Giải bài toán được mùa rớt giá

Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ đông xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm của nông dân hứa hẹn bội thu, nhưng tâm trạng người làm lúa đầy âu lo vì giá lúa đang xuống nhanh.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.02.26
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Mùa gặt lúa tại ĐBSCL. Mùa gặt lúa tại ĐBSCL.
RFA PHOTO

Giá giảm

So với hồi trước Tết giá lúa giảm hơn 1 ngàn đồng/kg. Một nông dân đang chuẩn bị gặt lúa ngay lúc chúng tôi hỏi chuyện cho biết:

“Ra đồng sửa soạn cắt, mà giá lúa năm nay ‘bèo’ quá…mấy người làm trước thương lái  thu  lúa hạt dài xuất khẩu có 4.400đ-4.450đ/kg  lúa nào đẹp lắm cũng 4.500đ là hết khả năng. Chi phí năm nay các khoản đến cắt máy cũng tăng lên, chi phí khoảng 2 triệu tới 2 triệu 200 ngàn một công. Nếu mà giá lúa 4.000 đ/kg thì nông dân lãi ít thôi, giá sàn chính phủ mua  4.500đ thì nông dân mới sống được. Cái giá lúa như vậy chắc em mua bao ‘vựa’ lại quá, mấy ông ngân hàng có muốn vô xiết nợ thì em chỉ đống lúa đó chứ giờ dân làm bán giá thấp phải ‘vựa’ lại thôi.” 

Người nông dân ĐBSCL bên cánh đồng lúa trĩu hạt của Anh. RFA PHOTO.
Người nông dân ĐBSCL bên cánh đồng lúa trĩu hạt của Anh. RFA PHOTO.
Trong khi đó vào hôm Thứ Năm 25/2 trong cuộc họp báo ở TPHCM Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) nhìn nhận giá gạo trên thị trường thế giới giảm khá mạnh so với cuối năm 2009. Theo báo Người Lao Động điện tử, giá gạo xuất khẩu đang giảm khoảng 50 USD/tấn so với thời điểm cuối năm ngoái, nên một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo yêu cầu VFA bỏ giá sàn để tạo điều kiện cho họ tìm kiếm hợp đồng mới với các đối tác đang chào mua với giá thấp. VFA không chấp thuận đề xuất, không có hợp đồng các doanh nghiệp ngưng thu mua lúa gạo trong dân, dẫn tới gía lúa gạo trong nước giảm liên tục trong thời gian qua.

Tường thuật của báo SGGP cho biết VFA giữ giá sàn gạo 5% ở mức 440 USD/tấn. Phó chủ tịch VFA ông Phạm Văn Bảy nhận định, tình trạng giá gạo thế giới giảm, tiến độ xuất khẩu của các doanh nghiệp chậm lại đã tác động thị trường lúa gạo trong nước, doanh nghiệp hạn chế mua vào đã làm giảm giá lúa khá nhiều.

         

Thứ nhất sản lượng mùa  này tương đối nhiều, thứ hai vấn đề cơ bản là đầu ra, nếu xuất khẩu được kịp thời thì tốt bởi vì kho tồn trữ mình yếu.

TS Lê Văn Bảnh.

Thông báo với báo chí, VFA cam kết mua hết 6 triệu tấn lúa hàng hóa của vụ đông xuân, từ 25-2 tới tháng 4, một số thành viên chủ chốt của VFA sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa. Riêng trong tháng 3 sẽ mua 600.000 tấn gạo nhằm giảm bớt khoảng 1.200.000 tấn lúa hàng hóa trên thị trường khi vụ đông xuân thu họach rộ. Phó chủ tịch VFA Phạm Văn Bảy cho biết 30 doanh nghiệp lớn được VFA giao chỉ tiêu mua gạo tạm trữ bên cạnh lượng gạo mua để xuất khẩu. Những doanh nghiệp này có kho tàng, nhà máy xay xát, kim ngạch xuất khẩu cao và có tài chính lành mạnh.

Hệ thống kho trữ kém

Chúng tôi trao đổi với Viện trưởng Viện Lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long về những vấn đề liên quan, trước hết TS Lê Văn Bảnh cho biết:

TS Lê Văn Bảnh: Năm nay lúa đông xuân gieo sạ trên diện tích 1.600.000 ha, theo số lúa đã thu hoạch và các trà lúa, dự đoán năng suất trên 6 tấn/ha. Như vậy lúa đông xuân năm nay trúng mùa sản lượng dự báo trên 10 triệu tấn. Trong số 10 triệu tấn này, lúa hàng hóa (xuất khẩu) khoảng từ 6 tới 7 triệu tấn.      

Nam Nguyên: Thời điểm hiện nay hệ thống kho ở đồng bằng sông Cửu Long khả năng tồn trữ đến mức nào, có thể tồn trữ lúa gạo được nhiều tháng hay không?

TS Lê Văn Bảnh: Hiện nay một số doanh nghiệp cũng như các đơn vị có xây dựng thêm kho chứa, nhưng hệ thống kho trữ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn kém. Khả năng chứa theo thông tin tôi được biết chừng khoảng 2 triệu tấn.

Nam Nguyên: Thưa TS, như thế tình hình vẫn là mua vào bán ra chứ không thể tồn trữ lâu dài chờ thời điểm tốt nhất để bán, đây vẫn là thực tế?      

TS: Lê Văn Bảnh: Vâng, đến giờ này cũng có tiến triển, một số nhà kho được xây lên, nhưng vẫn còn chậm còn yếu kém. Tình hình này cần được khắc phục trong thời gian tới.

Giá lúa giảm trong khi tiền thuê máy suốt lúa lại cao. RFA PHOTO.
Giá lúa giảm trong khi tiền thuê máy suốt lúa lại cao. RFA PHOTO.

Nam Nguyên: Thưa TS, giá lúa xuống ngay đầu vụ thu họach đang gây tâm lý bất an,  nông dân trông chờ vào vụ lúa lớn nhất trong năm?

TS Lê Văn Bảnh: Thứ nhất sản lượng mùa  này tương đối nhiều, thứ hai vấn đề cơ bản là đầu ra, nếu xuất khẩu được kịp thời thì tốt bởi vì kho tồn trữ mình yếu, thành ra cũng ảnh hưởng cho đầu ra. Thứ ba, hiện nay giá lúa cũng còn tương đối cao nhưng thực chất có hai vấn đề: mình thấy hiện nay giá lúa 4.200đ-4.300đ/kg, nhưng mà lúa khô bán được 4.600đ-4.700đ/kg. Bà con nông dân nói 4.200-4.300đ nghĩa là thu họach xong bán ngay tại ruộng không cần phải phơi khô. Hiện nay giá trên 4.000đ/kg đại đa số bà con nông dân có thể chấp nhận được.

Nam Nguyên: Giá thành 1kg lúa của nông dân được tính toán như thế nào?

TS Lê Văn Bảnh: Giá thành lúa đông xuân được tính toán tùy theo từng vùng, nhưng trung bình từ 2.000đ tới 2.500đ/kg.    

Cần liên kết

Nam Nguyên: Biện pháp để bảo đảm thu nhập người nông dân được ổn định, theo tiến sĩ sẽ phải làm gì?

Phải làm sao có sự liên kết vùng và liên kết 4 nhà cho tốt (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp).

TS Lê Văn Bảnh.

TS Lê Văn Bảnh: Phải làm sao có sự liên kết vùng và liên kết 4 nhà cho tốt (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp), nghĩa trong quá trình sản xuất liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp phải chặt chẽ. Thứ nhất doanh nghiệp phải đặt hàng, hiện nay ở Việt Nam chuyên gia chúng tôi làm ra các giống lúa rất tốt…nhưng mà khi các doanh nghiệp mua, sự tiếp cận của họ chỉ là gạo trắng, thành ra rất là khó, rất khó để nâng cao chất lượng hạt gạo lên. Thứ hai doanh nghiệp phải đặt hàng, làm giống gì chốt giá bao nhiêu và ký hợp đồng với ngừơi nông dân. có như vậy mới ổn định được. Thật ra làm được như vậy cũng có cái khó, nông dân ở đây sản xuất nhỏ lẻ độ một vài héc-ta sẽ khó cho doanh nghiệp ký hợp đồng. Như vậy người sản xuất phải liên kết với nhau làm vùng chuyên canh hợp tác với nhau, làm được vậy sẽ mang lại hiệu quả.

Vừa rồi là TS Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa Đồng Bằng sông Cửu Long, với ý kiến về giải pháp giúp người nông dân có thu nhập ổn định, giữa bối cảnh mỗi mùa lúa thường gặp giá cả lên xuống thất thường do ảnh hưởng thị trường xuất khẩu.

Trở lại cuộc họp báo của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam hôm 25/2 ở TP.HCM, Phó chủ tịch Phạm Văn Bảy cho các nhà báo thấy như đang có sự đấu trí trên thị trường gạo quốc tế, có vẻ như doanh nhân nước ngoài biết được nhược điểm của Việt Nam về tiền vốn không nhiều, hệ thống kho trữ thiếu thốn nên đã tiếp tục ép giá. Theo lời ông Phạm Văn Bảy được báo SGGP trích thuật, lợi dụng giá gạo thế giới đang giảm khá mạnh, một số nhà nhập khẩu đưa giá tham khảo để trả giá thấp đến mức độ vô lý gây hoang mang doanh nghiệp và làm rối thị trường trong nước.

Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam dự báo tình trạng giảm giá gạo trên thị trường thế giới và khó ký hợp đồng xuất khẩu hiện nay chỉ là tạm thời. Hiệp Hội dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới sẽ khởi động mạnh trở lại trong quí 2 và quí 3 sắp tới. Ông Phạm Văn Bảy nhấn mạnh rằng Hiệp Hội thống nhất chào giá gạo 5% ở mức tối thiểu 440 USD/tấn theo giá FOB giao hàng tại cảng TP.HCM. Theo lời ông, nếu không kềm giá, giá xuất khẩu có thể tiếp tục giảm và trong trường hợp đó giá lúa theo sự cảnh báo của Hiệp Hội có thể xuống dưới 3.000đ/kg. Cũng như năm ngoái năm nay Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
26/07/2010 19:54

toi muon giai bai toan

Anonymous
27/02/2010 22:38

blog 360 plus nongdan@ có những bài viết về nông nghiệp rất đáng xem xin giới thiệu cho quí báo.