợp của nhóm Ca Trù gồm 3 người: đàn, hát và trống thì đều phải có cái gì phối hợp với nhau rất chặt chẽ và đều hiểu tất cả các khổ phách đấy.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khuê
Sau đó thì mình phải siêu linh, phải biến đổi nó đi. Ở trong một khổ phách thì ở một cái cung nào đấy, nó có 50 cung Nam Bắc thì mình đang đánh ở cung Nam thì có khoảng độ 6 nốt đặc trưng của Ca Trù, thì 6 nốt đấy sẽ được biến đổi, có thể đánh một nốt cũng được, trong một khổ phách một hoặc hai nốt thí dụ mình tạo một giai điệu thì lúc đó mình có thể siêu linh trên 6 nốt đấy hoặc là mình đánh khuôn cũng được, tức là mình hiểu hết tất cả các khổ phách: 5 khổ đàn, 5 khổ phách. Và những tiếng đập, tiếng nhấc của đàn đáy, đó là những tiếng ve, tiếng vảy, tiếng cát, tiếng lia, tất cả những tiếng đấy là những tiếng mà rất khó, người bình thường mới học thì chưa thể hiểu ngay được.
Quy luật hát Ca Trù
Mặc Lâm: Riêng nghệ sĩ Thúy Hòa, bà có bổ túc gì thêm hay không?
Nghệ sĩ Thúy Hòa: Nghệ thuật hát Ca Trù có một khuôn khổ, cũng như là một luật riêng của nghệ thuật hát Ca Trù. Trong nghề thì gọi là 5 khổ đàn, 5 khổ phách, 5 khổ trống. Hát thì tùy theo làn điệu, thí dụ làn điệu thì sẽ có ở cung nào, cung Nam, cung Bắc, cung Nao, cung Huỳnh, cung Sa, thì có bài hát sử dụng đủ cả 5 cung, cũng có những làn điệu chỉ giữ một cung thôi.
Mời quý vị nghe một đoạn nhạc ngắn sau đây do nghệ sĩ Thúy Hòa biểu diễn trong đêm ca trù của giáo phường Thái Hà được Trung Tâm Văn Hóa Pháp bảo trợ …
Kỹ thuật luyến láy và ngân
Mặc Lâm: Chúng tôi xin được quay trở lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Khuê. Thưa ông, nhiều người thắc mắc về cách ngân của của Ca Trù mà người ca nương biểu diễn khi hát rất là đặc biệt, ông có thể giải thích cách luyến láy bằng kỹ thuật ngân rất đặc biệt này có tầm quan trọng như thế nào hay không?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khuê: Nếu mà giọng hát không thì rất đơn giản, không có gì. Cái chính là vấn đề khổ phách, phách là sẽ phải phân tâm theo người hát làm hai trạng thái khác nhau, khi mà phách thì phải đánh theo tiết điệu của người hát thì đấy là một điều rất khó, và có những tiếng khó của Ca Trù mà chỉ có những nghệ nhân mới cảm nhận được, hoặc những người quan viên thành thạo mới cảm nhận được.

Đấy, mỗi một tiếng hát của họ đều tạo được những nét đặc trưng của tiếng đàn đáy, thí dụ "mờ...ơi" có thể hai chữ thành một chữ: "mờ..ơi, ngày, đã, hầu..." của đàn đáy là những tiếng rất khó. Đấy là những tiếng mà anh phải học một vài năm anh mới nhận ra được. Những tiếng đấy nó phải tạo đúng những tiếng như vậy thì mới ra được hình hài của con rồng, nó đòi hỏi rất nhiều những chi tiết nhỏ trong mỗi một cái nốt khi bắt một câu hát, đòi hỏi phải tròn vành, rõ chữ, sắc nét và sống động của mỗi một câu thơ, mình phải tạo nên thôi miên cho người nghe.
Đấy là trong nghệ thuật hát Ca Trù nó khó là vì vậy, và ngay cả người hát cũng vậy thôi. Miệng luôn luôn phải khép lại và chỉ có mở chiều ngang và ngay cái răng chỉ hở ra một cái khoảng bằng một hạt đỗ thôi, nhờ như vậy mà họ giữ gìn hơi, họ nén hơi để họ đổ bằng tiếng, họ tạo ra tuy là nó nhỏ thôi, rất nhỏ, chỉ xì cái hơi ra như vậy. Tuy là nó ra được những âm thanh mà nó rất chuyên và nó tạo được đúng cái bản sắc của người hát Ca Trù ngày xưa.
Vai trò của quan viên
Mặc Lâm: Thưa ông, vai trò của người quan viên trong chiếu hát được đánh giá như thế nào đối với toàn bộ buổi biểu diễn?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khuê: Những chầu xuyên tâm, xuyên thưa thì theo lạc nhạn, rồi phi nhạn, rồi rất nhiều chầu các cụ đặt ra, đòi hỏi người quan viên phải rất sành sỏi và đồng thời phải có kiến thức vô cùng. Ngoài thơ văn, anh có thể sáng tác những bài Hát Nói, đồng thời họ có thể hiểu biết luật làm thơ Hát Nói, đồng thời họ cũng rất sành về âm nhạc, cũng phải hiểu tất cả tiếng đàn hay, tiếng hát giỏi, rồi chấm một câu văn, một câu thơ, và mình phải biết tiếng "cắc" trong cái trống và tiếng "tom", và những chầu nào, và cũng có thể không phải chỉ có "cắc" mới là thưởng, có khi một tiếng trống "tom", một chầu chính diện hoặc chầu chính diện đấy thì họ có thể dùng tiếng trống họ đánh thẳng vào tiếng hát.
Thí dụ họ biết là chuẩn bị có một tiếng hay, một tiếng mà đào nương bắt phải đổ xuống rất là đẹp, thí dụ câu đầu tiên của bài "Đào hồng đào tuyết" là: "Mới ngày nào..." thì "mới ngày" ổng đã "cắc" một cái; ổng đợi xem tiếng "nào" đổ hay không, nếu mà đổ hay thì họ sẽ đánh tiếng chầu đánh thẳng đúng vào cái tiếng hay của người đào hát, thì đấy mới là người sành sỏi.
Hoặc khi nào đến câu thứ mấy của bài Hát Nói thì họ bắt đầu đánh tiếng "phi nhạn" hoặc là tiếng "thượng mã" để báo cho dàn nhạc 3 người chú ý về tốc độ của âm nhạc nhanh gấp đôi, thí dụ con ngựa "thượng mã" bắt đầu chạy và đến lúc nào thì "hạ mã" tức là "lạc nhạn" thì phải "cắc" tiếng trống như vậy, thì mới là sành sỏi, mới là hiểu biết, thì người đàn và người hát mới phục quan viên đó.

Ngày xưa mỗi một ông quan viên cũng rất khó mà biết để chọn một ông quan viên, vì ông quan viên vừa là đại diện cho khán giả vừa là chánh chủ khảo để chấm điểm cho đàn và hát, rồi thơ, rồi cũng là một thành phần để hòa cùng dàn nhạc.
Sơ bộ như vậy thôi vì thời gian không có là một, thứ hai nữa nói về cái này phải mất thời gian rất nhiều thì mới hiểu được.
Xin quý vị một phút để nghe một đoạn ngắn trong bài “Đào hồng đào tuyết” do ca nương Nguyễn Thu Thảo trình bày:
"Hồng hồng tuyết tuyết....
Mới ngày nào còn chưa biết chi chi...
Mười lăm năm thấm thoát có ra gì...
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu... "
Niềm ưu tư của giới nghệ sĩ Ca Trù
Mới đây, Ca Trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của thế giới. Tuy nhiên con số người thích thú với Ca Trù vẫn chưa khởi sắc lắm. Riêng tại miền Bắc, quê hương của các thể loại dân ca phong phú như Quan Họ, Hát Ghẹo, Cò Lả, Hát Xoan...vẫn chưa được khai thác hết tính cộng đồng của nó nên đối với Ca Trù, một thể loại mang nhiều đặc tính bác học khó thể hòa nhập vào dòng chảy của đại chúng được. Niềm ưu tư này cũng là ưu tư chung của giới nghệ sĩ Ca Trù. Bà Thúy Hòa nhận định:
Em rất là hy vọng tất cả mọi người sẽ hiểu Ca Trù và sẽ yêu nghệ thuật hát Ca Trù.
Nghệ sĩ Thúy Hòa
“Em rất là hy vọng tất cả mọi người sẽ hiểu Ca Trù và sẽ yêu nghệ thuật hát Ca Trù. Em hy vọng là nghệ thuật hát Ca Trù vừa được công nhận là di sản thì mọi người sẽ biết đến Ca Trù nhiều hơn và sẽ tìm hiểu về Ca Trù. Tất nhiên Ca Trù là một loại hình nghệ thuật rất là khó và để tiếp cận được với người dân cũng rất là khó, vì về văn học cũng đã rất là khó đối với một người bình thường. Nếu mà có kiến thức bình thường thì cũng khó để hiểu biết về thơ của Ca Trù, rồi lại về âm nhạc của Ca Trù cũng rất là đặc biệt, cũng rất là khó. Thế cho nên cũng đòi hỏi, nếu mà mọi người muốn yêu mến Ca Trù chắc là phải có thời gian để tìm hiểu.”
Hy vọng của nghệ sĩ Thúy Hòa cũng là hy vọng của tất cả những ai còn quan tâm đến loại hình âm nhạc độc đáo này của dân tộc. Mong thay giới trẻ sẽ tiếp tay với các nghệ nhân đầy tâm huyết để mang Ca Trù vào tận những buổi vui chơi, họp bạn của họ để loại hình âm nhạc này ngày một ăn sâu vào cộng đồng như một món ăn đang tìm cách chinh phục những khẩu vị trẻ trung, chưa quen với mùi vị đầy hơi thở dân tộc này...
Theo dòng thời sự:
- Giáo Phường Ca Trù Thái Hà
- Quan họ và ca trù được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO
- Ca Trù
- Nghệ thuật Ca trù (tiếp theo)
- Chị Phạm Thị Huệ và quán ca trù đầu tiên ở Việt Nam
- Làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam? (I)
- Làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam? (II)
- Làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam? (III)
- Dân ca Quan họ
- Tìm hiểu nghệ thuật Hát Chèo