Vinh danh nghệ sĩ Kiều Chinh với giải thưởng "In Pursuit of Liberty"

Ngày 18 tháng 5 tới, lễ tiếp tân và vinh danh hai nhân vật tiêu biểu trong nỗ lực cứu vớt thuyền nhân đến một quốc gia tự do và thanh bình sẽ diễn ra ở quốc hội Hoa Kỳ, tên của giải thưởng là In Pursuit Of Liberty.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010.05.06
E2_for-boatpeople-1981-305 Bà Kiều Chinh trong cuộc vận động cho thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Palawa - Philippine năm 1981. Bà cầm tấm bảng "Tất cả các thuyền nhân đều là tị nạn chính trị".
Hình do BPSOS cung câp.

Giải thưởng In Pursuit Of Liberty, tức Hành Trình Tìm Tự Do, do Boat People SOS, tức Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, tổ chức vô vụ lợi ra đời từ thập niên 1980 với mục đích giúp đỡ người vượt biên từ Việt Nam tấp vào các trại tị nạn Đông Nam Á tổ chức vinh danh.

Luật sư Phan Quốc Cường, chuyên trách về  giao tế và truyền thông của Boat People SOS, cho biết là nhân dịp kỷ niệm ba mươi lăm năm thành lập cộng đồng Người Mỹ gốc Việt và ba mươi năm phục vụ cộng đồng của tổ chức Boat People SOS thì tổ chức ấn định một ngày để vinh danh những người đã đóng góp cho công cuộc giải cứu thuyền nhân, nhắc lại những câu chuyện đáng nhớ về sự chiến đấu sống còn cùng tinh thần hy sinh và những thành quả đạt được của cộng đồng người Mỹ gốc Việt:

Mình sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, nhìn thấy biết bao nhiêu là khổ đau, tang tóc, mình luôn luôn cho rằng mình may mắn hơn rất nhiều người. Thành ra bất cứ lúc nào mình làm được cái gì trong khả năng của mình thì mình làm. 
NS Kiều Chinh

“Dịp này tổ chức sẽ lần đầu tiên vinh danh hai nhân vật có những đóng góp rất to lớn trong công cuộc giải cứu và cứu trợ thuyền nhân trong hai thập niên 80 và 90.

Tấm lòng của Kiều Chinh

Người thứ nhất là nghệ sĩ Kiều Chinh mà trong suốt bao năm qua đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của cộng đồng Mỹ gốc Việt không chỉ về mặt nghệ thuật văn hoá mà còn về những công tác nhân đạo.

Khi giai đoạn thuyền nhân tăng cao, bà là người đi đến những trại tị nạn, gióng lên tiếng nói mạnh mẽ với chính giới cùng truyền thông Hoa Kỳ. Hiện tại chúng tôi vẫn còn giữ những hình ảnh khi nghệ sĩ đi lobby các vị dân biểu và quốc hội để kêu gọi sự quan tâm chú ý của chính quyền Hoa Kỳ cũng như của dư luận thế giới nhằm cứu trợ biết bao thuyền nhân Việt Nam đang lênh đênh trên biển khơi hay bị mắc kẹt trong các trại tị nạn.”

Người thứ hai, vẫn lời luật sư Phan Quốc Cường, là ông Daniel Wolf, một luật sư mà ngay từ thập niên 1980 vì xúc động trước thảm cảnh của thuyền nhân Việt Nam đã bằng mọi cách vận động cứu giúp họ.

Để có thể trình bày trọn vẹn việc làm của nữ nghệ sĩ Kiều Chinh, xin hẹn lại câu chuyện về luật sư Daniel Wolf  trong một lần khác.

Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay, một cách khiêm tốn, nữ tài từ Kiều Chinh bày tỏ: “Thật sự khi nhận được thơ mời thì tôi cũng đã trả lời việc làm của tôi là vì tấm lòng chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình thôi. Tôi không phải là người duy nhất làm chuyện đó, còn rất nhiều người làm những công việc lớn hơn. Tôi nghĩ tôi không phải là người xứng đáng để nhận lãnh một cái giải thưởng.

Nhưng các anh bên đó nói nhân cơ hội ba mươi lăm năm thì cũng phải nêu danh một số người đã hoạt động âm thầm từ những năm đầu tiên là những năm khó khăn nhất.

Chính tôi cũng ở trong hoàn cảnh không khác gì mọi người, chính tôi cũng là vất vả để lập một đời sống mới trên đất nước mới này. Nhưng may mắn là mình còn một ít thời giờ riêng tư để hoạt động lợi ích cho những người kém may mắn hơn mình. Đây chỉ là vấn đề nhân đạo.”

E3_Refugee-camp-Palawan-1984-200
Nghệ sĩ Kiều Chinh đến trại Palawan năm 1984. Hình do BPSOS cung cấp
Nghệ sĩ Kiều Chinh đến trại Palawan năm 1984. Hình do BPSOS cung cấp
Cuộc hành trình đi tìm tự do mà nữ nghệ sĩ Kiều Chinh theo đuổi cho bản thân và cho các thuyền nhân Việt Nam trong thời kỳ cao điểm vượt biên từ 1980, theo lời cô là “tại vì mình sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh và sống quá nửa đời người trong chiến tranh, nhìn thấy biết bao nhiêu là khổ đau, tang tóc, mình luôn luôn cho rằng mình may mắn hơn rất nhiều người. Thành ra bất cứ lúc nào mình làm được cái gì trong khả năng của mình thì mình làm.

Sau 1975 mình di cư sang Mỹ, nhưng mà còn rất nhiều người kẹt lại bên trại tị nạn. Thời đó Kiều Chinh làm việc cho cơ quan Catholic Welfare Bureau, ngồi trong ban cố vấn của ông thống đốc Brown của California thời đó. Mình biết được rằng những người tị nạn mà vào nước Mỹ, bất cứ quốc gia nào, quốc tịch nào thì nước Mỹ đều cho một cái quota. Nga bao nhiêu, Tàu bao nhiêu, Mễ bao nhiêu, Á Châu bao nhiêu. Mỗi quốc gia đều có một con số nhất định.

Sau 75 thì còn gọi là tị nạn, nhưng đến năm 80 lại càng khó hơn nữa. Cho nên mình đã làm việc với Cơ Quan Di Trú Mỹ để xin thêm quota cho những người bên trại được đi sớm, được ra khỏi trại sớm hơn.
NS Kiều Chinh

Đối với các quốc gia khác thì quota đó là vấn đề bình thường hàng năm, nhưng đối với thuyền nhân Việt Nam thì nó lại khác tại vì mình ồ ạt mình tới một lúc, mình không thể ở trong trại tị nạn mà chờ quota. Ví dụ một năm được phép vào mười ngàn người thì chờ cho tới bao giờ những người trong trại tị nạn mới được ra hết?”

Tranh đấu cho thuyền nhân VN

Đó là lý do ngoài chuyện làm cố vấn cho những nhóm dân tộc thiểu số ở California, nữ nghệ sĩ Kiều Chinh còn làm thiện nguyện viên cho Cơ Quan Di Trú Hoa Kỳ. Cô nói: “Lúc đó bắt đầu có nhiều thuyền nhân, tức là vào năm 1980, Kiều Chinh sang Philippines, cùng bà Marcos thời đó là đệ nhất phu nhân, đi thăm trại tị nạn Palawan bên Philippines. Đó là những thuyền nhân mới qua, lúc đó mình mới thấy họ sẽ bị ở trại đó rất lâu nếu mà cứ theo quota.

Sau 75 thì còn gọi là tị nạn, nhưng đến năm 80 lại càng khó hơn nữa. Cho nên mình đã làm việc với Cơ Quan Di Trú Mỹ để xin thêm quota cho những người bên trại được đi sớm, được ra khỏi trại sớm hơn.”

Đây là vấn đề rất khó khăn vì phải tranh đấu với các quốc gia khác, nữ nghệ sĩ Kiều Chinh nói tiếp. Nước nào cũng đòi số quota, mà lớn nhất là Mexico vì người Mễ sang Hoa Kỳ rất đông:

Mỗi lần đi họp như vậy thì Kiều Chinh phải lên Washington DC, họp với Cơ Quan Di Trú và cùng họp với tất cả các quốc gia khác về vấn đề quota những người nhập vào nước Mỹ. Tôi cứ nghĩ nếu đó là cá nhân tôi hay chính con tôi cháu tôi mà trong hoàn cảnh đó và đang vất vưởng trong các trại tị nạn không biết năm nào mới được đi. Hay là đi theo quota nhỏ giọt thì ở đó cho tới bao giờ? Đó là cái lý do mà mình hoạt động. Âm thầm hoạt động vậy thôi.

Tôi thì không rõ về nhưng con số, chỉ biết hàng tháng Cơ Quan Di Trú có những buổi họp và mình ngồi trong ban cố vấn cùng tất cả các quốc gia khác. Nước nào cũng đưa ra lý do xứng đáng được nhập vào nước Mỹ. Chúng tôi phải nghe ngóng tất cả những lý do đó, đồng thời mình cũng nêu ra vấn đề của mình, là những người đã ra khỏi nước Việt Nam là thuyền nhân đang nằm bên trại tị nạn thì làm sao cho họ đi sang đây.

080430-boatpeople-2_250
Thuyền nhân được vớt từ những ghe thuyền nhỏ bé lên tàu lớn.
Hình của UNHCR
Nếu một năm chỉ cho một trăm ngàn người vào nước Mỹ mà có tới mười quốc gia. Chia đều thì mỗi quốc gia được mười ngàn người là quota. Ví dụ như thế thôi.

Bây giờ mình đòi thuyền nhân của mình vào năm chục ngàn người, còn lại năm chục ngàn chia cho các quốc gia khác thì họ đâu có chịu. Đó là lý do khi họp mình cần phải đưa ra tại sao mình cần con số của mình cao hơn các quốc gia khác. Đó là điều khó khăn, phải họp hành rất nhiều ngày tháng mới đi tới chuyện nước Mỹ nhận được bao nhiêu thuyền nhân, còn bao nhiêu là chuyển cho các quốc gia khác.”

Không chỉ ở nước Mỹ để vận động, nhờ vào tiếng tăm trong ngành điện ảnh và sự quen biết trước kia, nữ nghệ sĩ Kiều Chính còn đi đến các trại tị nạn. Cô kể: “Mình cũng phải đi đến Philippines. Lúc đó bà Marcos có một người là trung tướng Tobias. Trong thời chiến tranh ông Tobias chỉ huy quân đội Phi ở Sài Gòn. Khi đó Kiều Chinh có cơ hội đóng cuốn phim Destination Vietnam hợp tác giữa Hoa Kỳ và Philippines. Họ sang quay ở Sài Gòn và Kiều Chính đóng vai chính trong phim đó. Đó là lý do Kiều Chinh gặp tướng Tobias thời làm phim ở Sài Gòn.

Sau này lúc thuyền nhân sang trại Palawan ở Philippines thì tướng Tobias đã về hưu nhưng lại là cánh tay mặt của bà Marcos. Bà Marcos đã giao cho ông trông coi và chỉ huy trại đó. Mình có sang tận nơi để họp với ông ta và cũng để xin cho những trường hợp phỏng vấn thí dụ những người già quá mà họ ốm đau không thể ở lâu nơi đó được, hay những người già mà con họ ở bên Mỹ, hoặc các em bé không có gia đình. Nhiều trường hợp lắm. Mình phải ưu tiên xin cả hai đường. Một bên là ra khỏi trại Philippines, một bên là phía Mỹ. Thời gian đó là mình đi đi về về bên Philippines và bên Mỹ.”

Những bài học trường đời

Chính thời gian này nữ nghệ sĩ Kiều Chinh nhận ra nỗi khốn khổ có khi rất thường mà có khi cũng quá ư cay đắng của thuyền nhân Việt Nam. Với bà, đó là bài học, đó là trường đời: “Ở trong trại người ta thiếu nhiều thứ lắm mà ông tướng Tobias không hiểu được những cái thiếu đó. Họ chỉ biết cho mình chỗ ở và cho ăn là đủ rồi.

Ở trong trại người ta thiếu nhiều thứ lắm mà ông tướng Tobias không hiểu được những cái thiếu đó. Họ chỉ biết cho mình chỗ ở và cho ăn là đủ rồi.

NS Kiều Chinh

Tôi còn nhớ khi tôi đến đó, hàng ngàn hàng ngàn người xúm tới nhờ tôi giúp em thư từ về Mỹ cho người quen vì trại Palawan nằm trên đảo, họ không thể gởi thơ mà cũng không có tem gì cả. Nghĩa là bao nhiêu tin tức họ đưa cho tôi, ra về với hàng chục cái bao bố. Về tới Mỹ không biết làm sao mình đủ tiền để dán tem đây. Thật sự đó là vấn đề nan giải cho tôi nhưng làm sao mà bỏ sót được những cái quá quan trọng cho người ta.

Chính tôi cũng mới di cư thôi, làm cho hội từ thiện tiền bạc đâu có bao nhiêu. Tôi cũng có ba cháu nhỏ phải đi học, xe hơi cũng chẳng có phải đi xe bus mà đổi ba chuyến mới đến sở làm.

Hồi đó tôi đi trực thăng riêng với bà Marcos, bà cũng thấy tôi ôm từng bao bố thơ từ, đồng thời lúc đó tôi cũng có xin một bưu điện nhờ họ liên lạc, gọi điện thoại ra ngoài đất liền. Hoặc là mua tem gởi thơ cũng như xin một cái phòng có máy truyền hình với một vài báo chí sách vở cho họ coi vì một cái trại như thế mà không có gì cả thì làm sao sống ngày này qua ngày khác.

Một chuyện nữa là buổi chiều trước khi chia tay, tôi sắp ra về thì bỗng dưng có một người đàn ông chạy tới ôm chầm lấy tôi la khóc “em ơi anh xin lỗi em, anh xin lỗi em” Tôi chẳng hiểu gì cả. Những người trên đảo gỡ tôi ra và nói cho tôi biết bởi vì ông ấy đi cùng vợ đang có thai. Vợ ông bị hải tặc hiếp rồi bà chết và người ta vứt xác xuống biển. Sang tới trại thì ông ấy bị mất trí. Tôi bị xúc động không thể tưởng tượng được.” 

Thế rồi một hôm, cũng với đệ nhất phu nhân Imelda Marcos, nữ nghệ sĩ Kiều Chinh nhớ lại:

080505-BoatPeople_hongKong_UNHCR-250
Người tị nạn ở Hồng Kông chờ đi định cư. PHOTO by UNHCR
Người tị nạn ở Hồng Kông chờ đi định cư. PHOTO by UNHCR
“Cả một phái đoàn đi như thế này thì những người cận vệ của bà Marcos nói hễ bà ấy ngừng lại ở đâu và hỏi ai thì người đó phải đứng lên mà trả lời, đệ nhất phu nhân mà. Nhưng đến khi tới một gia đình có một phụ nữ chừng ba mươi thì bà ấy không đứng dậy. Tôi là người thông dịch sang tiếng Việt, thì bà đó nhìn tôi và nói “Thưa bà Kiều Chinh em không đứng dậy được” Tôi hỏi lý do, bà ấy cứ nhìn tôi ngập ngừng rồi nói “Em xin lỗi em không có băng vệ sinh, em ngồi trên tờ báo như thế này ruồi nó đâu nhiều lắm em không dám đứng dậy.

Trời ơi, tim tôi nhức nhối. Một chuyện rất nhỏ, rất bình thường của phụ nữ mà trong trại họ cho mình cái mái nhà cho mình thức ăn nhưng không cho phụ nữ cái băng vệ sinh. Tôi quay lại thông dịch ngay với bà Marcos, lập tức bà nói ngay với ông Tobias là phải tiếp tế băng vệ sinh cho phụ nữ ở trong trại.

Trở lại chuyện cái ông mà ôm chầm lấy tôi đó. Tôi cứ bị ám ảnh mãi. Tôi mới cảm thấy rằng những cái gì mình tưởng là có vấn đề, mình tưởng vấn đề của mình to lớn qua không đương đầu nỗi. Tôi mới cảm thấy rằng chuyện của mình có gì đâu, vấn đề của mình nhỏ quá mà, còn giải quyết được mà.

Còn như ông đó, người vợ và đứa con trong bụng đều chết cả rồi, đều bị quăng xuống biển cả rồi. Thế thì chuyện của mình có gì đâu? Chính những cái đó cho tôi thêm nỗ lực để mà cố gắng vượt qua những khó khăn nhỏ bé của mình để làm được cái gì cần làm.”

Đó là tâm sự của nữ nghệ sĩ Kiều Chinh, khuôn mặt quen thuộc của phim ảnh Sài Gòn năm xưa và những phim về chiến tranh sau này ở nước ngoài.  

Vào ngày 18 tới đây, tại buổi trao giải thưởng Hành Trình Tìm Tự Do ở quốc hội mà nữ nghệ sĩ Kiều Chinh là một trong hai người được vinh danh, sẽ có diễn giả chính là dân biểu liên bang Mỹ gốc Việt Cao Quang Ánh, bên cạnh sự hiện diện danh dự của một số vị dân cử Hoa Kỳ thường chuyên tâm đến vấn đề tự do và nhân quyền ở Việt Nam.

Tưởng cần nhắc tháng Năm cũng là tháng Di Sản Văn Hoá Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, được tổng thống Bill Clinton ký ban hành khi còn tại chức.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.