Đồng bằng Sông Cửu Long: Khi nước lũ không về
2010.10.22
Mong chờ lũ
Người nông dân trồng lúa ở vùng sông nước Tây nam bộ lo lắng cho tình trạng thiếu lũ năm nay qua thực tế trên đồng ruộng:
“Năm nay đất em không có lũ, vùng tứ giác Long Xuyên có lũ về mang phù sa mới trúng được. Năm nay mặt nước quá ít đi không biết vụ đông xuân làm sao đây? Theo âm lịch thì tháng 9 là nước vào đồng rồi, nửa chặng tháng 9 là nước đầy đồng rồi, vậy mà quê em bây giờ đồng chưa có nước. Trong khi ngoài sông nước lớn vẫn còn đóng cống.”
Năm nay đất em không có lũ, vùng tứ giác Long Xuyên có lũ về mang phù sa mới trúng được. Năm nay mặt nước quá ít đi không biết vụ đông xuân làm sao đây?
Nông dân ĐBSCL
Năm nay nước lũ không về, hậu quả của tình trạng này không chỉ đơn thuần là thiếu đi những hình ảnh thơ mộng của những mùa nước nổi của miền Tây. Sự sống ở đồng bằng sông Cửu Long được điều tiết bằng những mùa nước lũ như nhận định của TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung Tâm thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An thuộc Trường Đại học Cần Thơ:
“Đối với những hộ quen sống trên vùng lũ, lũ thấp như vậy bị thiệt hại rất nhiều, một trong những nguồn thu của họ là từ đánh bắt cá. Rất nhiều hộ mỗi mùa lũ như vậy có thu nhập cao hơn rất nhiều mùa trồng trọt tiếp theo. Năm nay lũ về thấp như vậy họ bị giảm thu nhập đáng kể, nhiều hộ phải di chuyển khá xa lên phía thượng nguồn sang tới bên phía Campuchia mới có thể đánh bắt được cá. Về nông nghiệp chúng ta có thể coi mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long giống như mùa đông ở các nước ôn đới vậy. Có nghĩa là mùa đó làm cho chu kỳ dịch bệnh côn trùng giảm. Như vậy nếu không có lũ, đối với mùa lúa sắp tới người nông dân phải đối diện với vấn đề côn trùng và dịch bệnh rất nghiêm trọng.”
TS Dương Văn Ni cũng đánh giá chung về những tác dụng tốt sẽ bị mất đi, đồng thời phát sinh nhiều hậu quả tai hại, nếu mực nước lũ quá thấp xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long như năm nay.
“Kết quả mà chúng tôi theo dõi trong vòng 20 năm cho thấy rất rõ, ngoài vấn đề họ phải bón phân nhiều hơn vì đồng ruộng không được phù sa bồi bổ, đồng ruộng không được tẩy rửa những chất độc mà sau một mùa lúa còn sót lại thì họ phải sử dụng nhiều thuốc sâu. Đặc biệt là chuột rất là nhiều, vì mùa lũ là mùa làm cho cái sinh thái chuột không thể nâng mật độ lên cao được. Nhưng những năm lũ thấp như thế này loài chuột có cơ hội nâng mật độ lên rất cao.”
Mặn sẽ xâm nhập
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Dương Văn Ni đưa ra những khó khăn có thể thấy trước. Theo đó, mùa lúa sắp tới người dân đồng bằng sông Cửu Long phải đối diện cùng lúc nhiều khó khăn. Ngoài chuyện họ phải sử dụng rất nhiều phân bón thuốc sâu, cái khó khăn nữa là nước mặn bởi vì khi lũ thấp như vậy thì nước mặn sẽ xâm nhập rất là sớm với khả năng vào rất sâu. Nhiều vùng ven biển mặn ngọt sẽ thiếu nước ngọt rất sớm.
Thứ hai nữa lũ thấp như vậy, thì nó không bổ sung được vào những vùng lưu trữ tự nhiên ở trong đồng ruộng, thành ra năm nay chi phí về bơm nước sẽ tăng rất cao. Và dĩ nhiên những lợi ích khác đi kèm theo nước lũ thí dụ như vệ sinh môi trường dịch bệnh…đặc biệt là muỗi chẳng hạn, năm nay nguy cơ sốt xuất huyết ở đồng bằng sông Cửu Long là đáng báo động. Như vậy tới mùa nắng này mực độ về dịch bệnh sẽ tăng.
Ngành nông nghiệp rất lo vì năm nay lũ thấp hoặc là gần như không có lũ. Lũ càng cao nguồn lợi càng nhiều, thu hoạch cá tôm nhiều nhưng điều quan trọng là lượng phù sa.
TS Lê Văn Bảnh
Các báo điện tử Vietnam net, Saigon Giải Phóng, Đại Đoàn Kết đưa lên mạng những bài viết để mô tả điều gọi là “Miền tây đói… lũ”, “Đồng bằng sông Cửu Long mùa không nước nổi” hay “Lũ không về, nông dân thiệt đơn thiệt kép”.
Trước tình trạng ruộng đồng khô cạn nước lũ không về, giá lúa lại đang cao đầy hấp dẫn, nông dân đông bằng sông Cửu Long đã bơm nước, gieo sạ sớm vụ đông xuân được hơn 200 ngàn héc-ta trên tổng diện tích 1.650.000 héc-ta của toàn vụ. Nếu gieo sạ đồng loạt và đúng lịch thì phải từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12.
Một nông dân miền Tây bộc bạch: “Âm lịch hai mươi tháng chín hoặc mùng năm mùng mười tháng 10, em bơm nước là ‘trục sạ’. Hôm rày mình làm lúa rồi, mình cũng cày ải phơi đất rồi, em tính năm nay là làm sớm hơn mọi năm. Hồi trước giờ này là có lũ về rồi, năm nay Đài khí tượng nói lũ về chậm và ít hơn năm rồi, thì em nghe vậy nhưng trên mặt đồng em bây giờ không có nước, em cũng cày ải để đó thôi hai mươi tháng chin (âm lịch) em bơm nước lên ‘trục xạ’ chứ bây giờ trong đồng không có nước.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
Chính phủ đã có hướng qui hoạch lại vùng trồng lúa, thứ hai nghiên cứu những giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu như nắng nóng, khô hạn, ngập mặn, ngập úng.
TS Lê Văn Bảnh
“Ngành nông nghiệp rất lo vì năm nay lũ thấp hoặc là gần như không có lũ. Lũ càng cao nguồn lợi càng nhiều, thu hoạch cá tôm nhiều nhưng điều quan trọng là lượng phù sa, năm nào lũ cao năm đó chắc chắn trúng mùa. Năm nay lũ thấp, thiệt hại nguồn lợi cá tôm mình không nói, phù sa không về là một vấn đề cần phải khuyến cáo bà con nông dân, lũ còn có tác dụng rửa phèn rửa trôi đi những mầm móng dịch bệnh. Ngoài chuyện ấy, đáng lo hơn nữa là hiện nay giá lúa tương đối cao, thông thường người ta phải chờ lũ đúng thời vụ gieo sạ đồng lọat khuyến cáo của ngành nông nghiệp là như vậy để tránh rầy nâu vàng lùn lùn xoắn lá và dịch bệnh, nhưng trường hợp không có lũ hoặc lũ thấp như hiện nay, ngành nông nghiệp và địa phương không chỉ đạo đúng mức thì với giá lúa hấp dẫn như hiện nay, bà con nông dân sẽ tự phát cứ nơi nào gieo sạ được là làm không đúng mùa vụ, gieo sạ không đồng loạt sẽ gây ra dịch bệnh rất đáng lo.”
Do biến đổi khí hậu?
Nguyên nhân của tình trạng thiếu lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, theo TS Dương Văn Ni, thì suy cho cùng vẫn là do con người kể cả biến đổi khí hậu là mức độ toàn cầu. Ngay tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguyên nhân cục bộ giữa các tỉnh với nhau. Qui hoạch dẫn tới việc một số vùng thuận lợi về nguồn nước nhưng đẩy một số vùng khác vào chuyện rủi ro thiếu nước. TS Ni nhấn mạnh tới mật đô dân cư 18 triệu đông đúc và tiếp tục tăng nhanh ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng là một nguyên nhân của tình trạng thiếu nước và ô nhiễm đối với một vùng đất khá bằng phẳng độ dốc thoát nước ít. Trong khi đó sự nôn nóng phát triển tăng tỷ lệ công nghiệp trên nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long cũng góp phần vào tình trạng rủi ro nguồn nước hiện nay. Nguyên nhân tiếp theo được nói tới là vị trí đồng bằng nằm ở cuối một dòng sông rất là dài song Mekong, những gì xảy ra ở thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu hết. Những nước ở thượng nguồn như Campuchia, Lào. Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc, những chất thải của khu dân cư thành phố khu công nghiệp họ cũng thải xuống sông, áp lực ô nhiễm đẩy xuống vùng đồng bằng rất là lớn. TS Dương Văn Ni tiếp lời:
“Thêm vào đó do nhu cầu phát triển, nhiều quốc gia xây dựng những khu công nghiệp lớn, chuyển đổi nhiều vùng đất tự nhiên, vùng rừng thành sang canh tác nông nghiệp và như vậy nhu cầu nước cho nông nghiệp cũng như công nghiệp của các quốc gia này cũng tăng lên. Và khi thượng nguồn họ sử dụng nhiều nước như vậy thì nó cũng làm hạn chế lượng nước chảy về đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong cái mà nhiều người hiện nay đang bàn tán là chuyện các nước ở trên dòng sông đã xây dựng quá nhiều đập thủy điện. Những đập này bản thân nó đã là một rào cản rồi, nhưng nguy cơ lớn nhất là sự vận hành những đập này không được chia xẻ thông tin với nhau thành thử ra mỗi quốc gia đều cố gắng vận hành để mà đạt được hiệu quả tối đa cho mình thì làm cho những quốc gia phiá hạ nguồn chịu tác động nặng nề hơn.”
Nguyên nhân và hậu quả của việc thiếu nước ngọt thiếu lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã được đề cập nhiều. Đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã và đang làm gì để đối phó với vấn đề này. TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Chính phủ đã có hướng qui hoạch lại vùng trồng lúa, thứ hai nghiên cứu những giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu như nắng nóng, khô hạn, ngập mặn, ngập úng …thứ ba là bố trí giống cây trồng cho phù hợp, thứ tư là áp dụng kỹ thuật thích ứng thích nghi với biến đổi khí hậu. Cuối cùng là tìm cách phối hợp với các nước trong vùng tạo mối liên kết trong vấn đề nước sông Mekong. Đặc biệt các nước Đông Dương cần ngồi lại với nhau vì nước sông Mekong không chỉ ảnh hưởng cho một mình Việt Nam.”
Những hình ảnh nước lũ mênh mông ở đồng bằng sông Cửu Long như trong bộ phim Mùa Len Trâu có thể sẽ không còn nữa. Thực tế người dân miền Tây đã từng năm, từng năm thấy lũ về ít hơn muộn hơn và có thể không có lũ như năm nay, nhưng người nông dân cần cù ở đồng bằng sông Cửu Long đang quen dần với tình trạng chấp nhận những mùa lũ không có lũ.
Theo dòng thời sự:
- Chính quyền địa phương gây khó khăn cho đoàn cứu trợ lũ lụt
- Slideshow: Trận lụt lịch sử tại Hà Tĩnh
- Cập nhật tin lũ ở Bắc Trung Bộ: đã có 32 người chết
- Nhìn về Hà Nội, nghĩ đến miền Trung
- Hà Nội tưng bừng lễ hội, miền Trung tang thương
- Video: Lũ lớn tàn phá miền Trung Việt Nam
- Thảm cảnh miền Trung sau trận lũ kinh hoàng
- Thừa Thiên-Huế: mưa lớn, ngập nặng
- Dân Huế đón nhận Festival 2010 ra sao?