Cuộc di tản hàng trăm trẻ mồ côi ở Sài Gòn năm 1975
Ngày 12 tháng Tư năm 1975 của ba mươi lăm năm trước, chiếc phi cơ của không lực Hoa Kỳ hạ cánh an toàn xuống đất Mỹ với hai trăm mười chín trẻ từ cô nhi viện An Lạc của thành phố Sài Gòn.
Thanh Trúc, phóng viên RFA 2010.04.29
Bà Betty Tisdale và những đứa trẻ mồ côi gốc Việt Nam, ảnh chụp trước đây.
Photo courtesy of Angel Scribe
thtruc04292010.mp3
Những người mẹ
Người đứng ra bảo bọc và vận động cho
cuộc di tản của hai trăm mười chín cô nhi đến nước Mỹ là một phụ nữ Hoa Kỳ,
bà Betty Tisdale, vào khi Sài Gòn đang trải qua những giờ phút hoảng loạn
đen tối.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ
này xin kể lại câu chuyện bà Betty Tisdale và cuộc di tản tràn ngập nước
mắt khỏi Sài Gòn, bởi để bốc được hai trăm mười chín em thì Betty phải đành đoạn
bỏ lại một trăm tám mưới mốt em khác trên mười tuổi mà chính phủ miền Nam lúc ấy
không cho phép bà mang đi.
Thực sự
lúc ấy tôi không biết phải xoay sở thế nào để đưa hết bốn trăm cô nhi của An Lạc
đi. Tôi chỉ biết tôi không thể để các em ở lại trong cảnh hỗn loạn.
Bà Betty
Tisdale
Và nếu không có bóng dáng một
phụ nữ nhân hậu, bà Vũ Thị Ngãi, người mẹ của bốn trăm cô nhi ở viện mồ
côi An Lạc, chắc chắn Betty Tisdale không thể nào biết đến nơi này để rồi, như
một định mệnh, trở thành người mẹ thứ hai ở đây trong bao năm, trước khi chạy
đôn chạy đáo tìm mọi cách di tản các em ra khỏi Sài Gòn những giờ hấp hối.
Có điều gì nối kết những mãnh đời
trong cô nhi viện An Lạc mà khởi đầu là tấm lòng rộng mở của bà Vũ Thị Ngãi. Từ
những ngày tản cư trên đất Bắc, bà Vũ Thị Ngãi thường nhặt nhạnh các trẻ lạc
cha lạc mẹ hoặc cha mẹ chết hết để mang về nuôi nấng. Năm 1954, trên chuyến
tàu USS Montague đưa người di cư vào Nam, bà Vũ Thị Ngãi mang theo được sáu
mươi em mồ côi đi cùng. Trên tàu, một bác sĩ quân y Hoa Kỳ, ông Tom Dooley, đã
hết lòng chăm sóc những đứa con đói rách ốm yếu của bà Ngãi.
Xúc động trước cuộc di cư vĩ đại của
hơn một triệu người trốn chạy cộng sản miền Bắc, bác sĩ quân y Tom Dooley viết
tác phẩm Deliver Us Fron Evil, Xin Cứu Chúng Tôi Ra Khỏi Sự Dữ, trong đó có
hình những đứa bé lem luốc rách rưới đứng quanh bà mẹ Vũ Thị Ngãi . Đó
cũng là những cô nhi đầu tiên của cô nhi viện An Lạc tại Sài Gòn sau này, vẫn với
sự giúp đỡ cùng công sức và tiền bạc quyên góp của bác sĩ Tom Dooley.
Tình cờ quyển sách Xin Cứu Chúng Tôi
Ra Khỏi Sự Dữ rơi vào tay Betty Tisdale, thôi thúc bà tìm gặp bác sĩ
Dooley. Kết quả là năm 1961 Betty quyết định đến Sài Gòn, đến với cô nhi
viện An Lạc, đến với người bà hằng ngưỡng mộ là bà Vũ Thị Ngãi.
Những ngày tháng làm việc và sinh hoạt
với cô nhi viện An Lạc đã tạo cơ hội cho Betty gặp bác sĩ quân y Patrick
Tisdale. Cùng lý tưởng yêu thương và phục vụ tha nhân, họ yêu nhau, lập gia
đình và chung sống đến lúc này.
Chờ di tản ở Sài Gòn ngày 30-4-1975. VIETNAM OUT AFP PHOTO/VNA/FILES
Quyết định táo bạo
Bây giờ mời quí vị trở lại chuyến di
tản của hai trăm mười chín em mồ côi sang Mỹ ba mươi lăm năm
trước với lời thuật của bà Betty Tisdale, năm nay đã 87 tuổi:
Tháng Tư năm 1975 tình hình mỗi ngày
một tệ hơn, mọi việc diễn ra quá nhanh, chừng như chiến tranh sắp kết thúc và
Sài Gòn sẽ mất. Khi hay tin tổng thống Gerald Ford cho phép máy bay vận tải bốc cô
nhi ra khỏi Sài Gòn thì tôi biết tình hình cấp bách lắm rồi.
Thế là tôi quyết định phải di tản qua
Mỹ hết mấy trăm em trong cô nhi viện An Lạc.
Từ Hoa Kỳ, Betty Tisdale gọi diện về
cho bà Vũ Thị Ngãi, giám đốc cô nhi viện An Lạc, báo cho biết bà sẽ về Việt
nam trong vài ngày nữa để đưa hết mọi người sang Mỹ:
Ông đại sứ
cho tôi biết ông có thể giúp về vận chuyển, thế nhưng việc tôi muốn đưa các cô
nhi ra khỏi Sài Gòn thì phải có sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam.
Bà Betty
Tisdale
Tuy nói chắc với bà Ngãi như vậy
nhưng thực sự lúc ấy tôi không biết phải xoay sở thế nào để đưa hết bốn trăm cô
nhi của An Lạc đi. Tôi chỉ biết tôi không thể để các em ở lại trong cảnh hỗn
loạn lúc ấy.
Cầm trong tay chiếc vé đi Việt Nam,
những câu hỏi quay cuồng trong đầu Betty, làm sao đưa các em sang đây, nếu
qua được rồi các em sẽ ở đâu, làm thế nào tìm người bảo lãnh cho hơn hai
trăm trẻ trong một thời gian ngắn.
Thế là tôi bắt đầu gọi
Washington để rồi được biết chính phủ Mỹ đòi hỏi hoặc trẻ đã có sẵn người
bảo trợ tức cha mẹ nuôi, hoặc đang trong tiến trình lập thủ tục làm con nuôi
thì mới được sang Mỹ.
Tôi gọi ngay cho Cơ Quan Di Trú thì họ
bảo có bảy tổ chức thiện nguyện được công nhận mà nếu muốn tôi nên liên lạc
để tiến hành thủ tục với một trong bảy nhóm đó.
Bấy lâu đi Việt Nam rồi quyên
góp tiền bạc để lo cho cô nhi viện An Lạc trong tư cách cá nhân, Betty
Tisdale không rành rẻ các thủ tục xin và nhận con nuôi. Cố điện thoại đến
Tressler Lutheran Agency, một tổ chức từ thiện ở Pensylvania, Betty được tổ chức
này hứa giúp.
Nhưng còn nơi tạm trú cho các em những
ngày đầu tới Mỹ nữa. Betty Tisdale gọi đến trại tạm cư Fort Benning ở Georgia.
Nơi này húa giúp đỡ bà trong những ngày tới.
Về tới Việt Nam, chuyện đầu tiên là
tôi đến ngay tòa đại sứ Mỹ. Ông đại sứ giới thiệu tôi với một người chuyên
trách máy bay vận chuyển của quân đội.
Ông đại sứ cho tôi biết ông có thể
giúp về vận chuyển, muốn bao nhiêu máy bay quân sự cũng có, thế nhưng việc tôi
muốn đưa các cô nhi ra khỏi Sài Gòn thì phải có sự chấp thuận của chính
phủ Việt Nam.
Những đứa trẻ họ Vũ
Sài Gòn ngày 30-4-1975. VIETNAM OUT AFP PHOTO/VNA/FILES
Tiếp xúc với thứ trưởng Bộ Xã Hội Việt
Nam lúc bấy giờ, bác sĩ Phan Quang Đán, Betty được yêu cầu xuất trình danh sách
và giấy khai sanh của các em. Mà lấy đâu ra khai sinh cho ngần ấy trẻ vô thừa
nhận bây giờ, bởi chúng bị vất bỏ ngay khi vừa lọt lòng mẹ, Betty than thầm.
Với quyết tâm là bằng mọi
giá phải vượt qua trở ngại, chúng tôi tìm cách tạo giấy khai sinh
cho từng em, đặt cho mỗi em một tên , những bốn trăm tên ...tất cả con trai con
gái đều mang họ Vũ. Tại sao ư, tại vì mẹ của chúng là bà Vũ Thị
Ngãi, người đã sáng lập và làm giám đốc cô nhi viện An Lạc.
Mọi chuyện tưởng êm xuôi nhưng tới
ngày lên đường thì chính phủ Việt Nam cho biết không thuận để những em trên mười
tuổi ra đi. Thế là thay vì cả bốn trăm thì chỉ còn hai trăm mười chín trẻ
sơ sinh và trẻ dưới mười tuổi. Một trăm tám mươi mốt em ở lại với bà Vũ
Thị Ngãi. Cuộc chia tay diễn ra trong thảng thốt và nước mắt.
Hình ảnh bà Ngãi và những em ở lại
không bao giờ phai mờ trong tâm khảm Betty Tisdale. Bằng mọi giá người mẹ của
những trẻ mồ côi An Lạc phải đến Mỹ, Betty tự hứa với lòng mình, nếu không bà
Vũ Thị Ngãi sẽ bị chế độ mới trừng phạt vì bà là một người di cư năm 1954 với
60 trẻ từ Bắc vào Nam, rồi lại để cho hơn hai trăm trẻ ra đi trong cảnh loạn lạc
của Sài Gòn tháng Tư 1975.
Ngày 12 tháng Tư 1975, chiếc
phi cơ quân sự chở 219 em qua Mỹ phải đáp khẩn cấp xuống phi trường Los
Angeles vì một số em bị đuối sức không thể bay tiếp đến Fort Benning, nơi mà
trung tâm từ thiện Tressler Lutheran có nhiệm vụ tìm kiếm những gia đình muốn
nhận các em làm con nuôi.
Bằng
mọi giá phải vượt qua trở ngại, chúng tôi tìm cách tạo giấy khai
sinh cho từng em, đặt cho mỗi em một tên , những bốn trăm tên ...tất cả con
trai con gái đều mang họ Vũ.
Bà Betty
Tisdale
Cũng nhờ vào sự vận động tích cực của
Betty Tisdale với đại sứ Martin khi ấy còn ở Việt Nam, ngày 28 tháng Tư 1975 bà
Vũ Thị Ngãi được đưa tới đảo Guam. Sau đó bà được Betty Tisdale đón từ
Guam về Columbus, Georgia . Betty và chồng, ông Patrick Tisdale, nhận bà
Ngãi làm mẹ nuôi của họ.
Rất tiếc bà Vũ Thị Ngãi chỉ sống với
chúng tôi được ba năm rồi qua đời vì bệnh lúc 73 tuổi.
Ba mươi lăm năm sau, 30 tháng tư 1975
đến 30 tháng Tư 2010, hai trăm mười chín trẻ mồ côi mang họ Vũ của
cô nhi viện An Lạc Sải Gòn giờ đã lớn, đã thành thân, sống rải rác trên các tiều
bang ở Hoa Kỳ. Năm người trong số họ được ông bà Tisdale nhận làm con.
Vào ngày thứ Sáu 30 tháng Tư này, tòa
soạn báo Người Việt, nhật báo Việt ngữ lớn nhất miền Nam California, sẽ tổ chức
buổi đón tiếp và tri ân bà Betty Tisdale. Đây là lần đầu tiên sau ba mươi
lăm năm cộng đồng người Việt mới có dịp tiếp xúc với ân nhân của các trẻ mồ côi
của cô nhi viện An Lạc xưa.
Đây cũng là cơ hội cho một số
anh chị em An Lạc, nay đã trưởng thành, tìm về với nhau kể từ lần chia xa
mỗi người mỗi ngã ba mươi lăm năm về trước.
Chân thành cảm ơn phóng viên Hà Giang
của báo Người Việt đã giúp Thanh Trúc thực hiện một câu chuyện với kết thúc rất
có hậu này.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi chấm
dứt ở đây. Xin hẹn lại quí vị vào thứ Năm tuần tới.