Những vần thơ từ các cuộc biểu tình chống TQ

Trong bảy cuộc biểu tình vừa qua người ta nhận thấy có khá nhiều hình ảnh vừa cảm động vừa hào hùng trong đó có những cụ già tuy sức đã gần với trời đất nhưng vẫn sánh vai cùng thanh niên trên đường phố Hà Nội và Sài Gòn.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011.07.23
P1200218-305.jpg Người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội sáng 17/7/2011.
Kami's Blog

Với sức trẻ tràn trề, thanh niên nam nữ đã lớn tiếng hô vang những yêu cầu chính đáng của dân tộc trước sự xâm lấn lãnh thổ của phương Bắc. Không khí của những ngày đầu gần như lễ hội đã phần nào khuyến khích những cuộc biểu tình sau đó.

Giác quan kỳ ảo của thi ca

Nhà thơ, hơn ai hết theo dõi các cuộc biểu tình bằng giác quan kỳ ảo của thi ca. Mỗi nhịp chân dẫm xuống là một lời khẳng định với tổ quốc rằng chủ quyền linh thiêng của đất nước sẽ muôn đời được gìn giữ. Nhà thơ, với những hét vang trên chữ nghĩa như những lời nguyền khắc trên đá tảng, xác định ý chí quật cường của nhân dân hôm nay trước sức mạnh của quân thù, và trước hèn nhát của ai đó đang chạy nước rút với người dân để thực hiện những lời hứa bí ẩn mà toàn dân muốn biết.

Rõ rồi nhé.
Rõ mồn một nhé.
Người Việt trấn áp người Việt nhé.
Người Việt đánh đập người Việt nhé

Đỗ Trung Quân

Hoàng Hưng, bắt đầu với những hình ảnh của chiếc tàu Hải giám ngang nhiên thực hiện việc vào nhà Việt Nam để làm đìêu mờ ám. Bài thơ mang tên “Bài ca xuống đường” có cái nhịp thở của thế kỷ trước khi bão giông tràn qua Lạng Sơn toả ra năm tỉnh phía Bắc, khác một điều là lần tấn công ấy kẻ thù không có nội gián:

Khi tàu giặc lừng lững vào hải phận
khi triều đình tự bịt mắt che tai
Xuống đường! Xuống đường
ta giương cờ nước:

- Việt Nam! Việt Nam giữ vững biển trời!
Khi súng giặc nổ tan tành thuyền cá
vợ ngóng chồng hóa đá trước biển khơi
Xuống đường! xuống đường
ta la vỡ ngực:

- Dân Việt Nam không chịu kiếp nô tài!
Khi Bản Giốc, Nam Quan, Lão Sơn, Tục Lãm
đất Việt ngàn năm đã hóa đất Tàu
Hoàng Sa, Gạc Ma máu tràn uất hận
Xuống đường! xuống đường
tim nghẹn thương đau

Khi hàng độc chúng gieo khắp chợ cùng quê
khi tài nguyên chúng toan vét sạch đem về
Xuống đường! xuống đường
chặn mưu ma chước quỷ
cảnh tỉnh những ai rước giặc vào nhà.

Khi những kẻ ngồi cao đầu cúi thấp
cam tâm hèn với giặc ác với dân
Xuống đường! xuống đường
ta ngời chính nghĩa

Độc lập – Tự do – Dân chủ một lần!
Xuống đường! xuống đường!
Hồn Quách Thị Trang,
hồn Nhất Chi Mai,
những anh linh bay lên từ đường phố
cả những oan hồn Thiên An Môn máu đổ
đi cùng chúng ta
chặn bước bá quyền.

Hát lên! Hô lên! Thét lên vang dậy:
Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ muôn năm!

(Hoàng Hưng)

Sự mất nước nhãn tiền

000_Hkg5121039-250.jpg
Người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội sáng 17/7/2011. AFP photo.
Từ Hà Nội tác giả Bùi Khắc Vinh cũng đồng cảm với nhà thơ Hoàng Hưng khi viết về những sự thật đau lòng đang xảy ra trên quê hương trước khi giặc tới. Một chuỗi sự kiện gắn kết lại với nhau vẽ ra một bức tranh toàn cảnh của sự mất nước nhãn tiền.

Giặc đã đến nhà.
Những lang sói tràn qua biên giới,
Những cánh rừng bị đào xới,
Những đỏ ngầu bô xít Tây Nguyên,
90% những dự án khắp ba miền,

Đã có những phố tầu, quảng cáo chữ tầu to hơn chữ Việt…
Cha vẫn còn nằm dưới đáy biển Hoàng Sa,
Mẹ vẫn lệ nhòa khói nhang mộ gió.

Chồng ơi chồng, Vị Xuyên, Hà Giang…  ngày đó,
Nước mắt cạn rồi,
Em bồng con hóa đá Vọng Phu …
Không, không,
Em và con không thể cứ mãi là hòn đá

Bởi đất nước hôm nay:
Một con sâu, hai con sâu… sao nhiều sâu quá ?!
Này sâu!
Hãy nghe cho rõ:
“Không có gì quý hơn Độc lập Tự do!”

Bác Hồ dạy:
Độc lập không được quỳ gối trước kẻ thù,
Tự do không được lấy dùi cui bịt mồm dân yêu nước!
Này ngoại xâm!

Đừng hí hửng tưởng đã lừa được bầy sâu
Mà vội quên những nhãi ranh tuyên đức
Tham lam, độc ác, động binh không ngừng.
Nay Hà Nội thênh thang có đủ cả núi rừng
Trong quy hoạch vẫn dành nhiều đống đa đống mác.

Thơ Hồ Xuân Hương nay phổ thành tiêng hát:
Ví đây đổi phận xuân sơn được
Thì sự anh hùng há Vọng Phu ?!

(Bùi Khắc Vinh)

Sức lan toả của các cuộc biểu tình chưa kịp bay xa thì dấu chấm hết phũ phàng đã khiến người biểu tình tan tác sau hai cuộc biểu tình ngày Chúa Nhật 10 và 17 tháng Bảy.

Đất quê ta mênh mông
Lòng mẹ rộng vô cùng
Biển quê ta mênh mông
Lòng mẹ rộng vô cùng

Bùi Minh Quốc

Ngay khi biết tin tàu giặc ngang ngược bắt giữ và tịch thu tài sản của ngư dân xứ Quảng vào ngày 5 tháng 7, cả nước lại sục sôi nỗi uất hận tràn bờ. Sau cuộc biểu tình ngày 10 tháng 7, nhà thơ Đỗ Trung Quân tung lên mạng bài thơ cay đắng mang tên “Nếu trên đầu mình đã mọc đuôi sam” và ngay lập tức bài thơ được công dân mạng loan tải với mức độ chóng mặt.

Nỗi u uất trong toàn bài thơ mang giai điệu vừa căm phẫn vừa bất cần đời. Thơ như đang say cái say của người hào sĩ bị trói tay trước chất chồng khốn nạn của gã hàng xóm vừa xấu xa vừa gian ác. Kinh ngạc ở chỗ, thơ không còn trơn mượt và luyến láy nữa. Từng chữ, từng câu như chiếc khăn tay gói lửa, vừa nóng buốt chữ nghĩa hè phố vừa rát bỏng tức giận khôn nguôi. 

Tháng này Sài Gòn mưa ngâu
Nhưng thôi, miễn bàn về thơ thẩn
Tôi nói thẳng cho mau
Đồng bào tôi ngoài biển vẫn bị nó cướp tàu
Đồng bào tôi ngoài biển vẫn bị nó túm đầu
Cướp cơm chim

Tôi nói thẳng
Thôi đi mấy cha, mấy anh cà vạt  phòng lạnh cách xa biển Đông ngàn dặm
Nhà anh chả ai cướp
Con anh chả ai đánh (đánh sao được, nó ở nước ngoài ráo cả)
Vợ anh chả ai hiếp (hiếp sao được, nhà anh có công an bồng súng đố thằng nào…)

Chỉ tủi thân cho đồng bào
Tàu thuyền rách nát.
Kiếm sống ở khu vực nhà mình vẫn bị ăn tát
Ăn bạt tai – đá đít
Ăn đạn AK

Bọn hải tặc đuôi sam  làm cha
Thậm chí làm ông nội.
Thơ không được chửi bậy
nhưng thôi đành
Tiên sư bố chúng mày bọn lưu manh!

Bạn bè gì ngữ ấy.
Thơ không được chửi bậy
Xin tha thứ cho thằng làm thơ này. Đọc tin đồng bào bị cướp trên biển thì mắt nó cay cay …

Cứ đàn áp đi…
Cứ bóp cổ đi…
Cứ kung-fu đi…
Cứ triệu tập đi…
Cứ lo hữu nghị đi…
Hỡi những người anh em máu đỏ da vàng
Hãy thử sờ lên đầu mình. Xem…
Đã mọc đuôi sam?…

SDC14241-250.jpg
Rất đông người biểu tình bị bắt đưa lên xe buýt sáng 17-07-2011 tại Hà Nội. Kamiblog.
Đuôi sam chỉ có thể mọc trên những cái đầu vong quốc và thơ hôm nay đã chỉ ra được cái hốc tối bí ẩn của những cái đầu mù quáng ấy. Đỗ Trung Quân đã làm người đọc thơ ông khóc dài đến thâm quầng mắt chỉ qua vài cái xuống dòng. Thơ, trong ý nghĩa nào đó đã mang thêm chức năng truyền lửa và Đỗ Trung Quân đã đốt cháy người đọc thơ ông. Cháy lên tình yêu nước và đốt cả nỗi sợ hãi truyền kiếp trước ngoại nhân lẫn nội thù.

Thú dữ lộ nguyên hình

Và rồi cái gì phải tới cũng đã tới. Cuộc biểu tình ngày 17 tháng Bảy đã làm nhiều thú dữ lộ nguyên hình. Video clip quay cái đạp của viên an ninh tên Minh đã làm người biểu tình lẫn người ở nhà tràn lên nỗi uất nghẹn khó dằn. Ngăn cấm và bao vây chưa đủ, người đi biểu tình không một vũ khí trong tay bị rượt đuổi và khiêng như khiêng súc vật ném lên xe chở về đồn công an. Những hình ảnh đáng xầu hổ này một lần nữa khuấy động cộng đồng mạng và là động lực thúc đẩy nhiều bài thơ ra đời trong đó nổi bậc nhất vẫn là Đỗ Trung Quân với bài thơ mang tên “Chúng ta sẽ sẻ chia cùng đồng bào chén cơm manh áo. Trừ….”

Rõ rồi nhé.
Rõ mồn một nhé.
Người Việt trấn áp người Việt nhé.
Người Việt đánh đập người Việt nhé
Vì tội tày trời : chống bọn cướp của giết người
Mang tên : BẠN.
Mang tên China.

Rõ rồi nhé.
Nhưng…
Dù gì cũng phải khen một câu
Cái gì cũng tù mù
Nhưng
Trấn áp
Thì công khai.
Bóp cổ , khiêng vác , chửi thề , đánh nóng , đánh nguội
Thì
Rất minh bạch.

Hỡi những người anh em
Đánh đồng bào mình có vui không?
Bắt đồng bào mình có sướng không?
Rong tảo Hoàng Sa không xanh nữa
San hô Hoàng Sa đỏ màu máu
Từ một chín bảy tư
Lạng Sơn những rừng đào linh hiển
Hoa cũng đỏ lừ.

Chúng ta
Những con người yêu nước bé mọn
Nhưng không khiếp nhược
cười đau đớn
cười ứa máu mép
cười chảy máu mồm
thở lên vòm trời làn hơi u uất

Giữa nắng mặt trời
Ngày
Chủ nhật
Não nề
Không thể
Não nề
Hơn.

Ta biết những thằng thái thú
 Có đủ lý do ăn mừng
Rượu Mao đài tưới xuống
Biển Đông…
Nhưng chúng ta sẽ nói trong vị mặn của máu
Như vị mặn của máu ngư dân
Ta sẽ sẻ chia cùng đồng bào chén cơm manh áo
Từng chiếc thuyền nan

Nhưng …
Điều này là chắc chắn.
Một –  tấc –  biển – Đông
Cũng
Không !

Khi tàu giặc lừng lững vào hải phận
khi triều đình tự bịt mắt che tai
Xuống đường! Xuống đường
ta giương cờ nước:

Hoàng Hưng

Ngay khi bài thơ vừa xuất hiện đã có hàng trăm bài khác hoạ theo và cứ liên tục bài này thúc bài kia, căm phẫn nắm níu nhau xuất hiện trên rất nhiều trang mạng xã hội. Vugia là tác giả của một trong hàng trăm bài thơ hoạ với bài thơ mang tên: “Bài ca tháng Bảy”

Tôi hát về những bó nhang
cháy vội vàng để khói bay lên
nhuộm trắng vành khăn tang vàng ố,
vành khăn ướt đẫm tiếng gào phẫn nộ
của con mòng, con nhạn không có tổ bay về…
nhang cháy vội vàng
con nhạn, con mòng
mình trắng khăn tang…

Tôi hát về những cặp mắt ngơ ngác, bàng hoàng
của bầy con mất cha,
của vợ mất chồng
của người mẹ điên lang thang đi tìm con trên cát…
ngơ ngác, bàng hoàng
con mất cha,vợ mất chồng
người mẹ điên bới cát tìm con…

Tôi hát về các anh – những linh hồn
sống trên sóng bập bềnh, lênh đênh mòn tuổi đời trên biển
đi qua đảo gần, đảo xa
bám chặt đảo chìm, đảo nổi
trọn lời trăn trối
bởi biển đảo thắm mặn từ giọt mồ hôi,
từ giọt máu hồng nghìn đời cha ông tích tụ,
xác bập bềnh
hồn lênh đênh
để máu mình cùng máu cha ông tích tụ…
 
Này, sướng sung gì mà ca với hát?
Không, tôi hát để nuốt nuớc mắt chảy ra
Tôi hát cùng sơn hà xã tắc hòa lên tiếng nấc
Nghèn nghẹn ngào ngào
Thay tiếng gào

Đất nước tôi sao mà nhiều khăn trắng thế!
Nghèn nghẹn
ngào ngào
sao mà nhiều khăn trắng thế?

(Vugia)

Nhìn lại con đường gian nan giữ nước

57-250.jpg
Người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội sáng 17/7/2011. AFP photo.
Từ Đà Lạt nhà thơ Bùi Minh Quốc cặm cụi săm soi từng tấc đất quê hương như sợ không còn cơ hội để nhìn ngắm chúng. Nhà thơ ghi lại con đường gian nan giữ nước trong thế kỷ trứơc và ngậm ngùi trong bài thơ mang tựa: “Đất quê ta mênh mông…”

Đất quê ta mênh mông
Lòng mẹ rộng vô cùng
Biển quê ta mênh mông
Lòng mẹ rộng vô cùng
Vô cùng vô tư thương con là mẹ
Vô cùng ngu ngơ tin con là mẹ

Những đứa con từ lòng đất xông lên
Những đứa con trườn sóng cả vượt lên
Đứa lao tới tan thây thành liệt sĩ
Đứa sống sót trở về
Đứa né trận lỏn về

Tranh nhau dựng ghế
Ghế ghế uy nghi
Chia nhau ngồi chễm chệ
Rung đùi chỉ lối mẹ đi
Rung đùi ngắm nghía thỏa thuê

Đất quê ta mênh mông
Biển quê ta mênh mông
 Mênh mông mênh mông gầm ghế bềnh bồng
Mênh mông mênh mông gầm ghế đẹp vô cùng
Quặn lòng đất hát
“Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh…
Quặn lòng biển hát
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc…”

Lô xô đầu bạc phơ phơ
Lô xô đầu bạc phạc phờ
Mòn mỏi trước thềm công đường dinh thự
Nghênh nghênh
Các con diễn văn chữ nghĩa lềnh nhềnh
Kiên định trọn đời đầy tớ thênh thênh
Quặn mình đất vật
Quặn mình biển vật
 “Mẹ đòi đất đòi nhà từ thuở tóc còn xanh…”

Đất quê ta mênh mông
Biển quê ta mênh mông
Lòng mẹ đắng khôn cùng
Đất quê ta mênh mông
Biển quê ta mênh mông
Uất hận chất khôn cùng
Đất quê ta mênh mông
Biển quê ta mênh mông
Nuôi tiếp những anh hùng

Trong khi theo chân các tác giả trong bài viết này, chúng tôi có cảm giác mình cũng bị lôi vào dòng chảy của các nhà thơ công dân mạng. Âm ỉ và thôi thúc phải sáng tác một hai câu gì đó trong dòng xúc cảm của một giai đoạn văn học có thể gọi là hết sức đơn giản nhưng gây tiếng vang nhanh, đã khơi động tâm hồn của thanh niên nhiều như vậy. Với tình hình hiện nay không thấy có dấu hiệu nào cho thấy người làm thơ sẽ cạn nguồn cảm hứng khi tiếng than khóc ngoài biển của ngư dân cộng với những ấp úng của giới cầm quyền sẽ còn tiếp tục được thơ minh chứng trong nhiều ngày tới.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
24/07/2011 03:31

Nhung ang tho da phan anh duoc tinh than yeu nuoc, yeu dat me Viet Nam cua nhung nguoi con Viet. Va nhung ang tho da khong nao nung vach mat da tam ac doc day muu mo cua Trung Cong cung voi su uon hen cua be lu ban nuoc cau vinh, tieu bieu la Dang va Nha Nuoc Viet Nam.