Mường Nhé - thực hư ra sao?

Hồi tháng 2-2001 và tháng 4-2004, tình trạng đàn áp đẫm máu đã xảy đến cho người Thượng Tây Nguyên vì dám phản đối quan chức địa phương cưỡng chiếm đất đai và đàn áp tự do tín ngưỡng của họ.
Thanh Quang, phóng viên RFA
2011.05.10
024_240995-305.jpg Phụ nữ và trẻ em Hmong trong trang phục cổ truyền.
AFP photo

Thì nay – vào thời điểm đánh dấu biến cố 30 tháng tư năm 1975 – lịch sử đẫm máu ấy tái diễn trên thân phận khốn cùng của sắc tộc Hmong theo đạo Tin Lành thuộc vùng mạn ngược tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên ở Miền Bắc.

Rắc rối tái diễn giữa lúc giới cầm quyền gán tội cho “kẻ xấu” trong khi tô bức tranh màu hồng cho quan chức, như thường khi.

Hôm thứ Hai mùng 9 tháng 5 tuần này, báo Hà Nội Mới Online trích dẫn lời chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, ông Mùa A Sơn, cho biết rằng trước tình hình dân huyện Mường Nhé “bị kẻ xấu lôi kéo, chính quyền và các đoàn thể ở huyện Mường Nhé đã kịp thời vận động, giải thích bà con hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Từ đó người dân đã tự giác trở về nơi cư trú. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ phương tiện, lương thực, thuốc men và trợ giúp đồng bào ổn định cuộc sống”.

TTXVN cũng trích dẫn lời ông Mùa A Sơn không quên cáo giác “một số phần tử xấu đã có hành vi lừa gạt, lôi kéo bằng những luận điệu mê tín dị đoan, thậm chí khống chế bà con người Mông, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em ở bản Huổi Khon và 1 số bản lân cận ở huyện Mường Nhé tụ tập trong rừng, rêu rao về cái gọi là ‘thành lập Vương quốc Mông’ ”.

Theo TTXVN, Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Vùng Tây-Bắc cho biết hiện tình tại bản Huổi Khon ở Mường Nhé hiện đã “được giải quyết trong hoà bình”, và “tất cả đồng bào bị lôi kéo, dụ dỗ đều đã trở về quê quán”.

Trong khi đó, nhiều trang mạng nhật ký phổ biến tin của thông tấn xã Đức DPA trích dẫn phát biểu của 1 quan chức Điện Biên nhìn nhận rằng có 3 trẻ em tử vong trong cuộc biểu tình quy tụ hơn 5.000 người Hmong, và bộ đội đã giải tán cuộc biểu tình từ hôm thứ Năm, thứ Sáu tuần rồi mà không có hành động đàn áp đẫm máu nào. 

Các thông tấn xã AP, AFP thì đề cập tới hàng ngàn người biểu tình, còn Reuters trích dẫn nguồn tin ngoại giao nói là có tới 7 ngàn, qua đó, hơn hàng chục người bị cho là cầm đầu cuộc chống đối đã bị bắt và chưa biết số phận ra sao.

Bịt mắt báo giới

Giữa lúc giới cầm quyền VN không tiết lộ gì nhiều về diễn biến Mường Nhé, cũng như ngăn chận báo giới và nhà ngoại giao nước ngoài đến khu vực này, thì nhiều trang blog trích dẫn lời Tổ chức Tranh đấu cho Nhân quyền của người Hmong, gọi tắt là CPPA, tức Trung tâm Phân tích Chính sách Công quyền, trụ sở tại Hoa Kỳ, và nhiều nguồn tin Hmong, VN tại tỉnh điện Biên và dọc theo vùng biên giới Việt-Lào hôm thứ Hai mùng 9 tháng 5 cho biết ít nhất có 63 người Hmong đã bị sát hại kể từ khi cuộc biểu tình quy mô và ôn hoà của họ bùng phát cách nay hơn 1 tuần.

000_Hkg2353169-250.jpg
Cảnh sinh hoạt, mua bán của người HMong ở Sapa. AFP
Cảnh sinh hoạt, mua bán của người HMong ở Sapa. AFP
Vẫn theo CPPA, quân đội nhân dân VN vừa mới đưa các trung đoàn tác chiến tới Điện Biên để tấn công và bắt giữ hàng ngàn người Hmong theo đạo Công Giáo, Tin Lành và các tín đồ theo Thuyết Duy Linh biểu tình đòi nhân quyền, tự do tôn giáo, cải cách điền địa, chấm dứt tình trạng phá rừng, đốn gỗ lậu, giải quyết bất công xã hội.

Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN phổ biến bài tựa đề “Vụ Mường Nhé: Lại Đàn Áp” của phân tích gia Nguyễn Xuân Nghĩa, lưu ý rằng việc nhà cầm quyền VN đàn áp người Thượng ở Tây nguyên, và thậm chí đàn áp tại cả Thanh Hoá và Phú Yên, đã thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa lễ Giáng Sinh.

Tình trạng đàn áp đó đã từng xảy ra một cách có hệ thống và đều khắp ở 10 tỉnh, từ miền Trung ra tới miền Bắc. Và “bây giờ đến lượt tỉnh Điện Biên!”. Tác giả nhận xét tiếp:

“Với sức mạnh quân sự trong tay, Chính quyền Việt Nam thừa sức diệt trừ - giết chết - những người biểu tình mà thế giới bên ngoài không thể biết được. ..Chuyện người Kinh bị cũng người Kinh nhưng có chức có quyền đàn áp và cướp đất hoặc cư xử tàn ác là hiện tượng bình thường. Dân khiếu kiện tụ tập biểu tình là điều đã xảy ra và ở mọi nơi. Vấn đề không phải là chủng tộc, tôn giáo hoặc thậm chí an ninh, mà là nạn bất công và cái ách tai ngược của một hệ thống chính trị không có tự do.

Với sức mạnh quân sự trong tay, Chính quyền Việt Nam thừa sức diệt trừ - giết chết - những người biểu tình mà thế giới bên ngoài không thể biết được...

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Tiến trình chuyển hóa kinh tế thiếu mạch lạc và bất cần tới công bằng xã hội là một nguyên nhân phổ biến. Khi chánh sách quản lý kinh tế sai lầm và bất lực lại gây biến động về giá cả như hiện nay, sự bất mãn của dân chúng, nhất là thành phần thấp cổ bé miệng, sẽ càng dễ bùng nổ. Bất công xã hội giữa thành phần thị dân khá giả và đa số quần chúng nghèo khổ còn lại là một động lực bất ổn khác.

Chính quyền Việt Nam có thể thấy ra mối nguy đó, nhưng dù có muốn cải thiện cuộc sống của dân nghèo và quan tâm nhiều hơn đến các nan đề xã hội, từ y tế đến giáo dục, họ bị giới hạn bởi thực tế kinh tế chính trị Việt Nam theo "định hướng xã hội chủ nghĩa": xâm phạm vào quyền lợi của các đảng viên cán bộ làm giàu nhờ sống bám vào hệ thống kinh tế nhà nước…

Chế độ vẫn nắm quyền đàn áp trong tay nên chẳng sợ biểu tình. Khi có cái búa trong tay thì mọi vấn đề đều là cái đinh. Nhắm cho kỹ và đập cho mạnh là xong!”

Mường Nhé - Tây Nguyên thứ hai!

Blog Bô-xit VN cũng rất quan tâm “Về Cuộc Bạo Động Ở Mường Nhé”, lưu ý rằng ta cứ thay “Tây Nguyên” bằng “Mường Nhé” thì “tình hình y hệt” nhau. Và bài blog nêu lên câu hỏi rằng “Chúng ta đã học được bài học cay đắng ở Tây Nguyên chưa?”. Blog Bô-xít VN nhận xét:

“Năm 1976 dân số Tây Nguyên là 1.202.500 người; 13 năm sau, 1989, con số đó là 2.490.178 người – tức là tăng gấp đôi. Tất nhiên, bước nhảy vọt đó chủ yếu là do di dân ồ ạt, không có kế hoạch. Và như một hệ quả, rừng bị tàn phá dữ dội, với tốc độ ngày càng nhanh. Người dân tộc thiểu số vốn sống nhờ rừng, là nạn nhân đầu tiên: cuộc sống của họ bị đảo lộn, bị bần cùng.

Chỉ 4 năm sau khi công trình này được xuất bản, một cuộc bạo động lớn quả nhiên đã xảy ra ở Tây Nguyên. Chỉ cần thay “Tây Nguyên” bằng hai chữ “Mường Nhé” là ta có một tình hình y hệt.

Blog Bô-xít VN

Trong điều kiện đó, dễ hiểu là một số không nhỏ mất niềm tin vào thiết chế xã hội hiện tại, đi tìm một niềm tin mới. Hơn mười năm trước, một số nhà khoa học đã báo động: “Sẽ không là quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì “Vấn đề dân tộc” sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ.

Lời tiên tri đó của các nhà khoa học không được ai lắng nghe. Chỉ 4 năm sau khi công trình này được xuất bản, một cuộc bạo động lớn quả nhiên đã xảy ra ở Tây Nguyên. Chỉ cần thay “Tây Nguyên” bằng hai chữ “Mường Nhé” là ta có một tình hình y hệt. Trong vòng 10 năm, dân số tăng gấp đôi do dân cư ở các nơi khác đổ dồn đến. Rừng bị khai thác cạn kiệt.

Dân bản địa nghèo đi. “Đạo Vàng Chứ”(Đạo Tin Lành địa phương) phát triển rất nhanh. Và bạo động. Chúng ta đã học được bài học cay đắng ở Tây Nguyên chưa?”

Sự thật?

Qua blog Dân Làm Báo, tác giả Trần Khải có bài tựa đề “Mường Nhé?”, nêu lên câu hỏi rằng “Sự thật như thế nào? Có phải Mường Nhé đòi ly khai lập quốc? Có phải Trung Quốc muốn bẻ gãy từng chiếc đũa của đất nước Việt Nam?”. Và tác giả phân tích:

024_132904-250.jpg
Người H'Mông mua bán tại một Phiên chợ ở miền Bắc Việt Nam. AFP PHOTO
Người H'Mông mua bán tại một Phiên chợ ở miền Bắc Việt Nam. AFP PHOTO
“Nguy hiểm cho Việt Nam là: Huyện này giáp giới với Lào và với Trung Quốc, lâu dài sẽ liên tục bị nhiều thế lực quốc tế vào dễ dàng, và vì vùng này quá nghèo nên dân cũng dễ bị mua chuộc, và vì dân thất học nhiều nên cũng dễ bị hứa hẹn mê hoặc. Có ai, hoặc chính phủ quốc tế nào, tính dàn dựng cho Mường Nhé ly khai lập quốc, kiểu như vùng Đông Timor đã tách ra khỏi Indonesia để lập quốc gia mới hồi năm 2002... Hoặc, có thể chỉ đơn giản hơn, bên cạnh yếu tố tôn giáo, chỉ là vì dân chúng Mường Nhé quá đói, và vì đất rừng bị phá sạch, thế là trở thành dân oan… nên phải biểu tình? Nghĩa là, cũng y hệt như dân oan ở Sài Gòn, Hà Nội, Bình Thuận… khi mất đất sống?”

Vẫn theo tác giả Trần Khải thì “hầu như các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam đều giữ im lặng. Một phần, có lẽ vì không tìm được thông tin chính xác, phần vì sợ có một ai, hay một nhóm nào trong cuộc biểu tình Mường Nhé, thực sự là có liên hệ tới một âm mưu ly khai nào… Như thế, chính nghĩa dân chủ hóa cho đất nước Việt Nam sẽ bị nghi ngờ”.

Nhưng bài “Vụ Mường Nhé: Lại Đàn Áp” vừa đề cập ở phần trên nêu lên câu hỏi rằng “ Loạn hay trị, làm sao biết được nếu không có tự do thông tin?”.

Theo bà Christy Lee, Giám Đốc Điều Hành Tổ chức Thăng Tiến Cho Người Hmong cũng lưu ý rằng các tướng lãnh Hà Nội đưa thêm quân tới trấn áp người Hmong với những cáo giác và thông tin lệch lạc trong khi không cho giới truyền thông độc lập tới gặp người Hmong đang là nạn nhân của tình trạng bất công, đàn áp tôn giáo cùng nhiều nỗi thống khổ khác. Và bà Lee nêu lên câu hỏi rằng tại sao giới lãnh đạo đảng CSVN sợ sự thật và tại sao người dân ở Điện Biên này lại biểu tình đòi có cải cách thật sự tại VN ?

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.